Giao lưu trực tuyến phòng chống dịch sốt xuất huyết và cháy nổ
Lãnh đạo báo Lao động Thủ đô và CĐ các KCN-CX Hà Nội tặng hoa cho các chuyên gia tham gia buổi giao lưu. |
Buổi giao lưu trực tuyến thu hút đông CNLĐ đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội tham dự.
Tại buổi giao lưu trực tuyến các chuyên gia: Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cảnh sát PCCC Hà Nội; Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung Tâm y tế Dự phòng Hà Nội; Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội, truyền đạt các kiến thức về phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ và giải đáp các thắc mắc của bạn đọc cũng như CNLĐ trực tiếp tham gia giao lưu.
Toàn cảnh buổi giao lưu. |
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Mẫn Nhuệ, Phó tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Thời gian qua, bên cạnh báo giấy, báo điện tử Laodongthudo.vn liên tục cập nhật các thông tin liên quan thiết thực tới NLĐ. Đặc biệt Báo đã tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc về các vấn đề như: Kiến thức về pháp luật lao động; Quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; Kiến thức An toàn vệ sinh lao động; Chính sách mới về pháp luật lao động...
Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Hiện bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, cần phải đề cao công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các nơi ẩm thấp dễ phát sinh ổ dịch như khu nhà trọ CNLĐ. Bên cạnh dịch sốt xuất huyết, tình trạng cháy nổ tại Hà Nội cũng đang có những diễn biến phức tạp. Càng gần đến những tháng cuối năm số vụ cháy, nổ lại càng xuất hiện với tần suất dày hơn..."Nhằm trang bị thêm các kiến thức cơ bản về phòng chống dịch sốt xuất huyết và phòng chống cháy nổ cho CNLĐ, hôm nay báo LĐTĐ phối hợp với Công đoàn các KCN-CX Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch sốt xuất huyết và phòng chống cháy nổ". Tại buổi giao lưu này chắc chắn các thắc mắc về dịch bệnh và cách phòng chống cháy nổ của CNLĐ sẽ được các chuyên gia giải đáp thấu đáo". ông Nguyễn Mẫn Nhuệ khẳng định.
CNLĐ đang làm việc tại khu CN Thăng Long Hà Nội tham dự buổi giao lưu đang nghiên cứu tài liệu về PCCC |
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch công đoàn Các KCN - CX Hà Nội, cũng cho biết, thiên tai, bệnh dịch và những hành động bất cẩn của con người luôn gây ra những hậu quả khôn lường. Làm thế nào để đẩy lùi dịch sốt xuất huyết và hạn chế cháy nổ, đó là câu hỏi đặt ra đối với toàn xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn. Vì vậy, hôm nay Công đoàn các KCN - CX Hà Nội phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực truyến giúp công nhân được trang bị kiến thức PCCC và sốt xuất huyết. Thông qua chương trình này, công nhân lao động chắc chắn sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức PCCC và dịch sốt xuất huyết để tuyên truyền với mọi người và giúp bản thân bảo vệ sức khỏe.
Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch công đoàn KCN - CX Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu |
Thông tin về dịch sốt xuất huyết, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung Tâm y tế Dự phòng Hà Nội cho biết: sốt xuất huyết (SXH) được xếp vào nhóm bệnh rất nguy hiểm theo đánh giá của Bộ Y tế và đang có chiều hướng gia tăng. Bắt đầu xuất hiện bệnh SXH vào năm 1870, bước đầu chỉ có 9 nước phát hiện bệnh, hiện có 128 nước xuất hiện bệnh hàng năm và có quá nửa dân số có nguy cơ bị mắc bệnh…con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung Tâm y tế Dự phòng Hà Nội thông tin về dịch bệnh. |
Hiện nay ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh SXH. Ở Việt Nam, số người mắc bệnh ở miền Nam nhiều hơn (50%), miền Bắc và miền Trung chiếm ¼, miền Bắc chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội. Hàng năm ở phía Bắc số người mắc SXH được ghi nhận 6000 trường hợp và có chiều hướng ra tăng. Đến thời điểm này ghi nhận được gần 70 nghìn trường hợp mắc SXH và 24 người đã tử vong trên cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tử vong chủ yếu là do người dân thiếu nhận thức về dịch bệnh. Dịch SXH nguy hiểm tuy nhiên hoàn toàn có thể tự phòng tránh loại bệnh này một cách hiệu quả.
Thông tin về thực trạng công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Trần Văn Vụ cho biết: Trên địa bàn Thủ đô trong vòng 5 năm trở lại đây đã xảy ra 3634 vụ cháy làm chết 91 người, bị thương 145 người, thiệt hại to lớn về người và tài sản. Gần đây nhất, trong tháng 7 năm 2017 đã xảy ra hàng loạt vụ cháy. Cụ thể, ngày 13/7 xảy ra cháy ở Xuân Đỉnh làm 4 người chết. Ngày 19/7 xảy ra vụ cháy ở Phố Vọng làm chết 2 người. Ngày 29/7 xảy ra cháy tại xưởng sản xuất kẹo ở Hoài Đức làm chết 8 người bị thương 2 người.
Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cảnh sát PCCC Hà Nội thông tin về công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội. |
Tình hình cháy nổ có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, có nguyên nhân chính do người dân bất cẩn trong sinh hoạt và do vi phạm những quy định PCCC chẳng hạn như sử dụng thiết bị điện trong nhà thiếu an toàn, sửa chữa cải tạo hàn cắt các loại mà không nắm rõ quy định về phòng cháy chữa cháy.
Để làm tốt công tác PCCC, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản, cần phải nâng cao kiến thức, biện pháp phòng cháy chữa cháy cũng như kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy cho người dân.
Thiếu tá Tô Hồng Nho - phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cảnh sát PCCC Hà Nội hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy. |
Đại tá Trần Văn Vụ đã nêu một số biện pháp cụ thể PCCC: Đó là cần tuyên truyền cho chính người thân và đồng ngiệp thực hiện các quy định về pháp luật và kiến thức cơ bản về PCCC. Đối với hệ thống điện phải đảm bảo lắp đặt thiết bị bảo vệ như át- tô -mát, cầu trì. Không cắm nhiều thiết bị điện, có công suất lớn vào một ổ cắm. Bên cạnh đó, cần bố chì; sắp xếp nơi ăn ở gọn gàng không che lấp lối thoát nạn và chuẩn bị các phương án thoát nạn; Trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy ở đơn vị; Chuẩn bị lực lượng chữa cháy để chữa cháy và phối hợp chữa cháy. Khi xảy ra cháy phải bình tĩnh, sử dụng bình chữa cháy, dập tắt đám cháy đồng thời ngắt điện, hô hoán báo cháy, và gọi điện cho cơ quan Phòng cháy chữa cháy.
Các chuyên gia trả lời tại buổi giao lưu. |
Tiếp theo phần truyền thông của các chuyên gia về thực trạng dịch SXH và PCCC, rất nhiều CNLĐ tham gia buổi giao lưu đã trực tiếp đặt các câu hỏi và cũng là những thắc mắc của mình, người thân về dịch bệnh và công tác PCCC.
*Một bạn công nhân tên Hưng đang làm việc tại Nhà máy Cannon Thăng Long hỏi:
Khi nào thì phun thuốc diệt muỗi? phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả và có ảnh hướng sức khỏe không?
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Thân: Khi nào phun thì do chỉ định của Bộ Y tế, biện pháp phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh SXH thì không phải là biện pháp lâu dài và triệt để mà thường sẽ là do chỉ đạo để thực hiện.
Hóa chất phun diệt muỗi rất độc, tuy nhiên nó không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu phun đúng cách. Bởi hóa chất này đã nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.
* Công nhân Phạm Viết Hải - Công ty TNHH Canon Việt Nam hỏi: Khi xưởng sản xuất sảy ra hỏa hoạn, thì phải làm thế nào để thoát ra ngoài nhanh nhất?
Đại tá Trần Văn Vụ: Khi xưởng xảy ra cháy, việc đầu tiên là các bạn phải bình tĩnh, hô hoán cho mọi người biết, sau đó tận dụng các phương tiện chữa cháy gần nhất như bình chữa cháy, họng nước cứu hỏa,... để dập cháy tại chỗ. Nếu không thể xử lý được thì phải nhanh chóng thoát ra ngoài theo chỉ dẫn (đường exit). Trong trường hợp nồng độ khói và bức xạ nhiệt lớn, các bạn phải biết cách tận dụng áo, mũ, khẩu trang,... để che mũi và mồm mình, đi khom người, thậm chí bò dưới sàn, sát tường theo hướng thoát nạn ra ngoài. Nếu nồng độ khói dày và nồng độ cao, thì chúng ta phải kiếm các tấm vải trùm lên đầu, tay che mặt và cố gắng băng qua lửa để ra ngoài.
Ngay sau khi ra ngoài, các bạn phải thông báo cho người quản lý của mình hoặc cảnh sát PCCC đang có mặt ở đó để họ biết và tiếp tục các phương án giải cứu người ở bên trong.
* Thu Lan (thulan77@gmail.com) hỏi: Xin hỏi đại diện LĐLĐ Thành phố, trường hợp công nhân bị ngạt khói do hỏa hoạn cháy xưởng tại nơi làm việc thì có được chế độ bồi dưỡng độc hại hay chế độ nghỉ dưỡng để hồi phục sức khỏe hay không?
Ông Tạ Văn Dưỡng: Tai nạn lao động là các tác động từ bên ngoài trong quá trình lao động sản xuất gây tổn thương đến sức khỏe và các chức năng của cơ thể. Như vậy hỏa hoạn xảy ra trong quá trình lao động sản xuất khiến người lao động bị ngạt khói có thể gọi là tai nạn lao động. Đối với vụ tai nạn lao động thì người lao động được hưởng 3 chế độ sau do doanh nghiệp chi trả: chi phí cấp cứu, chữa trị vết thương và phục hồi sức khỏe; chi tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc để điều trị vết thương; sau khi điều trị doanh nghiệp phải đưa người lao động đi giám định sức khỏe và phải bồi thường cho người lao động theo tỉ lệ thương tật. Như vậy trong trường hợp bạn hỏi, công nhân bị ngạt khói do hỏa hoạn cháy xưởng làm việc sẽ được hưởng 3 mức chi phí như trên.
Công nhân Phạm Viết Hải đặt câu hỏi. |
* Xuân Quỳnh (Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Con trai tôi bị sốt xuất huyết, đến ngày thứ 3 cháu vẫn kêu đau người đau đầu nhiều, xin hỏi bệnh này có bị biến chứng gì không? Có phải xét nghiệm gì, dấu hiệu như thế nào là tiến triển tốt?
Thạc sĩ, bác sỹ Đào Hữu Thân: SXH là bệnh nguy hiểm, dấu hiệu nguy hiểm nhất là chảy máu trong. sau giai đoạn sốt đến ngày thứ 3, ngày thứ 4, thứ 5 thì thường xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Chị nên theo dõi trẻ, nếu tình trạng sốt của con lui đi, con có cảm giác ăn được, chơi được bình thường thì có thể tạm yên tâm. Tuy nhiên nếu trẻ có một trong số các biểu biểu hiện như: chảy máu ở bất cứ chỗ nào: chảy máu cam, chân răng, xuất huyết dưới da, kiểm tra phân của trẻ có lẫn máu, hoặc nếu con bị nôn nhiều, đau bụng, da quá lạnh sau khi sốt thì là những dấu hiệu nguy hiểm, chị cần đưa con đến bệnh viện ngay để điều trị hỗ trợ.
Chị Tô Thị Trang đặt câu hỏi. |
* Anh Hà Binh (Hà Nội) hỏi: Hiện nhiều người dân vẫn cho rằng gọi PCCC là mất kinh phí chữa cháy. Trên thực tế, sau khi được các cơ quan xử lý xong đám cháy thì người dân có phải mất phí không?
Đại Tá Trần Văn Vụ: Tất cả các vụ cháy xảy ra trên địa bản toàn quốc và TP Hà Nội, theo quy định của luật thì các bạn gọi đến số điện thoại 114 không phải mất chi phí nào.
Khi Cảnh sát PCCC nhận được tin báo cháy sẽ cùng với các cấp, các ngành, người dân phối hợp dập đám cháy. Sau khi dập tắt đám cháy, kể cả doanh nghiệp và người dân đều không phải chịu một khoản phí nào.
Tuy nhiên, khi điều tra nguyên nhân xảy ra vụ cháy, tùy theo mức độ, nguyên nhân xảy ra vụ việc mà tiến hành xử lý, nếu nghiêm trọng, có thể xử lý trách nhiệm hình sự.
*Một bạn công nhân KCN Bắc Thăng Long hỏi: Trường hợp dây chuyền làm việc của tôi đang có một số người mắc SXH thì xin hỏi để phòng tránh bênh cho bản thân, tôi có quyền từ chối đi làm những ngày này không, nếu lãnh đạo vẫn bắt phải đi làm thì tôi phải làm sao?
Ông Tạ Văn Dưỡng: Trong luật an toàn lao động, người lao động có quyền từ chối không làm việc nếu ở nơi làm việc không đảm bảo an toàn. Những nguy hiểm đó liên quan đến các yếu tố máy móc, nhà xưởng,…
Tuy nhiên trong trường hợp vì một vài đồng nghiệp mắc SXH mà bạn từ chối làm việc thì không đúng với quy định của luật. Do đó, bạn sẽ không được dời bỏ nơi làm việc vì lý do sợ lây. Đối với doanh nghiệp, cũng cần phải có các biện pháp để phòng chống bệnh SXH.
Anh Vũ Đức Ưng đặt câu hỏi. |
* Anh Dũng – CN khu CN Thăng Long hỏi: Nếu chủ sử dụng lao động yêu cầu lao động làm việc trong môi trường không đảm báo PCCC thì người lao động có quyền từ chối làm việc không?
Đại tá Trần Văn Vụ: Khi làm việc trong môi trường không đảm bảo PCCC, cơ sở này đã bị lực lượng cảnh sát PCCC đình chỉ hoạt động thì hoàn toàn có thể từ chối làm việc. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là cơ sở có nguy cơ cháy nổ thì người lao động cần thông báo để chủ sử dụng lao động khắc phục và sửa chữa để bảo đảm công tác PCCC. Còn tại nơi làm việc nếu mà họng nước chữa cháy bị hỏng, hệ thống báo cháy bị lỗi (theo cảm nhận của mình)…thì cần phản ánh lại với chủ sử dụng lao động để khắc phục. Trong xưởng sản xuất, khi có nguy cơ cháy nổ trong quá trình hàn, xì…người lao động có thể nghỉ và yêu cầu đảm bảo công tác PCCC và an toàn tính mạng cho người lao động.
Chị Đồng Thị Hằng công nhân nhà máy Canon Thăng Long đặt câu hỏi. |
* Bạn đọc Nguyễn Văn Trường – Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội hỏi: Tôi có một DN đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nay tôi muốn phát triển sang công việc lắp đặt hệ thống PCCC thì cần những điều kiện gì?.
Đại tá Trần Văn Vụ: Bạn cần phải đăng ký cấp giấy chứng nhận hành nghề lắp đặt (giấy phép kinh doanh), thứ 2 cần được lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cấp chứng chỉnh hành nghề. Thứ 3 là phải có được đội ngũ làm việc có chứng chỉ, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động PCCC. Để khi triển khai, tư vấn cho người dân, người lắp đặt được chính xác, thông qua công tác đào tạo.
* CN Hoàng Thị Dung công ty Canon hỏi: Người lớn dễ bị tử vong khi bị sốt xuất huyết hơn trẻ em có phải không, thưa bác sỹ?
Thạc sĩ, bác sỹ Đào Hữu Thân: Tôi xin trả lời chị ngay là không, vì sốt xuất huyết ai cũng có thể bị và ai cũng có thể có nguy cơ tử vong nếu dính vào thể sốt nặng. Sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm đối với những người có bệnh lý hiểm nghèo trước đó, ví dụ đái tháo đường, cao huyết áp, hen phế quản mãn tính thì khi bị sốt xuất huyết khả năng bị năng cao hơn tuy nhiên nhưng không phải người bình thường là không bị thể sốt nặng, nguy cơ bị nặng giữa mọi người mắc sốt là như nhau. Ở Hà Nội, tôi thấy nguy cơ bị sốt xuất huyết nặng ở người lớn nhiều hơn trẻ em, nhưng trẻ em cũng có thể bị nặng.
Chị Hoàng Thị Dung đặt câu hỏi. |
* Nguyễn Thanh Hà (thanhha75@gmail.com) hỏi: Hiện nay tôi và gia đình đang sống tại một chung cư. Trên hành lang chung của tòa nhà tôi thấy có hệ thống nút ấn, chuông đèn báo cháy, nhưng lắp đặt cao khoảng 1,6m đến 1,7m. Chúng tôi hỏi, thì ban quản lý chung cư có nói lắp như vậy để trẻ con không nghịch và bấm nút được. Như vậy việc lắp đặt nút ấn báo cháy ở độ cao như trên có đảm bảo hay không?
Đại tá Trần Văn Vụ: Theo tiêu chuẩn về lắp đặt báo cháy tự động thì các nút ấn báo cháy khẩn cấp lắp đặt ở vị trí từ 1,4-1,6 mét, như vậy việc lắp đặt nút ấn, chuông đèn báo cháy ở chung cư nhà bạn như vậy là phù hợp với tiêu chuẩn. Còn việc ban quản lý chung cư trả lời lý do lắp đặt như vậy để trẻ con không nghịch thì lý do đó là không đúng mà đó là theo tiêu chuẩn quy định để khi xảy ra cháy, người dân có thể hô hoán và ấn nút báo cháy, báo cho ban quản trị tòa nhà và nhân dân cùng tham gia chữa cháy.
* CN Ngô Phương Liên – Công ty Canon hỏi: Khi biết người bị sốt xuất huyết thì tôi phải làm gì trước khi đến bệnh viện?
Ths. BS Đào Hữu Thân:Khi có dấu hiệu SXH, bạn không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh SXH có thể điều trị tại nhà. Do đó, bạn có thể đến các trạm y tế gần nhất.
Khi bạn bị sốt cao, vẫn tỉnh táo thì các bạn nên nghỉ ngơi tại nhà. Các bạn nên dùng các biện pháp để hạ sốt như: Dùng thuốc hạ sốt, paracetamol, dùng khăn nhúng nước nóng lau liên tục, thường xuyên … Khi bị SXH các bạn cũng sẽ bị mất nước rất nhiều, cần phải bổ sung nước, tuy nhiên không nên uống nhiều nước trắng mà phải uống nước oresol, nước hoa quả, nước rau luộc…Các bạn chỉ đến bệnh viện khi có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
CN Nguyễn Thị Út Quyên – Công ty IMC hỏi: Người bị bệnh SXH sau khi khỏi có bị biến chứng gì không?
Ths. BS Đào Hữu Thân: SXH nếu cấp tính sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm vì chưa có thuốc đặc trị. Nhưng sau khi đã khỏi bệnh, bác sĩ cho ra viện có nghĩa bạn đã hồi phục hoàn toàn thì gần như không bị biến chứng gì. Nhưng nếu như lần sau các bạn bị lại thì sẽ nặng hơn. Nếu trẻ bị sốt cao quá, chúng ta không hạ sốt kịp thời có thể dẫn đến co giật, gây ảnh hưởng đến trí não của trẻ. Tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều.
Nguyễn Thị Bích- công ty Canon: Xin bác sỹ cho hỏi, những người nào và lứa tuổi nào thì thường hay mắc bệnh sốt xuất huyết?
Thạc sĩ, bác sỹ Đào Hữu Thân: Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nếu bị muỗi có virut sốt xuất huyết đốt chứ không phân biệt ai cả. Về lứa tuổi, có những người rất già trên 80 tuổi và những cháu nhỏ đều có thể bị sốt xuất huyết, nhưng theo thống kê của ngành Y tế qua thực tế khám chữa bệnh thì lứa tuổi từ 15-35 tuổi bị sốt xuất huyết rất cao. Bạn và các công nhân ở đây đang trong độ tuổi lao động và trong lứa tuổi này nên các bạn công nhân nên ý thức mình là ở nhóm nguy cơ cao
Lê Thúy Hạnh CN công ty Y.H.Seiko Việt Nam hỏi: Khi mẹ mang bầu bị sốt xuất huyết có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Thạc sĩ, bác sỹ Đào Hữu Thân: Người sốt xuất huyết bình thường đã nguy hiểm, phụ nữ đang mang thai mắc sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm hơn so với người không mang thai va có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi mang thai mà bị sốt xuất huyết thì chị nên đến các cơ sở y tế khám sớm để bác sỹ chuyên khoa theo dõi điều trị chặt chẽ.
* Bạn Hiếu – CN Cty Cannon Thăng Long hỏi: Khi nhà máy tiến hành bảo dưỡng và có kim loại hàn, thì người lao động cần tiến hành biện pháp PCCC như thế nào?
Đại tá Trần Văn Vụ: Chúng ta phải tiến hành vệ sinh khu vực, mặt bằng từ 5-10m để bảo vệ an toàn. Nếu sử dụng các loại máy hàn, máy khí cần lưu ý đến đường dây dẫn, điểm nối và vỏ hàn. Đối với thợ hàn, cần phải có chứng chỉ đào tạo nghề về hàn…Nếu làm việc trong khu vực không đủ diện tích từ 5-10 m an toàn, thì cần phải sử dụng các dụng cụ che chắn, thiết bị che chắn an toàn. Tuyệt đối không được hàn các ống kín, thùng kín trong không gian hẹp. Đặc biệt là khi hàn ở trên cao thì chuẩn bị dụng cụ che chắn xung quanh, bên dưới, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ chữa cháy như: Bình chữa cháy, nước, và có người giám sát…để khi xảy ra cháy có thể thông báo và xử lý kịp thời. Người giám sát công việc rất quan trọng.
Bạn Đức CN khu CN Thăng Long: Luật PCCC quy định những hành vi nào nghiêm cấm trong lĩnh vực xây dựng?
Đại tá Trần Văn Vụ: Đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC mà chủ đầu tư và công trình không đảm bảo quy trình PCCC sẽ bị cấm và nếu tiếp tục thi công trình sẽ đình chỉ hoạt động. Nếu công trình đã thi công xong mà vẫn chưa đảm bảo công tác PCCC thì cũng sẽ bị cấm và bị xử phạt theo pháp luật quy định.
Bạn đọc Lệ Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Việc phun thuốc phòng dịch SXH tại mỗi gia đình có mất phí không? Hiện nay đã có vacxin phòng bệnh SXH chưa?
Ths. BS Đào Hữu Thân: Việc phun hóa chất chống dịch SXH là theo điều tra khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng, cũng giống như PCCC, hoàn toàn miễn phí.
Về vắc xin phòng SXH, hiện tại Việt Nam chưa có, vắc xin SHX đang được nghiên cứu ở một số quốc gia nhưng chưa đạt hiệt quả như mong muốn nên chưa có vắc xin chính thức.
Bạn Nguyễn Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Trong gia đình, cần trang bị những thiết bị gì để PCCC?
Đại Tá Trần Văn Vụ: Vừa qua, nhiều vụ cháy xảy ra vào ban đêm nên gia đình ngủ không biết. Do đó, các gia đình nên lắp hệ thống báo cháy tự động hoặc chuông báo cháy. Thứ 2, nên trang bị mặt nạ phòng độc để khi cháy chúng ta tránh bị ngạt khói. Vì trong đám cháy, các sản phẩm cháy độc hại như nhựa, xốp chủ yếu sinh ra khí CO rất độc, chỉ hít phải khoảng 5 giây đã có thể bị suy hô hấp. Cùng với đó các gia đình trang bị những bình chữa cháy xách tay nhẹ, gọn, dễ thao tác, như các bình chữa cháy: 4kg, 6kg,…Gần đây có những quả cầu chữa cháy đường kính 15cm cũng rất hiệu quả. Ngoài ra cần trang bị phương tiện phá dỡ để khi xảy ra sự cố, chúng ta có thể thoát ra bên ngoài. Đặc biệt các gia đình có thể bố trí chuẩn bị sẵn chăn, ga giường để khi xảy ra những điểm cháy nhỏ như trong bếp thì chỉ cần nhúng nước là có thể dập các đám cháy rất hiệu quả. Trong nhà cũng cần để chìa khóa cố định gần lối thoát nạn…
Bạn Nguyễn Văn Anh- Cty Nissei Electric Việt Nam hỏi: Anh trai tôi không nằm trong đội phòng cháy chữa cháy, nhưng khi có hỏa hoạn xảy ra tại xưởng sản xuất, anh đã tham gia chữa cháy và bị bỏng, phải nghỉ hai ngày nhưng không được doanh nghiệp thăm hỏi, bồi thường. Xin hỏi, như vậy có phải là doanh nghiệp đã phạm luật không?
Ông Tạ văn Dưỡng: Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của tất cả mọi người lao động, chứ không phải chỉ của riêng đội phòng cháy chữa cháy. Khi cháy xảy ra, người lao động tham gia chữa cháy mà bị bỏng thì được coi là là bị tai nạn lao động. Khi đó người lao động sẽ được hưởng 3 chi phí do doanh nghiệp chi trả bảo gồm: chi phí thuốc men, điều trị bệnh; tiền lương trong thời gian nghỉ để chữa bệnh và chi phí bồi thường theo tỉ lệ thương tật. Trong trường hợp của anh bạn, nếu doanh nghiệp không thực hiện các chi phí nói trên, người lao động có thể đề nghị công đoàn cơ sở can thiệp, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì người lao động có thể làm đơn tới cơ quan chức năng và tổ chức công đoàn cấp trên để được can thiệp giải quyết.
Một bạn thực tập sinh công ty TNHH Hoya Glass Disk hỏi: Muỗi nào truyền bệnh SXH?
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Thân: Trước hết cần hiểu bệnh SXH là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh SXH. Ở Việt Nam có hai loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus (muỗi vằn). Đây là loài muỗi nhỏ, màu đen hoặc hơi nâu đen. Trên thân mình và chân có các vằn trắng, ưa thích hút máu người. Muỗi hoạt động trong môi trường ánh sáng yếu. Chúng thường tăng cường đốt người vào buổi sáng sớm và chiều tà hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng.
Bệnh SXH không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh SXH không bị lây. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để muỗi đốt vì muỗi có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.
Phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Sau hơn 2 tiếng làm việc, buổi giao lưu đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ngoài các câu hỏi tại hội trường, có rất nhiều câu hỏi gửi qua hộp thư điện tử của báo Lao động Thủ đô. Tuy nhiên do thời lượng buổi giao lưu có hạn và nhiều câu hỏi trùng nhau nên chúng tôi chỉ lựa chọn trực tuyến một số lượng câu hỏi nhất định. Các câu hỏi được các vị khách mời giải đáp thỏa đáng. Đây là những kiến thức rất hữu ích, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng và nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người lao động. Có thể nói buổi giao lưu là một hoạt động thiết thực mà báo Lao động Thủ đô và CĐ các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thực hiện để hướng về người lao động. Qua theo dõi hệ thống, có trên 138 ngàn lượt bạn đọc theo dõi nội dung buổi trực tuyến này trên báo Lao động Thủ đô điện tử, chứng tỏ buổi giao lưu có sức thu hút lớn với bạn đọc, công nhân lao động. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (23/12): Giá dầu thế giới đầu tuần bật tăng
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Tin khác
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
Quận Tây Hồ: Hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn
Công đoàn 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Hoạt động 20/12/2024 18:33
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 18:32
Công đoàn Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 15:44
LĐLĐ quận Long Biên chuyển giao Công đoàn cơ sở về LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm
Hoạt động 20/12/2024 13:49
LĐLĐ quận Đống Đa: Giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn
Hoạt động 20/12/2024 12:23