Đạo trồng người qua 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám | |
Khách quốc tế đến thăm Văn Miếu tăng đột biến |
Các tác giả đã nghiên cứu những bài ký của 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chọn những câu văn hay, chứa đựng tư tưởng về đạo trồng người, về việc chú trọng bồi đắp, lựa chọn hiền sĩ tài đức để giúp nước của các bậc hiền tài, minh quân thời trước và chuyển thể chúng thành các tác phẩm thư pháp, thể hiện dưới nhiều hình thức như chân thư, thảo thư, ngẫu thư, đương đại, trên các chất liệu truyền thống như giấy dó và gốm.
Theo ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, triển lãm thể hiện những ý tưởng uyên thâm, sâu xa của các trí thức, các nhà khoa bảng Việt Nam xưa về đạo trồng người được khắc ghi trên bia Tiến sĩ. Triển lãm không chỉ cho công chúng thưởng thức nét đẹp trong nghệ thuật thư pháp Việt mà còn giúp người xem hiểu thêm giá trị tiêu biểu của những bài văn bia Tiến sĩ.
Với gần 60 tác phẩm ra mắt trong triển lãm, có tác phẩm căn cốt mạnh mẽ, lại có những tác phẩm mềm mại như sông hay trầm mặc như chính những tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là một trong những triển lãm đặc biệt bởi các tác giả đã thể hiện ý tưởng uyên thâm, sâu xa của các trí thức, các nhà khoa bảng Việt Nam xưa về đạo trồng người được khắc ghi trên bia Tiến sĩ bằng nghề thuật thư pháp chữ Quốc ngữ để tạo nên những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Ông Bùi Chính Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút cho biết, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam, là di tích lịch sử văn hóa Nho học tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước. Nơi đây lưu giữ 82 tấm bia Tiến sỹ - Bảo vật quốc gia đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi trường được mệnh danh “Đại học” đầu tiên ở Việt Nam, về truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài là trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam.
Các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút đã nghiên cứu nội dung các bài ký của 82 bia Tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chọn những câu văn hay, những đoạn trích ý nghĩa để thể hiện trong các tác phẩm thư pháp của mình. Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm thể hiện tấm lòng trân quý của các tác giả với các bậc hiền nhân và những giá trị họ để lại cho thế hệ sau. Cũng theo ông Bùi Chính Hưng, thông qua các hoạt động tại triển lãm lần này, Câu lạc bộ Thư pháp cũng muốn giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống bằng hình thức thư pháp, nhằm đưa thư pháp đến gần hơn, thường xuyên hơn tới công chúng.
82 bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của Di tích. 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi (1442- 1779), trên đó khắc tên 1307 lượt Tiến sĩ thi đỗ. Đây là những pho “sử đá” thể hiện văn hóa giáo dục và là niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam. Bia Tiến sĩ được dựng trong khoảng gần 300 năm (1484-1780), đều được tạo bằng một loại đá xanh khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, kích thước không đều nhau cùng đặt trên lưng rùa.
Trên mỗi tấm bia Tiến sĩ đều có khắc các bài văn bia bằng chữ Hán chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Một bài văn bia thường gồm: Dòng tiêu đề của khoa thi, năm tổ chức khoa thi, ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tham gia tổ chức khoa thi; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của những người thi đỗ; tên nhóm người tham gia dựng bia.
82 tấm bia Tiến sĩ với các phong cách điêu khắc, nghệ thuật trang trí khác nhau đã tạo nên một khu vườn bia mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Điều này thể hiện trên bia ở cả ba phần trán bia, diềm bia và rùa đội bia.
Ngày nay, khu vườn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tham quan học tập thu hút rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Du khách vô cùng thích thú và ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa của Việt Nam đã để lại cho nhân loại hệ thống bia Tiến sĩ độc đáo và vô cùng ý nghĩa này.
Đặc biệt, những đoạn trích đặc sắc trên bia đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khuyến khích kẻ sĩ, những lời răn dạy của người xưa vẫn còn nguyên giá trị đến thời nay. Ví dụ như văn bia khoa thi đầu tiên năm 1442 vốn được trích nhắc thường xuyên cho đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí hưng thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.
Vì thế các bậc Đế vương Thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Hay trích văn bia khoa thi năm 1478: “Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”.
Không chỉ có giá trị về các thông tin riêng lẻ, cả vườn bia Tiến sĩ trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là biểu tượng lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng văn hiến Hán Nôm giàu đậm tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc.
Trích văn bia khoa thi năm 1583 có ghi: “Một khi đã khắc tên lên tấm đá này người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: Người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở; nhờ đó mà kẻ thiện biết tự khuyến khích, kẻ ác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”. “Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, mà nhân tài thì phải tiến thân do con đường khoa mục”.
Ở văn bia khoa thi năm 1772 lại ghi “Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dung khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược của vua được tốt đẹp, há chỉ cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà”.
Từ những giá trị lịch sử, văn hóa đó mà các bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám suốt nhiều thế kỷ nay đã truyền được tinh thần của người xưa gửi gắm trên những phiến đá, từ đó khích lệ lớp hậu sinh vươn lên mà học tập, xứng đáng với người xưa, góp phần dựng xây đất nước. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân để Unesco quyết định công nhận 82 bia đá các khoa thi triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu thế giới.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07