Chung tay kiến tạo Trường học hạnh phúc
Ngành GD&ĐT Hà Nội đẩy mạnh thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc Thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc" |
Sức lan tỏa từ một phong trào
Cụm từ Trường học hạnh phúc không còn xa lạ với nhiều thầy cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình Trường học hạnh phúc bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta từ tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc”. Đến nay việc xây dựng Trường học hạnh phúc đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. (Ảnh: P.T) |
Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn thời gian qua cho thấy, việc xây dựng Trường học hạnh phúc vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Với quan điểm giáo dục hiện đại, thay vì chỉ chạy theo thành tích điểm số, Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (quận Đống Đa) đã lựa chọn một hướng đi đòi hỏi sự kiên trì nhưng đem đến những giá trị giáo dục bền vững. Mục tiêu của nhà trường không chỉ là học sinh đạt điểm số cao mà tập trung vào phát triển nhân cách, giúp các em có khả năng tự học, tự quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề, các tình huống trong cuộc sống... Điều này không chỉ mang đến thành tích học tập bền vững mà còn xây dựng được những cá nhân có tư duy độc lập, có lòng nhân ái và biết cách làm việc nhóm - những kỹ năng nền tảng để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Đây chính là mục tiêu của mô hình Trường học hạnh phúc mà nhà trường đã kiên trì xây dựng nhằm đào tạo ra những công dân khỏe mạnh về thể chất, tích cực về cảm xúc, phát triển về trí tuệ.
Sau nhiều năm theo đuổi, mô hình Trường học hạnh phúc đem đến không khí lớp học cởi mở và gắn kết hơn. Giáo viên và học sinh đều dành nhiều thời gian lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ nhau, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững, thân thiện. Các học sinh học cách tôn trọng sự khác biệt và hiểu rằng học tập không chỉ là cạnh tranh mà còn là sự chia sẻ và hợp tác...
Những năm qua, ngành Giáo dục quận Long Biên đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng môi trường học tập thân thiện dựa trên các tiêu chí về Trường học hạnh phúc của UNESCO với nhiều mô hình mới như: Trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Hạnh phúc”, Trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”, “Trường học cùng nhau phát triển”, “Chia sẻ yêu thương”, “Phát triển văn hoá dân gian”…
“Mỗi mô hình đều được cụ thể hóa bằng những nội dung, tiêu chí đánh giá về môi trường, cảnh quan, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên và ý thức, kỹ năng, nề nếp của học sinh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo ngành Giáo dục chú trọng quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên và học sinh như: Thiết kế các “góc thư giãn”, “không gian văn hóa”, “thư viện mở”, “nhà ăn vui vẻ”… Các mô hình đều hướng đến mục tiêu xây dựng trường học văn minh, thân thiện, tạo động lực làm việc cho giáo viên và hứng thú học tập cho học sinh để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Long Biên Đào Thị Hoa chia sẻ.
Đặc biệt, để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng, Ủy ban nhân dân quận Long Biên đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số hài lòng của nhân dân và cha mẹ học sinh đối với sự phục vụ của các nhà trường. Đây là thước đo quan trọng giúp các trường đánh giá hiệu quả những mô hình giáo dục mới, từ đó làm tiền đề nâng cao hơn nữa chất lượng, môi trường học tập, đáp ứng sự hài lòng của người dân và cha mẹ học sinh đối với các trường học trong quận…
An toàn, thân thiện, tích cực
Thông tin tại Lễ phát động tiếp tục đẩy mạnh thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc ngành GD&ĐT Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; nhằm xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô an toàn, thân thiện, hạnh phúc; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của các nhà trường; Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch và Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Thành phố.
15 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được bám sát theo các nội dung trọng tâm của UNESCO, gồm: Học sinh là trung tâm; khuyến khích sự phát triển toàn diện; tạo môi trường an toàn và thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là môi trường hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn cho thế hệ trẻ. Một Trường học hạnh phúc là nơi mà mỗi học sinh được tôn trọng, lắng nghe và cảm nhận được sự yêu thương từ thầy cô, bạn bè. “Để xây dựng một Trường học hạnh phúc, chúng ta cần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện và tích cực. Điều này bao gồm việc giảm thiểu áp lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo và khám phá, cũng như phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Chúng ta cũng cần nâng cao sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong công tác giáo dục toàn diện học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, việc xây dựng Trường học hạnh phúc là một chặng đường dài, không có điểm dừng, đòi hỏi sự thay đổi về thái độ và hành động của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Mỗi sự thay đổi, một tín hiệu mừng, góp phần tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ. Đây được xem là đích đến của toàn ngành Giáo dục. Bởi suy cho cùng, giáo dục chỉ thật sự thành công khi đào tạo ra những công dân hạnh phúc.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội dành 2 tỷ đồng tặng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam
AFF Cup 2024: Việt Nam giành cúp vàng ngay trên đất Thái Lan
Báo Lao động Thủ đô đạt Giải Khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm: Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua
Bộ Y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh vi rút gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
Bắt khẩn cấp thanh niên "đi bão" có hành vi chống người thi hành công vụ
Ấn tượng chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” tại huyện Phúc Thọ
Tin khác
10 sự kiện nổi bật của ngành GD&ĐT Thủ đô năm 2024
Giáo dục 04/01/2025 13:25
Quy định mới về dạy thêm, học thêm
Xã hội 03/01/2025 18:44
Giáo dục và đào tạo đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước
Giáo dục 02/01/2025 19:26
Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Giáo dục 02/01/2025 16:47
Vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục 01/01/2025 06:09
3 trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT
Giáo dục 01/01/2025 06:02
Những trường hợp được miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT
Giáo dục 30/12/2024 15:37
Những thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024
Giáo dục 27/12/2024 19:15
Tìm giải pháp để công tác biên soạn sách giáo khoa góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy
Giáo dục 27/12/2024 17:06
Những trường hợp được miễn thi tất cả các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục 27/12/2024 06:10