Bâng khuâng cung đàn Đào Xá
Ngẩn ngơ tiếng đàn Đào Xá |
Tiếng ngân vang giữa làng
Tôi về xã Đông Lỗ dễ cũng không dưới 3 lần. Và lần nào cũng vậy, đến làng Đào Xá tôi lại như lạc vào khu vườn âm thanh đồng quê. Chẳng đâu xa, đến chùa Viên Đình, tôi đã thoáng nghe thấy những tiếng đàn tam thập lục ngọt ngào, rộn rã vang lên. Cùng với đó là tiếng trẻ em hát ríu ran hòa tan trong những chùm âm thanh như làn gió mát tràn về.
Nhắc đến cái tích mang nghề về đất Đào Xá hẳn không ít người trầm trồ. Nghe các nghệ nhân trong làng kể lại rằng, cách đây gần 200 năm, làng có cụ Ðào Xuân Lan vốn có “máu” nghệ sĩ, lại ham học hỏi nên cụ đã hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cụ chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán cũng trở nên thịnh vượng ở các cửa hàng trên thành phố.
Nghệ nhân Ðào Văn Soạn. Ảnh: Giang Nam |
Từ đó, nghề làm nhạc cụ đã trở thành nghề truyền thống của Ðào Xá. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cả làng Ðào Xá làm nghề đàn, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng đục, tiếng gõ, cả những tiếng so dây, thử phím. Hòa bình lập lại, cả làng có tới 90% số hộ kiếm sống bằng nghề này. Sau, do điều kiện kinh tế khó khăn, thú chơi đàn của người dân giảm xuống, nghề đàn Ðào Xá có lúc tưởng bị thất truyền, nhưng nhờ sự quan tâm kịp thời của Nhà nước mà làng nghề đã được khôi phục.
Nhắc đến người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt mấy chục năm qua phải kể đến nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn. Tôi gặp và trò chuyện với ông Soạn tỉ mẩn và lâu nhất có lẽ ở quãng năm 2012. Thuở đó, dù người làng dần rời bỏ nghề hết nhưng vợ chồng ông Soạn vẫn cóc cách bám nghề. May thay, sản phẩm ông làm ra bán được, bán chạy và hanh thông đến mức ông bận tối mắt quanh năm. Gặp lại ông Soạn, ở cái tuổi gần 80, ông vẫn tinh tường trong từng đường cưa, nhát đục. Không ai không khâm phục sự dẻo dai và chính xác trong công việc của ông.
Cái đận 2012, vừa “cầm tay chỉ việc” cho tôi, người nghệ nhân vừa bảo, để thạo nghề, làm được tất cả các loại nhạc cụ, người thông minh cũng phải học ngày, học đêm trong suốt 3 năm. Dĩ nhiên, tôi muốn “học mót” nghề cũng phải tốn chừng ấy. Đó là với tôi, nhưng với những người thợ lành nghề như ông Soạn thì ngay cả với những loại nhạc cụ mới như nhạc cụ nước ngoài, chỉ cần “mổ” cái đàn ấy ra, tự mày mò mẫm, nghiên cứu, một tháng sau là đã có thể làm được.
Để làm được cây đàn ưng ý cũng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, phơi gỗ, ra gỗ đến đánh bóng, trau chuốt và lắp ghép. Trung bình, để hoàn thành một chiếc đàn phải mất trọn một tuần đối với một thợ lành nghề. Đàn làm xong phải cẩn thận tráng sơn, sau đó khảm trai để trang trí họa tiết, hoa văn. Đó cũng chính là nét độc đáo của làng nghề này.
Có một điều ít người biết về ông Soạn đó là người nghệ nhân này chưa từng qua lớp đào tạo nào về nhạc lý. Dẫu vậy, ông có tài thẩm âm tuyệt vời, dù là đàn bầu, đàn nguyệt hay đàn đáy… nhắc chuyện này, một đồng nghiệp của tôi đã nói và viết rằng, nếu có một nghề nào vừa có cái “phàm”, lại vừa rất “thanh”, thì đó chính là nghề làm đàn. Điều này quả thực đúng bởi khi những người thợ mộc chất phác họ luôn giữ trong bản thân một tình yêu thuần túy, dùng tình yêu ấy để góp phần vào sự phát triển của một loại hình nghệ thuật, góp phần đem đến những âm thanh làm đẹp cho đời… thì hẳn nhiên người thợ đó “thanh” nhất, đẹp đẽ nhất trong số đó.
Những chuyện góp nhặt
Có đến Đào Xá mới biết, nơi đây từng một thuở được nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến tổ chức hoạt động. Nghe kể, Đào Xá tuy là gọi là vùng tự do nhưng chỉ cách con đường chính đi Cầu Giẽ và Vân Đình chừng mươi cây số. Dân trong làng vẫn thấp thỏm sẽ có ngày giặc Pháp càn đến. Nhưng từ khi các chiến sĩ cách mạng đến đóng quân, không khí lạc quan hơn hẳn chứ không còn lo âu như trước.
Thời kháng chiến, làng còn được xã cho định lại sơ đồ rồi đánh số nhà, số xóm cho tiện liên lạc và bố trí công việc phục vụ cách mạng. Đội văn nghệ thiếu nhi được thành lập. Những cây đàn của dân làng được huy động và ai cũng say sưa biểu diễn. Khi ấy, đội thiếu nhi ai cũng thuộc bài “Làng tôi”, mà không biết tác giả là nhạc sĩ Văn Cao đã đứng ra dạy hát trong nhiều đêm. Đó là những đêm vui nhất của làng từ xưa đến nay.
Những nhạc cụ đang được hoàn thành. Ảnh: Giang Nam |
Từ Đào Xá đi rộng quanh xã Ðông Lỗ cũng có thể dễ dàng thấy không ít nét độc đáo mà không nơi nào có được. Chẳng hạn, câu chuyện hai cây duối cổ ngàn năm, duy nhất được vua nhà Lý sắc phong “thân mộc hộ quốc” thì chỉ ở chùa Viên Đình, làng Kẹo, xã Đông Lỗ mới có. Nghe kể lại, nhân duyên của hai cây duối này được dân gian ghép cho không ít nét đặc sắc.
Người Đông Lỗ bảo “duối chồng” và “duối vợ”, cách nhau chừng mươi thước, nhưng lại cùng tỏa bóng xanh mát bốn mùa, quấn quýt rất tình cảm. Thân cây duối chồng sần sùi, to phải hai người ôm, còn cây duối vợ thon thả hơn, nuột nà và ra quả vàng rộm mỗi độ hè về. Chính vì dáng đẹp và gợi cảm về một mái ấm gia đình của hai cây duối đã làm vua Lý xúc động, nên mới đặt nền móng để dựng chùa Viên Đình và sắc phong cho chúng.
Còn một sự đặc biệt khác mà chắc hẳn chỉ Đông Lỗ mới có. Tại đây, thời Lý có tháp chuông được làm bằng gỗ lim. Dĩ nhiên, với tuổi thọ ngàn năm có lẻ mà tiền nhân lưu lại đã trực tiếp tạo nên vẻ huyền bí cho ngôi chùa nơi thanh tịnh ngay bên cánh đồng làng Kẹo. Chưa hết, hiện Đông Lỗ còn nhộn nhịp hơn, khi có nhiều phật tử và bà con khắp nơi về cầu lễ. Vì sao ư? Bởi chùa Viên Đình linh ứng. Vì ngôi tự này là nơi hiện có nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam với hàng ngàn ngọc xá lợi Phật được hội tụ về đây.
Trở lại câu chuyện về nghề làm đàn ở Đào Xá. Dù đã tồn tại trên 200 năm nhưng tới năm 2009 Đào Xá mới được công nhận là Làng nghề. Từng có thời điểm, nghề làm đàn của làng bị… chê vì làm cực thân, vất vả mà không no cái bụng. Một số thợ giỏi khăn gói đồ nghề đi mở cửa hiệu làm đàn ở nơi khác. Tính ra công xá không lời lãi bao nhiêu. Qua chừng đó quãng truân chuyên, may mắn thay đến nay nghề làm đàn cũng từng bước có thương hiệu riêng. Cuộc sống của những người thợ cũng vì thế mà ít long đong, vất vả. Và hơn hết, cho đế nay, khi những lữ khách hành hương gần xa ghé đến Đông Lỗ, đến Đào Xá, mọi người lại nhớ thêm câu ca dao: “Đông Lỗ có làng làm đàn/Có ngọc xá lợi tiếng lan khắp vùng/Có tiếng chuông thỉnh mênh mông/Duối vợ, duối chồng kết ngãi ngàn năm”.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Giá xăng dầu hôm nay (23/12): Giá dầu thế giới đầu tuần bật tăng
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Tin khác
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05