Kỳ 2: Cuộc tháo chạy bất đắc dĩ
Và mắt xích quan trọng nhất là tâm lý những người ly hương nay gặp biến động có quyết định quay trở lại đô thị trong khi sự kiểm soát dịch bệnh vẫn là một câu hỏi lớn. Nhiều người (phần lớn người có tuổi) trả lời phỏng vấn đã nói rằng họ chưa biết có quay trở lại thành phố không, nhiều người đã mở ra câu chuyện sinh nhai mới ở nơi "chôn nhau cắt rốn"...
Về quê cùng "sự bất an sống đô thị"
Thông thường cứ đến dịp lễ, Tết sẽ xuất hiện hình ảnh người lao động ồ ạt kéo nhau rời khỏi thành phố để về quê. Thế nhưng hơn 1 tháng qua đã chứng kiến làn sóng hồi hương chưa từng có mà nhiều người phải thốt lên là cuộc “tháo chạy” bất đắc dĩ.
Các tỉnh từ Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai,… lần lượt tổ chức các "chuyến xe nghĩa tình", các "chuyến bay 0 đồng" để đưa người lao động gặp khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh về quê. Những người không thể về quê trên các chuyến giải cứu này, họ chọn cách chạy xe máy về quê. Thậm chí, trên mạng xã hội xuất hiện không ít câu chuyện những gia đình đạp xe từ Đồng Nai về quê ở Nghệ An, đi bộ từ Bình Dương về Đăk Lăk, Kon Tum,…
Đó là một cuộc di cư lớn, để lại nhiều tâm trạng và cả những dấu hỏi cho những người làm nhân sự và cho các nhà xã hội học.
Bà Huỳnh Thị Phúc (54 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ đường Vườn Lài, phường An Phú Đông) rời quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh làm phục vụ cho một quán ăn ở Quận 1. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hàng, quán ăn được lệnh đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội. Mất việc. Bà Phúc cũng không tìm được kế sinh nhai khác. Bà phải ở yên trong khu trọ vì đề nghị hạn chế ra ngoài của thành phố.
Mỗi ngày trôi qua trong căn phòng chưa đến 20m2 là một ngày bà trằn trọc, lo lắng cho cuộc sống ngày mai... Ngồi trong bốn bức tường phòng trọ ngột ngạt với những dòng tin tức lướt dài nỗi sợ hãi cứ khiến bà dàn dụa nước mắt. Như một phản xạ tự nhiên của nhiều người cùng cảnh ngộ bà bật khóc rồi nghĩ đến quê nhà!
Phải tháo chạy! Rất nhiều người trong số đó quyết định trả hẳn phòng trọ, xách theo những gì có thể, chất chồng lên chiếc xe cũ vượt hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn km để “trốn” khỏi dịch bệnh và nỗi sợ. Họ trở về không phải với tâm trạng phấn khởi, hân hoan như các dịp trước. Lần trở về này họ mang theo tâm lý sợ hãi, lo lắng.
Những chuyến xe nghĩa tình "giải cứu" người lao động nghèo từ tâm dịch về lại quê hương. |
“Miễn được về quê là tôi mừng rồi, chỉ sợ nhiều người về quá, tôi bị kẹt lại đây thì không biết sống tiếp thế nào thôi”, bà Phúc nói trong hy vọng. Đến lúc nghe thông tin tỉnh Quảng Nam thông báo đón công dân trở về quê tránh dịch, bà mừng như vớ được vàng. Qua một sinh viên đồng hương trong Hội sinh viên Quảng Nam, bà đăng ký về quê. Vừa đăng ký xong, chưa biết bao giờ sẽ được gọi về nhưng bà đã xếp sẵn quần áo để một góc. Bà bảo chỉ cần nghe gọi điện là sẽ đi ngay.
Sau gần 1 tuần chờ đợi, cuối cùng bà Phúc cũng được trở về quê trên chuyến xe mà quê hương đã chuẩn bị. Gọi điện thoại báo cho phóng viên, bà cười phớ lớ vì nhiều ngày lo lắng, bà có thể thờ phào, yên tâm trở về trong vòng tay của gia đình, làng xóm.
Nhưng không phải ai cũng may mắn được trở về trên những chuyến xe nghĩa tình ấy.
Phan Thị Sen (26 tuổi, quê ở Gio Linh, Quảng Trị) làm việc tại Công ty J&T Express Việt Nam (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), khi dịch bùng phát, Sen quyết định chạy xe máy về quê.
“Nhiều bạn của mình ở thành phố Hồ Chí Minh cứ chần chừ hy vọng hết dịch nên bị kẹt lại luôn, giờ cuộc sống rất khó khăn. Ở lại không đi làm được, không có lương mà bao nhiêu chi phí, thức ăn mua cũng khó, đắn đo mãi mình quyết định chạy xe về quê”, Sen tâm sự.
Sen (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn của mình trên hành trình về lại quê hương. |
Từ Thị xã Bến Cát về tỉnh Quảng Trị khoảng cách gần 1.000 km, hành trình ấy với một cô gái như Sen thật không dễ dàng. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Sen tham gia đoàn cùng nhiều người quen và anh chị trong nhà.
Qua mỗi tỉnh, những người đi xe máy sẽ được gom lại để cảnh sát giao thông dẫn đoàn qua hết địa phận tỉnh. Cứ thế, hành trình của Sen cùng bạn mình kéo dài 2 ngày 2 đêm không ngủ. Khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi là lúc chờ đợi để cảnh sát giao thông dẫn đoàn, nhiều người trên hành trình này vì quá mệt mỏi mà xảy ra sự cố không mong muốn.
“Chạy xe liên tục không nghỉ nên người mệt mỏi lắm, phải nằm dọc đường, chỗ mưa rét, chỗ thì nắng nóng. Có người chạy xe một mình về Nghệ An, Hà Tĩnh mà đuối quá tự ngã giữa đường đi”, Sen kể.
Mặc dù hành trình ấy mệt mỏi, vất vả nhưng Sen cũng như hàng ngàn người khác chấp nhận và mừng rỡ khi đặt chân được lên quê hương. “Cách ly 28 ngày là được về nhà, ở quê vẫn an toàn hơn, còn hết dịch có vào lại hay không thì tính sau”, Sen nói.
Bà Phúc, Sen không đại diện cho tuổi già và sức trẻ ly hương mưu sinh và lập nghiệp nhưng họ rất giống với hàng vạn người rời bỏ thành phố để về quê lúc này: Bất an ở đô thị, ngột ngạt trong không gian và cuộc mưu sinh ngày đã lâu... Liệu họ có trở lại khi dịch qua đi?
Về lại quê lập nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,… từng là “miền đất hứa” với người lao động đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây. Thế nhưng giờ đây khi dịch bệnh xảy ra, người ta thấy rằng “miền đất hứa” ấy dễ tổn thương và không đủ sức bao bọc tất cả những con người xa xứ.
Bất chấp quãng đường xa xôi vất vả, nhiều người chọn rời bỏ "miền đất hứa". |
Anh Nguyễn Đình Định (39 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã vào thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) làm công nhân gần 20 năm. Anh lấy vợ, sinh 2 con đều ở Bình Dương, dù chưa chuyển hộ khẩu nhưng đã xem nơi đây như quê hương thứ 2 của mình. Thế rồi khi dịch bệnh xảy ra, mọi kế hoạch của anh bị đảo lộn.
Trước dịch, thu nhập của vợ chồng anh chị đủ để trang trải đời sống, nuôi 2 con đang tuổi ăn học và gửi về quê cho bố mẹ già. Số còn dư, anh chị dành làm vốn sau này không làm công nhân nữa thì về sống.
Dịch bệnh ập đến bất ngờ, anh chị không kịp rời Bình Dương nên đành ở lại. Công ty điều động vợ chồng anh chị vào nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”, vì sức khỏe yếu, lại có 2 con nhỏ nên anh chị từ chối.
“Những lúc thế này mới thấy không đâu sướng bằng quê hương mình, có nhà không phải ở trọ, có ruộng trồng lúa, trong vườn trồng rau, nuôi gà, thả cá. Ở thành phố cái gì cũng phải mua, mà như bây giờ đâu phải muốn mua là được. Vãn dịch chắc vợ chồng tôi đưa con về quê ở luôn, cho gần bố mẹ, anh em”, anh Định nói.
Lần bùng phát dịch này đã chứng kiến cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Đoàn người lũ lượt lên xe máy rời phố về quê trong đêm tối chạy trốn dịch bệnh. |
Theo lời kể của anh Định, 5 năm về trước, thanh niên làng anh cứ lớn lên lại vào Nam lập nghiệp, ở lại quê còn ông bà già và trẻ nhỏ. Hiện nay thì khác, quê anh đã có nhiều công ty, nhà máy mọc lên, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Cơ sở hạ tầng địa phương được xây dựng, đảm bảo. Vì thế nhiều năm nay số lượng thanh niên rời quê không nhiều.
“Lương của công nhân ngoài kia không cao bằng trong này, nhưng tính ra lại không tốn nhiều chi phí nên dư dả hơn. Về quê nếu không làm công nhân thì tôi mở gì đó buôn bán, làng tôi bây giờ không còn ít người như trước, đông đúc lắm rồi”, anh Định nói.
Dịch bệnh nguy hiểm, tương lai mờ mịt cùng đời sống hàng ngày chật vật là những lý do khiến chị Nguyễn Thị Liên (ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bất chấp đêm tối và nguy hiểm để về quê.
Chị Liên quê ở Thái Bình, cùng bố mẹ vào Gia Lai làm công nhân cho Công ty cà phê Ia Blan. Những năm đầu, tình hình nước tưới và giá cả còn ổn định, gia đình chị sống cũng vừa đủ. Vay mượn được ít tiền, chị mua thêm được 1ha cà phê. Cứ ngỡ chỉ độ 1 - 2 năm là thu hồi vốn, nhưng bắt đầu từ năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên rơi vào hạn hán lịch sử.
“Chưa năm nào hạn như thời điểm đó, cả một vùng cà phê rộng ở chỗ chúng tôi bị cháy héo, có nhà phải chặt bỏ mấy ha. Rồi giá cà phê, giá tiêu xuống thấp kỷ lục, có nhiều nhà vỡ nợ phải bán nhà bán đất, có người không chịu được treo cổ tự tử”, chị Liên kể lại.
Những bữa ăn vội trong hành trình hồi hương bằng xe máy, chuyến trở về bất đắc dĩ này đã để lại những vết cắt trong hành trình lên phố lập nghiệp của không ít người. |
Tình trạng đó kéo dài sang cả năm 2018 - 2019, rẫy cà phê vừa mua của chị Liên cũng không cho năng suất cao, số thu được chỉ đủ bù vào chi phí chăm bón. Đầu năm 2020, vợ chồng chị quyết định gửi con cho ông bà ngoại rồi vào huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) làm thuê, kiếm tiền trả nợ.
Lần thứ 2 “ly hương”, vợ chồng chị Liên chỉ hy vọng cuối năm sẽ tích góp được một khoản để trả bớt nợ. Thời điểm vợ chồng chị vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cũng là lúc Việt Nam đón những cơn sóng liên tiếp của dịch Covid-19.
“Vừa rồi hè, tôi đưa 2 đứa con vào chơi ít ngày, nào ngờ đâu dịch bùng mạnh quá, con tôi bị kẹt lại. Vợ chồng tôi cũng phải ở nhà luôn vì công ty tạm đóng cửa”, chị Liên kể.
Khi công ty mở cửa hoạt động dưới hình thức “3 tại chỗ”, chồng chị đăng ký vào ở lại trong nhà máy, còn chị đưa 2 con về quê bằng xe máy. Hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh về Gia Lai hơn 550km, trải qua những con đèo cheo leo, nguy hiểm. Nhưng nếu không về thì chị cũng không thể ở lại với hàng loạt chi phí treo lơ lửng trên đầu.
“Lần này về tôi sẽ ở lại quê luôn, dịch thế này chưa biết bao giờ mới xong, mà ở thành phố lúc khó khăn cũng không biết nhờ cậy ai. Về quê tôi cố gắng làm thuê làm mướn gì cũng được chứ không đi xa nữa”, chị Liên tâm sự.
Có lẽ, những người lao động xa quê sau thời gian vật lộn với đại dịch đã quá mệt mỏi. Không còn đủ sức trụ lại nữa, họ chọn giải pháp rời bỏ nơi đã cưu mang bản thân nhiều năm nay, trở về quê hương, sống đời “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” bên cạnh gia đình, làng xóm.
Kỳ 3: Giải bài toán nguồn lao động sau dịch
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách
Việc làm 01/11/2024 14:30
Đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động trên địa bàn huyện Ba Vì
Việc làm 27/10/2024 19:15
Thêm cơ hội mới cho lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 27/10/2024 14:22
Sắp diễn ra Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024
Việc làm 25/10/2024 05:43
Cơ hội việc làm rộng mở tại Phiên giao dịch trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố
Việc làm 24/10/2024 19:41
Hải Phòng hỗ trợ chi phí đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2030
Việc làm 21/10/2024 22:44
Hà Nội: Thị trường lao động tiếp tục phục hồi
Việc làm 18/10/2024 17:46
Hà Nội: 9 tháng, gần 59.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Việc làm 18/10/2024 06:06
TP.HCM: Chi hơn 76.600 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề
Việc làm 16/10/2024 16:16
Thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nam - châu Âu
Việc làm 11/10/2024 22:37