Đường nhập khẩu có loại người trồng mía khỏi cuộc chơi?
Trước hiện tượng ồ ạt nhập khẩu đường từ các doanh nghiệp sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, ngày 21/9/2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Quyết định trên được xem là động thái kịp thời của ngành Công Thương đối với các doanh nghiệp đường trong nước, tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng, liệu quyết định này có mang lại kết quả như mong muốn?.
Lượng đường nhập khẩu tăng đột biến
Theo Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 950 nghìn tấn, tăng hơn sáu lần so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, đạt gần 860 nghìn tấn (so cùng kỳ 2019 là 145 nghìn tấn và cả năm 2019 là 300 nghìn tấn).
Trong khi đó, theo số liệu chúng tôi có được cho thấy, chỉ tính riêng Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC - Biên Hòa, bao gồm các công ty thành viên), đã nhập khẩu hơn 559.226 tấn đường các loại (chiếm 2/3 tổng lượng đường nhập cả nước), chủ yếu nhập từ các nước như Thái Lan, Singapore...
Với sự gia tăng đột biến từ lượng đường nhập khẩu, theo đại diện ngành sản xuất trong nước, đây là nguyên nhân chính khiến ngành mía đường gặp khó và bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, sản lượng đường trong nước niên vụ 2019 - 2020 ước tính đạt 800 nghìn tấn, sụt giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2018 - 2019.
Đường nhập khẩu có loại người trồng mía khỏi cuộc chơi? (Ảnh: K.Trang) |
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “TTC - Biên Hòa luôn là đơn vị nhập khẩu đường lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này nhập khẩu đường với nhiều hình thức khác nhau, nhưng tập trung chính vào nhập khẩu đường về sản xuất, hoặc nhập khẩu về sản xuất xuất khẩu”.
Cũng theo ông Lộc, cần phải kiểm soát chặt chẽ đường nhập khẩu thì ngành mía đường trong nước mới có thể tồn tại được. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước lợi dụng sự nhập nhèm của chính sách nhập khẩu nhằm sản xuất xuất khẩu để nhập đường. Trong đó, nếu doanh nghiệp nhập khẩu về sản xuất cho xuất khẩu thì thuế sẽ bằng 0, nhưng nếu không xuất khẩu, thuế có thể lên đến 85% giá trị hàng nhập khẩu.
Đơn cử như với TTC – Biên Hòa, 8 tháng năm 2020, doanh nghiệp này đã luôn xen kẽ các hình thức nhập khẩu, trong đó có cả loại hình nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Riêng tháng 6/2020, toàn bộ số đường mà doanh nghiệp này nhập khẩu đều theo hình thức sản xuất xuất khẩu…
Trước những thông tin trên nhiều chuyên gia cho rằng, việc ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đường từ Vương quốc Thái Lan của Bộ Công Thương là cần thiết, nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước và nhất là người trồng mía. Tuy nhiên, chỉ với sự cố gắng của ngành Công Thương liệu có thật sự hiệu quả? Trong khi do việc thiếu kiểm soát, các doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu lợi dụng chính sách nhập khẩu đường.
Vậy làm gì để kiểm soát được đường nhập khẩu? kiểm soát theo hình thức nào và việc nhập đường về để sản xuất xuất khẩu là bao nhiêu?
Người trồng mía có bị loại khỏi cuộc chơi?
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương, có thể thấy ngành mía đường trong nước đang bị lép vế bởi đường nhập khẩu. Cụ thể, niên vụ 2019 - 2020, trong nước chỉ sản xuất được 800 nghìn tấn, trong khi đó 8 tháng năm 2020, đường nhập khẩu lên đến 950 nghìn tấn. Ngược lại, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước ngày một tăng và hiện tại trung bình một người dân Việt Nam sử dụng khoảng 17 kg đường/năm, tương đương nhu cầu trong nước khoảng hơn 1,7 triệu tấn/năm (tính dân số khoảng 100 triệu người).
Sản lượng đường sản xuất trong nước ngày càng giảm, vậy thời gian tới liệu ngành mía đường trong nước có bị phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường thế giới?.
Trước những khó khăn và thực tế ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TT ngày 14/7/2020 về việc, triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, đã nêu rõ: “Ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực, như: Các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và bà con nông dân luôn quyết tâm giữ ổn định và phát triển mía đường”. Thế nhưng, mục tiêu này có phát huy được khi thực tế người trồng mía có nguy cơ bị “bỏ rơi” ngay trong cuộc “bắt tay” hợp tác với doanh nghiệp sản xuất ?.
Ngành mía đường trong nước gặp khó trước đường nhập khẩu sau Hiệp định ATIGA (Ảnh: K.Trang) |
Thực tế thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, không chỉ nhiều doanh nghiệp sản xuất đường “bỏ rơi” người trồng mía để tập trung cho nhập khẩu đường, mà ngay các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ đường lớn nhất trong nước, cũng có xu hướng nhập khẩu đường với nhiều loại hình, kênh mua bán khác nhau…
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người trồng mía Tây Ninh, Tây Ninh được coi là “thủ phủ” mía đường vì thời kỳ cao điểm, có năm tỉnh này có đến gần 40 nghìn ha đất trồng mía. Nhưng năm nay, diện tích mía của người dân trong tỉnh đã xuống giống được nhà máy của Công ty TTC - Biên Hòa ký kết thu mua mới chỉ đạt khoảng 2.300 ha.
Theo thống kê của Hội người trồng mía Tây Ninh, diện tích mía đã được đầu tư, bao tiêu hơn 12 nghìn ha. Trong đó, đầu tư trong tỉnh hơn 6.000 ha (khoảng 2.300 ha từ phía người dân, còn lại là các nông trường và đất nhà máy ký kết với địa phương lân cận); và niên vụ 2018 - 2019, nhà máy đường đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu mía ước chỉ bằng 92,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Thuận phán đoán: “Diện tích mía tại Tây Ninh sẽ tiếp tục giảm và người dân chủ yếu chuyển sang trồng mì hoặc lúa, thu nhập ổn định hơn trồng mía”.
Người trồng mía thấp thỏm chờ giá mía vụ mới là chuyện không mấy ngạc nhiên. Bởi bài học về giá mía từ niên vụ 2018 - 2019 vẫn còn đó. Trong vụ mía 2016 - 2017, hàng loạt người trồng mía Tây Ninh ký hợp đồng với TTC - Biên Hòa ba vụ liên tiếp, được cam kết “giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS, chưa bao gồm phí vận chuyển”. Nhưng đến đầu vụ chế biến 2018 - 2019 nhà máy thông báo giá mía chỉ có…700 nghìn đồng/tấn.
Trước việc ép giá niên vụ 2018 – 2019, đồng thời sử dụng các “hàng rào kỹ thuật” để ép người trồng mía, nhiều hộ trồng mía Tây Ninh đã nộp đơn lên Hội người trồng mía Tây Ninh đề nghị khởi kiện TTC - Biên Hòa vi phạm hợp đồng đã ký kết. Cuối cùng TTC - Biên Hòa chấp nhận bù thêm… 50 nghìn đồng/tấn mía cho các hộ dân. Nhưng cũng chỉ bù được một phần lỗ cho cả vụ, do đó nhiều hộ tiếp tục kiện TTC - Biên Hòa ra Tòa án.
Theo đại diện Hội người trồng mía Tây Ninh, hiện còn 8 hộ gia đình trồng mía vẫn đang theo kiện TTC - Biên Hòa ra tòa án để đòi quyền lợi của vụ mía 2018 - 2019. Trong đó, ông Nguyễn Văn Ai, ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên (Tây Ninh) ngày 12/12/2019 đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Tân Châu, đòi TTC Tây Ninh trả lại số tiền hơn 78,6 triệu đồng gây thiệt cho gia đình ông do chênh lệch 200 nghìn đồng/tấn mía.
Đề cập đến việc TTC - Biên Hòa đã áp đặt giá mía với người trồng mía, ông Nguyễn Đăng Thuận cho hay: “Một trong những lý do được TTC - Biên Hòa giải thích với người dân là do giá đường xuống thấp, nhà máy gặp nhiều khó khăn nên phải điều chỉnh giá mua từ người trồng mía. Nhưng qua theo dõi chúng tôi biết được chuyện không phải vậy, mà nhà máy không cần chúng tôi nữa, vì mấy năm nay TTC - Biên Hòa luôn là doanh nghiệp nhập khẩu đường nguyên liệu lớn nhất cả nước, với lợi nhuận hằng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, họ sẵn sàng loại bỏ người nông dân trồng mía ra khỏi cuộc chơi”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Kinh tế 22/12/2024 18:31
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang
Tiêu dùng 20/12/2024 21:45
Quảng cáo trên mạng: Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Tiêu dùng 19/12/2024 17:39
EVNHANOI tri ân khách hàng sử dụng điện năm 2024
Tiêu dùng 14/12/2024 11:00
Dồi dào nguồn cung hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Tiêu dùng 13/12/2024 11:52
Nóng trong người khi nỗ lực gấp đôi, gấp ba chạy deadline cuối năm
Tiêu dùng 10/12/2024 12:24
Khai mạc Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Yên Bái năm 2024 tại Hà Nội
Tiêu dùng 06/12/2024 17:36
Những con số ấn tượng sau chương trình Online Friday 2024
Tiêu dùng 04/12/2024 16:14
Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Cơ hội mua sắm đậm chất Tết cổ truyền
Tiêu dùng 01/12/2024 07:00
Tăng sức cho kinh tế đêm của Thủ đô
Tiêu dùng 30/11/2024 18:42