Tự chữa bỏng tại nhà: Nguy hiểm khôn lường!
Xử lý vết thương khi bị bỏng | |
Cháy nhà khiến chồng chết, vợ bỏng nặng |
Bỏng nhẹ hóa nặng!
Cách đây không lâu, Khoa Điều trị tích cực (Viện Bỏng Quốc gia) đã tiếp nhận bệnh nhân nhi Trần Nguyễn Minh L, nam, 2 tuổi (ở xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nhập viện trong tình trạng bị bỏng 10% diện tích cơ thể, chuyển hoại tử thứ phát toàn bộ, tiết dịch nhiều, màu xanh, mùi hôi. Chẩn đoán ban đầu, trẻ bị bỏng nước sôi 10% độ IV, V bụng, ngực, tay trái, chân trái - sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng.
Vết bỏng của bé N. không những không đỡ mà chân càng bị co quắp. Hiện bé đang được điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng. |
Phía gia đình cho biết, do không để ý, nên trẻ bị bỏng nước sôi, nghe hàng xóm mách có thuốc chữa bỏng (vừa uống và bôi lên vết bỏng, sẽ nhanh khỏi) nên gia đình không cho cháu đi bệnh viện mà tự chữa tại nhà.
Sau 8 ngày tự điều trị, thấy cháu không đỡ mà bệnh nặng hơn, gia đình mới đưa cháu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, nhưng do bệnh cháu quá nặng, diễn biến xấu dần, nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã chuyển cháu lên Viện Bỏng Quốc gia.
Theo TS.Chu Anh Tuấn (Viện Bỏng Quốc gia), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: Thở máy, thuốc vận mạch, trợ tim, truyền dịch, kháng sinh mạnh, truyền khối hồng cầu, albumin, thay băng cắt lọc vết thương bỏng, nhưng tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng ngày càng nặng hơn (hôn mê sâu, hạ thân nhiệt 36oC, chi lạnh, môi tím, da lành nổi các vân đá, mạch rất nhanh (237 lần/phút), huyết áp tụt, bụng chướng căng...).
Mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, bé L đã tử vong. “Đây là một trường hợp tử vong đáng tiếc vì diện bỏng không quá rộng” - bác sĩ Tuấn đau xót kể.
Đây không phải là trường hợp duy nhất về việc gia đình tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bỏng cho trẻ và gần đây nhất là Viện Bỏng Quốc gia lại vừa tiếp nhận trường hợp bé Dương Ánh N., 8 tuổi, dân tộc Dao (ở xã Kiên Môn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) bị bỏng xăng, nhưng gia đình cũng tự chữa bằng thuốc lá tại nhà.
Do vậy, vết thương của bé N. bị nhiễm trùng, khiến chân sau của bé bị co quắp không đi được, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị hoại tử. Theo các bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng (Viện Bỏng Quốc gia), mặc dù bệnh nhi đã được phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hiện giờ tình trạng của cháu N. có khá hơn, nhưng khả năng đi lại của cháu sau này rất khó.
Không được tự ý điều trị bỏng cho trẻ
Theo TS.Tuấn, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi 1-5 tuổi chiếm khoảng 50 - 60% số trẻ em bị bỏng. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh, nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm.
“Khi trẻ em khi bị bỏng, dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn, do các cơ quan chưa hoàn thiện. Ở trẻ nhỏ, diện bỏng từ 10% diện tích cơ thể là bỏng nặng, cần nhanh đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách” - TS.Tuấn nhấn mạnh.
Không phủ nhận, từ xưa, ông cha ta đã sử dụng nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ, động vật để điều trị vết thương, vết bỏng, cho kết quả tốt như: Danh y Tuệ Tĩnh đã dùng mật ong điều trị bỏng; Hải Thượng Lãn Ông dùng dương quy, dầu vừng đúc thành cao dán lên vết bỏng đã nhiễm khuẩn, cho kết quả tốt.
Ngày nay, kế thừa vốn y học cổ truyền và kết hợp các kỹ thuật bào chế hiện đại, người ta đã sản xuất ra nhiều thuốc nguồn gốc thảo mộc có tác dụng tốt trên vết bỏng như madhuxin, selaphin, B76,… tuy nhiên, để có tác dụng tốt thì thuốc phải được dùng đúng chỉ định.
Theo các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia, việc nhiều gia đình bệnh nhân bôi lên vết bỏng của trẻ như nhựa chuối, nước mắm, thuốc tạo màng…sẽ làm tăng ô nhiễm tại vết bỏng, tăng mức độ bệnh, nhiều trường hợp để lại hậu quả về chức năng và thẩm mỹ và nặng hơn là trẻ bị tử vong.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, bỏng là tai nạn có thể phòng tránh. Vì vậy, các gia đình cần trang bị những kỹ năng cơ bản về dự phòng bỏng. Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn.
“Khi bị bỏng, cần biết sơ cứu bỏng đúng cách (ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (16 - 200C), hoặc dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm, càng tốt trong khoảng 20 phút). Sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị hoặc đến các thày lang để chữa bỏng. Đừng để tiền mất tật mang vì sự thiếu hiểu biết của mình” - bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Trang Thu
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38