Đảm bảo vai trò của Công đoàn trong thực hiện quyền dân chủ của người lao động
Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 10/2022 Quốc hội thành lập Đoàn giám sát về quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 |
Đây là ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) tại phiên thảo luận ngày 14/6 của Quốc hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) nhìn nhận, thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn, như Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu.
Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An). |
Doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn gần như không tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định. Chưa kể, việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính các loại quỹ.
“Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đề xuất nên việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể nên người lao động chưa tiếp cận được với thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế, nội dung có lợi hơn cho người lao động không nhiều.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng dẫn số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2021 cả nước có 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý. Chất lượng bữa ăn ca chưa đảm bảo hoặc tăng thời gian làm việc của người lao động mà chưa thông qua ý kiến của người lao động…
Mới đây, ngày 12/6/2022 tại chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công dân năm 2022, 1 trong 10 nhóm vấn đề lớn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp mà người lao động cả nước quan tâm kiến nghị, đề xuất có vấn đề người lao động đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.
“Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị rà soát để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.
“Các quy định quyền của người lao động về dân chủ cần nghiên cứu thiết kế theo hướng có tính khả thi, thực chất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động cần được pháp luật bảo vệ, có thể được thực hiện thông qua cơ chế dân chủ đại diện hoặc dân chủ trực tiếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị.
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc). |
Đảm bảo thực chất vai trò của Công đoàn trong thực hiện quyền dân chủ
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) đề cập đến hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo dự thảo Luật, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị, tổ chức định kỳ mỗi năm một lần hoặc bất thường do Ban Chấp hành Công đoàn yêu cầu hay người đứng đầu thấy cần thiết.
Từ thực tiễn, để tránh việc người đứng đầu tổ chức hội nghị một cách hình thức, không thực chất, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về địa vị pháp lý và trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn trong Hội nghị công chức, viên chức, người lao động với tư cách là người cùng người đứng đầu cơ quan đồng chủ trì, nhằm đảm bảo thực chất vai trò vị trí, chức năng của Công đoàn trong phát huy và thực hiện quyền dân chủ của công chức, viên chức, người lao động.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) |
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhìn nhận, đây là một dự án đặc biệt quan trọng và rất có ý nghĩa, nhưng cũng là một dự án luật thật sự khó. Do đó, đại biểu đề nghị phải đánh giá rất kỹ để bảo đảm tính khả thi, tránh hình thức.
Đại biểu cho biết, về phạm vi điều chỉnh, theo tiếp thu, giải trình dự kiến của Ban soạn thảo thì sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp khối FDI, với hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân mà chỉ doanh nghiệp Nhà nước.
“Doanh nghiệp Nhà nước bây giờ có doanh nghiệp 100% Nhà nước, có doanh nghiệp 50% và thực hiện theo cơ chế cổ phần. Vậy nếu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước thì tại sao người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước lại khác với người lao động của khối tư nhân, khối FDI, mà chúng ta đều thực hiện những nội dung liên quan đến quyền của người lao động”, đại biểu nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong khối doanh nghiệp có 3 vấn đề quan tâm: Một là vai trò của Công đoàn, hai là vấn đề đối thoại, ba là thỏa ước lao động tập thể.
“Nếu phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì vô hình chung đã tách dân chủ giữa hai khối lao động ra. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.
Bộ trưởng khẳng định, dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42