Ở nơi khi xưa là Đấu xảo
Vinh dự đóng góp cho thành công Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI | |
Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô: Nơi ghi dấu các sự kiện trọng đại |
Trong số những bưu ảnh xưa chụp Hà Nội, người ta thấy khá nhiều bưu ảnh chụp cuộc đấu xảo diễn ra vào năm 1902 trước một “lâu đài” khá đồ sộ. Thực ra, “Đấu xảo” là một cách gọi tên của cái mà ngày nay chúng ta thường dịch từ chữ “exposition” tức “triển lãm”.
Thời Pháp thuộc, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng bảo hộ ngày 2.5.1886, Toàn quyền Paul Bert đã bày tỏ ý định lập một cuộc triển lãm các sản phẩm tự nhiên hoặc gia công của Bắc Kỳ để làm cơ sở cho một Bảo tàng Canh nông, Thương mại và Kỹ nghệ sau này.
Đấu xảo khi mới ra đời. |
Theo đó, cuộc triển lãm về chuyên đề nói trên đã lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1887, nhưng cuộc triển lãm có quy mô lớn nhất và có sự tham dự của nhiều quốc gia thì phải đến năm 1902 mới diễn ra. Nó khá đặc sắc, bởi năm đó còn diễn ra một sự kiện trọng đại là khánh thành chiếc cầu thép khổng lồ bắc qua sông Hồng, sau này mang tên cầu Long Biên.
Khu Đấu xảo rộng khoảng 3.000m2, có quy mô lớn và vẻ đẹp được coi là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc nhất ở Hà Nội vào thời điểm 10 năm trước khi Nhà hát Lớn Hà Nội được khai trương (1911). Từ cổng ngoài đến cửa vào nhà dài 300m. Cửa vào đặt 2 con sư tử đồng lớn (là dấu tích duy nhất còn sót lại của khu Đấu xảo, nay được dựng ở ngoài Rạp Xiếc trung ương). Giữa quảng trường đặt một tốp tượng. Công trình dài 110m, rộng 30m và cao 27m, giữa là một gian mái tròn nối với các gian khác bằng nhiều hành lang. Hai phía gian đầu có những mái tròn nhỏ hơn. Trong lâu đài trang trí bằng nhiều tranh vẽ lên tường của họa sĩ Vollet.
Toà nhà này sau đó được chuyển giao để thành lập một bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương, mang tên Maurice Long. Đây được xem là số ít công trình đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động. Bởi lẽ, viên giám đốc Crevost đã mở trường thủ công, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân ở các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh thời đó.
Chính tại khu vực nhà đấu xảo này, chiều 1.5.1938, đã diễn ra cuộc mít-tinh biểu tình rầm rộ chào mừng Ngày Quốc tế Lao động với sự tham dự của 25.000 người thuộc 25 đoàn. Đây là cuộc mít-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động, do nhóm “Tin tức” (nhóm cộng sản hoạt động công khai của Đảng) đã vận động chi nhánh Đảng xã hội của Quốc tế thứ 2 đứng ra xin phép thực dân Pháp cho tổ chức. Cùng thời gian, tại Sài Gòn cũng có một cuộc mít-tinh tương tự được tiến hành.
Thời kỳ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc vận động Dân chủ 1936-1939 đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú: Phong trào Đông Dương đại hội, phong trào đòi dân sinh - dân chủ của công nhân, nông dân và quần chúng nhân dân, phong trào đấu tranh nghị trường và báo chí công khai…
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. |
Tham dự cuộc mít tinh ở Đấu xảo có 25 đoàn, gồm đủ các ngành, các giới, các nghề nghiệp như: Thợ máy, công nhân hoả xa, thợ in, thợ ảnh, phu xe, nhà văn, nhà báo, thanh niên, chí thức, công nhân tư gia, thợ thất nghiệp, phu khuân vác, phụ nữ… Đoàn đông nhất có tới 2.000 người, đoàn ít nhất cũng ngót 100 người… Tất thảy đều hàng ngũ chỉnh tề, mang nhiều cờ, hoa, biểu ngữ, trước khi tới khu vực Đấu xảo đã tuần hành qua các phố, hô vang các khẩu hiệu, thu hút sự chú ý của dư luận và đông đảo quần chúng nhân dân.
Các nguồn tư liệu cho thấy, trước lễ đài cuộc mít-tinh có các khẩu hiệu lớn được trưng cao: “Ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp”, “Đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương”, “Chống nạn thất nghiệp”, “Đi tới phổ thông đầu phiếu”, “Tự do dân chủ”, “Chống phát- xít và đấu tranh chống nạn sinh hoạt đắt đỏ”… Khi cuộc mít-tinh khai mạc, sau Quốc ca Pháp, quần chúng đã hát vang bài “Quốc tế ca”. Tiếp đó, 12 lá cờ đỏ khổ lớn của 12 đoàn thể nhân dân được giương cao, chào đón những đại biểu lên phát biểu ý kiến như: Trần Văn Lai, Mútter, Capuýt - đại biểu Đảng Xã hội; Trần Huy Liệu - đại biểu nhóm cộng sản hoạt động công khai, nhóm “Tin tức”; Trần Văn Hoè - đại biểu thợ máy; Mai Khắc Thể - đại biểu nông dân; Nguyễn Thị Thảo - đại biểu phụ nữ; Nguyễn Văn Mô - đại biểu tiểu thương… xen vào các bài phát biểu, máy truyền thanh lại phát ra “Quốc tế ca” và mọi người đều hưởng ứng hát theo, khiến không khí trong khu vực rất sôi động.
Cuộc mít-tinh kéo dài vài tiếng đồng hồ, số lượng người tham gia rất đông, nhưng vẫn rất trật tự. Bọn thống trị Pháp rất căm tức, nhưng đứng trước một cuộc mít-tinh lớn có hàng vạn người tham gia, có tổ chức, có kế hoạch, có chỉ đạo chặt chẽ như thế, chúng cũng đành bất lực.
Sau này, khi Nhật vào Đông Dương, chúng chiếm Đấu xảo làm doanh trại và kho quân lương, quân khí, vì nơi đây có một tầng hầm kiên cố, xây bằng đá hộc. Đây là nguyên nhân khiến cho toà kiến trúc đẹp đẽ biến mất sau trận ném bom bởi máy bay của quân Đồng minh.
Sau khi Nhật thua trận, đầu hàng, Đại đội Tự vệ Thành Hoàng Diệu chuyển sang đóng ở Đấu xảo. Từ đó, khu Đấu xảo rộng lớn trờ thành nơi vừa là vị trí đóng quân chủ yếu của đơn vị tự vệ, vừa là trụ sở của Ban chỉ huy tự vệ Thành và Trường Đào tạo cán bộ tự vệ của thành phố. Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12.1946), những chiến sĩ tự vệ chiến đấu tại khu Đấu xảo đã nêu cao tinh thần cách mạng góp phần đẩy lùi cuộc tiến công của địch.
Từ Đấu xảo tới Nhà hát Nhân dân và nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, nơi đây đã ghi đậm những dấu ấn lịch sử trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Hà Thành
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:41
Hợp tác để tạo bước đột phá thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:23
Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư 3 cây cầu lớn qua sông Hồng
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 16:44
Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 13:51