Người “làm đẹp” cho những đôi giầy cũ
Người mẹ hiền thứ hai của trẻ nhỏ | |
Nghị lực và ước mơ của cô gái khuyết tật |
50 năm với nghề nâng gót thiên hạ
Chọn góc giao nhau giữa đường Nguyễn Trãi rẽ vào con phố của làng Triều Khúc, ông Mạnh ngồi trên chiếc ghế thấp với bộ đồ nghề dã chiến cạnh bên. Mở chiếc thùng gỗ chứa dụng cụ, ông lấy ra nào dùi, kìm, dao, kéo, kim khâu, lọ keo, xi giầy,... để bắt đầu công việc của một ngày mới bên những chiếc giầy đã rách hay sờn bạc.
Gặp ông trong buổi chiều se lạnh của tiết trời thu Hà Nội, với những cơn mưa phùn, cầm chiếc giầy nam ướm lên miếng mút cứng, ông Mạnh khẽ nhấc chiếc dao nhỏ cắt men theo phần đế. Tiếng dao xoẹt xoẹt cắt theo vòng đế giầy, chẳng mấy chốc tấm mút vừa khít, rồi ông chăm chú quét keo dán quanh chiếc giầy. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Mạnh bảo: “Vị khách này khuyết tật ở chân, tôi nâng phần đế một bên để tạo sự cân bằng, giúp họ di chuyển thuận lợi và thẩm mỹ hơn”.
Với ông Mạnh, niềm vui là luôn được tự tay làm mới, làm đẹp cho những đôi giầy đã cũ. Ảnh: Nguyễn Hoa |
Tranh thủ lúc vãn khách, nhâm nhi cốc trà rồi ông chia sẻ với chúng tôi về những thăng trầm của cuộc đời mình. Sinh ra trong gia đình đông anh em, có truyền thống cách mạng. Lớn lên ông Mạnh viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu nhưng vì khuyết tật nên ông không đủ điều kiện để nhập ngũ, sau đó ông quyết định đi làm. Với ông để tìm một nghề phù hợp vốn không hề dễ. Ban đầu ông đi làm thợ xây sau đó chuyển sang thợ mộc nhưng vì khuyết tật thính giác, tất cả mọi công việc ông đều chỉ làm được một thời gian ngắn và cuối cùng ông đến với nghề sửa chữa giầy.
“Tai tôi nghe kém, nhiều khi mọi người nói cũng không nghe rõ hết, làm nghề nào cũng không phù hợp, đôi khi cũng thấy tủi thân, có khi lại giận chính mình vì bất tài. Nhưng rồi tôi tìm được công việc phù hợp với khả năng của chính mình, hàng ngày sửa cho những đôi giầy tôi thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”, ông Mạnh tâm sự.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Mạnh luôn bị ngắt quãng bởi khách đến đặt sửa giầy liên tục. Trong lúc trò chuyện, tay ông vẫn thao tác để sửa những chiếc giầy. Ở cái tuổi thất thập mà tay ông Mạnh vẫn dẻo dai lắm, đôi mắt vẫn còn tinh tường. Cẩn thận gài từng chiếc đinh rồi dùng búa đóng nhẹ nhàng để chiếc quai dính chặt vào thân guốc, rồi ông tỉ mẩn dùng kéo cắt từng đoạn quai guốc thừa bỏ đi. Xong xuôi công việc ông đưa guốc mình vừa đóng cho khách hàng thử đi, thử lại cho đến khi nào vừa ý mới thôi. Công việc tưởng chừng như nhàm chán ấy lại chính là niềm vui của ông suốt mấy chục năm qua.
Theo ông Mạnh, công việc này mang lại thu nhập không cao nhưng qua năm tháng cái nghề nó ngấm vào máu khó bỏ. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm được, nó đòi hỏi sự dẻo dai và sức mạnh bàn tay của người đàn ông. Có tận mắt chứng kiến các công đoạn mới thấy sự khéo léo, kỳ công của người thợ với công việc của mình. Để khâu được một đôi giầy vốn không dễ, ngoài mắt tinh, khéo léo thì người thợ cần có một đôi tay khỏe, có những loại giầy thành và đế được làm bằng nhựa cứng rất khó đâm và rút kim, lắm khi tay chảy máu mà không rút kim lên được.
Ông Mạnh luôn lấy chữ tâm với nghề là tiêu chí phục vụ khách suốt mấy chục năm qua. “Tôi bắt đầu khâu giầy từ năm 19 tuổi, đến giờ cũng được hơn 50 năm rồi. Làm cái nghề này phải có con mắt tinh và đôi tay khéo léo. Ông trời đã cho tôi đôi mắt sáng để làm việc, có biết bao nhiêu đôi giầy đã qua tay, tôi cũng không nhớ hết. Khi sửa giầy tôi luôn tận tâm để sản phẩm đến tay khách hoàn hảo bởi quan trọng nhất là phải làm tử tế, có vậy khách họ mới quý mến mình. Tôi yêu thích công việc làm mới cho những đôi giầy cũ chứ chẳng phải tôi lấy nghề để làm giàu”, ông Mạnh chia sẻ.
Chút tình giữa góc phố
Mỗi ngày, từ Phú Lương (Hà Đông), ông Mạnh đều đặn chạy xe hơn 7km đến góc phố nhỏ để hành nghề. 50 năm góp phần “nâng niu bàn chân Việt” ông Mạnh đã trở thành lão làng với kinh nghiệm sửa giầy được truyền thụ tận tình cho các thế hệ sau. Chẳng cần biển quảng cáo phô trương, chỉ với đôi, ba chiếc ghế, dụng cụ đồ nghề… bên một góc lề đường cũng thành nơi sửa giày phục vụ cho mọi người. Từ những người làm công nhân, viên chức đến những bác xe ôm hay bất cứ ai đều có thể ghé vào để sửa.
Dù mưa hay nắng, ông Mạnh tự hào 50 năm nay ông vẫn ít khi nghỉ. Lịch làm việc của ông bắt đầu từ nửa buổi sáng cho tới cuối giờ chiều mỗi ngày. Khi góc phố buông đèn cũng là lúc ông thu gom đồ đạc để về nhà. Nói về lý do vì sao làm nghề tự do mà ông vẫn tự tạo cho bản thân một khuôn khổ như vậy, ông cho biết phải đặt ra nguyên tắc riêng cho mình vì khách hàng là trên hết.
Không chỉ làm nghề sửa giày đơn thuần mà ở góc quán nhỏ của ông Mạnh còn là những câu chuyện về lòng tốt giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Khách hàng của ông chủ yếu là sinh viên và người ngoại tỉnh lên Hà Nội làm việc. Họ đến đây không chỉ vì ông khâu đẹp, cẩn thận mà họ còn quý cái tính thương người, thật thà của ông. Có nhiều bạn sinh viên khi khâu xong giầy, không đủ tiền trả, ông Mạnh làm tặng.
Đối với những bạn là học sinh, sinh viên nghèo bị khuyết tật nhưng ham học, ông còn cho tiền để động viên các cháu gắng học tập cho tốt hay nhiều khách hàng vì ưng tính sửa đẹp, sửa cẩn thận của ông Mạnh mà biếu ông thêm tiền trong những lần ông sửa giầy cho họ. Cứ từ những việc nhỏ nhặt đó, góc sửa giầy của ông trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người.
Ánh mắt ông Mạnh ngời lên niềm vui khi nhắc lại những kỷ niệm với khách. Ông kể, cả đời khâu giầy, kỷ niệm mà ông nhớ nhất là cách đây hơn 30 năm. Khi đó ông khâu giầy cho hai mẹ con một chị ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Chiếc giầy của cháu bé quá rách không thể khâu được, thấy hai mẹ con cũng nghèo, nên ông tặng cháu bé một đôi giầy.
Nhiều năm sau đó, mẹ con cậu bé quay lại góc phố tìm gặp ông, ông bất ngờ khi cậu bé ngày ấy giờ đã là một doanh nhân thành đạt, họ đến thăm và tặng ông những món quà. Với những niềm hạnh phúc, giản dị đó, giờ đây khi con cái đã có gia đình và công việc tạm ổn nhưng ông Mạnh vẫn chưa tính đến việc “nghỉ hưu”. Trầm ngâm một lúc, ông cho biết mình sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi không còn sức.
“Làm nghề này nhiều năm, có nhiều kỷ niệm lắm, có những lúc người ta mến mình vì mình làm với cái tâm, sửa bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Cái nghề thủ công tạo cho người ta cái đẹp, nên mình được lòng khách, người này giới thiệu người kia cứ đến thôi. Có quý mình, ưng giầy mình sửa họ mới quay lại thăm hỏi như thế, được khách hàng luôn nhớ đến là tôi vui lắm rồi”, ông Mạnh tươi cười nói.
Nguyễn Hoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Không khí Giáng sinh rộn ràng tại Nhà thờ Lớn Hà Nội
Hà Nội gỡ vướng một số dự án kéo dài, chậm đưa vào sử dụng
Hà Nội: Nhiều tuyến phố bị cấm dịp Giáng sinh
Bảng giá đất mới, giải phóng mặt bằng sẽ nhanh
Hai yếu tố tạo nên chất lượng “tiến vua” của Cam tươi FVF
Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Phụ nữ Thủ đô sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Tin khác
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05