Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở: Tiếng nói từ thực tiễn
Nhiều hoạt động đáng ghi nhận
Dự Hội thảo, có đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội, phụ trách Cụm thi đua số 2.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp - Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 cho biết, Cụm thi đua số 2 thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội bao gồm 6 đơn vị LĐLĐ các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân và Hà Đông. Với 33 cán bộ công đoàn chuyên trách, Cụm quản lý trực tiếp 1.964 Công đoàn cơ sở (CĐCS) và nghiệp đoàn cơ sở, đại diện cho 94.912 đoàn viên công đoàn và 101.682 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Báo cáo ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể của Cụm trong thời gian qua như: Nâng cao chất lượng và số lượng hoạt động công đoàn, khẳng định vai trò của tổ chức trong hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả công tác đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động, đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua, hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS.
Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp - Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một số cán bộ CĐCS chưa thực hiện đầy đủ vai trò đại diện; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn hạn chế; phong trào thi đua chưa thực sự hiệu quả; một số CĐCS chưa chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát; nội dung sinh hoạt CĐCS chưa thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia.
Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số cấp ủy và người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài nhà nước. Hệ thống văn bản pháp lý còn thiếu và chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm. Đội ngũ cán bộ CĐCS còn hạn chế về chất lượng và trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, việc cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm và phụ thuộc vào người sử dụng lao động cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Trong giai đoạn tới, tổ chức Công đoàn nói chung và Cụm thi đua số 2 nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi công đoàn phải nâng cao vai trò trong việc đại diện và bảo vệ người lao động. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi tính chất việc làm, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh chóng. Bộ luật Lao động 2019 với những quy định mới cũng tạo ra cả cơ hội và thách thức cho tổ chức Công đoàn.
Để đáp ứng những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay, Cụm thi đua số 2 cần tập trung vào một số giải pháp: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn thông qua đào tạo và bồi dưỡng; đổi mới phương thức hoạt động để thu hút sự tham gia tích cực của đoàn viên; tăng cường vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn; tăng cường sự phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và doanh nghiệp...
Góc nhìn đa chiều về thực trạng hoạt động Công đoàn
Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới hoạt động Công đoàn đã được triển khai tại quận nhà. |
Tại Hội thảo, lần lượt 13 ý kiến được ghi nhận, mỗi ý kiến là một góc nhìn đa chiều về thực trạng hoạt động Công đoàn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy, đã chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới hoạt động Công đoàn đã được triển khai tại quận nhà: “Chúng tôi nhận thấy rằng, để hoạt động Công đoàn thực sự hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền quận. Chúng tôi đã tổ chức những chuyến đi thăm, tặng quà tới các đơn vị, doanh nghiệp, CĐCS, có sự tham gia của lãnh đạo quận. Điều này không chỉ động viên tinh thần người lao động mà còn khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn".
Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy cũng chia sẻ về những hoạt động đổi mới đã được triển khai: "Chúng tôi đã tổ chức "Bữa cơm Công đoàn" tại nhiều đơn vị. Đây không đơn thuần chỉ là một bữa ăn, mà là cơ hội để lãnh đạo đơn vị, Chủ tịch CĐCS lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Ngoài ra còn có "Góc thư giãn Công đoàn". Đây là nơi người lao động có thể nghỉ ngơi, thư giãn trong giờ giải lao, giúp nâng cao tinh thần, sức khỏe cho người lao động, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các đoàn viên".
Nhưng có lẽ điều khiến cả hội trường thực sự bất ngờ là ý tưởng về "Ngày hội trà sữa" khi đây là xu hướng yêu thích tại các doanh nghiệp có nhiều lao động trẻ.
Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh - Nguyễn Ly Pha. |
Không khí hội thảo sôi động hơn lên khi đại diện doanh nghiệp và CĐCS của quận Cầu Giấy, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh - Nguyễn Ly Pha hào hứng kể về "Góc thư giãn Công đoàn" tại đơn vị mình. "Chúng tôi có tủ đồ uống giải khát, trong đó có những thức uống đông y để nâng cao sức khỏe cho anh em. Hiện tại, độ tuổi lao động đang trẻ hóa, ở các doanh nghiệp có rất nhiều bạn trẻ nên các hoạt động công đoàn cần đổi mới, đa dạng làm sao để mới mẻ, vui vẻ thu hút công đoàn viên". Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ các đại biểu trẻ trong hội trường.
Tuy nhiên, bức tranh hoạt động công đoàn không phải lúc nào cũng màu hồng. Là đơn vị trực thuộc LĐLĐ quận Hà Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông - Trần Thị Hạnh chia sẻ về thực trạng đáng lo ngại tại nhiều đơn vị khi chất lượng của đội ngũ Ban Chấp hành Công đoàn chưa thực sự đồng đều: "Một số đồng chí còn hạn chế về năng lực, chưa am hiểu sâu về luật pháp, chế độ chính sách.
Ví như, thiếu kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, cụ thể hóa nội dung, chương trình công tác". Dù đã có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng trong Ban Chấp hành, nhưng hầu hết mọi công việc đều dồn về đồng chí Chủ tịch Công đoàn. Đồng chí Trần Thị Hạnh cũng đề cập đến giải pháp: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn. Chúng tôi sẽ cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn theo từng mảng chuyên đề do LĐLĐ các cấp tổ chức, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ".
Đại diện Công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín - Chi nhánh Hà Nội (LĐLĐ quận Thanh Xuân) chia sẻ tại Hội thảo. |
Tương tự, đại diện Công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín - Chi nhánh Hà Nội (LĐLĐ quận Thanh Xuân) cũng nêu lên thực trạng: "Hiện nay, đội ngũ cán bộ CĐCS thiếu cả về số lượng lẫn năng lực. Đơn vị chúng tôi có gần 1000 đoàn viên nhưng Ban Chấp hành Công đoàn chỉ có 3 đồng chí".
Còn đại diện Công đoàn Khách sạn JW Marriott (LĐLĐ quận Nam Từ Liêm) nhấn mạnh vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc kịp thời đề xuất lên lãnh đạo để thực hiện đúng và đủ các quy định, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của công đoàn viên. "Công đoàn phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt những chính sách, chế độ mới liên quan đến người lao động", đại diện Công đoàn Khách sạn JW Marriott cho hay.
Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ Đỗ Thị Hồng Lê chia sẻ: "Cuộc hội thảo hôm nay rất bổ ích. Chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị. Tôi nghĩ rằng bản thân chính chúng ta cũng phải thay đổi nhận thức và tư duy về hoạt động Công đoàn để đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện nay".
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức Hội thảo của Cụm thi đua số 2 LĐLĐ Thành phố. "Qua buổi hội thảo, tôi đã được lắng nghe và nắm bắt thực trạng cũng như tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ công đoàn. Đặc biệt, 13 ý kiến đóng góp từ các CĐCS đã cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội hiện tại. Một trong những vấn đề được nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc lựa chọn Chủ tịch CĐCS. Chúng ta cần những người không chỉ có năng lực, mà còn nhiệt tình, uy tín - những người thực sự có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh công đoàn. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng một tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Hiện nay, tổ chức Công đoàn đang đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây cũng chính là cơ hội để chúng ta thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng đội ngũ cán bộ công đoàn hiện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là trong các khía cạnh như kinh nghiệm, trình độ và kỹ năng", Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho hay.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cần xem xét lại các quy định liên quan đến độ tuổi cũng như kinh phí hoạt động Công đoàn... Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, Ban Tổ chức hội thảo sẽ tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp quý báu để tiếp thu và có thể đề xuất lên Tổng LĐLĐ Việt Nam có những thay đổi phù hợp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cũng đề nghị, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ công đoàn. Việc này nên được thực hiện theo từng khối ngành và đối tượng cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đây là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn và chúng ta cần không ngừng nâng cao hoạt động này. Cuối cùng, các hoạt động tuyên truyền và tập hợp đoàn viên cũng cần được chú trọng và nâng cao chất lượng. Đây là cách để mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút sự tham gia tích cực của người lao động vào tổ chức Công đoàn.
Phát biểu tiếp thu, thay mặt cho các lãnh đạo của các đơn vị trong Cụm thi đua số 2 LĐLĐ Thành phố, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã chân thành cảm ơn sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố. Những định hướng và chỉ đạo này sẽ là kim chỉ nam quan trọng cho hoạt động của các CĐCS trong thời gian tới.
"Hội thảo này không chỉ là dịp để chúng ta lắng nghe và chia sẻ, mà còn là cơ hội quý báu để các CĐCS học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học quý giá, từ công tác tổ chức, phương pháp hoạt động, đến cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Những trao đổi thẳng thắn và cởi mở trong hội thảo sẽ là nền tảng quan trọng để chúng tôi xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới", đồng chí Lê Thị Kim Điệp nhấn mạnh.
Nên xem
Chủ động chăm lo để người lao động Dầu khí đều được đón Tết đầm ấm
Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024
Lật tẩy "chiêu trò" của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ/m2 tại Sóc Sơn
LĐLĐ quận Long Biên tiếp tục đổi mới hoạt động
Cần đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Hà Nội được vinh danh là Thành phố hạ tầng, dịch vụ công thông minh
Triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông tới cán bộ Công đoàn Thủ đô
Tin khác
LĐLĐ quận Long Biên tiếp tục đổi mới hoạt động
Hoạt động 03/12/2024 21:30
Triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông tới cán bộ Công đoàn Thủ đô
Công đoàn 03/12/2024 18:50
Phát huy vai trò của Công đoàn trong ngành Giáo dục và Đào tạo
Hoạt động 03/12/2024 07:12
LĐLĐ quận Đống Đa: Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động
Hoạt động 03/12/2024 07:11
Nâng cao chất lượng phong trào công nhân, viên chức
Hoạt động 03/12/2024 07:10
Biểu dương công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên
Công đoàn 02/12/2024 10:47
Chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động
Hoạt động 02/12/2024 06:03
Tổ chức Hội nghị người lao động mỗi năm 1 lần
Hoạt động 01/12/2024 17:30
Triển khai công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tới hơn 100 cán bộ Công đoàn Đà Nẵng
Hoạt động 01/12/2024 16:14
Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội khóa VI, kỳ họp thứ 6
Hoạt động 01/12/2024 13:15