Huyện Ứng Hòa cần khắc phục yếu kém ở khâu tổ chức thực hiện
Kiến nghị đầu tư nhiều dự án giao thông
Báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội tại cuộc làm việc chiều 20/7, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, diện tích tự nhiên của địa phương hơn 18.823 ha, dân số khoảng 215.769 người. Huyện Ứng Hòa gồm 1 thị trấn và 28 xã; 140 thôn, 5 tổ dân phố. Đảng bộ huyện có 50 tổ chức cơ sở đảng (gồm 36 đảng bộ, 14 chi bộ cơ sở) với tổng số 8.699 đảng viên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, kinh tế của huyện Ứng Hòa chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp, 21 làng nghề, 789 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, huyện Ứng Hòa tập trung triển khai, đưa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Huyện ủy vào đời sống. Trong đó, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025; xây dựng đề án và thực hiện khắc phục xong hạn chế của 12 chi bộ thôn, tổ dân phố trực thuộc 11 đảng bộ xã, thị trấn 2 năm liền xếp loại hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng chú ý, năm 2021, huyện Ứng Hòa hoàn thành 100% chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã kết nạp được 89/170 đảng viên mới (đạt 52,3% chỉ tiêu được giao).
Về phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa thông tin, tổng giá trị sản xuất năm 2021 của huyện ước đạt 13.132 tỷ đồng, đạt 100.6% kế hoạch năm (tăng 8,5% so với năm 2020).
Trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 6.987,1 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021; Thu ngân sách ước đạt trên 237 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch năm 2022, bằng 189% so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt, huyện đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Hội đồng nhân dân huyện giao thực hiện trong năm 2022.
Đáng chú ý, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, toàn bộ 28/28 xã của huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2021 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 54,7 triệu đồng/người/năm (tăng 42,32 triệu đồng so với năm 2010). Ứng Hòa phấn đấu được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Từ thực tế phát triển của địa phương, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa đã nêu 5 nhóm vấn đề kiến nghị Thành phố quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Đáng chú ý là một loạt các kiến nghị liên quan đến việc đầu tư hạ tầng giao thông.
Cụ thể, huyện Ứng Hòa kiến nghị Thành phố chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường kinh tế phía Nam thành phố Hà Nội và quy hoạch, khai thác tiềm năng quỹ đất 2 bên trục đường (15km trên địa bàn Ứng Hòa) để kết nối giao thương, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển; đồng thời quan tâm đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc), đi qua huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa; 10 dự án trục đường kết nối quan trọng của huyện để tạo sự liên thông với các huyện và các tỉnh lân cận…
Phát triển theo quy hoạch là vành đai xanh
Để giúp huyện Ứng Hòa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các sở, ngành Thành phố và Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của địa phương này; đồng thời nêu nhiều giải pháp cụ thể.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Ứng Hòa cần rà soát, nhận diện toàn bộ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ để tập trung đề ra giải pháp khắc phục.
Trong đó, cần tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng khung; đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các mô hình sản xuất tập trung, chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền báo cáo tình hình phát triển của địa phương. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, huyện Ứng Hòa là quê hương giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng, nơi sản sinh nhiều trí sĩ yêu nước; trong kháng chiến chống Pháp, Ứng Hòa là an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ; trong kháng chiến chống Mỹ, Ứng Hòa là quê hương của “chiếc gậy Trường Sơn”... Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ứng Hòa đã nỗ lực, cố gắng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Song thẳng thắn nhìn nhận, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, huyện Ứng Hòa chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Thu ngân sách còn thấp; hạ tầng giao thông còn khó khăn, trong khi những nơi đã có dự án thì triển khai còn chậm; việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; công tác quản lý đất đai ở một số xã còn chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người của huyện cũng thấp…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy phải họp bàn cụ thể, làm rõ từng hạn chế, yếu kém, tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể thiết thực, nhất là khắc phục bằng được yếu kém về khâu tổ chức thực hiện, trước hết là tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn.
“Thành phố đã rất quan tâm, bố trí đầy đủ vốn để huyện đầu tư, khắc phục khó khăn, vươn lên từ vùng trũng; mà huyện không triển khai được, không tiêu được tiền thì trách nhiệm chính là của huyện”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa phải tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trên các lĩnh vực; tạo bước đột phá về công tác cải cách hành chính, tăng từ 5-10 bậc trên bảng xếp hạng về cải cách hành chính của Thành phố.
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, Ứng Hòa là huyện được quy hoạch là vành đai xanh, do vậy huyện phải đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích; bảo đảm chất lượng đối với từng tiêu chí, ở từng thôn, xã. Xây dựng nông thôn mới phải xác định mục tiêu hàng đầu là nâng cao đời sống người dân; nông thôn mới nâng cao, đời sống của nhân dân phải được cải thiện; tiếp tục giảm mạnh số hộ nghèo.
Nêu rõ những chủ trương lớn của Thành phố, trong đó có chủ trương đầu tư tu bổ, nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử để tạo sức hút về du lịch, kích thích kinh tế - xã hội trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa phải bám sát chỉ đạo của Thành phố, chủ động, quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện; làm dự án nào phải dồn sức làm cho bằng được, “ra tấm ra món”, trước hết là Đề án du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với tham quan điểm di tích lịch sử chùa Chòng (xã Trầm Lộng).
Về những kiến nghị của huyện Ứng Hòa, Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội cơ bản ủng hộ và giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo rà soát, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện để triển khai, thông qua đó tạo động lực, sức bật mới giúp Ứng Hòa và Thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:41
Hợp tác để tạo bước đột phá thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:23
Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư 3 cây cầu lớn qua sông Hồng
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 16:44
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Xử lý dứt điểm vướng mắc để hoàn thành Công viên hồ Phùng Khoang trước Tết Nguyên đán
Chỉ đạo - Điều hành 20/11/2024 15:56
Hà Nội công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí
Chỉ đạo - Điều hành 20/11/2024 10:57
Lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ đối thoại với nông dân trong tháng 12/2024
Chỉ đạo - Điều hành 20/11/2024 09:57
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24