Miền Trung “oằn mình” trong bão lũ
Cảnh báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai Hướng về miền Trung! |
Bão chồng bão, lũ chồng lũ…
Chưa năm nào, người dân miền Trung lại phải nhận nhiều tin bão, áp thấp nhiệt đới vào dồn dập như thời gian qua. Liên tiếp 4 cơn bão số 6, số 7, số 8, số 9 vào Biển Đông gây nên những trận mưa lớn chưa từng có tại khu vực.
Hình ảnh lũ miền Trung (Ảnh: KTTVQG) |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000-2.000 mm, có nơi mưa đến 2.000-3.000 mm. Số liệu này cao gấp 3 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ,vượt qua mọi kỉ lục nhiều năm trước. Một cuộc di dân lớn không khác gì thời chiến, hơn 70.000 người phải di dời khẩn cấp, thiệt hại về người và tài sản là không kể hết... Theo thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ trong tháng 10, các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp. Trong lịch sử, số lượng 4 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong cùng một tháng 10 mới chỉ xảy ra năm 1983, năm nay là năm thứ hai tháng 10 có số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều như vậy.
Sau 21 năm (tính từ năm 1999), miền Trung lại phải hứng chịu trận thiên tai “dị thường” như vậy. Được biết, đợt mưa lũ lịch sử tháng 11/1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực 7 tỉnh miền Trung, Việt Nam. Mưa lũ đã làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu ngôi nhà, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính gần 4.150 tỷ đồng (thời điểm năm 1999), trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 372 người chết và mất tích.Theo các chuyên gia, thực chất bão là một cách "xả nhiệt" cho đại dương. Hầu hết bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi. Hơn thế nữa, những biến đổi thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina cũng khiến những trận bão biển, mưa lớn xảy ra khốc liệt hơn.
Diễn biến mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự báo. Đầu năm, chúng ta chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng, nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, nhiều mưa lớn cục bộ, lũ lụt cũng sâu, diện rộng và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt khu vực miền Trung. Có rất nhiều nguyên nhân từ chủ quan và khách quan dẫn đến việc khúc ruột miền Trung trở thành trung tâm hứng chịu những cơn bão lớn chưa từng thấy trong lịch sử…
Cần các giải pháp phù hợp với tình hình mới
Lý giải cho hiện tượng các tỉnh miền Trung liên tục đón các đợt mưa lũ dồn dập như vừa qua, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)cho biết, nguyên nhân Biển Đông liên tục đón bão và áp thấp nhiệt đới trong thời gian qua là ảnh hưởng của La Nina. Đây là trạng thái bề mặt nước biển lạnh hơn một cách bất thường. Trong những năm có La Nina, mưa bão thường xuất hiện dồn dập vào cuối năm. Tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên cực đoan.Ngoài ra, do ảnh hưởng của tổ hợp nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm tác động cùng một lúc, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn. Sự kết hợp cùng lúc của các hình thái này là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua.
Bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp thì Biển Đông tiếp tục đón cơn bão số 9 và dự báo cũng hướng vào Trung bộ. Chưa hết lũ chồng lũ, giờ lại đến bão chồng bão, miền Trung đang phải oằn mình chống chọi lại với những hình thái khốc liệt nhất của thiên nhiên.Bão số 9 Molave được nhận định là cơn bão nguy hiểm, khả năng mạnh nhất năm nay với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết, có thể nói chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay và khả năng mạnh nhất năm nay. Cường độ gió cấp 13, giật trên cấp 15, sức gió dữ dội này có khả năng tàn phá rất lớn. Về tính chất, đây là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Hầu khắp Biển Đông chịu tác động vừa trực tiếp từ cơn bão, vừa kết hợp với không khí lạnh, gây gió mạnh. Hệ quả của cơn bão này là nước biển dâng, mưa lũ trên đất liền gây nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất.
Các chuyên gia cũng cho biết chưa thể khẳng định thời điểm kết thúc mưa lũ ở miền Trung, do sắp tới, khu vực này tiếp tục hứng chịu nhiều tổ hợp thời tiết cực đoan.Dự báo từ nay tới hết năm 2020, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 3- 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam. Trong tháng đầu năm 2021, vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực nam Trung bộ và Nam bộ. Ở khu vực Trung bộ, người dân cần đề phòng, sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lớn, đặc biệt mưa lớn dồn dập và kéo dài, có thể gây ngập lụt diện rộng trở lại.
Hình ảnh nhiều ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ, cảnh tượng đổ nát hoang tàn sau mỗi trận lở đất tại khu vực nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến 17 công nhân thiệt mạng và mất tích vẫn còn ám ảnh dư luận. Ngay sau đó, đoàn cứu hộ của Ủy ban nhân dân tỉnh và quân khu 4 gồm 13 cán bộ, chiến sĩ trên đường đi cứu nạn cũng đã bị vùi lấp tại tiểu khu 67, trạm kiểm lâm sông Bồ. Hàng nghìn người, cùng các máy móc hiện đại nhất đã được huy động để cứu hộ cứu nạn. Sau 10 ngày các lực lượng chức năng tập trung tìm kiếm, cứu nạn cán bộ chiến sĩ cứu hộ tại Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, cùng ngày tổ chức lễ truy điệu 13 cán bộ chiến sĩ, tưởng đến đây, câu chuyện mưa lũ, sạt lở, chết người đã tạm ngưng thì một vụ sạt lở đất khác đã vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 337 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị… |
Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thời tiết cực đoan ở nước ta còn diễn biến rất phức tạp. Người dân cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, là các tháng 10 và 11. Ngư dân lao động trên biển cần đề phòng gió mạnh do tác động gió mùa tây nam ở vùng biển phía nam Biển Đông; gió đông bắc của không khí lạnh trên khu vực phía bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020 - 2021. Còn ở Tây nguyên và Nam bộ, dự báo trong những tháng mùa khô 2020 - 2021, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa; xâm nhập mặn ở Nam bộ sẽ sớm và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 (cơn bão rất mạnh dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ), Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng. Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban. Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối họp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống./.
Hữu Minh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21