Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở Quận Cầu Giấy: Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn |
Đây là hoạt động ý nghĩa của tổ chức Công đoàn Thủ đô hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày hội của giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới.
Thông qua Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố, từ đó đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, dự báo phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố khóa XVI về: “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đối với hoạt động công đoàn cơ sở trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi Hội thảo. |
Tới dự Hội thảo về phía Trung ương có: Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự Hội thảo có các đồng chí: Trịnh Huy Thành - Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Phùng Văn Dũng - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Lê Quang Long - Bí thư Đảng ủy Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy khối các doanh nghiệp Thành phố; Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Về phía Liên đoàn Lao động Thành phố dự Hội thảo có: Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố và các đồng chí Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố: Lê Đình Hùng, Phạm Bá Vĩnh.
Đặc biệt, dự Hội thảo có các đại biểu là Chủ tịch Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc và đại diện lãnh đạo, cán bộ Công đoàn một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
8h30:
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố nhìn nhận: Xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh là vấn đề mà tất cả các cấp Công đoàn đều hết sức quan tâm, coi trọng; công đoàn cơ sở có mạnh, thì tổ chức Công đoàn mới mạnh; từ đó mới có đủ vị thế để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của mình.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý chỉ đạo 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.899 công đoàn cơ sở và 608.630 đoàn viên. Trong đó, Công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là 5.480 công đoàn cơ sở; với 413.728 đoàn viên (chiếm 61,5% số công đoàn cơ sở và 67,9% tổng số đoàn viên công đoàn toàn Thành phố).
Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động Thành phố đã bám sát nhiệm vụ chính trị; từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn và chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu tập hợp, thu hút và hoàn thiện phương thức hoạt động.
Các công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn cũng đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ của mình; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, theo hướng thiết thực; thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo An toàn vệ sinh lao động; đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, từ đó đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình Quan hệ lao động và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động.
“Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cho Công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức Công đoàn Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi cần có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, cùng với sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp; đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở để tổ chức Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức đại diện và là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động. Với tinh thần đó, thay mặt Liên đoàn Lao động Thành phố tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” - Chủ tịch Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
9h:
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết: Công đoàn cấp cơ sở có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống tổ chức công đoàn, là nơi đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn đến với đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng phát biểu tại hội thảo. |
Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, thời gian qua các công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở đã phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đảm bảo công tác An toàn vệ sinh lao động; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và công đoàn; đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng chính sách pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, xây dựng thang lương, bảng lương; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tổ chức tuyên truyền vận động công nhân lao động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững…
Qua những kết quả trên, có thể nói rằng, hoạt động của các cấp Công đoàn Thành phố ngày càng thiết thực, hiệu quả và tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tích cực tham gia xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đại biểu tham dư buổi Hội thảo. |
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển ở nước ta, hoạt động của Công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn cơ sở nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, chậm đổi mới. Thực tế đó đòi hỏi hoạt động của các cấp Công đoàn nói chung và hoạt động của các công đoàn cơ sở nói riêng, trong đó có công đoàn cơ sở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phải đổi mới toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp.
Nhằm đánh giá đầy đủ thực tiễn chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở khối các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở khối các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong thời gian tới theo hướng thiết thực, hiệu quả, Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”.
“Để hội thảo đạt kết quả, đề nghị các đồng chí đại biểu tham luận, phát biểu ý kiến tập trung vào các nội dung công đoàn cơ sở tham gia kiểm tra, giám sát, tham gia giải quyết các tranh chấp lao động đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động công đoàn cơ sở công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tác động cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước đối với hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn khu vực ngoài nhà nước; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động nhấn mạnh.
9h20: Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đồng chí Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên tham luận với chủ đề: “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”.
Theo bà Hằng, thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng và được ví như một “Bộ luật lao động con” tại mỗi doanh nghiệp. Một bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Đồng chí Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên tham luận tại Hội thảo |
Tại quận Long Biên, việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT là một nội dung trọng tâm số 1 trong hoạt động của Liên đoàn Lao động quận từ năm 2016 đến nay. Vì vậy, Liên đoàn Lao động quận đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tổ chức Tọa đàm và xây dựng quy trình việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT tới các đơn vị, doanh nghiệp.
Đến nay, đã có 174/215 doanh nghiệp có TƯLĐTT (đạt 81%, trong đó có 11 đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn. Nhiều bản TƯLĐTT có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... Đặc biệt, tại 11 Công ty chưa có tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động quận đã đại diện người lao động lấy ý kiến của tập thể người lao động, tổng hợp ý kiến và tham gia bằng văn bản về Nội quy lao động theo quy định, thành lập tổ thương lượng tập thể thương lượng với người sử dụng lao động tại các công ty về những điều khoản có lợi hơn, và đại diện người lao động ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động tại đơn vị.
“Với hoạt động này, uy tín của tổ chức Công đoàn với người lao động tại doanh nghiệp và tại địa phương được nâng cao, quyền lợi của người lao động được đảm bảo”, bà Hằng khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định việc ký kết TƯLĐTT là hình thức bắt buộc (hiện nay mới bắt buộc việc thương lượng). Với Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo chuyên gia thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
9h30: Tham luận với chủ đề "Thực trạng công tác tài chính và các giải pháp đảm bảo tài chính cho phục vụ hoạt động của công đoàn cơ sở", đồng chí Trịnh Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt 10 - 10 chia sẻ: Thực tế về quy định nguồn thu của công đoàn cơ sở từ 2 nguồn chính đó là đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng và từ phần trích của doanh nghiệp; nhưng với 2 nguồn thu này thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở cũng không đủ nguồn lực tài chính để lo cho các hoạt động của công đoàn cơ sở tốt được, đặc biệt là những công đoàn cơ sở có số đoàn viên công đoàn ít thì lại càng khó khăn hơn về tài chính.
Để khắc phục khó khăn này, Ban chấp hành công đoàn Công ty đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm có chiều sâu kinh nghiệm chuyên môn, biết gắn kết giữa hoạt động công đoàn và nhiệm vụ sản xuất, biết vận động và tranh thủ sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Công ty và các bộ phận chuyên môn dành cho hoạt động công đoàn. Ban chấp hành công đoàn Công ty đã xây dựng một quy chế về công tác tài chính của công đoàn Công ty từ các chế độ thăm hỏi, động viên đoàn viên công đoàn và người lao động tới các chế độ phụ cấp cho cán bộ công đoàn. Ban chấp hành công đoàn Công ty đã dựa trên quy định của ban lãnh đạo công ty về việc khoán quỹ lương cho các bộ phận sản xuất và kinh doanh trong Công ty để lồng ghép xây dựng các quỹ công đoàn tại các phòng ban phân xưởng, quỹ sẽ được trích một phần từ nguồn lương khoán của Công ty cho các bộ phận nhằm tạo điều kiện cho công đoàn bộ phận có một nguồn kinh phí chăm lo tới thăm hỏi, hiếu hỷ của đoàn viên công đoàn trong bộ phận.
Đồng chí Trịnh Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt 10 - 10 tham luận tại Hội thảo. |
Ngoài ra, Ban chấp hành công đoàn Công ty thường xuyên phát động phong trào thi đua gắn liền với kế hoạch sản xuất như: Phong trào sáng kiến sáng tạo, phong trào tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ban chấp hành đề xuất với lãnh đạo Công ty khen thưởng kịp thời với phần lớn nguồn kinh phí được trích từ quỹ khen thưởng của Công ty.
“Tài chính công đoàn được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, thực hiện báo cáo quyết toán công khai và được giám sát chống lãng phí thất thoát tài chính của quỹ công đoàn. Qua các hoạt động của tổ chức Công đoàn của Công ty đã làm cho người lao động cảm thấy phấn khởi hăng say lao động, cống hiến toàn tâm trong quá trình sản xuất và yên tâm gắn bó làm việc tại Công ty”- đồng chí Trịnh Quốc Cường cho biết.
Đồng chí Trịnh Quốc Cường đúc rút: “Với thực tế về nguồn thu kinh phí hiện nay, các công đoàn cơ sở muốn làm tốt được nhiệm vụ thì trước hết công đoàn phải gắn kết với lãnh đạo doanh nghiệp, tranh thủ được sự ủng hộ quan tâm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho công tác công đoàn; biết động viên người lao động hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng doanh nghiệp làm ăn phát triển có lợi nhuận; từ đó quan tâm tốt hơn tới đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên công đoàn và người lao động”.
9h40: Tham luận với chủ đề "Công đoàn cơ sở trong công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động", đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội chia sẻ công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân lao động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã chú trọng đến công tác này, qua nửa nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong Ngành đã tổ chức 87 hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho trên 9.500 lượt cán bộ công đoàn cơ sở; 220 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho gần 30.000 lượt công nhân, viên chức, lao động; xây dựng 09 tủ sách pháp luật với trên 500 cuốn…
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tham luận tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Dẫn đến một số công nhân lao động bị doanh nghiệp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp mà không biết tự bảo vệ mình, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động. Đơn cử như đơn thư kiến nghị của tập thể công nhân Công ty Cổ phần Cơ điện công trình về việc chủ doanh nghiệp nợ lương và nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Thành phố đã hướng dẫn, đồng hành cùng người lao động để khởi kiện ra tòa… Từ những khó khăn bất cập trên cho thấy nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là việc làm cần thiết, đòi hỏi các cấp công đoàn cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế.
Để làm được điều đó, Chủ tịch Công đoàn Ngành Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn. Theo đó, cần huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa và đóng góp của doanh nghiệp cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật nhất là pháp luật về lao động nhằm uốn nắn hoặc xử lý kịp thời các vi phạm của các doanh nghiệp.
Tổ chức Công đoàn phải xác định công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên. Trên cơ sở đó cần quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vững vàng về chính trị - tư tưởng, am hiểu về pháp luật, có kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ tuyên truyền tốt.
Song song với công tác tuyên truyền thì phải làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động với các tiêu chí làm được cho người lao động thì nói họ mới nghe mình. Công đoàn vận động đoàn viên, người lao động nâng cao trách nhiệm với doanh nghiệp với vai trò "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm và đời sống người lao động".
9h50: Đồng chí Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham luận với chủ đề: Tác động của việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới tới hoạt động công đoàn trong thời gian tới.
Đồng chí Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tham luận. |
Nêu lên những lợi thế, tác động tích cực và tiêu cực của việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đồng chí Vũ Hồng Quang đề nghị: Hoạt động công đoàn thời gian tới cần tập trung: Tuyên truyền về những thời cơ và thách thức đến cán bộ, đoàn viên và người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức đại diện cho người lao động, vì người lao động; tập trung phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam, phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới…
10h: Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Ngân - Phó Bí thư Đảng ủy Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với những mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân tồn tại hạn chế trong hoạt động công đoàn cơ sở mà Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường đã chỉ rõ.
Từ thực tế quản lý hơn 3000 doanh nghiệp hội viên, đồng chí Trịnh Thị Ngân nhìn nhận, vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đặc biệt quan trọng. “Thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp sau khi thoái vốn, chủ doanh nghiệp vẫn quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn, quan tâm đời sống người lao động thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất phát triển, thương hiệu tiếp tục được duy trì, khẳng định, ngược lại ở những doanh nghiệp mà hoạt động công đoàn mờ nhạt, không được tạo điều kiện thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó khăn hơn, thương hiệu dần đi xuống”- đồng chí Ngân cho biết.
Đồng chí Trịnh Thị Ngân - Phó Bí thư Đảng ủy Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Cho rằng vai trò của công đoàn cơ sở càng được thể hiện rõ trong bối cảnh có nhiều khó khăn như thời điểm dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, công đoàn cơ sở nhiều doanh nghiệp đã đồng hành với chủ doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh chăm lo người lao động, đồng chí Trịnh Thị Ngân kiến nghị Liên đoàn Lao động Thành phố và các công đoàn cấp trên cơ sở Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn cơ sở.
10h30: Đồng chí Nguyễn Đức Nhân – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Đức Nhân cho biết: Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội là doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với tổng số cán bộ công nhân viên thời điểm hiện tại là 1.250 người.
Đồng chí Nguyễn Đức Nhân – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) tham luận tại hội thảo. |
Việc thương lượng TƯLĐTT, nhất là thương lượng về lương, thưởng thời gian qua được Công đoàn công ty đặc biệt quan tâm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, nên lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khiến việc thương lượng về lương, thưởng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc làm việc, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã thương lượng thành công, trong đó mức thưởng tăng từ 0,5 lên 1,8. Thành công này thể hiện hiệu quả hoạt động của công đoàn, qua đó, đoàn viên, người lao động Công ty thấy rõ vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.
Từ thực tế hoạt động hiện nay, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội đề nghị: Cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có tố chất, dám đấu tranh. Bên cạnh đó, mong công đoàn cấp trên thường xuyên xuống làm việc với công đoàn cơ sở để có sự ghi nhận, đánh giá hoạt động, qua đó tăng thêm “tầm” của công đoàn cơ sở đối với lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động.
10h40: Chia sẻ hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, đồng chí Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko Việt Nam cho biết, những vấn đề đưa ra tại Hội thảo hoàn toàn thực tế tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hiện nay.
Theo đồng chí Phan Thanh Hải, công đoàn cơ sở được thành lập tại công ty đã thể hiện được vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vì người động. Tuy nhiên trên thực tế, việc công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ và hoạt động như thế nào lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
“Về người sử dụng lao động rất hiếm có chủ doanh nghiệp nào muốn hoạt động công đoàn lớn mạnh. Vì khi hoạt động công lớn mạnh đồng nghĩa với tiêu tốn thêm tiền của doanh nghiệp khi tăng lương, giảm giờ làm, chi các chế độ phúc lợi. Nhất là các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp - Chế xuất có hàng ngàn công nhân thì hoạt động công đoàn càng khó khăn, phụ thuộc lớn vào giới chủ”, đồng chí Phan Thanh Hải cho biết.
Trên cơ sở đó, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt được nhiều kết quả về chăm lo, bảo vệ và đại diện quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Trao đổi về vấn đề thực hiện ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp, đồng chí Hải chia sẻ để đạt được hiệu quả phải dựa trên cơ sở các bên chủ động thương lượng; mối quan hệ hài hòa giữa người lao động, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp; thiện chí nhìn nhận thực tế tại doanh nghiệp và những nội dung đưa ra trong TƯLĐTT phải đáp ứng được tiêu chí của cả người lao động và doanh nghiệp, tránh kỳ vọng quá lớn sẽ dễ bị bãi bỏ…
Bày tỏ mong muốn tại Hội thảo, đồng chí Phan Thanh Hải cho hay công đoàn cơ sở phải có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn: “Rất nhiều Chủ tịch công đoàn cơ sở cũng là người lao động ăn lương của doanh nghiệp, phụ thuộc vào hoàn toàn vào doanh nghiệp cũng sẽ khiến tiếng nói của công đoàn sẽ có phần hạn chế. Trên thựctế không ai lại phát biểu mạnh hơn những người trả lương cho mình. Do vậy, cơ chế đối với cán bộ công đoàn cần được bổ sung để chúng tôi dễ dàng đưa ra ý kiến của mình trong các buổi thương lượng, đàm phán. Từ cơ chế này sẽ đòi hoi được sự tâm huyết của cán bộ công đoàn”, đồng chí Phan Thanh Hải cho biết.
11h: Phát biểu tại Hội thảo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ bản hệ thống quy định của pháp luật về Công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng đều tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách cho công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng, góp phần cho tổ chức, hoạt động của hệ thống Công đoàn phát huy hiệu quả thời gian qua.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn không phải chỉ là bảo vệ quyền lợi của đoàn viên mà là bảo vệ quyền lợi của toàn thể 54 triệu lao động, cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi đã đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có trên 2000 lao động khu vực ngoài nhà nước; Nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của công đoàn cơ sở phù hợp với từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp và theo hướng giảm những nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. |
Cung đó, Công đoàn cần nghiên cứu đối mới mô hình tổ chức, mở rộng hình thức tập hợp người lao động khu vực phi chính thức; từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức nghiệp đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo ngành, nghề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Công đoàn cũng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ để xây dựng đội ngũ Chủ tịch chuyên trách công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có bản lĩnh chính trị, nẵm vững pháp luật lao động, có kỹ năng thương lượng, đàm phán, đối thoại xã hội tại nơi làm việc, kỹ năng vận động quần chúng, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động…
11h: Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu:
Phân tích những thời cơ, thách thức của hoạt động công đoàn trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: Trên diễn đàn của Công đoàn Việt Nam, công nhân khi bày tỏ nguyện vọng của mình khi đi làm đã nói rằng: “Chỉ cần công ty thực hiện đúng Luật Lao động đã là hạnh phúc lắm rồi”. Thực tế này đặt ra vai trò quan trọng của cán bộ công đoàn cơ sở, phải làm thế nào để người sử dụng lao động đồng tình với mình, chấp nhận đề xuất của mình, phục vụ tốt hơn cho quyền lợi đoàn viên, người lao động.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần quan tâm đến 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tổ chức Công đoàn phải thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ cho người lao động, qua đó thu hút, tập hợp được người lao động đến với tổ chức của mình. Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở là phải giữ cho được số đoàn viên, chuẩn bị tâm thế để thu hút, tập hợp và phát triển thêm đoàn viên công đoàn.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Thứ hai, phải xác định rõ nhiệm vụ cho công đoàn cơ sở cơ sở, không để công đoàn cơ sở ôm đồm quá nhiều việc, tập trung vào nhiệm vụ chính, trọng yếu là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Tập trung triển khai các chương trình như: Thương lượng tập thể, phúc lợi đoàn viên…
Thứ ba, cần quan tâm đến chế độ đối với cán bộ công đoàn cơ sở. Đối với cán bộ công đoàn cơ sở, cũng cần xác định đây là một nhiệm vụ, công việc, cần thay đổi suy nghĩ, hành động. Đồng thời, cán bộ công đoàn cấp trên cần có cơ chế bảo vệ và chăm lo cho cán bộ công đoàn cơ sở, “giữ chân” chủ tịch công đoàn cơ sở.
Thứ tư, cần xem xét rõ vị thế cán bộ công đoàn cơ sở tại cơ sở. Vị thế đó có được từ chính hoạt động tại công đoàn cơ sở. Song song với đó, cần quan tâm đến việc tôn vinh, phát triển Đảng đối với cán bộ công đoàn cơ sở, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Thứ năm, cân nhắc thêm mô hình hoạt động công đoàn cơ sở hiện nay. Theo đó, trong cơ cấu của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, cần có những người có trí tuệ, hiểu biết về hoạt động của đơn vị để tham gia đóng góp với đơn vị, từ đó tham gia xây dựng chính sách cho đoàn viên, người lao động sẽ hiệu quả hơn.
Thứ sáu, cán bộ công đoàn cần “nói thì phải làm”, và khi đã làm phải có kết quả, hiệu quả cụ thể.
"Chúng tôi cho rằng “bốn cần” để làm cho công đoàn cơ sở mạnh, đó là: Phát triển đoàn viên, quản lý tốt đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và quyền lợi cho đoàn viên”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kết luận.
11h20: Trao đổi tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - Nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng: Cán bộ Công đoàn là người phải nói được tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động. Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của người lao động chính là tiền lương và Công đoàn phải có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ việc làm, cải thiện tiền lương cho người lao động.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - Nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu tại hội thảo. |
Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm cụ thể trong quá trình tham gia Hội đồng tiền lương Quốc gia để thảo luận về tăng lương tối thiểu vùng hàng năm cho người lao động và đúc kết trong quá trình đám phán, thương lượng nâng lương cho công nhân lao động, tiếng nói của cán bộ Công đoàn phải mạnh mẽ, dứt khoát, từng bước, bảo vệ bằng được quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận và 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Khẳng định đây là những vấn đề thực tiễn và hết sức tâm huyết, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến phát biểu và chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hoàn chỉnh thêm vào Kế hoạch và Nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nhấn mạnh về nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở tại khu vực ngoài nhà nước, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành thành phố Hà Nội nêu một số giải pháp: Cần sớm hoàn thiện pháp luật liên quan về lĩnh vực lao động, công đoàn, phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở thông qua đổi mới toàn diện công tác đào tạo, nhìn nhận toàn diện về vấn đề công đoàn cơ sở; cần có đủ nguồn lực để bảo vệ đội ngũ cán bộ công đoàn khi đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động; công đoàn cơ sở phải thể hiện rõ vai trò, hạn chế hoạt động bề nổi hướng đến chức năng cốt lõi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động… |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Tổ chức thành công hoạt động đối thoại điểm bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ
Liên đoàn Lao động TP 16/09/2024 18:23
Công đoàn hai Thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn (Lào): Thặt chặt quan hệ hữu nghị - hợp tác
Liên đoàn Lao động TP 12/09/2024 12:35
Công đoàn Thủ đô làm theo lời Bác
Liên đoàn Lao động TP 02/09/2024 07:51
Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm công tác gia đình và trẻ em
Liên đoàn Lao động TP 21/08/2024 06:01
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ
Liên đoàn Lao động TP 15/08/2024 09:39
Xây dựng Tổ chức mạnh bắt đầu từ cơ sở
Liên đoàn Lao động TP 29/07/2024 08:53
Tổ chức Công đoàn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 06:00
Công đoàn Thủ đô viết tiếp trang sử vàng
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 05:50
Công đoàn Thủ đô: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
Liên đoàn Lao động TP 24/07/2024 12:53
Công đoàn Cơ quan LĐLĐ Thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Liên đoàn Lao động TP 19/07/2024 08:26