Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong các ngày gần đây giữ giá mua vàng miếng thấp hơn giá vàng thế giới trong khi đẩy giá bán ra cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khiến chênh lệch giữa giá mua và giá bán có thời điểm lên tới 400 – 700 nghìn đồng mỗi lượng.
Mức chênh lệch nói trên cao hơn nhiều mức chênh lệch giá phổ biến trong khoảng 250 – 300 nghìn đồng được các doanh nghiệp duy trì trong suốt tháng 1.2020. Đây là cách thức điều chỉnh giá thường được các doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng nhằm phòng ngừa các rủi ro về giá khi thị trường thế giới đang có biến động mạnh.
Chênh lệch giá mua bán vàng tăng lên 800 nghìn đồng mỗi lượng vào ngày hôm nay (31.1). Ảnh: L.D |
Không riêng vàng miếng, chênh lệch giá mua bán các sản phẩm vàng thường được mua nhiều trong dịp “Ngày vía Thần tài” như đồng tiền vàng in hình con vật của năm, nhẫn kim tiền hay các loại vàng nhẫn tròn trơn cũng được đẩy lên rất cao.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động vào đầu giờ chiều ngày 31.1 cho thấy, SJC niêm yết giá mua bán vàng nhẫn 99,99 là 44,25 – 44,85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn PNJ có giá 43,9 – 44,7 triệu đồng/lượng trong khi tại Doji, giá mua bán vàng nữ trang 99,99 được niêm yết ở mức 43,85 – 44,65 triệu đồng/lượng.
Mức giá trên khiến chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra tại các doanh nghiệp phổ biến từ thấp nhất 600 nghìn đồng đến cao nhất là 800 nghìn đồng mỗi lượng. Chênh lệch giá mua bán càng cao càng khiến người mua gặp nhiều rủi ro hơn và cơ hội có lãi khi bán lại vàng trong ngắn hạn là rất khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một nhân viên bán hàng của Tập đoàn Phú Quý cho biết, các sản phẩm vàng được chế tác riêng phục vụ “Ngày vía Thần tài” như nhẫn kim tiền, đồng xu vàng thường được cộng thêm phí chế tác.
“Ngoài giá mua ở thời điểm giao dịch, sản phẩm nhẫn kim tiền sẽ được tính thêm phí chế tác là 320 nghìn đồng mỗi chiếc, không phân biệt trọng lượng là 1 hay 5 chỉ vàng” – nhân viên nói trên cho biết.
Theo Lam Duy/laodong.vn