Đi tìm động lực tăng trưởng kinh tế bền vững
Ảnh minh hoạ. |
Những vấn đề cốt lõi về chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng bền vững sẽ được thảo luận tại Hội thảo Khoa học “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức vào thứ Tư tuần này (15/11). Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trực tiếp chủ trì buổi hội thảo.
Trao đổi với báo chí trước thềm sự kiện, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định Hội thảo là một cơ hội tốt để những ý kiến thẳng thắn, độc lập, nhiều chiều của các chuyên gia, các nhà kinh tế về vấn đề tăng trưởng trực tiếp đến được với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. “Là một thành phần tham dự Hội thảo, tôi rất hoan nghênh sự quan tâm, sát sao của Chính phủ và Phó Thủ tướng, đồng thời sẽ tận dụng cơ hội này để thể hiện quan điểm của mình”, ông Doanh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Một Hội thảo về tăng trưởng kinh tế được chủ trì bởi một trong những thành viên cao cấp nhất của Chính phủ là một điều rất cần thiết trong lúc này”.
Ông Hiếu lý giải, 20 năm qua, Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, có thể kể đến chất lượng tăng trưởng, vấn đề môi trường hay chất lượng lao động.
Trong bối cảnh hiện tại, tăng trưởng kinh tế không chỉ là một vấn đề mang tính quốc gia với mức độ giản đơn như 20 năm trước, mà còn liên quan đến tình hình kinh tế thế giới.
Vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Hội thảo được tổ chức rất đúng lúc khi Việt Nam vừa tổ chức thành công sự kiện APEC, nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN đang diễn ra ở Philippines và trong những ngày tới có những hội nghị cấp cao khác trong khu vực. “Việc cùng ngồi lại, trao đổi, nhìn nhận về vấn đề tăng trưởng một cách thực chất trong thời điểm này là rất phù hợp”.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh việc xem xét những thành quả đạt được, ông “không chỉ kỳ vọng mà còn đòi hỏi trong buổi Hội thảo này sẽ có những ý kiến, phân tích và trao đổi thực chất, sâu xa, đặc biệt về những vấn đề còn hạn chế, thậm chí mang tính tiêu cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay”.
Bởi lẽ nếu chỉ nhìn vào những điểm tích cực mà không thẳng thắn “đối mặt” với những hạn chế thì cuối cùng những vấn đề đó sẽ tác động ngược lại và xóa sổ những thành quả tăng trưởng trong chốc lát.
“Bài học nhãn tiền là câu chuyện của Ấn Độ khi Thủ đô New Delhi ngập chìm trong khói bụi công nghiệp và đô thị, những người dân đang phải chịu hậu quả tai hại do sự phát triển, tăng trưởng không bền vững, nếu chúng ta cứ mải miết chạy theo tăng trưởng nhanh, mạnh mà quên đi những yếu tố khác thì sớm muộn sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Hiếu quả quyết.
Tăng trưởng phải “chất”
Nhận xét về mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, ông Hiếu cho rằng, con số tăng trưởng vượt bậc của quý III vừa qua đã đẩy mức tăng trưởng chung 9 tháng đầu năm 2017 lên mức 6,41%, lúc này mục tiêu đạt tăng trưởng 6,7% cho cả năm là khả thi. Tuy nhiên việc tăng trưởng kinh tế theo số học như vậy chỉ là một phần của bài toán tăng trưởng, bởi tăng trưởng bền vững phải dựa nhiều vào các yếu tố mang tính “chất lượng”.
Cụ thể, đó là tính cạnh tranh của nền kinh tế, năm 2017, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam đã tăng 5 bậc lên hạng 55 trong so sánh về năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Tuy nhiên đó vẫn là thứ bậc thấp so với toàn thế giới. Vì vậy, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cần phải được cải thiện, không chỉ thể hiện qua tính cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới, mà còn trong hệ thống chính trị và kinh tế-xã hội toàn cầu.
Theo đánh giá của 3 công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là S&P, Moody’s và Fitch, xếp hạng điểm tín nhiệm của Việt Nam vẫn ở hạng “không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ”, mức độ tín nhiệm quốc gia vẫn còn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế còn phải đặt trong sự ổn định về môi trường. Đáng ra Việt Nam cần có những chính sách bảo vệ môi trường cách đây 30 năm - lúc chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ. Nhưng thực tế, môi trường chưa được chú trọng, dẫn đến hiện tại phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề sức khỏe con người.
Thêm vào đó, 30 năm bước vào nền kinh tế thị trường đã chứng kiến sự tăng nhanh về lực lượng lao động, nhất là tại các thành phố, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Nhưng còn nhiều hạn chế, nhất là năng suất, trình độ lao động còn thấp, trong khi đây chính là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.
“Bên cạnh những vấn đề nói chung cho chất lượng tăng trưởng, phải nói cụ thể từng lĩnh vực, trong đó những chính sách tiền tệ, tài khóa còn có nhiều vấn đề, có lẽ phải nhìn nhận đó là những thiếu sót cần bổ sung trong thời gian tới”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Trở lại câu chuyện tăng trưởng quý III lên tới 7,46%, tăng gấp rưỡi so với mức của quý I và cao hơn nhiều so với số liệu của những năm gần đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kỳ vọng buổi Hội thảo với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ có những câu trả lời xác đáng cho sự gia tăng GDP vượt bậc này.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định “không nên vội mừng trước sự tăng trưởng đột biến, cần phải xem xét tăng trưởng như vậy có chất lượng hay không. Vấn đề tăng trưởng trong quý III là hiện tượng cần theo dõi để có kế hoạch điều chỉnh trong năm 2018”.
Đề xuất những giải pháp tăng trưởng bền vững, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thể chế và việc đầu tiên là công khai, minh bạch tối đa các thông tin có liên quan đến người dân, chi tiêu ngân sách. Bên cạnh đó, việc đặt một chỉ tiêu tăng trưởng “cứng” đã lỗi thời, sự vận động của kinh tế chứa đựng rất nhiều điều khó lường, nên cần có những khoảng tối đa, tối thiểu, để có thể điều hành một cách linh hoạt hơn.
Theo Thu Hương/Báo điện tử Chính phủ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Giá xăng dầu hôm nay (4/11): Giá dầu thế giới tiếp tục tăng
Thị trường 04/11/2024 07:33
Tỷ giá USD hôm nay (4/11): Thị trường tự do tiếp tục tăng
Thị trường 04/11/2024 07:30
Giá vàng hôm nay (4/11): Vàng miếng và vàng nhẫn giữ ổn định
Thị trường 04/11/2024 07:19
Giá xăng dầu hôm nay (3/11): Giá dầu cuối tuần giảm nhiệt sau đà tăng mạnh
Thị trường 03/11/2024 07:28
Tỷ giá USD hôm nay (3/11): Đồng USD một tuần biến động, thị trường tự do tăng cao
Thị trường 03/11/2024 07:12
Nhu cầu vàng lên mức kỷ lục trong quý 3/2024
Thị trường 03/11/2024 06:52
Giá vàng hôm nay (3/11): Vàng thế giới và vàng nhẫn giảm nhẹ
Thị trường 03/11/2024 06:13
Giá xăng dầu hôm nay (2/11): Dầu thô giảm trong tuần qua
Thị trường 02/11/2024 09:36
Tỷ giá USD hôm nay (2/11): Đồng USD thế giới phục hồi, thị trường tự do tăng
Thị trường 02/11/2024 07:04
Giá vàng hôm nay (2/11): Đồng loạt quay đầu giảm
Thị trường 02/11/2024 07:02