Phan Minh Châu - Người vẽ Hà Nội qua cầu Long Biên
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Có lúc tôi đứng vẽ nhiều tiếng đồng hồ liền và quên mọi thứ" Nhà văn viết cho thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh được tôn vinh Hiệp sĩ Dế Mèn Ký ức của nghệ sĩ chụp ảnh Bác |
Nhắc đến Phan Minh Châu với cương vị họa sỹ, có thể nhiều người sẽ ngỡ ngàng, vì họ đã quen với hình ảnh chị trong vai trò một ca sỹ nổi danh từ rất lâu, khi phong trào ca hát trong giới sinh viên còn đang ở đỉnh cao. Ngày ấy, chị là thành viên cốt cán của nhóm Ca khúc sinh viên gồm những người được giải nhất ca nhạc của các trường đại học Thủ đô. Rồi chị lại được giải nhất trong cuộc thi hát tương tự như Sao Mai điểm hẹn ngày nay, mà trong cuộc thi đó nữ danh ca Hồng Nhung được giải đặc biệt.
Lẽ ra chị đã theo nghề ca hát chuyên nghiệp nếu như số phận không đưa chị về Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, nơi mà chị dành cả thời sung sức nhất để đào tạo ra những tài năng nghệ thuật, cho cả phong trào và cho cả chuyên nghiệp. Trong những năm ấy, Phan Minh Châu đã tạo mọi điều kiện cho những người làm nghệ thuật có cơ hội để phát triển, để mài giũa, để sau này có những trải nghiệm mà yên tâm bước đi trên con đường gian nan ấy.
Bẵng đi một thời gian, Phan Minh Châu không xuất hiện ở những nơi đông người, những cuộc thi mà chị hay làm giám khảo, những hoạt động nghệ thuật phong trào và cả bán chuyên nghiệp. Lý do đơn giản là chị đã tìm thấy mình, một lần nữa, trong hội họa. Đầu tiên cũng chỉ là đam mê, là khám phá, bởi với tố chất nghệ sỹ tiềm tàng, Phan Minh Châu luôn yêu thích cái mới, cái lạ. Nhưng càng vẽ, chị càng thấy đây mới chính là môn nghệ thuật hợp với mình nhất. Và đề tài mà chị vẽ từ ngày đầu cầm cọ đến lúc này, là cầu Long Biên.
Đề tài mà Phan Minh Châu vẽ từ ngày đầu cầm cọ đến lúc này là cầu Long Biên. |
Với Phan Minh Châu, cầu Long Biên như một chứng nhân của lịch sử, của những thăng trầm trong cuộc sống. Không chỉ bởi vẻ đẹp về kiến trúc, như chị tâm sự, là bởi vẻ đẹp đó là điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Cầu Long Biên, qua từng ấy năm, qua cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vẫn sừng sững đứng đó. Mỗi khi trở về, nhìn thấy cầu Long Biên, người ta có cảm giác là mình đã về đến Thủ đô yêu dấu. Phan Minh Châu yêu cầu Long Biên đến mức ngay cả trong những bức tranh vẽ về chủ đề khác, bạn bè và đồng nghiệp vẫn nhận ra thấp thoáng hình ảnh của cây cầu lịch sử ấy.
Bắt đầu vẽ từ năm 2004, khi Cung Văn hóa Hữu nghị Việt xô, nơi chị công tác lúc ấy, quy tụ rất nhiều họa sỹ tài danh, đến năm 2007, một sự tình cờ đã khiến Phan Minh Châu thêm vững tin vào lựa chọn của mình. Năm ấy, một Việt kiều Pháp yêu và hiểu hội họa đã tìm đến xưởng vẽ của chị, xem tranh và ngay lập tức mở cho chị một cuộc triển lãm ngay trên cầu Long Biên. Chị kể, lúc đó tâm trạng cực kỳ phấn khích, bởi mình đã được thừa nhận.
Sau cuộc triển lãm đầy ấn tượng đó, chị có thêm một số lời đề nghị mua tranh, nhất là những bức vẽ về cầu Long Biên. Nhưng lúc đó, Phan Minh Châu nhất quyết không bán, cho dù số tiền đề nghị không phải là nhỏ. Chị bảo, cảm giác lúc đó là không muốn rời xa những đứa con tinh thần của mình, bởi chị sợ cái cảm giác một ngày nào đó sẽ không còn vẽ được như thế nữa.
Dù Phan Minh Châu biết rằng sau này, có thể những tác phẩm của mình sẽ điêu luyện hơn về đường nét, về màu sắc, về bố cục cũng như ý tưởng, nhưng cái cảm xúc của ngày đầu hối hả đam mê ấy chưa chắc đã trở lại. Chị bảo, có lẽ bây giờ sẽ nghĩ khác nhưng hồi đó, chỉ nghĩ là phải giữ những đứa con tinh thần của mình lại, dù biết rằng đã theo con đường hội họa này, là rất cần đến tiền để trang trải cho chi phí mua vật liệu vẽ vốn chưa bao giờ là rẻ cả.
Phan Minh Châu vẽ cầu Long Biên trong miệt mài, trong cơn say sáng tạo. |
Nhưng chị vẫn còn niềm an ủi là một trong số những bức tranh vẽ cầu Long Biên ấy của chị đã được đưa vào sách hội họa của Pháp. Với chị, đó là một niềm hãnh diện, là một bảo chứng về khả năng hội họa của mình, và đương nhiên, là một niềm vui lớn. Vì Phan Minh Châu biết, mình đã đi đúng hướng, đã tìm lại thấy con người nghệ thuật của mình trong hội họa. Những ngày mới cầm cọ, nếu không được các thầy đi trước phát hiện và cổ vũ, chưa chắc chị đã toàn tâm toàn ý cho ngày hôm nay.
Bây giờ, Phan Minh Châu vẫn vẽ cầu Long Biên bên cạnh những chủ đề khác. Trong miệt mài. Trong cơn say sáng tạo. Trong những góc nhìn mới lạ của chị về cây cầu lịch sử ấy. Có lúc là cây cầu Long Biên bình yên vững chãi trong cơn lốc của thời gian, của đổi thay. Có lúc, lại là cây cầu Long Biên cổ xưa, hiền dịu, mặc nhiên chứng kiến và chia sẻ với số phận con người. Có lúc, cây cầu lại là nơi neo đậu cho những cảm xúc của chị về những phận người nổi trôi theo con nước hai bên dòng sông Hồng mà trong tiềm thức của người Việt từ xưa đến nay, đã là dòng sông Cái, dòng sông Mẹ.
Hỏi chị sắp tới có mở triển lãm cá nhân không, bởi số lượng tranh của chị hiện giờ khá nhiều và đã được đồng nghiệp cũng như bạn bè đánh giá cao, Phan Minh Châu bảo, chắc chắn sẽ có. Bởi chị tuy không muốn làm những việc rình rang, nhưng cũng là dịp để bạn bè đồng nghiệp gặp gỡ, và cũng là dịp để Phan Minh Châu tự đánh giá lại con đường sáng tác của mình.
Nguyễn Toàn Thắng
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (25/11): Dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước sẽ tăng mạnh trong tuần mới?
Tỷ giá USD hôm nay 25/11: Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.295 đồng
Nền tảng quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Dự báo giá vàng tuần từ 25-30/11: Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/11: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng
Giá vàng hôm nay 25/11: Chưa có dấu hiệu giảm
Tin khác
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43