Luật BHYT sửa đổi: Có “quay lưng” với bệnh nhân nghèo?
Chấp nhận vượt tuyến
Khi thông tin về luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, bà Nguyễn Thị Vân (56 tuổi) trú tại xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội cảm thấy rất lo lắng. Lý do là bởi, hơn 1 năm nay bà bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, và cứ 3 tháng, bà lại đến bệnh viện Bạch Mai khám một lần. Nhưng giờ đây, bà Vân sẽ phải đóng 100% tiền khám chữa bệnh chứ không phải 70% như trước nữa. “Từ trước tới giờ, mỗi khi sức khỏe có vấn đề là tôi tới các bệnh viện lớn trên Hà Nội để khám. Bây giờ có luật BHYT mới, tôi sẽ phải thanh toán đủ 100% chi phí khám chữa bệnh. Với người nghèo như chúng tôi thì số tiền 30% là rất lớn nhưng sức khỏe quan trọng nên dù có mất thêm chi phí khi khám chữa bệnh vượt tuyến tôi vẫn chấp nhận”, bà Vân nói.
Cùng quan điểm trên, chị Ngô Thanh Hương, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông chia sẻ: “Mặc dù gia đình tôi tham gia BHYT ở BV quận, nhưng thực sự, gia đình không yên tâm vào năng lực cũng như trang thiết bị ở đây. Hơn nữa, tôi nghĩ khi người dân tham gia bảo hiểm y tế thì họ có quyền khám chữa bệnh ở bất cứ bệnh viện nào. Giờ đây, luật BHYT sửa đổi khiến những người khám chữa bệnh ở tuyến trên như tôi không còn được giảm 30% chi phí nữa, như vậy rất thiệt thòi. Khi luật yêu cầu người bệnh không được khám chữa vượt tuyến thì phải đảm bảo chất lượng khám, chữa ở tuyến dưới đã. Ở đây thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tin bệnh viện, trung tâm y tế ở tuyến dưới tắc trách trong khám chữa bệnh dẫn đến chết người. Hỏi vậy ai yên tâm được”.
Trong luật BHYT sửa đổi lần này còn có sự điều chỉnh giảm chi trả đối với 28 loại thuốc đặc trị ung thư, viêm gan, viêm khớp… khiến nhiều người mắc bệnh không khỏi lo lắng. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị ung thư phổi gần 4 năm nay, hiện đã di căn sang xương. Đến Bệnh viện K điều trị, từng trải qua xạ trị, hóa trị nhưng đều không mang lại kết quả khả quan nên phải chuyển qua phác đồ điều trị bằng thuốc Tarceva (hoạt chất chính là Erlotinib) mới thấy thấy khỏe lên nhiều. Mỗi viên thuốc Tarceva có giá 1,4 triệu đồng, tính ra mỗi tháng, riêng tiền thuốc cũng hết khoảng 60 triệu đồng và được BHYT thanh toán. Nhưng giờ đây tiền thanh toán bị cắt giảm 50%, nên chắc tôi chẳng có tiền để điều trị tiếp. Tôi tự hỏi, liệu BHYT có quay lưng với người dân nghèo như chúng tôi hay không”.
Cũng giống suy nghĩ như bà Liên, ông Nguyễn Tuấn Nam ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội cũng rất lo lắng khi biết thông tin cắt giảm BHYT đối với một số thuốc đặc trị ung thư. Ông Nam bị ung thư phổi đã hơn 2 năm nay, đã xạ trị hơn 30 lần, hóa trị gần 20 lần và mới phải dùng thuốc Tarceva. Khi biết thuốc đặc trị này bị cắt giảm, ông Nam nghĩ chắc phải về nhà… chờ chết. Bởi gia đình ông vốn không khá giả gì, lương hưu của ông chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng, nay không biết kiếm đâu tiền để mua thuốc chữa bệnh.
Trường hợp ông Tiến ở Kiến Xương, Thái Bình còn bi đát hơn. Ông Tiến bị mắc ung thư phế quản phổi trái, gia đình đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để chạy chữa cho ông. Dù bị bệnh nặng nhưng để bám trụ lại bệnh viện điều trị nên ngày ngày ông phải xin cơm từ thiện để ăn, và ngủ ngay tại hành lang bệnh viện. Theo ông Tiến, nếu bị cắt giảm tiền thuốc, gia đình phải đóng 50%, chắc ông phải xin về nhà tự điều trị, số mệnh đành phó thác cho... ông trời!
56871
Bệnh nhân nội trú vẫn được thanh toán
Đó là khẳng định của bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm (Bộ Y tế) về những băn khoăn lo lắng của người tham gia BHYT, đặc biệt những bệnh nhân phải sử dụng thuốc đặc trị, đắt tiền.
Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, bà Tống Thị Song Hương cho biết, ngoài việc tăng thêm 17 loại thuốc điều trị ung thư được thanh toán 100%, đối với 4 loại thuốc bị cắt giảm 50% như nói ở trên chỉ áp dụng đối với người mới mắc ung thư. Còn những người đã và đang sử dụng phác đồ điều trị cũ vẫn được BHYT chi trả từ 80 – 100%. Bà Hương cũng cho biết, còn nhiều loại thuốc thay thế chứ không có nghĩa không có 4 loại thuốc kia thì hết thuốc điều trị cho người bệnh.
Về việc không thanh toán tiền khám chữa bệnh ngoại trú khi bệnh nhân tự vượt tuyến, bà Tống Thị Song Hương lý giải, mục đích là nhằm hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Bởi, trên thực tế, theo tổng kết của Bộ Y tế có đến 70% số bệnh không cần thiết phải khám chữa bệnh vượt tuyến. Luật BHYT sửa đổi chú trọng vào việc giảm quá tải ở tuyến trên, nên ngoài việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trang bị thêm máy móc hiện đại, người tham gia BHYT khám chữa bệnh đúng tuyến còn được thanh toán 100%. Trong trường hợp cấp cứu, người khám trái tuyến, vượt tuyến thì vẫn được chi trả như trước đây.
Theo tìm hiểu của PV, dù khám ngoại trú vượt tuyến người bệnh không được chi trả nhưng mức hưởng khi điều trị nội trú lại tăng lên. Khi điều trị nội trú vượt tuyến, nếu là tuyến Trung ương, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm chi trả 40% chi phí, tăng 10% so với quy định cũ. Tương tự với tuyến tỉnh, mức hưởng BHYT của người bệnh cũng tăng từ 50% lên 60% nhưng chỉ áp dụng điều trị nội trú. Với bệnh viện tuyến huyện thì người bệnh được chi trả 70% kể cả điều trị nội và ngoại trú.
Hiện nay, việc quyết định cho chuyển tuyến là phụ thuộc vào bệnh viện cơ sở. Tuy nhiên trong thực tế đã có nhiều trường hợp bệnh viện tuyến cơ sở chậm trễ trong việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khiến bệnh nặng hơn. Vì thế việc điều trị cũng mất thêm thời gian và tăng thêm chi phí. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn quyết định vượt tuyến khám chữa bệnh! Như vậy để giảm tải bệnh viện tuyến trên và hạn chế người bệnh khám chữa vượt tuyến, điểm mấu chốt lúc này là bệnh viện tuyến dưới phải có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân yên tâm điều trị.
Những đối tượng được hưởng100% chi phí khám chữa bệnh Theo Nghị định số 105/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT sửa đổi), những đối tượng tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) khi đi KCB theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật trong các trường hợp sau: KCB tại tuyến xã; chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục); người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ. |
Phước Long – Tuấn Trung
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00