Bạo lực gia đình khiến cuộc đời tôi tăm tối
Mẹ tôi cũng không hiền. Bà là mẫu phụ nữ bất cần với câu cửa miệng “chết là cùng chứ gì!” Vì vậy, ký ức tuổi thơ của mấy chị em tôi không có gì khác ngoài cảnh bố mẹ xô xát, chửi nhau không tiếc lời, mặc kệ lũ con nép ở góc phòng. Tôi không bao giờ quên một lần bố rượt đuổi mẹ chạy quanh nhà với chiếc dao rựa trên tay, lũ trẻ con chúng tôi hoảng loạn gào khóc. Cảnh như thể trong một bộ phim hành đông ấy ám vào đầu óc, khiến tôi suốt đời hoài nghi về cái gọi là hạnh phúc gia đình… Trong nỗi ước ao thoát khỏi cuộc sống chẳng khác gì địa ngục ấy, đứa trẻ con quê kệch như tôi cũng đã biết đến khái niệm “giải thoát” để có lần thúc giục mẹ ly hôn. Lần ấy, mẹ ngạc nhiên nhìn tôi và trả lời rằng, gia đình nào cũng vậy, cũng đều lúc này lúc khác, đâu có gì mà phải ầm ỹ. Không lay chuyển được mẹ, nhưng tự trong sâu thẳm, tôi luôn suy nghĩ nhất định mình sẽ không lấy một ông chồng nghiện rượu, vũ phu, không bao giờ lặp lại sai lầm của mẹ.
Hãy dũng cảm lên tiếng nếu bị bạo lực. Ảnh minh họa
Thế nhưng cuộc đời đôi khi có vòng tròn số phận. Hoàn cảnh gia đình khiến mấy chị em tôi không đứa nào chú tâm được vào việc học hành và đều dừng lại trước cánh cổng trường cấp III. Mặc cảm thân phận, trình độ, cộng với nỗi hoài nghi về hạnh phúc gia đình khiến tôi luôn sống khép mình, không cởi mở, giao tiếp với ai. Đến tuổi lấy chồng, tôi tặc lưỡi chấp nhận với sự mối mai của người hàng xóm. Ban đầu, tôi yên tâm, tin tưởng rằng mình đã có một cuộc sống khá hơn so với cuộc sống ngục tù của mẹ, bởi chồng tôi có công ăn việc làm tử tế, không nghiện rượu. Nhưng, sống với nhau một thời gian, tôi phát hiện chồng mình có tính trăng hoa, vô trách nhiệm với gia đình, vợ con. Anh ngang nhiên quan hệ với hết cô này, cô khác. Tiền lương công nhân được bao nhiêu, anh giữ hết để đi chơi bời, bao gái. Khi tôi lên tiếng, anh sỉ vả tôi là đồ ăn bám, là hàng đã hết hạn đồng thời thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Có lúc chồng tôi giậm chân lên cổ tôi, khiến suốt một thời gian sau, tiếng tôi bị khàn. Có bữa, đang ăn cơm chồng cũng cầm gậy quất ngang lưng khiến tôi đi tiểu ra máu. Sống với anh 5 năm, từ một cô gái phổng phao, phốp pháp trở nên xác xơ tiều tụy, với những cơn đau thường xuyên trên khắp cơ thể. Chưa đầy 30 tuổi, nhưng ai cũng đoán tôi đã tuổi 40. Không chỉ đau đớn, suy sụp về thể xác, có đợt tôi còn phải vào viện tâm thần điều trị vì những ám ảnh bạo lực triền miên.
Nghĩ lại tuổi thơ khốn khổ của mình và nghĩ tới hai đứa con thơ dại trứng gà, trứng vịt, tôi quyết định phải tìm cách thoát khỏi ngục tù, vì mình và vì cả những đứa con. Tôi mạnh dạn tìm đến chị hội trưởng hội phụ nữ địa phương, vừa gửi đơn, vừa trình bày bằng miệng, nhờ chị can thiệp. Chị và hội phụ nữ đã tích cực vào cuộc. Một mặt, chị tư vấn cho tôi những kiến thức về ứng xử trong gia đình, truyền cho tôi sự mạnh dạn tự tin và giới thiệu cho tôi vào làm việc tại một cơ sở dệt may. Nhờ có công việc, có thu nhập và nhờ những điều tư vấn, tôi dần dần biết làm mới bản thân từ hình thức đến suy nghĩ: Đẹp hơn, mạnh mẽ, quyết đoán, chủ động hơn. Chị hội trưởng cũng gặp gỡ, chuyện trò, tâm tình phân tích để chồng tôithay đổi suy nghĩ, đồng thời cũng nghiêm khắc đưa ra những căn cứ pháp luật, những chế tài xử phạt nếu như anh tiếp tục bạo hành vợ. Từ đó, tôi bắt đầu cảm nhận sự thay đổi ở chồng. Anh bớt dần tính trăng hoa, chí thú làm ăn và quan tâm hơn đến gia đình, vợ con. Những trận đòn đối với vợ thưa dần rồi vắng hẳn. Chồng tôi đã thực sự được cảm hóa, trả lại cho mẹ con tôi cuộc sống gia đình bình yên.
Viết ra câu chuyện trên đây của cuộc đời mình, tôi chỉ muốn góp một lời cảnh tỉnh cho những người phụ nữ như tôi hãy dũng cảm đứng dậy một lần, để tìm ra lối thoát cho một cuộc sống gia đình đầy bi kịch. Vẫn biết rằng thói quen hi sinh và chịu đựng là đức tính cố hữu của mỗi người đàn bà bởi bản thân tôi cũng đã nín nhịn và âm thầm chịu đựng suốt hơn 5 năm trời. Nhưng, trong trường hợp này, im lặng quả là sự đồng lõa với tội ác, là khuyến khích cái ác hoành hành.Với kinh nghiệm của mình, tôi mong muốn những người phụ nữ đang phải chịu bạo lực gia đình hãy dũng cảm lên tiếng, bày tỏ bức xúc của mình với các đoàn thể, cơ quan chức năng hoặc với bất kỳ người thân nào mà bạn có thể tin cậy. Chỉ có sự mạnh dạn, thẳng thắn của chính các chị mới là phương thuốc đầu tiên, hữu hiệu ngăn chặn nạn bạo lực gia đình, để phụ nữ chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
(Ghi lại câu chuyện của một nạn nhân bạo lực gia đình)
Ngọc Trúc
Nên xem
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu Đảng tặng các đảng viên lão thành
Giá vàng thế giới “bất động” giữa lúc Mỹ sắp có tổng thống mới
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Tin khác
Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt
Giao thông 05/11/2024 17:00
Thị xã Cửa Lò nhập vào Thành phố Vinh từ ngày 1/12/2024
Giao thông 05/11/2024 11:32
Tu sửa hè đường: Giải pháp nào giảm ảnh hưởng dân sinh?
Giao thông 05/11/2024 09:54
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Môi trường 05/11/2024 06:25
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Cháy nhà 5 tầng lúc rạng sáng, giải cứu 2 người mắc kẹt
Phòng chống cháy nổ 04/11/2024 09:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 4/11: Trời chuyển rét, có mưa rào
Môi trường 04/11/2024 05:59
Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ
Môi trường 03/11/2024 19:32
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 3/11: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Môi trường 03/11/2024 06:09
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Môi trường 02/11/2024 20:30