Những chiến sĩ y tế “sống vội” trong mùa dịch
Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương
Những ngày này, số ca dương tính Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục xuất hiện, đồng nghĩa với các hoạt động lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… cũng phải tăng cường và khẩn trương hơn. Đặc biệt thời gian qua, Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với khu vực có nguy cơ và đối tượng nguy cơ. Hoạt động nhằm mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, nên công việc của nhân viên y tế dự phòng càng thêm gấp gáp hơn bao giờ hết.
Anh Nguyễn Công Bình lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân |
Trải qua nhiều đợt dịch, nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Công Bình, thành viên trong đội cơ động phản ứng nhanh thuộc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cảm thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này.
“Ngày, đêm cuốn vào guồng quay của công việc, không ai ngơi tay. Mọi việc riêng đều phải gác lại để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Có những hôm chúng tôi xuyên ngày, xuyên đêm làm việc từ 7h30 sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Trở về cơ quan, tranh thủ chợp mắt vài tiếng là lại tiếp tục công việc ngày mới như bình thường. Vất vả nhất các nữ đồng nghiệp, có đợt ban ngày thực hiện tiêm phòng cho người dân, tối bổ sung vào đội điều tra lấy mẫu xét nghiệm, nên đã có nhiều người ngất xỉu vì quá sức”, anh Bình chia sẻ.
Anh Bình hiện đang làm việc tại Khoa Kiểm soát Bệnh tật - Khoa chủ đạo của Trung tâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, từ điều tra dịch tễ, truy vết, kể cả hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm anh đều tham gia… nên chưa có một ngày nghỉ. Nhất là trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, anh Bình cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, anh không thể thống kê, hay nhớ nổi mình đã lấy bao nhiêu mẫu, vì con số quá nhiều.
“Điển hình tại chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn) ngay khi có ca mắc, tôi và các đồng nghiệp tại Trung tâm đã tham gia lấy 600-700 mẫu/ngày, trong đó có 2-3 trường hợp dương tính. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên lấy mẫu cho những đối tượng ho, sốt trên địa bàn toàn quận… nên con số mẫu lấy không thể đếm nổi”, anh Bình chia sẻ.
Công việc vất vả, nhân lực mỏng trong khi địa bàn rộng, nên những nhân viên y tế dự phòng như anh Bình luôn trong tình trạng “trực chiến” nhận nhiệm vụ. Hễ nhận được thông báo từ lãnh đạo dù trên zalo, điện thoại, hay face book… là xách đồ nghề lên đường bất kể giờ giấc. “Thậm chí, có hôm về nhà, vừa phụ vợ bế con chưa ấm tay, lại phải lên đường làm nhiệm vụ vì điện thoại thông báo có ca mắc mới, cần điều tra, truy vết dịch tễ ca bệnh. Vợ tôi mới sinh con chưa đầy 2 tháng, nhưng do công việc nên tôi đành phó mặc việc chăm con cho vợ. May mắn, vợ tôi cũng làm trong ngành Y nên hiểu và cảm thông với công việc của chồng”, anh Bình chia sẻ.
Anh Lê Huỳnh tại chốt kiểm soát dịch |
Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, bởi vậy, song song với công tác chuyên môn, nhiều nhân viên y tế dự phòng còn được điều động hỗ trợ trực chốt kiểm soát dịch. Là một trong những nhân viên y tế chuyên trách Dịch tễ - Sốt rét tại Trung tâm Y tế phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) anh Lê Huỳnh cho biết: Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, tôi vừa đảm nhận nhiệm vụ điều tra khoanh vùng và truy vết các F, vừa tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận. Đồng thời nằm trong đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của quận, bởi vậy cứ có lệnh là anh Lê Huỳnh lên đường.
Đặc biệt, từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, ngoài việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, anh Lê Huỳnh còn phụ trách trực chốt kiểm soát dịch. “Cùng với các lực lượng như công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố tại các chốt kiểm soát dịch, chúng tôi vừa để kiểm soát người ra, vào; kiểm soát sự di biến động của người dân. Đồng thời, chúng tôi sẽ tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; các vi phạm chỉ thị của Chính phủ và Thành phố…”, anh Lê Huỳnh chia sẻ. Được biết, chốt kiểm soát dịch anh Lê Huỳnh phụ trách, cũng là một trong những điểm trực duy trì 24/24 trên địa bàn, bất kể mưa nắng.
Không chỉ riêng trường hợp anh Lê Huỳnh, anh Bình mà lực lượng cán bộ, nhân viên y tế còn lại cũng trải qua nhiều đêm dài không ngủ, miệt mài, thầm lặng chiến đấu với SARS-CoV-2. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc, thì việc ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương với đội ngũ nhân viên y tế dự phòng là những câu chuyện trở lên quá đỗi bình thường. Hình ảnh những nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt trên xe cứu thương, tại khu xét nghiệm trong bộ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh, bức bí sau nhiều giờ làm việc liên tục khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Làm việc không có khái niệm thời gian
Thực sự, chưa có dịch công việc của nhân viên y tế dự phòng đã vất vả, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công việc của họ càng vất vả gấp bội phần. Hai năm xuất hiện dịch Covid-19, cũng là từng đó thời gian các nhân viên y tế dự phòng quay cuồng trong công việc. Công việc gần như chiếm trọn thời gian trong ngày, bởi vậy, thời gian cho gia đình không trọn vẹn, còn khái niệm nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ Tết… cũng trở lên xa xỉ.
Nhân viên y tế dự phòng luôn phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh và bức bí |
Như anh Bình, mặc dù quê ở ngay Vĩnh Phúc, mà hai năm trở lại đây anh chỉ về quê được đôi ba lần. Mà lần nào cũng về tranh thủ sáng đi, chiều về. Và lúc nào cũng trong tâm thế “trực chiến” điện thoại cơ quan gọi lúc nào là lên đường lúc đó. “Thực sự gần 2 năm nay, những cán bộ y tế dự phòng như chúng tôi không biết cuối tuần là gì, thậm chí mùng 3 Tết đã xuống họp, trực Covid-19. Đi làm nhiều khi không còn khái niệm thời gian, không biết và không quan tâm hôm nay là thứ mấy, vì ngày nào cũng đi làm như nhau cả”, anh Bình chia sẻ.
Tương tự, anh Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch thuộc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tâm sự, công việc phòng, chống dịch Covid-19 gần như chiếm cạn thời gian của bản thân, nên không có thời gian cho gia đình. “Nhiều lúc đang trong ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, vợ con gọi tôi cũng không thể nghe. Đến khi xong việc thì nhà đã đi ngủ. Cũng có khi vợ dỗi, nhưng giận rồi lại thôi, bỏ qua vì hiểu công việc của chồng; còn con thì lúc nào gặp qua chát video trên zalo cũng nói: "Bố bắt con Covid, xong về cho con đi chơi”…” - anh Sơn bỏ ngang câu nói.
Có thể nói, những khó khăn, vất vả và sự hy sinh cống hiến của hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế dự phòng đang ngày đêm làm nhiệm vụ thật khó để diễn tả hết bằng lời. Nhiều người vẫn nói, nghề này vinh quang thì ít mà khó khăn thì nhiều. Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức phải mặc trong nhiều giờ liền vẫn là những nụ cười, vẫn là nhiệt huyết, sự tận tâm của họ với công việc đã lựa chọn. Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của những nhân viên y tế dự phòng, đã góp phần không nhỏ cùng ngành Y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm.
Vậy mà nhiều khi xuống địa bàn các nhân viên y tế dự phòng không khỏi bất lực và buồn lòng khi thấy một số người dân vẫn còn bàng quan, thời ơ, chủ quan với công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Nhiều trường hợp chúng tôi đến lấy mẫu xét nghiệm vẫn còn tụ tập đầu hè, cuối ngõ, thậm chí sang nhà nhau chơi. Nhiều khi chúng tôi phát bực vì thấy sự cố gắng của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch như là vô ích. Chỉ đến khi biết mình chuẩn bị phải đi cách ly tập trung thì người dân bắt đầu mới lo lắng, sợ sệt, khóc lóc…”, anh Sơn kể lại.
Dù vất vả nhưng đội ngũ nhân viên y tế dự phòng vẫn luôn động viên nhau cố gắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao |
Hay, điều khiến lực lượng y tế dự phòng lo sợ, là hiện nay đã có tình trạng người dân có tâm lý xem nhẹ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người không đeo khẩu trang, không khai báo y tế… dẫn đến việc khoanh vùng, truy vết gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo anh Lê Huỳnh, dù công việc vất vả, áp lực, nhưng điều khiến anh buồn hơn là nhiều người dân biết nhưng vẫn vi phạm các quy tắc phòng, chống dịch, hoặc thực hiện nhưng không nghiêm túc. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch đa số người dân đều hợp tác. Tuy nhiên, vẫn còn sốt ít trường hợp cá biệt vi phạm, thậm chí còn nhiều lần sai phạm ra đường không có lý do chính đáng, không thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội…” anh Lê Huỳnh kể lại.
Trong hành trình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh như hiện nay thì việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cùng với quá trình truy vết F0 là một bài toán sống còn, giúp ngăn chặn dịch bệnh. Càng phát hiện sớm những người tiếp xúc gần với F0 thì càng sớm kiểm soát chuỗi lây nhiễm. Đây là một quá trình vô cùng khó khăn vì còn phụ thuộc nhiều vào sự hợp các của người dân.
Trong khi, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế và cùng sức mạnh toàn dân sẽ là vũ khí quan trọng để chúng ta có thể sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Mọi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tất cả sự hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế dự phòng nói riêng rất có thể sẽ trở thành vô nghĩa nếu vẫn còn những cá nhân vô trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về động lực giúp bản thân bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong công việc suốt thời gian qua anh Lê Huỳnh cho biết: “Tôi từng là một người lính nghĩa vụ, một người Đảng viên, bởi vậy nếu đã nhận công việc thì tôi luôn phải gương mẫu đi đầu, xác định hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó. Bên cạnh đó, thì gia đình, người thân luôn bên cạnh động viên tạo điều kiện cho tôi tập trung vào công việc, đó chính là nguồn động lực to lớn, giúp tôi thêm bền bỉ và dẻo dai cùng với mọi lực lượng chức năng chiến đấu để đẩy lui dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân”. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bay cao con nhé!
Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo
Truy tố cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và đồng phạm
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 sắp diễn ra tại Hà Nội
Bắt quả tang tàu khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng trong đêm
Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Quy định lại thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản
Tin khác
Bay cao con nhé!
Văn hóa 26/11/2024 21:55
Đảo Ngọc Ngũ Xã hóa phim trường tái hiện ký ức Hà Nội thời bao cấp
Du lịch 26/11/2024 18:15
Khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại
Văn hóa 26/11/2024 10:00
Gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì kháng thuốc
Y tế 26/11/2024 08:01
Khói bếp chiều đông
Văn hóa 26/11/2024 08:01
Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong đợt giảm giá Black Friday
Xã hội 25/11/2024 22:05
Trải nghiệm độc đáo với robot nấu phở tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024
Văn hóa 25/11/2024 16:52
Hà Nội triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn
Xã hội 25/11/2024 14:34
Hà Nội tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 25/11/2024 14:23
Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi
Y tế 25/11/2024 14:17