Hỗ trợ 3.679,3 tỉ đồng tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động
Giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Cụ thể như đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh đó, đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương với tổng kinh phí 3.679,3 tỉ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 đã kịp thời thu hút, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, “giữ chân” người lao động làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Năm 2022 đã không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, các doanh nghiệp cơ bản tuyển dụng được nhân lực bảo đảm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh...
Báo cáo cũng chỉ rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỉ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỉ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỉ đồng…
Không đăng ký thụ hưởng chính sách do e ngại thanh, kiểm tra
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện.
Các đại biểu dự họp. Ảnh: Quốc hội |
Đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỉ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỉ đồng) trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Trong số nhiều nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có việc một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai chưa có tiền lệ, cần thời gian để xây dựng, đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành; tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến kém hiệu quả trong giải quyết công việc.
Trình tự, thủ tục thực hiện, giải ngân một số chính sách còn phức tạp, trải qua nhiều bước, chính quyền địa phương một số nơi còn phát sinh thêm thủ tục dẫn đến tâm lý chán nản, không còn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng…
Giảm 16.100 tỉ đồng để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giảm 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Trong đó, giảm 6.000 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 1.240 tỉ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Đồng thời, tăng 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỉ đồng.
Tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức được Quốc hội cho phép (38.400 tỉ đồng).
Chính phủ cũng đề xuất giảm toàn bộ số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện 5 dự án là 950 tỉ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này. Đồng thời giảm số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là 271,028 tỉ đồng của 2 dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung như: Cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến khoảng 38.592 tỉ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Chính phủ cũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
Tin mới 19/12/2024 14:40
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:47
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi nạn nhân vụ cháy quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:25