Người dựng “hồn cốt” Trường Sơn qua tranh
Nhớ một Trường Sơn huyền thoại | |
Trưng bày tư liệu quý về “Ký ức Trường Sơn” |
Gìn giữ cho mai sau
“Chục năm trước rồi có mấy người khách nước ngoài tìm đến, gạ tôi bán bộ ảnh ký họa vẽ ở Trường Sơn, nhưng tôi không bán. Bán đi là hết, là mất đồng đội. Có khi mình bị bệnh ngớ ngẩn cũng nên, vì sau này muốn tìm lại chẳng có nữa. Người ta sống không phải chỉ cần có tiền, mà cần cả tinh thần nữa” - Họa sĩ Đức Dụ tâm sự như vậy khi tôi đến thăm ông ở làng Ngọc Hà nổi tiếng một thời. Quyết định không bán tranh cũng là bản lĩnh của người họa sĩ nhiều năm gắn bó với chiến trường, yêu những bức tranh như máu thịt.
Họa sĩ Đức Dụ |
Chuyện mấy khách nước ngoài đến gạ mua tranh nhưng Đức Dụ không bán, tưởng chỉ vài anh em họa sĩ biết, nào ngờ lại đến tai Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông gọi cho Đức Dụ hỏi: “Chú định bán đồng đội hả?”. Đức Dụ thót tim, thưa lại vị thủ trưởng cũ: “Không em đâu dám bán. Họ trả giá cao lắm nhưng em dại gì”. Lúc đó, vị Trung tướng mới thở phào. Kỷ niệm vui đó, người họa sĩ của chiến trường xưa luôn nhắc đến, như để khẳng định thêm hành động từ chối bán tranh của mình là vô cùng hợp lý. Vì điều này mà đồng đội ông quý mến, càng cảm thông với ông hơn.
Họa sĩ Đức Dụ, tên đầy đủ là Nguyễn Đức Dụ. Nhắc đến ông là người ta nhắc đến 400 bức ký họa về Trường Sơn mà không phải ai cũng có. Đức Dụ tự tin nói rằng, với số lượng nhiều như vậy, đảm bảo không họa sĩ nào có được. Vì gần mười năm Đức Dụ trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt. Ông họa sĩ cầm từng bức ký họa lên giới thiệu, vừa tâm sự: “Nhắc đến chiến trường Trường Sơn là người ta hình dung ra máu lửa, chết chóc, bom đạn. Tôi và những người đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào và quang cảnh khi đó của nó. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”.
Đó là kho tư liệu quý, nên bà Phạm Thúy Hằng - Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup, một người yêu mến nghệ thuật, đã từng tài trợ in ba lần sách, là tập hợp những bức ký họa của Đức Dụ. Cuốn nào cũng trang trọng, hoành tráng. Đơn vị này còn góp công, góp của tổ chức một số cuộc triển lãm cho họa sĩ Đức Dụ để tri ân công sức của một họa sĩ trải qua bao năm tháng gian nan trong chiến trường.
Bà Phạm Thúy Hằng cũng đang bàn với đơn vị, tìm địa điểm để xây dựng một phòng trưng bày với hơn 300 bức tranh ký họa chiến trường, có cả những bức sơn dầu khổ lớn, với mục đích ghi nhớ công ơn các chiến sĩ, liệt sĩ chiến đấu trên mặt trận, cho thế hệ trẻ sau này biết tới cuộc chiến tranh đổ lửa nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Họa sĩ chiến trường
Còn nhớ, năm 1965, quân đội Mỹ đưa quân vào miền Nam, những chàng thanh niên trẻ như Đức Dụ hăng hái lên đường nhập ngũ. Họa sĩ Đức Dụ kể rằng, ngày ấy trên Trường Sơn, không khí mở đường vô cùng sôi nổi. Là người trẻ tuổi hăng hái, ông say sưa vẽ cảnh các trọng điểm, đất đá, cây đổ ngổn ngang, cháy trụi mà đoàn xe của quân đội ta vẫn xuất kích. Trung đoàn 5 Công binh cử Đức Dụ vào các binh trạm làm tuyên truyền. Độ đó, binh trạm 42 bị địch đánh phá ác liệt, vì chúng biết đây là nơi chi viện cho Thành cổ Quảng Trị.
Ở các binh trạm này, ông thường viết tin nội bộ để tuyên truyền, đồng thời vẽ minh họa cho bài viết để lưu hành nội bộ. Năm 1968 Đức Dụ về Cục chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn, ông được cử chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Nơi đâu ông cũng thấy cảnh chiến tranh, mất mát, đau khổ và hy vọng ngày thống nhất đất nước. Cho nên ông vẽ đầy chất lính, nhưng gắn với tranh là cái tâm. Đúng như một họa sĩ nổi tiếng đã nói cái tâm điều khiển được màu sắc. Đức Dụ vẽ được khá nhiều tranh với nhiều ghi chép về màu thật của cảnh với những chi tiết cụ thể bằng tâm hồn người chiến sĩ. Trong chiến trường, Đức Dụ cũng làm luôn các cuộc triển lãm lưu động. Tranh được treo lên cây để phục vụ đồng đội và những người làm nhiệm vụ vận tải, mở đường…
Một lần, Đức Dụ vào vẽ ở vùng đồng bào A So. Nơi đây, bà con căm thù giặc rất sâu sắc nên ai cũng dốc sức phục vụ quân giải phóng. Ở làng Tre có một ông già, ngoài 60 tuổi đã mù cả hai mắt vì bị địch tra khảo, ông vẫn cố mang một gùi đạn nặng 60 cân, nhưng phải nhờ đứa cháu dẫn đường. Cậu bé cầm một đầu cây gậy còn đầu kia ông già cầm. Họ cứ như thế theo đoàn dân công đem đến giao tận tay bộ đội. Biết chuyện, Đức Dụ tìm đến làng Tre. Thấy cảnh cảm động, Đức Dụ đã vẽ chân dung hai ông cháu cõng hàng đi phục vụ chiến dịch. Sau đó không lâu, ông già đã bị hổ vồ. Vừa kể, ông họa sĩ vừa rưng rưng.
Một lần khác, Đức Dụ vào Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Ông đi cùng một đơn vị xe và xuất kích cùng với xe của chiến sĩ Triệu Duy Kéo. Xe đến nơi thì gặp quân ta đang đánh Điểm cao 416. Các pháo thủ lấy đạn trên xe của Duy Kéo để bắn. Họa sĩ Đức Dụ bỏ “đồ nghề” sang một bên, định tham gia chiến đấu cùng đồng đội thì một chiến sĩ hết lên: “Thôi, không cần đồng chí đánh nhau. Anh hãy vẽ đi. Lúc này mà anh không vẽ bọn tôi thì còn lúc nào”. Đức Dụ liền ngồi ngay trên đống gỗ cạnh trận địa để vẽ, trong tiếng súng và tiếng thét của pháo trận địa. Hai chiến sĩ đã giúp Đức Dụ để bức tranh nhanh chóng hoàn thành. Hôm đó, thiếu màu, Đức Dụ phải lấy đất trắng để làm bột màu. Bức tranh đó như “bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh” mà ông và đồng đội không thể nào quên.
…Năm 1973, Đức Dụ về học trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau 8 năm âm thầm làm nhiệm vụ ký họa đường Trường Sơn, vẽ tranh, gia tài của Đức Dụ đã lên đến 400 bức. Một tài sản quý giá, đáng trân trọng mà sau này ông đã có nhiều cuộc triển lãm. Năm 1978, ông tốt nghiệp và về công tác ở Bảo tàng Hậu cần, tiếp tục vẽ tranh và vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1980. Dù chiến tranh đã qua đi, đường Hồ Chí Minh huyền thoại còn đó, rừng Trường Sơn máu lửa còn đó, những chiến công và sự hy sinh anh dũng vẫn còn đó. Thì những bức tranh của một thời, ghi lại những khoảnh khắc, những sự kiện là những minh chứng khắc sâu về một thời khói lửa, kiên hùng. Những bức tranh đó sẽ theo Đức Dụ đến hết cuộc đời như lời ông nói.
Hòa bình lập lại, đất nước im tiếng súng. Người họa sĩ chiến trường nhiều lần trở lại chiến trường xưa, nhưng phong cảnh đã khác, một số cung đường đã khác. Đi đường của hôm nay mà Đức Dụ tìm đường của ngày xưa, và một vài phút trầm lắng, ông lại nghe thấy tiếng đồng đội xung trận, tiếng hò reo của các chiến sĩ mở đường. Bỗng những kỷ niệm xưa lại ùa về, vẹn nguyên, đẹp như những bức tranh…
Tôi hỏi họa sĩ Đức Dụ, nhiều họa sĩ cùng thời ông đã vẽ và triển lãm nhiều thể loại tranh khác nhau, vì sao ông chỉ triển lãm tranh ký họa chiến trường? Ông Bảo: Đã có người nói tôi gàn dở, vì chỉ mãi khư khư triển lãm một dòng “tranh ký ức”. Tôi chỉ cười và vẫn trung thành với công việc của tôi. Đó là nguyện vọng của tôi và tôi vẫn muốn nhắc đến đồng đội, một thời gian khổ mà oanh liệt. Chúng tôi được mệnh là người kể chuyện chiến trường bằng tranh ký họa thì tôi coi nhiệm vụ của mình vẫn chưa hết. Chúng ta còn hơn một triệu người từng chiến đấu, phục vụ ở các cung đường này còn sống và tôi còn phải “kể”. Mỗi lần tôi triển lãm, đồng đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội lái xe đến rất đông. Nhiều người xúc động khóc khi thấy “cảnh cũ người xưa”.
Nguyễn Văn Học
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21