Mang con chữ ra đảo xa
Vì biển đảo thiêng liêng của đất nước: Mang “con chữ” ra nơi đầu sóng |
Hai từ “thầy giáo” thật lớn lao
“Tôi không hiểu vì sao nữa, chỉ biết rằng khi ra đây tôi thấy quý nơi này, quý đám trẻ ở đây vô cùng. Khi nhìn vào mắt bọn trẻ tôi thấy sự bình yên đến lạ. Vì thế, tôi muốn mang đến cho lũ trẻ những gì mà tôi có. Đó là nhiệt huyết, là ý trí, tri thức và nghị lực để bọn trẻ vươn lên trong cuộc sống. Tôi chỉ cố gắng làm hết những gì mình có thể, để bù đắp một phần những thiếu thốn cho bọn trẻ trên đảo…”, Đại úy Trần Bình Phục – người thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối tâm sự về cái duyên đến với nghề dạy học của mình.
Nằm nép mình dưới những gốc cây xoài cổ thụ xum xuê, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối giờ không còn cảnh mái lá, vách đất đơn sơ, cùng những buổi học giật mình thon thót của đám trẻ trước mỗi mùa gió chướng. Thay vào đó, lớp học đặc biệt và duy nhất trên đảo giờ đã khang trang hơn. Mái tranh vách đất ngày nào, được thay thế bằng mái tôn, tường xây kiên cố… Luôn nở cụ cười hạnh phúc trên môi khi nhắc đến lớp học và những học sinh non nớt, ngây ngô của mình, về việc bà còn ở đảo yêu thương nên gọi anh bằng “thầy”. Anh bảo, tôi không nghĩ mình trở thành một người thầy giáo, bởi với tôi hai từ đó thật sự rất lớn lao.
Đại úy Trần Bình Phục miệt mài bên lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. |
Nhớ lại những ngày đầu bước chân ra đảo, cùng những ngày “chập chững” đứng trên bục giảng, thầy giáo mang quân hàm xanh kể, những buổi ban đầu đứng lớp thật sự không đơn giản. Cả trường khi đó chỉ có 4 – 5 em học sinh, còn lại đa số đám trẻ chỉ mải mê phụ gia đình kiếm tiền. Vì thế, việc thuyết phục cha mẹ các em cho con đi học đã khó, nhưng để bọn trẻ tự nguyện đến lớp còn khó khăn gấp bội. Trong khi đó, việc đứng lớp để dạy cho các em lớp 1, lớp 2, vừa học viết, học đọc… rồi tiếp tục quay ra dạy các em lớp lớn học làm toán, học lịch sử…đòi hỏi người dạy phải có kiến thức rộng, kỹ năng tốt. Tuy nhiên, nhiều môn học, bài toán khó không giải được, để giúp các em hiểu bài thầy Phục phải gọi điện vào đất liền cầu cứu các thầy, các cô.
“Những ngày đầu tôi chỉ dạy các em lớp 5, về sau các em lớn lên nhưng lại chưa sẵn sàng, chưa có điều kiện vào đất liền học tập, rồi trường lại tiếp tục mở thêm lớp 6, lớp 7. Trong khi đó, các em nhỏ hơn bắt đầu đam mê đến trường. Thế là tôi lại dạy luôn cả các em lớp 1, lớp 2… Một mình dạy đủ các lớp với bao nhiêu môn học, nếu không chuẩn bị trước, đôi khi sẽ rất rối loạn, tuy nhiên trong cái khó nó ló cái khôn, thế rồi thầy trò cùng nhau vượt qua. Ấy thế, cũng không ít lần tôi phải gọi điện thoại nhờ đất liền, nhờ các anh chị giáo viên cứu giúp đối với các bài toán khó” - thầy Phục say xưa kể.
Chia sẻ về niềm vui được đến trường, bé Hồng Mỹ Em(SN 2005) cho biết, ở đây cuộc sống của chúng em còn khó khăn, nhưng được đến lớp học của thầy Phục em rất vui. Đến đây em được học chữ, học kiến thức và được gặp gỡ các bạn. Ước mơ của em sau này là trở thành cô giáo và tiếp tục trở về đảo để tiếp bước thầy Phục dạy học cho các em nhỏ.
Từ lớp học này nhiều em nhỏ đã trưởng thành và vươn lên trong cuộc sống. |
Nhờ tình cảm đặc biệt mà thầy Trần Bình Phục đã dành cho các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối, không chỉ có bé Mỹ Em, mà rất nhiều em nhỏ khác như em Khôi, em Hào… đều hào hứng đến với lớp học. Ở đó, các em không chỉ được gặp người thầy mang quân hàm xanh đáng kính Trần Bình Phục, mà còn được sống trong những ký ức đẹp của tuổi học trò. Từ những điều bình dị ấy, các em đã ý thức hơn về cuộc đời của mình, yêu thương, gắn bó với nhau như những người thân, ruột thịt trong gia đình. Để từ đó các em cùng nhau cố gằng, cùng thể hiện ý chí, quyết tâm “vượt sóng, vượt gió” để làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình.
“Ngọn hải đăng” mang tên Trần Bình Phục
Trên đảo nhỏ, một mình thầy Phục xoay sở với 23 em học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 7. Cứ học sinh lớn đến đâu, anh lại mở lớp dạy đến đó. Để rồi nhiều em nhỏ gia đình có điều kiện, hoặc lớn hơn đã chuyển vào đất liền học tập. Nhiều em có ý trí cũng đã thi đậu vào các trường Đại học và hiện đã có việc làm ổn định, đó là niềm vui không chỉ của các em, của gia đình, mà còn là niềm vui vô bờ bến của người thầy giáo mang quân hàm xanh khi những “đứa con” của mình đã lớn lên, đã trưởng thành và có ích cho xã hội.
“Cái khổ ghê gớm nhất của con người không phải là chuyện đói ăn, đói mặc mà chính là đói tri thức. Vì thế, muốn đẩy lùi cái khó khăn đó không có con đường nào khác ngoài việc phải đến trường, phải có tri thức. Mà ở đây, tôi không chỉ dạy các con kiến thức, mà còn dạy các con làm người. Để từ đó, biến những hoài bão, những ước mơ của các con trở thành hiện thực”, Đại úy Phục bộc bạch.
Câu chuyện đưa cái chữ ra đảo nhỏ của những người lính biên phòng Trần Bình Phục thực sự là câu chuyện dài, thấm đẫm sự hi sinh và tình thương vô bờ bến với lũ trẻ trên đảo Hòn Chuối. Ấy thế, câu chuyện về cái duyên đưa người thầy giáo đến với hòn đảo nhỏ này còn ly kỳ và hấp dẫn hơn rất nhiều. Tâm sự về những kỷ niệm ấy, Đại úy Trần Bình Phục nhớ lại, năm 1997, sau cơn bão Linda, anh được điều ra công tác ở đồn biên phòng đảo Hòn Chuối. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ thứ, khiến nơi này chỉ có vài chục nóc nhà nheo nhóc, cơm không đủ bữa, chạy lần quanh năm. Chính những hình ảnh đó đã ám ảnh và thôi thúc Đại úy Trần Bình Phục quyết tâm xin ra đảo.
5 lần viết đơn tình nguyện xin ra đảo công tác, là 5 lần Đại úy Trần Bình Phục bị cấp trên từ chối, trong đó có cả lần anh bị Thủ trưởng đơn vị xé đơn trước mắt; không những vậy, gia đình, bạn bè khi biết tin anh viết đơn tình nguyện ra đảo ai nấy đều bất ngờ và ngăn cản, lý do cũng là bởi anh đang mang trong người căn bênh ung thư. Vì thế, nhiều người còn gay gắt mắng anh “khùng”. Không nản chí, vượt qua áp lực gia đình, anh tiếp tục viết lá đơn thứ 6, và rồi mong ước của anh cuối cùng cũng thành hiện thực. “Khi đó cảm xúc tôi vui lắm, không thể diễn tả nổi”, Đại úy Phục nhớ lại.
Giờ đây, lớp học nhỏ của thầy Phục đã đông hơn, dần đi vào ổn định, mỗi sớm, lũ trẻ đều bắt đầu ngày mới bằng việc đến lớp. Song, tâm nguyện sâu xa của người thầy giáo ấy vẫn là việc, đến một ngày nào đó sẽ có các thầy cô giáo thực thụ ra với các em. “Dù gì tôi cũng chỉ là một người lính, về mặt chuyên môn sư phạm cũng có phần hạn chế, không giống như các thầy cô giáo thực thụ. Các em được truyền thụ kiến thức bởi các thầy cô đó, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa đảo và đất liền. Khi đó, các em cũng đỡ bỡ ngỡ hơn”, thầy Trần Bình Phục bày tỏ.
Khi được hỏi về sức khỏe của anh, người thầy giáo mang quân hàm xanh khẽ cười rồi bảo, hàng ngày tôi vẫn lên lớp cùng các em, được lên lớp nó như sức mạnh vô hình giúp tôi đứng vững, chiến đấu tốt hơn và giúp cho học trò tốt hơn. Anh khẳng định: Tôi vẫn ổn! Mỗi năm các anh chị đến đây vẫn thấy tôi còn cầm phấn dạy các con nghĩa là tôi vẫn ổn. Đó chính là điều tuyệt vời nhất!
Chia tay người thầy giáo mang quân hàm xanh cùng lũ trẻ trên đảo Hòn Chuối, đâu đó trong tiếng sóng, tiếng gió biển tiếng đánh vần ê a của đám học trò, cùng lời giảng bài người thầy giáo tận tụy vẫn văng vẳng bên tai, như thể những âm thanh ấy đang hòa vào tiếng sóng xô theo đoàn công tác. Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa chúng tôi mới có dịp gặp lại Đại úy Trần Bình Phục, thế nhưng tấm gương của anh, sự hi sinh của anh, sẽ còn sáng mãi như những ngọn hải đăng giữa biển trời tổ quốc.
Đỗ Đạt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05