“Quyết chiến” ngăn dịch COVID-19
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 200 quốc gia, hơn 530.000 người nhiễm và hơn 24.000 người tử vong. Con số này không ngừng tăng lên.
Trong thời gian qua, chúng ta đã chủ động, quyết liệt phòng chống dịch. Thủ tướng cho biết, sáng 27/3 đã ký Chỉ thị hết sức quan trọng với các biện pháp khắt khe nhất, coi như “tiền khẩn cấp” khi có nhận định rằng trong 2 tuần tới, dịch có nguy cơ bùng phát. Chúng ta đang cố gắng giảm hết mức số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người bình phục, xuất viện.
Nêu rõ sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “quyết chiến”, làm mọi biện pháp có thể để ngăn dịch COVID-19. Trong thời gian tới, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay.
Nói về tác động của COVID-19 đến kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, dịch ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0, hãng tin Bloomberg cũng cùng nhận định, nhiều nước tăng trưởng âm.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế mới, lớn hơn cuộc suy thoái 2008 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có thể tăng trưởng âm.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp |
“Hôm qua, tôi đã dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, các tổng thống, thủ tướng của các nước dự đều phát biểu rằng phải vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, trở ngại”, Thủ tướng nói. Các nước G20, các nước châu Á, Đông Nam Á đã có gói kích thích kinh tế.
Về tình hình trong nước, những tháng đầu năm, chúng ta gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…
Đặc biệt, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội. Trước tình hình đó, Thường trực Chính phủ đều có suy nghĩ phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Vì vậy, Thủ tướng cho biết, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch.
Năm nay, chúng ta dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách, chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua; nhiều khách sạn cũng phải đóng cửa.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu, “chúng ta phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài”, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. 3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn.
Nội dung thứ 3 cần bàn tại hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. “Cho nên, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.
Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.
Nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới, Thủ tướng nhấn mạnh, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết, Hội nghị sắp tới, dự kiến diễn ra vào 31/3, sẽ có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh trong toàn quốc, các đồng chí bộ trưởng, các cơ quan có liên quan của Quốc hội để cùng thảo luận. Hội nghị sẽ nghe các bộ trưởng trình bày chương trình hành động của mình để đóng góp xây dựng đất nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng ý với báo cáo của các bộ, ngành đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kích thích kinh tế trên các lĩnh vực, đẩy nhanh đầu tư công, hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng lưu ý, 4 báo cáo lớn đối với 4 nội dung này cần chuẩn bị công phu, sẽ do 4 đồng chí Bộ trưởng trình bày. Khâu chuẩn bị rất quan trọng, “chúng ta phải dày công nghiên cứu”. Những nội dung Hội nghị đề cập cũng là những vấn đề người dân, xã hội quan tâm, do đó, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để hội nghị đạt kết quả tốt.
Thủ tướng cho rằng, trong các báo cáo phải nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, của tư lệnh ngành, bộ trưởng để vực dậy nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là làm sao Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các doanh nghiệp, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên.
Thủ tướng đề nghị, các gói hỗ trợ hiện nay còn ít, cần nâng lên. Các biện pháp cũng cần hướng tới mục tiêu tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo…
Cùng với đó, lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI phải được ổn định. Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong “thời chiến”, cải cách thủ tục, Thủ tướng nói.
Bên cạnh nêu các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cần đề xuất các giải pháp phải xin ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo. Thủ tướng nêu rõ, làm nhanh nhưng không được lợi dụng tham ô, tham nhũng.
Về vấn đề đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh vi phạm.
Về giải pháp tài khoá, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách Nhà nước.
Về tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, thống nhất định hướng các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện và đề xuất thời gian tới, lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…
Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu.
Về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Về tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng thống nhất đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể về giải pháp kích cầu mạnh mẽ hơn.
Về phương án bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, các giải pháp, tình huống có thể xảy ra.
Tại Hội nghị sắp tới, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương không chỉ nêu các khó khăn mà cần phát biểu, đề xuất các giải pháp.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
Tin mới 19/12/2024 14:40
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:47
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi nạn nhân vụ cháy quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:25