Chiến sĩ mặc áo Blouse trắng và những ngày “rực lửa” nhất cuộc đời
Tự hào “chiến sĩ” mặc áo Blouse trắng |
Bước vào tâm dịch là bước vào trận chiến
Từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các y, bác sĩ tại tỉnh Bắc Giang đã căng mình chống dịch. Thiếu nhân lực, vật lực, tỉnh phải huy động cả sinh viên trường y vào cuộc. Và trong những ngày khó khăn, y, bác sĩ từ Quảng Ninh, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang... đã đến chi viện cho Bắc Giang.
Cụ thể, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã huy động hơn 2.500 nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch, đồng thời triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn tiến của dịch. Hiện tình hình dịch ở Bắc Giang cơ bản đã được kiểm soát và ghi nhận xu hướng ca mắc mới giảm mạnh.
Bệnh nhân đầu tiên thở máy tại Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện tâm thần Bắc Giang đã “cai” máy thở, và rút ống nội khí quản thành công. |
Đằng sau những tin tức tích cực ấy là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu - những chiến sĩ mặc áo Blouse trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát da, nóng đến mất nước trong bộ đồ bảo hộ kín mít cùng với nguy cơ lây nhiễm rình rập hàng ngày. Nhiều nhân viên y tế kiệt sức ngất xỉu, có người mệt nhoài tựa vào chiếc ghế tranh thủ chợp mắt… Tất cả họ đều đang phải tạm biệt gia đình, "cấm trại" tại bệnh viện và các điểm ăn, ở tập trung chống dịch.
Giữa bộn bề vất vả, thì sự khốc liệt của thời tiết ở Bắc Giang những ngày vừa qua là thử thách rất lớn với những chiến sĩ áo trắng ở các chiến tuyến lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm, truy vết, điều trị. Theo chia sẻ của các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, thời tiết nắng nóng, oi bức càng khiến công việc của họ thêm cực nhọc. Có những ngày Bắc Giang giống như “chảo lửa”khi nắng nóng đỉnh điểm 37-40 độ C, nhưng các nhân viên y tế vẫn “dầm mình” trong những bộ đồ bảo hộ suốt nhiều giờ liền, không điều hòa, hạn chế uống nước... để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Chia sẻ về những ngày chống dịch tại Bắc Giang, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, giảng viên bộ môn nội Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết: Những ngày cuối tháng 5, nghe theo lời hiệu triệu của Bộ Y tế, đoàn chi viện gồm 37 thầy trò của nhà trường đã tức tốc lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Nhiệm vụ chính của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm thực địa tại địa bàn huyện Việt Yên, nơi được xác định là vùng lõi dịch của tỉnh. Nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng mà tất cả các bạn sinh viên không hề bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với tâm thế đến với Bắc Giang chống dịch là bước vào một trận chiến chứ không phải là chuyến đi tình nguyện thông thường, thầy và trò trong Học viện đã đặt quyết tâm cao nhất, với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp địa phương sớm kiểm soát dịch bệnh.
“Trong những ngày đầu đặt chân tới tâm dịch, nền nhiệt độ gần 40 độ C chính là trở ngại lớn nhất đối với đoàn. Trong trang phục bảo hộ cấp 4, cấp 6, việc lấy mẫu ngoài trời cho người dân trong các khu phong tỏa, cộng đồng là vô cùng vất vả. Hiện tượng choáng váng vì sốc nhiệt là khó có thể tránh khỏi, nhưng tất cả luôn động viên nhau cố gắng vượt qua”, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn chia sẻ. Theo thống kê sơ bộ, trong vòng 14 ngày chi viện, 37 thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã lấy được gần 21.000 mẫu (cả đơn lẫn gộp), góp phần quan trọng giúp địa bàn huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh. Mặc dù vất vả, nhưng với mỗi thành viên của Học viện đều thấy mình đang sống những ngày tháng ý nghĩa, nhiệt huyết và rực lửa nhất.
Ngoài đoàn Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, trong đợt dịch lần này, tỉnh Quảng Ninh cũng cử 200 cán bộ là y, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chi viện cho Bắc Giang. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết mọi người trong đoàn có khi cũng nhớ nhà, tuy nhiên, đó chỉ là một thoáng cảm xúc còn tinh thần cả đội vẫn luôn vững vàng và đầy quyết tâm. Những ngày hỗ trợ Bắc Giang, tại những điểm nóng cần phải truy vết rất nhanh, đoàn sẽ cắt cử khoảng 60 tới 100 người triển khai nhiệm vụ lấy mẫu test nhanh. Với năng lực sẵn có, năng suất tối đa mà lực lượng cán bộ được cử đi có thể làm được là khoảng 10.000 mẫu/ngày. Có những ngày, đoàn hỗ trợ cho huyện Việt Yên lấy 15.000 mẫu/ngày.
Bên cạnh những thuận lợi đó, bác sĩ Ngọc Điệp chia sẻ, khó khăn lớn nhất có lẽ chính là thời tiết quá nóng. “Thời điểm dập dịch ở Quảng Ninh là dịp Tết, thời tiết không khắc nghiệt nên khi đội ngũ y, bác sĩ mặc bộ phòng hộ cấp 4, cấp 6 cảm thấy rất vừa. Còn hiện tại, dưới cái nóng 37-38 độ tại Bắc Giang, mặc những bộ này thì quả là choáng, nhưng may chưa ngất”, bác sĩ Ngọc Điệp chia sẻ. Giữa mùa hè nóng bức, khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít và chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt. Thế nhưng cái nắng cái nóng của Bắc Giang cũng không làm khó được tinh thần cả đội. Các thành viên trong đoàn chi viện tỉnh Quảng Ninh đặt quyết tâm cao độ, khi nào Bắc Giang hết dịch mới trở về địa phương”, bác sĩ Ngọc Điệp chia sẻ.
Mẹ đơn thân 2 lần xung phong vào tâm dịch
Đặc biệt, trong những đoàn chi viện cho Bắc Giang có bác sĩ bốn lần xung phong vào tâm dịch, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là Bắc Giang. “Khi phải đối mặt với đại dịch tới 4 lần, thì nó không còn khiến cho người đi chống dịch cảm giác hoang mang nữa. Vì chúng tôi đã lường trước được cách thức mình phải làm để có thể khống chế dịch”, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chi viện chống dịch tại Bắc Giang cho biết.
Bác sĩ Trần Thanh Linh thăm khám cho bệnh nhân mắc Covid-19. |
Chia sẻ về những ngày công tác tại “chảo lửa” Bắc Giang, bác sĩ Sơn cho biết đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đến Bắc Giang gần như hỗ trợ toàn diện cho công tác phòng, chống dịch tại tỉnh: Từ hồi sức cấp cứu; kiểm soát nhiễm khuẩn; hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến… công việc vất vả khiến các bác sĩ không có khái niệm về thời gian. “Nói chung, đi chống dịch là quên khái niệm thời gian vì ở đây tất cả mọi ngày đều giống nhau, không có thứ bảy, chủ nhật. Tôi đã tham gia chống dịch lần thứ tư rồi, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là Bắc Giang. Và chưa bao giờ đi chống dịch mà tôi lại hẹn chính xác ngày về”, bác sĩ Sơn nói.
Tương tự trường hợp nữ điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng- mẹ đơn thân 2 lần xung phong vào tâm dịch. Đó là chị Võ Thị Hoài Thương, Khoa Gây mê hồi sức- một trong 6 điều dưỡng của Bệnh viện Đà Nẵng đến chi viện “điểm nóng” Bắc Giang. Được biết, nhà chị chỉ có 2 mẹ con, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo nhưng chị vẫn xung phong đi chống dịch khiến nhiều người cảm phục. Chị kể: “Thời điểm dịch ở Đà Nẵng, tôi hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang 1 tháng. Rồi đến 28, 29 Tết, khi Gia Lai cần chi viện, tôi cũng xung phong đăng ký và đã chuẩn bị tâm lý, hành trang để lên đường. Nhưng sau đó, lại nhận được thông báo không cần đi nữa. Chính vì thế, lần này khi nhận được lệnh Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, tôi nhất quyết nói: “Lần trước em đăng ký mà không được nên lần này em nhất định phải đi”.
Điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ, nhiều người có tâm lý lo ngại khi vào tâm dịch, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị cho rằng: Khi đã đứng trong hàng ngũ y, bác sĩ, tôi luôn xác định tâm lý phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm. Khi Đà Nẵng có dịch tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc các bệnh nhân nặng, tôi được trang bị về kiến thức thực tế, có phương tiện bảo hộ, nên tôi đã đăng ký tới Bắc Giang, mong góp công sức diệt Covid-19 nhanh chóng để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Cũng theo chị Thương tâm sự, khi lên đường chống dịch điều khiến chị băn khoăn nhất chính là con gái nhỏ. “Những khi buổi tối tranh thủ nói chuyện với con, dù rất nhớ và thương con thiệt thòi nhưng tôi không dám khóc vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Lần nào gọi điện thoại về, tôi cũng tỏ ra là người mẹ mạnh mẽ, rồi hứa khi về sẽ mua quà bù đắp. Nhưng con gái lại động viên: Mẹ cứ yên tâm công tác, khoẻ mạnh trở về rồi tính. Tôi nuốt nước mắt vì thương con”, chị Thương trải lòng.
Động lực chiến đấu của các chiến sĩ áo trắng
Trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, thì những nhân viên y tế như bác sĩ Ngọc Điệp, bác sĩ Sơn, điều dưỡng Hoài Thương… đều là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Họ sẵn sàng bỏ lại phía sau gia đình, để xông vào tâm dịch, với mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Những ngày nắng nóng, oi bức, bên cạnh những thông tin về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Bắc Giang, thì mỗi thông tin tiến triển tốt của người bệnh trở thành động lực không nhỏ cho các chiến sĩ áo trắng đang tham gia chống dịch tại đây.
Những sinh viên Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam sau những giờ lấy mẫu xét nghiệm vất vả. |
Theo điều dưỡng Hoài Thương, ở Bắc Giang chị được phân công chăm sóc ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi. “Khi làm việc ở Bắc Giang, điều khác nhất chắc phải kể đến khí hậu nắng nóng và khó chịu hơn Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sĩ”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Thế nhưng, theo chị Hoài Thương, nói như thế để biết rằng “trận chiến” này có thể còn dài và còn nhiều thử thách. Và riêng với cá nhân, chị không có sự lo lắng vì đã được trang bị kiến thức chống nhiễm khuẩn, các phương tiện bảo hộ và đã làm đến thành thạo nên không lo ngại sẽ bị lây nhiễm cho bản thân. Chị Hoài Thương bộc bạch: “Thành thật chia sẻ thì trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, có thể ai cũng có sự quan ngại, nhưng khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân mọi nỗi lo sợ không còn nữa. Lúc đó mình chỉ muốn làm sao thật tốt để họ thật khoẻ chứ không nghĩ ngợi gì".
Ở trong tâm dịch, một ngày các nhân viên y tế như chị Hoài Thương đều hoạt động liên tục, hiếm khi có thời gian được nghỉ ngơi trọn vẹn“Mỗi ngày êkip đều phải ở lỳ suốt trong phòng bệnh để theo dõi điều trị tất cả bệnh nhân. Dù mệt mỏi thật nhưng tất cả y, bác sĩ đều cảm thấy được an ủi mỗi khi nhìn thấy diễn tiến tốt của các ca bệnh nặng. Có thể không giúp được nhiều nhưng phần nào góp công sức để hỗ trợ Bắc Giang lúc này” chị Hoài Thương cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm với điều dưỡng Hoài Thương, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang cho biết chính sự tiến triển từng ngày của bệnh nhân là động lực để anh chiến đấu. Khi được tăng cường chi viện cho Bắc Giang, bác sĩ Linh cùng Đội phản ứng nhanh ngày đêm theo dõi, chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.
Theo bác sĩ Linh, điều trị ca bệnh nặng ở Bắc Giang Đội phản ứng nhanh chịu áp lực lớn hơn so với Đà Nẵng. Bác sĩ Linh cho biết: Hồi ở Đà Nẵng những ca bệnh nặng thì đều cao tuổi và có bệnh nền, không có ca trẻ, trẻ nhất là hơn 40 tuổi. Đợt dịch đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn đợt dịch này, chỉ mấy ngày sau chụp Xquang là thấy phổi trắng xóa. Ca tử vong ở Bắc Giang bệnh nhân trẻ quá, con mới 6 tuổi. “Bởi vậy, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn, vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nên nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. Thành ra đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn ở Đà Nẵng. Nhưng chính vì vậy mà chúng tôi quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân. Phải kiên quyết không để bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Linh nói.
Theo chuyên gia người Nhật, ông Hitoshi Mukai, Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế ICO (thành phố Bắc Giang) xúc động chia sẻ: Trong suốt gần nửa tháng hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế phòng, chống dịch tại Bắc Giang, tôi thực sự thấu hiểu nỗi vất vả, sự hy sinh cao cả của những nhân viên y tế nơi đây. Có những hôm nhiệt độ ngoài trời ở Bắc Giang lên tới 40 độ C, nhìn hình ảnh các nhân viên y tế phải khoác lên mình trang phục bảo hộ cấp 4, cấp 6, tôi càng thấy ngưỡng mộ sức chịu đựng, sự kiên cường của họ hơn. Giữa muôn trùng khó khăn, vất vả, các bạn ấy luôn luôn thể hiện tinh thần vui vẻ, lạc quan. Nhìn cái cách Việt Nam đối diện và ứng phó với đại dịch, tôi thực sự cảm thấy thán phục tinh thần đoàn kết tuyệt vời của dân tộc các bạn. Mong rằng dịch bệnh sớm trôi qua, để tất cả mọi người có thể trở lại với cuộc sống bình thường như nó vốn có. |
Và sự cố gắng của các y, bác sĩ đã có kết quả, đơn cử như trong sáng 4/6, tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang bệnh nhân N.V.G (sinh năm 1987), quê Lục Nam, Bắc Giang đã được “cai” máy thở sau 12 ngày điều trị, đồng thời có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Là bác sĩ điều trị trực tiếp cho ca bệnh này, bác sĩ Linh chia sẻ: “Sáng 4/6, đọc được mấy dòng bệnh nhân viết nhanh: “Cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Phổi đã cứu sống em - BN G”, sau đó, bệnh nhân đề nghị được chụp ảnh chung với các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Phổi để làm kỷ niệm, chúng tôi mừng lắm, lại có thêm động lực để chiến đấu”. Được biết, đây là ca bệnh điển hình của bệnh nhân Covid-19 trẻ, chuyển biến nặng. Ca này là ca nặng đầu tiên mà đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và quyết định phải đặt nội khí quản luôn. Bệnh nhân trẻ và bị nặng, có thời điểm tưởng phải can thiệptim phổi nhân tạo, nhưng sau đó đã điều trị thành công bằng thở máy.
Đồng thời, sau những phút cùng đồng đội giành giật sự sống cho những bệnh nhân mắc Covid-19 từ “cửa tử”, các chiến sĩ mặc áo Blouse trắng còn hạnh phúc bởi những cử chỉ dễ thương của bệnh nhân nhân khi họ tỉnh dậy. “Có bệnh nhân như ông N.H.T rút ống thở đã khóc phần vì xúc động và lại lo sợ. Còn anh N.V.G cai máy thở, câu đầu tiên anh ấy hỏi là “Cái ví của em đâu rồi?”; còn có bệnh nhân hỏi: “Điện thoại em đâu?”... bác sĩ Linh kể lại.
Bên cạnh đó, là những bác sĩ ra chi viện cho Bắc Giang, bác sĩ Linh cũng rất vui vì luôn nhận được sự hỗ trợ và sự phối hợp ăn ý của những đồng nghiệp ngoài Bắc. “Các y bác sĩ của các bệnh viện Bắc Giang đang phối hợp cùng đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy ở đây đã tiến bộ rất nhiều, cả điều dưỡng cũng tiến bộ rõ nét sau 2 tuần đồng hành. Thực sự hy vọng số lượng F0 giảm, bệnh nặng ít đi, không còn ca thở máy, thì chúng tôi sẽ từ từ chuyển giao công việc cho đội ngũ tại chỗ", bác sĩ Linh cho biết.
Hiện tình hình dịch ở Bắc Giang cơ bản đã được kiểm soát số người được công bố khỏi bệnh ngày càng tăng. Hiện Bắc Giang đã có gần 1.000 bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện. Đối với mỗi ca công bố khỏi bệnh, phía sau đó là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cả một tập thể các chiến sĩ áo trắng tham giacông tác phòng, chống dịch. Điều đó cũng chứng tỏ những nỗ lực của họ trong nhiều ngày qua đã đem lại kết quả và sự chi viện y tế của bệnh viện các tuyến, từ nhiều tỉnh thành cho tâm dịch Bắc Giang thật đáng được trân trọng./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22