Phòng chống cháy nổ ở những khu nhà trọ: Cả chủ lẫn người thuê vẫn... thờ ơ!
Vẫn còn đó nguy cơ cháy nổ ở các phòng trọ giá rẻ quanh bệnh viện |
Ý thức kém
Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – kỹ thuật lớn nhất cả nước, do đó thu hút nhiều người lao động, học sinh, sinh viên trên cả nước hội tụ về đây làm việc và học tập. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng trên, các khu nhà trọ mọc lên như nấm ở nhiều nơi.
Những khu vực này cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Bởi, đây là những khu vực mà an toàn phòng chống cháy nổ đang bị bỏ ngỏ. Cùng với đó, hệ thống điện phần lớn được đấu nối rất tạm bợ, các dây dẫn điện, bảng điện, thiết bị lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, có nguy cơ chập cháy bất kỳ lúc nào.
Qua khảo sát tại một số khu vực, chúng tôi thấy rằng hầu hết các khu trọ này đều khá chật chội, lối đi rất hẹp, xe cộ xếp dày đặc…Điều đáng nói, ở những nơi này hầu như không hề có các phương tiện phòng cháy chữa cháy cơ bản, chẳng hạn như bình cứu hỏa. Các phòng trọ thường chỉ có diện tích hơn 10m2 nhưng thường xuyên xuất hiện các loại đồ dùng, vật liệu bén lửa, thêm vào đó là tình trạng sử dụng nguồn điện bất hợp lý.
Các khu trọ, phòng trọ sử dụng bếp gas mini tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. |
Tại căn phòng trọ diện tích chưa đầy 15m2 trong một conngõ nhỏ ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi ở của Lê Ngọc Huy (sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải) và 2 người bạn.Theo quan sát của chúng tôi, căn phòng khá chật chội, nhưng chứa rất nhiều đồ. Phía dưới sàn là sách vở, chăn màn, quần áo... phía trên là hệ thống điện được chủ nhân sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nên đấu nối vô tội vạ.
Sát ngay bên các vật dụng trong nhà là chiếc bếp gas dùng để nấu ăn, khiến căn phòng càng trở nên chật chội và ngột ngạt. Dường như hiểu được những lo ngại của chúng tôi, Huy trấn an: “Ở khu trọ này hay mấy khu trọ mà các bạn em đang ở, mọi người cũng đều nấu ăn như thế cả. Bọn em đều là sinh viên với người lao động, đâu có nhiều tiền để thuê những phòng rộng rãi, nên đành chấp nhận sống như thế này thôi”.
Ở một khu trọ khác trên đường Đức Diễn, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là nơi trú ngụ của một nhóm bạn trẻ mới đi làm, chúng tôi thấy có hơn chục chiếc xe dựng san sát nhau. Khu vực này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, bởi người, xe ra vào liên tục, xe được xếp dày đặc, chỉ cần một xe bị sự cố như chảy xăng, rò rỉ xăng, mà có người vô ý thức hút thuốc, gạt tàn... thì có lẽ sẽ thiêu rụi hết. Nhung, một bạn trẻ thuê trọ ở đây cho biết: “Hiện ở khu trọ của chúng em, chủ nhà không trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Chúng em ở đây cũng hơn 3 năm rồi mà không thấy ai đến kiểm tra hay nhắc nhở gì về vấn đề phòng cháy chữa cháy cả”. Nhung cũng chia sẻ với chúng tôi, phòng trọ của em đã có lần bị chập điện nhưng may mắn thời điểm ấy có người ở nhà, đã kịp thời xử lý nên không xảy ra việc gì nghiêm trọng. “Có nhiều người đến thuê phòng cứ vô tư để những thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ngay trong phòng nên cũng khá nguy hiểm”, Nhung lo lắng.
Qua tiếp xúc với nhiều người đang thuê trọ, phần lớn họ đều có tâm lý, thấy khu nhà trọ nào tiện cho việc học hay đi làm là quyết định chọn ở, chứ không quan tâm đến nơi đó có thiết bị phòng cháy chữa cháy hay không và các thiết bị điện có được lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn hay không. Thậm chí, một số người còn cho rằng thuê được phòng là may mắn nên cũng không hề đắn đo khi điều kiện sống trong những căn phòng trọ quá thiếu thốn và tạm bợ. Hơn nữa, cả chủ nhà trọ và người thuê đều không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy.
Nhiều người ví phòng trọ như những chiếc phòng đa năng. Với diện tích nhỏ, hẹp, người ở trọ có thể sử dụng cho mọi sinh hoạt, như: Học tập, nghỉ ngơi, nấu ăn,… Để tiết kiệm chi phí, hầu hết sau giờ học, giờ lao động, sinh viên, công nhân về tự nấu ăn tại nhà trọ bằng bếp gas mini với các bình gas được tái sử dụng nhiều lần. Đây là những mối lo ngại lớn nhất, bởi từ xưa đến nay các bình gas cũ, sử dụng điện không đảm bảo an toàn là “thủ phạm” chính trong các vụ cháy.
Nguy cơ cháy nổ cao
Khi được hỏi những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy như: Làm gì khi quần áo bị bắt lửa, khi có cháy xảy ra cần làm gì, nơi nào có nhiều khí nhất khi xảy ra cháy,... hầu hết những người thuê trọ đều lắc đầu, không biết. Chứng kiến không ít phòng trọ ngổn ngang đồ đạc, quần áo, chăn màn, những vật liệu dễ cháy như: Thùng giấy, vải... chất đầy phòng. Tài liệu, giáo trình ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không khỏi lo lắng!
Tại nhiều khu, tầng trên chủ nhà cho thuê nhà trọ, tầng dưới kinh doanh đồ ăn và đặt nhiều bếp than tổ ong. Chưa kể, để tiết kiệm, chủ nhà còn tận dụng diện tích, cầu thang, nên lối đi lại thường được bố trí rất nhỏ và tối, không có lối thoát nạn. Nếu không may mà “bà hỏa” viếng thăm thì việc tháo chạy cũng khó khăn chứ chưa nói đến việc thu gom, sơ tán đồ đạc.
Một bài học nhãn tiền ngay mới đây đó là từ một sự cố chập điện không được xử lý kịp thời trong khu nhà trọ giá rẻ trên đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) ngọn lửa đã bùng lên dữ dội khiến 2 người thiệt mạng, 19 căn nhà và nhiều tài sản bị thiêu rụi hoàn toàn. Hậu quả nặng nề này tiếp tục là sự cảnh báo gay gắt với công tác phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu nhà quanh các trường đại học, bệnh viện, bến tàu, bến xe, các khu nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn thành phố.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn thành phố xảy ra cháy tại khu nhà trọ. Cách đây không lâu, một khu nhà trọ ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa cũng đã xảy ra sự cố chập cháy nhưng may được phát hiện kịp thời nên đã không có sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Trên thực tế, có thể thấy rõ sự chủ quan của cả người cho thuê và người thuê trọ trong việc phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, đa số các khu nhà trọ không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, mang hình thức đối phó với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, do bận bịu lo toan cho cuộc sống, học tập, hầu hết người thuê trọ không mấy chú ý đến vấn đề an toàn phòng cháy và chữa cháy. Việc sử dụng thiết bị điện, chất đốt (chủ yếu là sử dụng bình gas mini) an toàn, việc sắp xếp, bố trí đồ đạc đảm bảo khoảng cách chưa thực sự được quan tâm. Một phòng trọ có diện tích trung bình khoảng 12m2, bố trí từ 1 đến 2 xe gắn máy, sử dụng 1 bếp nấu ăn cùng với các đồ dùng vật dụng khác như quần áo, máy tính, nệm,… thì khối lượng chất cháy tại một khu nhà trọ từ 4 phòng trở lên là rất lớn, nguy cơ cháy lan rất cao.
Với nhu cầu sử dụng nhiều đồ đạc trong một căn phòng diện tích nhỏ hẹp thì việc sắp xếp, bố trí các vật dụng đồ dùng đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy là một yêu cầu không khả thi. Không chỉ có vậy, do chủ nhà tận dụng hết mức diện tích để bố trí phòng trọ nên các lối đi rất hẹp, các nhà trọ lại thường tập trung ở các con hẻm nhỏ nên công tác triển khai, tiếp cận chữa cháy, tổ chức thoát nạn, cứu tài sản khi có sự cố là hết sức khó khăn.
Theo trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ – Công an Thành phố, các chủ hộ là người chịu trách nhiệm chính ở hộ gia đình và cơ sở kinh doanh của mình về phòng cháy chữa cháy. Họ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải xác định rõ chức trách trong quản lý hộ kinh doanh, cho thuê nhà trọ trên địa bàn, cần phối hợp thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cho người dân khi có cháy.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chấn chỉnh lại hoạt động phòng cháy chữa cháy tại các khu vực trọng điểm cháy, thường xuyên rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm, không để vi phạm còn tồn tại. Việc xử lý vi phạm trước hết chính là để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, không để tình trạng cháy nhà mới lo… dập lửa như hiện nay.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Hà Nội: Cháy ngùn ngụt kho lốp ô tô trên phố Nguyễn Cảnh Dị
Phòng chống cháy nổ 20/12/2024 08:24
Loạt xe máy bị thiêu rụi tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng có được hưởng bảo hiểm?
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 18:33
Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ việc sấy, sưởi ấm trong mùa đông
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 09:45
Xác định hung thủ đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 07:23
Bí thư Thành ủy Hà Nội đến hiện trường chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 07:14
Cháy nhiều nhà xưởng, cửa hàng đồ gỗ ở xã Hữu Bằng, Thạch Thất
Phòng chống cháy nổ 12/12/2024 22:38
TP.HCM: Đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ dịp Tết Dương lịch 2025
Đô thị 11/12/2024 11:07
Nhanh chóng dập tắt đám cháy khu lán tạm, tập kết rác
Phòng chống cháy nổ 10/12/2024 12:20
Nghi vấn nổ bình gas, cháy quán gà trên phố Võ Thị Sáu
Phòng chống cháy nổ 09/12/2024 17:26
Kịp thời giải cứu 3 người mắc kẹt trong đám cháy
Phòng chống cháy nổ 05/12/2024 12:27