Làm gì để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM | |
Minh bạch nguồn gốc để nền nông nghiệp phát triển bền vững | |
Để quốc gia phát triển bền vững: Chú trọng đầu tư cho dân sinh |
Nghị quyết đã có, vấn đề đặt ra trong công tác chỉ đạo, điều hành là Hà Nội cần phải làm gì để phát triển nhanh và bền vững?. Đây cũng là chủ đề mà Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, doanh nhân những người luôn tâm huyết với sự phát triển của Thủ đô.
Để tiến hành cải cách hành chính nhanh trên mọi lĩnh vực, trong đó, có việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp, Thành phố đã, đang và sẽ thực hiện mạnh mẽ 3 nội dung. Thứ nhất, tiến hành thực hiện cơ cấu lại toàn bộ tổ chức các sở, ban, ngành theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như của Trung ương và Chính phủ. Thứ hai, xây dựng lại quy chế, quy trình trên tinh thần rút ngắn thủ tục và thời gian cấp phép. Thứ ba, chấn chỉnh lại toàn bộ tư thế, tác phong, đặc biệt là cách làm việc của cả bộ máy hành chính, và đối với từng bộ phận cụ thể nhằm tiến tới thực hiện tất cả thủ tục hành chính cho người dân một cửa liên thông. Từ đó, rút ngắn tất cả thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, cũng như cho doanh nghiệp. Trích phát biểu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị Hà Nội 2016 Hợp tác - Đầu tư và Phát triển |
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế: Phải xác định “hình hài” kinh tế tri thức Để Thủ đô sớm về đích trên con đường CNH – HĐH, vấn đề có tính nguyên tắc là chúng ta phải xác định được lộ trình phát triển kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn tới; đặc biệt, phải làm rõ “hình hài” kinh tế tri thức Thủ đô hiện tại đang ra sao? Những lĩnh vực nào, ngành kinh tế nào cần được tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng và tỉ lệ hàm lượng khoa học, công nghệ cao cho sản phẩm công nghiệp và dịch vụ? Thực tế, hiện các sản phẩm chủ lực được Hà Nội công bố chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như cáp điện Trần Phú, bóng đèn - phích nước Rạng Đông, săm lốp - cao su Sao Vàng, khóa Việt - Tiệp... mà thiếu các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Trong khi đó, hiện Hà Nội có hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng với hàng vạn nhà khoa học, trong đó có hàng nghìn nhà khoa học đầu ngành thuộc mọi lĩnh vực…, nếu khai thác, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ này, nhất định Hà Nội sẽ phát triển kinh tế tri thức hiệu quả và bền vững, sớm về đích trên con đường CNH - HĐH đất nước. Còn ngược lại, đó sẽ là sự lãng phí nguồn lực to lớn. Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, Hà Nội muốn phát triển vượt bậc trên con đường CNH - HĐH là phải sớm khắc phục những hạn chế hiện nay. Cụ thể, đó là tình trạng các doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, song khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính (TTHC) phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm, quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hay như việc tiến hành công tác thanh, kiểm tra DN nhằm giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cho DN tốt sẽ góp phần giúp DN tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho DN đồng thời, giảm cơ hội nảy sinh tiêu cực, tăng niềm tin cho DN vào môi trường pháp lý cũng như góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền hành động. Đặc biệt, Thành phố cũng cần tăng cường công tác tham vấn DN, cộng đồng kinh doanh, các chuyên gia kinh tế và nhân dân trong và ngoài nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan tới môi trường kinh doanh để có những giải pháp phù hợp. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc... thì tỉ lệ các DN của Hà Nội biết sâu về các hiệp định này là rất thấp. Vì thế, Thành phố cũng cần tăng cường thông tin về hội nhập để cộng đồng DN của Thành phố nắm bắt thông tin để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc tận dụng cơ hội, cũng như giảm thiểu thách thức từ những hiệp định quan trọng này. |
Ông Nguyễn Nam Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Cường Đạt: Mấu chốt phải tạo ra cộng đồng doanh nghiệp mạnh Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có rất nhiều sự thay đổi trong công tác cải cách hành chính. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Đồng thời, với sự đổi mới công tác cải cách hành chính đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để các DN phát triển như mở các lớp tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và vấn đề vay vốn, thuê mặt bằng... Đây là một trong những chương trình rất thiết thực và hiệu quả, nhằm nâng cao trình độ quản lý của lãnh đạo và nâng cao trình độ sản xuất của công nhân và người lao động…Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đứng ra mở các lớp CEO giúp lãnh đạo các DN nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tạo sự gắn kết giữa các DN với nhau. Nhằm xây dựng Hà Nội theo hướng CNH-HĐH, trong thời gian qua, Công ty chúng tôi nói riêng và các DN trên địa bàn Hà Nội nói chung luôn đã nỗ lực hết mình trong việc tạo việc làm cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước, góp phần đưa kinh tế Thủ đô phát triển. Để tạo điều kiện cho cộng đồng DN mở rộng sản xuất - kinh doanh, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Hà Nội tạo điều kiện hơn nữa để các DN phát triển, vì DN có phát triển, mở rộng thị trường và ổn định sản xuất thì mới có điều kiện đóng góp cho xã hội, cho sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ mở thêm nhiều lớp học nâng cao nghiệp vụ quản lý hơn nữa, để giúp lãnh đạo công ty, DN có thể tiếp cận được những thay đổi, chính sách mới, hiệu quả, nhằm quản lý và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững. |
TS. Trần Hương Ly - giảng viên Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường: Thành bại phụ thuộc chất lượng nguồn nhân lực Tôi cho rằng, trong xu thế hội nhập ở mức toàn diện như hiện nay, đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Theo tìm hiểu của tôi, năm 2016 là năm thứ 14 liên tiếp Thành phố tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Sau 14 năm triển khai, đã có 1.533 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội. Thống kê của Sở Nội vụ, sau 3 năm ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về thu hút nhân tài, mới chỉ có 19 thủ khoa xuất sắc đang làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Nếu tính dài hơn, trong vòng 10 năm qua, từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ theo Pháp lệnh Thủ đô, Thành phố đã tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 147 thủ khoa. Riêng từ năm 2007 đến năm 2015 có 43 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào các sở, UBND quận, huyện, thị xã. Đã có gần 20 cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng, ban trở lên. Có thể nói, chính sách trọng dụng nhân tài của TP. Hà Nội được ví như một “luồng gió mới” với các tài năng trẻ. Tuy nhiên, cũng cần góp ý một điểm còn thiếu hợp lý, đó là nhiều bạn thủ khoa chỉ biết đến chính sách thu hút nhân tài của Thành phố sau khi có danh hiệu. Trong khi đó, ngay trong quá trình học, có rất nhiều tổ chức hoặc nhiều trường quốc tế đã có học bổng ưu đãi lớn để thu hút chất xám về “đầu quân” cho họ. Ngoài ra, theo tôi, công tác phát triển nguồn nhân lực cũng cần được chú ý coi trọng hơn nữa. Với gần 37% số lao động có trình độ và tay nghề, trong đó số lượng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số, Hà Nội được đánh giá là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, chiếm hơn 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Song, công tác đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, trong khi ở khu vực nông thôn đạt thấp, lao động phần lớn chưa qua đào tạo. Sự bất cập này dẫn đến tình trạng thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề còn thấp, nội dung chương trình giảng dạy chưa phù hợp, đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu đòi hỏi thực sự của thị trường lao động vốn đang biến động từng ngày, nên tình trạng “thừa thày, thiếu thợ” vẫn phổ biến. Mong rằng, cùng với chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài thiết thực và nhiều chính sách khác được ban hành đang từng bước đi vào cuộc sống, Thủ đô Hà Nội sẽ từng bước trang bị nguồn nhân lực chất lượng phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. |
PGS-TS.Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Du lịch Việt Nam): Cần nâng tầm lĩnh vực du lịch Với tư cách là một trong 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, đồng thời là trung tâm phân phối khách lớn nhất khu vực phía Bắc với sân bay quốc tế Nội Bài và đầu mối hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, nên vai trò “động lực” cho phát triển du lịch của cả vùng Hà Nội đã được tái khẳng định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, để du lịch Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu “Hà Nội về đích sớm trên con đường CNH-HĐH”, các cơ quan chức năng Thành phố cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đưa Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thực sự đi vào cuộc sống trong tình hình mới. Cùng với đó là việc nâng cấp và mở rộng kết nối Hà Nội với các địa bàn trọng điểm du lịch ở khu vực phía Bắc như Hạ Long - Cát Bà; Vân Đồn - Móng Cái; Tràng An, Lào Cai... trên tuyến hành lang Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; các tuyến du lịch trọng điểm Hà Nội - Hoà Bình - Điện Biên - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội… Đồng thời, Thành phố cũng phải tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của du lịch Hà Nội với việc khai thác các giá trị di sản phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Vườn Quốc gia Ba Vì, lễ hội chùa Hương... Chú trọng khai thác lợi thế cạnh tranh của Hà Nội là hệ thống các bảo tàng; phát triển những sản phẩm du lịch mới gắn với văn minh lúa nước như khu du lịch làng quê Việt (đã đề xuất trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội); du lịch sông Hồng; và đặc biệt là các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí. Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là việc thay đổi tư duy và phương thức xúc tiến quảng bá du lịch Hà Nội theo hướng hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu thị trường, đặc biệt đối với các thị trường du lịch trọng điểm đã xác định trong quy hoạch. Khuyến khích việc thực thi một số chính sách như phố đi bộ, cho phép hoạt động du lịch quá 24 giờ, nhưng cần gắn với lộ trình, biện pháp cụ thể phù hợp với quy hoạch du lịch và đảm bảo tính khả thi. Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như việc thực thi phần lớn các chính sách ở Việt Nam. Tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng vào du lịch, qua đó đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động đầu tư phát triển du lịch Hà Nội. Tăng cường vai trò của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo môi trường an ninh an toàn, vê sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt ở các các khu, điểm du lịch. |
Tuệ Liên- Võ Giang- Đỗ Đạt- Tuấn Dũng (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Tin khác
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07
Huyện Thanh Trì kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 18:53
Lãnh đạo Mặt trận Thành phố thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 13:34