Giúp việc gia đình: Cần được bảo vệ bằng hợp đồng
Phần lớn lao động giúp việc gia đình không ký kết hợp đồng lao động | |
97% lao động giúp việc gia đình không có bảo hiểm xã hội |
Phần lớn theo thỏa thuận miệng
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), mới có 3% người giúp việc được đóng bảo hiểm xã hội, 91,6% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên… Trình độ học vấn thấp là trở ngại đầu tiên khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật.
Lao động giúp việc gia đình ngày càng tăng ở Việt Nam. Ảnh minh họa |
Các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này đã chỉ ra gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.
Chị Trịnh Thị Thùy (38 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết, hơn 5 năm qua chị phải đổi chủ đến 6 lần nhưng chưa từng nghe đến hợp đồng lao động. “Chủ nhà đầu tiên là đứa cháu trong họ, hơn 1 năm làm việc ở đây chúng tôi chỉ thỏa thuận miệng về tiền lương, ngày nghỉ lễ tết.Những chủ nhà tiếp theo cũng tương tự, có nhà cả người già và trẻ nhỏ, việc nhiều tới mức làm không ngơi tay trong khi lương như cũ, muốn tăng lương cũng không dám hỏi vì sợ mất việc”, chị Thùy mệt mỏi nói.
Chị Phạm Kim Lan (44 tuổi, quê Nghệ An) dù đã có kinh nghiệm giúp việc gia đình hơn 10 năm nhưng giống như rất đông người giúp việc khác, chị Lan chưa từng ký tên vào tờ hợp đồng nào. Nói đến nghề mưu sinh của mình, chị Lan tâm sự nhiều khi phải nuốt nước mắt ngược vào trong.
“Ai may mắn gặp chủ hiểu chuyện còn đỡ vất vả, nếu không chuyện cáu gắt, dọa đuổi việc, trừ lương hay gây khó dễ mỗi lần xin nghỉ về quê… là hết sức bình thường. Nhiều người suy nghĩ, giúp việc là nghề thấp kém nên chỉ cần trả lương rồi muốn đối xử thế nào cũng được. Có nhà con cái bằng tuổi con cháu mình ở quê nhưng ăn nói với người giúp việc hơn tuổi bố mẹ bằng giọng điệu coi thường, ngang hàng”, chịLan ngậm ngùi kể.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc GFCD cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 98,6% lao động giúp việc gia đình là phụ nữ, độ tuổi trung bình là 44,8 tuổi, bình quân một lao động giúp việc gia đình có thời gian làm việc khoảng 11 giờ/ngày. Tuy nhiên, do lao động giúp việc gia đình không hiểu biết về pháp luật, khi đến làm việc đã không đòi quyền lợi cụ thể thông qua việc ký hợp đồng lao động.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, các quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động giúp việc gia đình đã ban hành nhưng thực thi chưa hiệu quả. Bà Ngọc Anh dẫn chứng, Bộ luật Lao động năm 2012, Mục 5 (từ Điều 179 - Điều 183) có quy định rõ điều khoản về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động và trách nhiệm giải quyết các vấn đề lao động.
Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP.
“Người sử dụng lao động không muốn ký hợp đồng vì cho rằng các quy định hiện giờ chỉ tập trung lợi ích của người lao động, không muốn tăng chi phí cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Còn người lao động vì cần công việc, thu nhập lại sợ mất lòng gia chủ hoặc không biết phải ký hợp đồng”, bà Ngô Thị Ngọc Anh nói.
Hướng tới việc làm bền vững
Trong Hội thảo “Tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH cho biết, lao động giúp việc gia đình đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Giúp việc gia đình không chỉ tăng cơ hội việc làm, trả công đối với một bộ phận lao động mà còn tạo ra việc chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật một cách chuyên nghiệp và có chất lượng hơn. Họ còn tạo ra một kênh phân phối lại thu nhập trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia khi chúng ta đưa lao động giúp việc gia đình từ nước này sang làm việc tại nước khác.
Tuy nhiên, bà Minh cũng nhấn mạnh rằng công việc trong gia đình được thực hiện trong những điều kiện đặc biệt, chủ yếu bởi phụ nữ và các trẻ em gái. Phần nhiều trong số họ là những người nhập cư, từ nông thôn lên thành thị hoặc các nhóm yếu thế nên rất dễ bị phân biệt đối xử, cũng như vi phạm điều kiện làm việc hoặc các hình thức lạm dụng khác.
Ở Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý đối với giúp việc gia đình đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Cho nên việc ký hợp đồng lao động chưa được đầy đủ các nội dung theo điều khoản quy định.
Trước thực trạng trên, bà Tống Thị Minh cho rằng cần thiết phải có một hợp đồng mẫu mang tính chất gợi ý, khuyến cáo để các bên có thể tham khảo đưa vào thỏa thuận một hợp đồng tương đối đầy đủ.
“Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), văn phòng Bộ LĐTBXH và văn phòng GFCD, chúng tôi đã xây dựng một hợp đồng mẫu trên cơ sở các điều kiện tiêu chuẩn của công ước quốc tế, cũng như các khuôn mẫu tham khảo của các nước có liên quan”, bà Minh vui mừng thông tin.
Bà Anna Olsen, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp Văn phòng ILO khu vực ASEAN cũng cho rằng, nhu cầu đối với lao động giúp việc gia đình ngày càng tăng ở Việt Nam. Do đó cần bảo vệ lao động giúp việc gia đình tốt hơn bằng cách hoàn thiện một hợp đồng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, phải thiết lập cơ chế thanh tra lao động đảm bảo sự giám sát của chính phủ đối với các địa điểm có những lao động này.
Đặc biệt khuyến khích các thành phần nghiệp đoàn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của lao động giúp việc gia đình. “Hợp đồng mẫu giúp người sử dụng lao động tuân thủ các yêu cầu theo luật định liên quan đến điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động… Đồng thời, có thể lưu ý người sử dụng lao động về quyền của mình theo luật”, bà Anna Olsen nhấn mạnh.
Mai Phương
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối Giáo dục
Cần quyết liệt xử lý nạn “quái xế”
Bông mua tím
Sức khỏe người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Tin khác
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33
Từ 1/7/2025, tạm dừng hưởng lương hưu với người xuất cảnh trái phép
Đời sống 23/09/2024 10:31
Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 đề xuất được nghỉ 9 ngày
Đời sống 17/09/2024 13:40