Bài 5: Đến bao giờ…tật xấu ơi!
Kéo dài thời gian hoạt động Phố đi bộ Hồ Gươm dịp Tết Dương lịch | |
Phố đi bộ hồ Gươm – điểm nhấn du lịch của Thủ đô Hà Nội | |
Không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo: Làm gì để hiện thực hóa? |
Phải gọi đấy là “tội hủy hoại môi trường”
Xin lỗi vì tôi đã dùng câu chữ nặng nề, nhưng suy cho cùng thì việc ngang nhiên xả rác ra nơi công cộng mà lại là nơi công cộng được liệt vào hàng danh thắng, được xếp vào khu vực đẹp nhất Thủ đô, là nơi từng được ghi nhận như một “chứng nhân” của lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta nói chung của Thủ đô nói riêng thì gọi là “tội hủy hoại môi trường” có khi còn quá nhẹ.
Ảnh minh họa |
Thực ra đã nhiều năm nay khu vực quanh hồ Gươm được chọn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, được chọn là địa điểm hàng năm tiến hành chào đón năm mới vậy mà “đâu vẫn vào đấy”. Nghĩa là chuyện là địa điểm diễn ra sự kiện thì cứ là địa điểm diễn ra sự kiện, còn việc địa điểm đó bị biến thành “bãi chiến trường” và vẫn cứ là “chiến địa tan hoang”sau đêm diễn ra sự kiện lại là chuyện “biết rồi. Nói mãi. Khổ lắm”.
Và “cái chu trình” đầu tiên là xây dựng, lắp đặt, tôn tạo với công sức của bao người để biến cái bình thường quen mắt thành cái đẹp lung linh, đẹp náo nức, đẹp hút hồn người. Vậy mà để rồi sau đó là người khác đến nhìn mà lòng ngao ngán, công nhân vệ sinh ra sức thu dọn, báo chí cùng dư luận lên tiếng mà vẫn “nguyễn y vân” thì đúng là “cạn lời”. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ chịu và ngân sách thành phố vẫn phải bỏ ra không ít để làm cái việc “dọn dẹp” mãi ư? Rác bỏ tràn lan khắp nơi khắp chỗ, vườn hoa đang tỏa ngát hương thơm bỗng nhiên bị “san bằng” ai cũng thấy xót mà đành bó tay ư?
Lại nhớ bao lần cũng ở khu vực quanh hồ Gươm này, công sức của nhiều nghệ nhân bỏ ra bao đêm bao ngày cho những vườn hoa đẹp, để những ánh mắt du khách như bị níu chặt vào đấy đã nhanh chóng bị “phá tan hoang”. Người vô tâm độ này sao sinh ra nhiều thế? Kẻ hồn nhiên ngắt hoa, người “sẵn lòng” nhảy vào giữa vườn hoa để có cho mình một vài kiểu ảnh đẹp “nuôi phây”, ai đó thì “vui” hơn là mau chân “mở lối đi”.
Người xưa đã nói “đường do chân mà ra” hóa ra ở nơi chốn công cộng đẹp đẽ này câu nói đó là có thật. Họ thoải mái giẫm đạp vào vườn hoa để có cho mình “con đường xưa em đi” miễn sao cho nhanh cho chóng. Một người đi được thì nhiều người đi được và cuối cùng “hoa đã nát, cây đã tàn” tiếc ơi là tiếc.
Giải pháp nào cho chuyện “thường ngày ở huyện”
Năm Mậu Tuất đang dần trôi về những ngày, những giờ cuối cùng. Năm Kỷ Hợi đang “chầm chậm tới bên mình”. Khu vực quanh Hồ Gươm và nhiều địa điểm vui chơi công cộng khác của Thủ đô đang được các ngành các cấp, đang được nhiều người gắng sức hoàn thành. Viễn cảnh về những con đường, tuyến phố, vườn hoa, lối đi đẹp đẽ đang dần dần định hình. Và tôi cũng đang “dần dần phác ra” một hình ảnh sau đó không lâu chỉ còn lại “hoang tàn và đổ nát”. Nhưng chẳng lẽ cứ để những cảnh hoang tàn đó diễn ra như vốn nó phải thế? Không. Cần lắm những giải pháp có thể.
Chuyện có các chế tài xử phạt nặng để răn đe thì rất cần rồi, song đầu tiên vẫn phải là ý thức của những người tham gia sự kiện ở khu vực được chọn tiến hành sự kiện. Ngày cuối năm cũ, đêm giao thừa thiêng liêng ai mà không muốn mình là những người đầu tiên được mục sở thị, được chờ đón, được phấn khích. Chuyện đi đón giao thừa đã thành một “tục” đẹp rất đáng trân trọng. Khi ấy được hòa mình vào không gian thiêng liêng của ngày đầu năm mới cũng nét đẹp cần thiết.
Theo cách thức dựa vào ý thức thì rất cần những người đang có kế hoạch chọn các địa điểm công cộng ví như khu vực quanh Hồ Gươm chẳng hạn là địa điểm du ngoạn cuối năm đón chào xuân mới nên chuẩn bị sẵn “một tinh thần” là: Không xả rác ra nơi công cộng.
Hãy đinh ninh hãy tâm niệm rằng: Môi trường có sạch đẹp hay không “điều đó tùy thuộc vào bạn”. Nghĩa là “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” bằng cách chuẩn bị đem theo vài chiếc túi vải hay túi giấy. Không khó khăn hay nặng nhẹ gì cho cam. Đem theo những thứ túi đó trước là để đựng thức ăn, đồ uống cho mình và thứ là dùng luôn những túi đó để bỏ rác, đồ thừa, thứ bỏ đi vào đó.
Dĩ nhiên là không “tiện tay” thả những túi đó xuống lối đi, vào vườn hoa mà hãy như “Vừa đi đường vừa quan sát” ấy. Quan sát thấy chỗ nào đã được đặt sẵn thùng rác thì vui vẻ đến bên bỏ vào đó, tạo cho mình một thói quen đương nhiên là vậy. Lần đầu như thế chắc chưa quen nhưng tôi dám chắc đến lần thứ hai, thứ ba… sẽ quen như điều này không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Là bạn, bạn có làm thế không? Tôi chắc là có rồi và bạn hãy nhắc nhở những người thân của mình, góp ý hoặc “nhặt rác hộ” những người đang hòa vào không khí vui chơi cùng bạn.
Thứ hai là thành phố mà cụ thể là công ty môi trường đô thị cần “xây dựng” một kế hoạch đầy đủ để “không bị bất ngờ” với mọi tình huống (Mà mọi tình huống đã xẩy ra ở một vị trí, một nơi cũng khá nhiều lần rồi). Ví dụ như bố trí thêm công nhân và những công nhân này tỏa đi kiểu hòa vào dòng người ấy. Chỉ khác là người ta đi “trẩy hội” còn mình thì đi “làm sạch hội” mà thôi.
Nghĩa là “vừa đi đường vừa nhặt rác ấy”. Công ty môi trường “chịu khó” một tí là trang bị cho anh chị em công nhân vệ sinh đi làm việc trong đêm sự kiện những bộ quần áo tươm tất cùng những chiếc túi đựng rác “đèm đẹp” một tí, sạch sẽ một tí để những người đi dự sự kiện không bị bận tâm và cảm thấy “niềm vui” của mình không bị “quấy rầy”.
Thứ ba là bên cạnh những thùng đựng rác “chuyên nghiệp” đã được đặt sẵn ở một số vị trí thì công ty vệ sinh môi trường cũng nên “lưu ý” đến không khí và sự thanh tao của sự kiện. Tôi cứ nói thẳng nhé, thùng đựng rác kiểu “chuyên dụng chuyên nghiệp’ rất dễ là những người đi tham dự sự kiện thấy e ngại vì nghĩ luôn là thùng rác không mấy sạch sẽ, không mấy đẹp đẽ. Họ sẽ ngại đến đó để bỏ rác vì sợ bẩn, sợ mùi hôi hám.
Do đó nên bố trí những sọt đựng rác được đan bằng tre hay bằng vật liệu nào đó thích hợp với kiểu dáng vui vui, ngồ ngộ và bắt mắt. Chẳng hạn như những chiếc giỏ, những đôi quang gánh nên thơ hay những chiếc làn xinh xinh.
Vĩ thanh
Tôi nhớ lần đầu lên thăm bản du lịch Sin Súi Hồ ở mãi huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu mãi nơi “đường lên Tây Bắc vút xa mở” kia. Đáng lưu ý bản du lịch này do người dân trong bản tự làm và tự nghĩ ra những cách thu hút du khách. Trên những con đường đi trong cái bản toàn người Mông này chốc chốc tôi lại thấy bên gốc cây hay bên cạnh những giỏ hoa treo thâm thấp là nhiều chiếc giỏ chiếc gùi.
Thoạt nhìn tôi ngỡ ai đó bỏ quên gùi sắn, gùi ngô nhưng hỏi ra thì tôi được biết đó là những chiếc giỏ, chiếc gùi đựng rác. Du khách cứ “thoải mái” mà thả rác vào đó một cách vô tư không hề lấn cấn, chẳng ngại bẩn, ngại mùi vì những chiếc giỏ chiếc gùi đó đưa đến một cảm giác tin cậy vì đơn giản ai cũng nghĩ những chiếc giỏ, chiếc gùi đó vốn để chứa đồ ăn, chứa những thứ vật dụng thân quen. Cảm giác gần gũi và tin cậy sẽ cho ta sự thanh thản để làm một việc đơn giản là bỏ rác vào đó.
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến hình ảnh các cổ động viên của đội bóng Nhật Bản, khi kết thúc trận đấu, dù đội nhà thua hay thắng vẫn thường nán lại để nhặt rác, thu dọn sân vận động. Hình ảnh đẹp đó được truyền thông khen ngợi và nhanh chóng lan tỏa khắp hành tinh.
Để rồi, ta cũng tự hào lắm khi tại giải AFF Cup vừa rồi được chứng kiến hình ảnh cổ động viên Việt Nam nán lại nhặt rác trên những sân vận động mà đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu. Và nữa, tại giải bóng đá Công nhân viên chức lao động, Cup báo Lao động Thủ đô vừa rồi, có đội bóng của một công ty liên doanh với Nhật tham gia, một hình ảnh đẹp được lan tỏa trong khắp giải đấu là sau mỗi trận cổ động viên và cầu thủ đội này đều dọn sạch sân đấu trước khi ra về.
Nhắc lại những chuyện này để thấy rằng, những hình ảnh đẹp sẽ có sức lan tỏa mạnh lắm, có tính giáo dục lắm… Vậy mỗi chúng ta hãy làm và thường xuyên làm việc đẹp, cái đẹp ấy sẽ được nhân lên, chuyện khổ vì rác sẽ không còn là nỗi ám ảnh khi những việc làm đẹp thường trực trong mỗi người.
Năm cũ sắp qua đi. Năm mới đang tới. Một mùa xuân tươi vui lành mạnh và tràn ngập tiếng cười đang đến với mọi nhà đến với mọi người. Và sẽ vui hơn khi những điểm vui xuân ta đến không có rác.
Nguyễn Trọng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01