Dìu nhau qua gian khó
Nhân rộng mô hình "Siêu thị 0 đồng" để chăm lo cho người lao động “Xe buýt siêu thị 0 đồng”: Lan tỏa yêu thương tới 15.000 công nhân, viên chức, lao động Thủ đô |
Viết lên những câu chuyện nhân văn giữa đại dịch
“Xin cảm ơn vì không quên chúng tôi trong đại dịch”. Đó là một trong những chia sẻ rất xúc động của chị Đỗ Thị Hồng (28 tuổi), đang làm việc tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh khi đón nhận những phần quà từ “Siêu thị 0 đồng” do Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội tổ chức. Chị Hồng kể, quê nằm mãi ở mạn Ba Vì, bản thân đã ly hôn, một mình chị phải chăm nom hai con nhỏ.
Công đoàn các KCN&CX Hà Nội trao quà từ “Siêu thị 0 đồng” cho công nhân lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. (Ảnh: Giang Nam) |
Với mức lương công nhân khoảng hơn 6 triệu đồng, mỗi tháng chị Hồng chỉ dám tiêu cho bản thân ăn uống gần 2 triệu đồng, số còn lại tích cóp gửi hết về quê nhờ người thân chăm nom con nhỏ. Dịch Covid-19 ập đến khiến hoạt động sản xuất tại công ty gián đoạn khiến chị gặp muôn vàn khó khăn. Cầm trong tay những phần quà là nhu yếu phẩm thiết thực như gạo, mắm, khẩu trang… chị Hồng vui vẻ bảo: Tôi cứ tự động viên mình cố gắng vượt hoàn cảnh thôi. Cho đến hôm qua, khi được thông báo sẽ được nhận phiếu mua hàng tại Siêu thị 0 đồng, tôi vui lắm. Những lúc thế này, tình nghĩa đồng bào, nghĩa tình Công đoàn, sự tương trợ lẫn nhau thật sự là đáng quý…”
Nhắc đến câu chuyện dìu nhau vượt qua đại dịch, sát cánh cùng công nhân lao động khó khăn, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản nở nụ cười nhẹ tênh, anh bảo với tôi đó là nghĩa đồng bào. Bởi với truyền thống người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc khó khăn hoạn nạn thì rất cần tấm lòng giúp đỡ. Với công nhân lao động cũng vậy, trong lúc khó khăn rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời từ tổ chức Công đoàn. “Siêu thị 0 đồng là hoạt động ý nghĩa, góp phần hỗ trợ công nhân lao động vượt qua khó khăn. Đây cũng là động lực để người lao động yên tâm hơn, có thêm sức khỏe và niềm tin để lao động sản xuất, chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội nhấn mạnh.
Mang ý nghĩa nhân văn giống “Siêu thị 0 đồng”, tại Hà Nội mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” cũng bắt đầu mở cửa để tiếp sức cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Theo tìm hiểu, đây là chương trình do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức triển khai. Ngoài ra, “Siêu thị mini 0 đồng” tại Hà Nội cũng được bảo trợ bởi Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Siêu thị dự kiến phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của gần 1.000 lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do Covid-19, sinh viên nghèo mắc kẹt tại các khu ký túc xá, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế khác.
Ghi nhận tại buổi khai trương siêu thị tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, trong siêu thị có tới 60 mặt hàng được xếp ngay ngắn trên kệ từ thực phẩm khô, đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả… với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong đó có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội. Mỗi sản phẩm đều có giá niêm yết rõ ràng, nhưng người dân không cần phải băn khoăn về số tiền bỏ ra để mua được các món mình cần. Được biết, để đảm bảo giãn cách, mỗi hộ gia đình khó khăn sẽ được phát một “Phiếu quà tặng” trị giá 400.000 đồng, từng hộ sẽ đến siêu thị vào những ngày giờ được quy định khác nhau. Mỗi lần vào siêu thị mua sắm không quá 3 người, ban tổ chức đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K phòng, chống dịch trong quá trình mua sắm tại siêu thị. “Siêu thị 0 đồng” hay mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” là những hành động, việc làm trân quý, lan tỏa hơn nữa tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng đồng lòng vượt qua đại dịch”.
Lan tỏa yêu thương
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho cuộc sống của những người nghèo thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Nhưng chính trong khó khăn, tại nhiều nơi đã xuất hiện những hành động thiết thực và ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời trên mảnh đất quê hương. Những câu chuyện cảm động, dang tay đùm bọc, sẻ chia đang lan tỏa, nhắc nhở chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Sự yêu thương, hết lòng vì cộng đồng còn xuất phát từ những hành động chung tay đẩy lùi dịch. Trong những ngày này, tại rất nhiều con ngõ, khu dân cư… trên địa bàn Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô, các bác dù đã lớn tuổi nhưng không quản ngại khó khăn, vất vả, họ nhiệt tình và đầy trách nhiệm khi tham gia cùng các lực lượng trực chốt kiểm soát với nỗ lực không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Làm nhiệm vụ trực tại chốt kiểm soát của Tổ dân phố 6, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, ông Vũ Minh Tiến, thành viên Tổ Covid cộng đồng, phường Sơn Lộc cho biết: Tổ dân phố 6 có 540 hộ với 2.100 nhân khẩu. Để kiểm soát người dân đi lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chốt kiểm soát dịch được dựng lên ngay tại đầu đường chính dẫn vào Tổ dân phố. Ngay sau khi đi thành lập, chốt kiểm soát dịch gồm 6 người đã phân công lịch trực thành 3 ca/ngày để duy trì hoạt động tự quản trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Toàn bộ người dân ra/vào đều được kiểm tra giấy thông hành, thẻ đi chợ...
Nói về sự chung tay của bản thân cũng như các thành viên khi xung phong nhận nhiệm vụ, ông Tiến kể, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đang tập trung cao độ cho trận chiến với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”… Các “vùng xanh” do chính người dân thiết lập, xây dựng và giữ gìn tại mỗi khu dân cư, tổ dân phố chính là cầu nối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chung tay phòng, chống và nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19. Ông và các thành viên trong tổ vinh dự khi được góp công, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Không ngại khó khăn vì cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” nên những ngày qua, rất nhiều thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau nhưng cùng chung mục đích là góp sức trẻ để chiến thắng dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Huy Cận, Bí thư thị đoàn Sơn Tây cho biết, nhận định rõ tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn và Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây, các cấp bộ Đoàn đã chủ động triển khai các hoạt động một cách kịp thời, phù hợp. Theo đó, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Đoàn Thanh niên thị xã đã thành lập 15 Đội phản ứng nhanh, có vai trò hỗ trợ xung kích với tổng số 156 thành viên tham gia, hỗ trợ các hoạt động tiêm phòng vắc xin tại các trạm y tế và hoạt động cung ứng hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn.
Hà Nội là thế, người sống ở Hà Nội là vậy, chẳng ai bảo ai, trong gian khó mỗi người đều gắng hoàn thành tốt trách nhiệm và phần việc của mình. Sẵn sàng hi sinh nỗi niềm riêng vì lợi ích chung, cùng dìu nhau qua mùa dịch. Chẳng thế mà lướt qua những dòng tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… tôi đã chứng kiến nhiều thông điệp như “lá lành đùm lá rách”, “trao đi yêu thương, nhận về hạnh phúc”… nhiều nhóm thiện nguyện tại Hà Nội đã phục vụ những suất ăn miễn phí cho người vô gia cư, người gặp khó khăn do giãn cách. Không quản ngại khó khăn họ đội nắng, len lỏi khắp ngóc ngách của Thành phố để kết nối, để trao những phần quà đến tận tay những người nghèo khó. Mỗi phần quà dù chỉ là chút gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm, đường, sữa, bánh và khẩu trang… giá trị tuy không lớn, nhưng cũng đủ làm cho những hoàn cảnh khó khăn thấy ấm lòng, có thêm niềm tin vượt qua những ngày dịch bệnh./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01