Kỳ 2: Cải cách thể chế để không thể tham nhũng, lãng phí
Bắt đầu từ “không dám, không thể, không muốn tham nhũng” |
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18 về đất đai, tạo bước đột phá về thể chế quản lý nhà nước về lĩnh vốn rất nóng này. |
Nhìn từ Nghị quyết 18 về chính sách đất đai
Để hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vì một Việt Nam hùng cường, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” cố Tổng Bí thư Nguyễn phú Trọng chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
Từ lý luận này, nhìn lại chính sách đất đai trước những năm 2022, do buông lỏng chính sách quản lý, cơ chế, chính sách còn bất cập nên đất đai thành chủ đề nóng trên khắp cả nước. 70% số khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp cũng từ đất; số cán bộ bị kỷ luật, xét xử nhiều nhất cũng từ đất. Như chúng ta đều biết, đất đai với người dân như máu với thịt. Trong đêm đen nô lệ, mục tiêu của Đảng là “đánh đuổi thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc; đánh đổ phong kiến người cày có ruộng”.
Nghe theo lời hiệu triệu của Đảng, cả dân tộc đã nhất tề đứng lên làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 giành độc lập về cho đất nước. Nước nhà được độc lập, người cày có ruộng để sản xuất… Bước sang thời kỳ đổi mới, khi đất đai trở thành “hàng hóa đặc biệt”, cùng với các cơ chế, chính sách quản lý vốn còn tồn tại không ít bất cập, chưa đồng bộ; trong khi một số cấp chính quyền còn lỏng lẻo công tác quản lý nhà nước dẫn đến tiêu cực, lãng phí, không phát huy được giá trị của đất đai... Không ít nơi, người dân còn cay đắng nói: “doanh nghiệp đến, người dân phải đi”. Từ nông thôn, đến thành thị vấn đề đất đai thành câu chuyện nóng có nguy cơ làm bất ổn xã hội.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, khóa XV Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) |
Nhận thức rõ “sức nóng” từ đất, chính sách bất cập về đất đai, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (gọi tắt là Nghị quyết số 18).
Trong đó, nhấn mạnh về thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí…
Về đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tiếp theo, phải chăng là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Phát triển lực lượng sản xuất mới cùng với hoàn thiện quan hệ sản xuất tạo cơ hội và các không gian phát triển mới, tạo động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; cùng với phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới)… (Trích phát biểu Hội nghị Trung ương 10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Tổng Bí thư Tô Lâm) |
Như một “công tắc”, sau khi Nghị quyết số 18 được ban hành, trên khắp mọi miền đất nước về cơ bản không còn diễn ra tình trạng doanh nghiệp tự ý đến địa phương tìm dự án và làm trái với quy trình; các địa phương cũng không dám cấp phép “cẩu thả”; việc thu hồi đất một số nơi chưa đúng bị dừng lại.
Người dân cảm nhận rõ bầu không khí mới tươi sáng hơn và càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực đất đai. Khi tiếp xúc với người viết, người dân và cả lãnh đạo quản lý đều nhận định: Nghị quyết đã đưa ra những đổi mới mang tính dẫn đường, làm cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật đất đai chặt chẽ, đồng bộ. Nghị quyết cũng đã kịp thời chấn chỉnh lại những bất cập trong quản lý đất đai, đặc biệt là với thị trường bất động sản.
Rất nhiều dự án treo, thu hồi đất rồi bỏ hoang khiến dân khiếu kiện, quan chức vào vòng lao lý. (Ảnh minh họa) |
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 18 có vai trò to lớn trong tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; mang tính đột phá, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Trung ương, ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/8/2024. Hy vọng, việc Quốc hội thông qua dự án Luật này cùng với việc Chính phủ sẽ ban hành các nghị định thi hành luật sẽ tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý để quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai một cách hiệu quả nhất; khắc phục cơ bản, triệt để những bất cập về đất đai như thời gian qua.
Và để cụ thể hóa Nghị quyết số 18, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Hy vọng đây là sự kiện để hoàn thiện đồng bộ thể chế về đất đai nhằm phát huy nguồn lực, đồng thời tránh được tình trạng tham nhũng, lãng phí về đất đai như thời gian vừa qua.
Trên góc độ luật pháp, anh Sỹ Hòa, cử nhân luật hiện đang kinh doanh tự do nhận định: Trước đây có dịp về các miền quê kể cả ngoại thành Hà Nội mới thấy sức nóng ghê gớm từ đất, nhưng may Đảng ta đã rất kịp thời điều chỉnh “sức nóng” từ đất với việc ban hành Nghị quyết số 18. Đây có thể nói là một trong những Nghị quyết cực kỳ quan trọng liên quan đến cải cách thể chế về lĩnh vực đất đai. “Nếu không có Nghị quyết số 18 không biết tình hình đất đai sẽ như thế nào”?.
Cần tạo bước đột phá mạnh hơn
Một số chuyên gia nói rằng, sau chính sách khoán 10, Nghị quyết số 18 là một trong những nghị quyết quan trọng nhất liên quan đến chính sách đất đai trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Từ Nghị quyết này, các bất cập về cơ chế, chính sách về đất đai; lỗ hổng để tham nhũng, lãng phí liên quan đến lĩnh vực đất đai dang dần được bịt lại.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 26 Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. |
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh đến đổi mới cơ chế, chính sách như phải tách bạch vai trò lãnh đạo của Đảng với các cơ quan quản lý Nhà nước để không chồng chèo chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, hạn chế tối đa cơ chế xin - cho bằng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên cơ sở: “Địa phương nghĩ, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; song song với xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Còn trong bài viết “Chống lãng phí” - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức”. Từ những lãng phí này dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả quy định của chính trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tăng cường kiểm soát, thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giám sát cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) phát biểu tại phiên họp thứ 26 ngày 14/8/2024) |
Do cơ chế quản lý còn tầng tầng, lớp lớp doanh nghiệp phải chi phí bôi trơn. (Ảnh minh họa) |
Vậy mấu chốt đặt ra, cải cách thể chế thế nào để không thể tham nhũng, lãng phí? Một số chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 18 về chính sách đất đai, Trung ương cần ban hành một nghị quyết chuyên đề về đổi mới thể chế từ công tác luật pháp, thực thi pháp luật, vận hành bộ máy, minh định rõ rang chức năng quản lý Nhà nước giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và quản trị công tác cán bộ gắn với cải cách tiền lương, điều hành chính sách giá.
Cụ thể, thứ nhất về mặt thực thi pháp luật, Bộ luật Hình sự quy định các loại tội danh, tội phạm và khung hình phạt rất rõ ràng. Do vậy, trong công tác tư pháp liên quan đến xét xử phải xử lý thật nghiêm các tội liên quan đến tham nhũng, cố tình gây thất thoát, lãng phí với khung hình phạt cao nhất để làm gương. Một người bị phạt nặng, ắt người khác sẽ biết sợ mà chùn bước với tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, cần nghiên cứu Luật Đầu tư công để tránh sự quản lý, chồng chéo giữa các bộ, ngành vừa tránh thời gian phê duyệt dự án, vừa tránh được tình trạng “cha chung” không ai khóc. Minh định chức năng quản lý, thẩm định, phê duyệt ngân sách, đầu tư giữa bộ chuyên ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính. Lĩnh vực đầu tư của bộ nào, ngành nào, trưởng ngành, bộ đó phải chịu trách nhiệm và là đầu mối chính tuân thủ đúng Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu.
Thứ ba, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương trên tinh thần bộ chỉ có chức năng hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước về chuyên môn, còn địa phương mới thực sự là nơi “nghĩ, làm và chịu trách nhiệm”. Tránh tình trạng đầu tư một cây cầu cũng “ngược xuôi” xin bộ nọ, bộ kia! Cùng với đó, cải cách mạnh thủ tục hành chính, tránh “tầng tầng, lớp lớp” thủ tục làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nặng chi phí không chính thức (phí bôi trơn).
Ví dụ, một dự án giao thông, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục ở Bộ Giao thông vận tải, hoặc Sở Giao thông vận tải (tùy theo quy mô dự án). Còn các thủ tục liên đới với các bộ, ngành, bản thân Bộ Giao thông vận tải phải tự lo. Trong vòng bao nhiêu ngày, phía bộ phải làm xong thủ tục cho doanh nghiệp, nếu không xong doanh nghiệp có quyền “khiếu kiện” ra tòa về sự chậm trễ. Các bộ chuyên ngành, chỉ có chức năng tham vấn và hậu kiểm dự án mà thôi. Để xảy ra thất thoát, lãng phí người đứng đầu bộ, ngành, chủ đầu tư và các bên liên đới (khâu nào sai) phải chịu trách nhiệm. Chấm dứt tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong quản lý Nhà nước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để địa phương nghĩ, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. |
Thứ tư, nên thành lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm nhiệm vụ giúp Ủy ban, tuýt còi các dự án luật có “bóng dáng” lợi ích nhóm. Cơ quan này, tinh gọn về bộ máy, nhưng “mạnh” về quyền lực, có quyền truy đến cùng khi phát hiện dấu hiệu lobby, lợi ích nhóm.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với phòng, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Bởi, lương và phụ cấp là những khoản thu chính, nguồn sống chính của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chính sách tiền lương, phụ cấp còn bất cập. Do đó, muốn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống cán bộ, công chức, viên chức sao cho họ sống được bằng tiền lương, thu nhập tương đương với thu nhập khá trong cộng đồng xã hội.
Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất… Do vậy, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. (Trích phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) |
Trong bài viết: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trích câu nói của V.I. Lenin: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng”. Trong đó, Tổng Bí thư cho rằng “Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước.
Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức Đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV trong đó, nhấn mạnh đến tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển đất nước nhanh, bền vững. |
Phát huy những thành quả đã đạt được, nhìn thẳng vào sự thật trong một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ với sự lên ngôi của khoa học, công nghệ, sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đòi hỏi chúng ta phải có những phương thức quản trị quốc gia mới hiệu quả hơn. Trong đó, phải đổi mới đồng bộ cơ chính sách để không thể xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí nhằm "rút ngắn" thời gian đưa đất nước hướng tới hùng cường - thịnh vượng.
Đổi mới dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tài sản Nhà nước không bị thất thoát, lãng phí; doanh nghiệp không phải khổ sở vì thủ tục hành chính, chi phí bôi trơn, lo lót… tiết kiệm nguồn lực để mở rộng sản - xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Nói một cách ngắn gọn là tạo một hành lang pháp lý không thể tham nhũng, lãng phí; mặt bằng văn hóa nói không với tham nhũng chính là mệnh lệnh tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với cải cách thể chế hệ sinh thái quản lý Nhà nước, luật pháp, giáo dục văn hóa liêm chính, một trong những điều có tính chất quyết định để phòng, chống tham nhũng hiệu quả là chúng ta phải giải được bài toán lương - giá. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng lương công chức, viên chức theo hệ số từ 2,34 trở lên kể cả có phụ cấp chức vụ với mức lương từ 7- 20 triệu đồng/tháng mà giá 1m2 chung cư tại các quận nội đô từ 70 - 90 triệu đồng/m2 thì thể chế có hoàn thiện đến mấy tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa thể triệt tiêu. |
(Kỳ cuối: Để mọi “công bộc” không muốn tham nhũng)
Bài viết cùng chủ đề
Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mìnhNên xem
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15