Xây dựng nếp sống văn minh từ trong mỗi gia đình
Lan tỏa nếp sống văn minh trong cộng đồng Chung tay xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh |
Chuyển biến tích cực trong nhận thức
Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, song tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ và đời sống của không ít gia đình. Điều này không chỉ gây áp lực với người phụ nữ, mà còn khiến trẻ em gái không có vị thế xứng đáng trong xã hội. Tại Hà Nội, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn ở mức cao.
Em Nguyễn Trần Minh Ngọc (học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Thượng Hiền, huyện Ứng Hòa) là niềm tự hào lớn của gia đình anh Nguyễn Nam Anh |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của Thành phố ở mức 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị, văn hóa và chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
Vượt qua những định kiến ở vùng quê, gia đình anh Nguyễn Nam Anh và chị Trần Thị Quyên (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa) không cảm thấy buồn khi có người nói vợ chồng anh chị chỉ “sinh con gái một bề”. Bỏ ngoài tai tư tưởng bắt buộc phải có con trai để nối dõi tông đường, vợ chồng anh Nam Anh đã dồn tất cả tình yêu để chăm sóc hai cô con gái nhỏ. Chính từ sự chăm chút của cha mẹ, các con của anh chị đều chăm ngoan học giỏi. Trong đó, con gái lớn Nguyễn Trần Minh Ngọc là niềm tự hào lớn của cha mẹ khi đạt danh hiệu học sinh giỏi trong suốt 7 năm liền. Không chỉ hoạt bát, chăm ngoan, hòa đồng với bạn bè khi ở trên lớp, ở nhà Minh Ngọc cũng là tấm gương cho em gái học tập.
Cách gia đình anh Nam Anh và chị Quyên không xa, vợ chồng chị Lê Thị Chín và anh Nguyễn Ngọc Đức (thôn Cầu, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa) cũng hài lòng với những gì mình có, quyết tâm nuôi dạy hai con bằng tình yêu thương với quan điểm sinh con ra lành lặn, bình thường đã là điều may mắn. Theo lời chị Chín, vợ chồng chị có được hai cô con gái không hề dễ dàng bởi điều kiện kinh tế khó khăn. Vợ chồng chị làm nghề tự do với nguồn thu nhập ít ỏi, bấp bênh, sức khỏe lại đau yếu thường xuyên. Trong ngôi nhà đơn sơ chẳng có nhiều đồ đạc, có lẽ thứ đáng quý nhất là sự sum vầy của gia đình và các con chăm ngoan, học giỏi, biết chia sẻ, gánh vác việc nhà cùng bố mẹ. Chị Chín cho biết thêm, điều may mắn của anh chị hơn nhiều cặp vợ chồng khác là không gặp áp lực từ phía gia đình. Bởi ông bà nội cũng rất cởi mở, có tư tưởng tiến bộ khi không nặng nề chuyện phải con trai nối dõi. “Tôi may mắn bởi được sự ủng hộ của gia đình, bà nội cũng động viên vợ chồng tôi sinh đẻ có kế hoạch, bà nói hai cháu gái là vàng bạc tặng cho bà rồi, không cần phải nghĩ ngợi gì nữa. Điều quan trọng nhất là mọi người trong gia đình luôn sum vầy yêu thương nhau, con cái học tập tốt, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung là tốt rồi”, chị Chín hồ hởi.
Lan tỏa trong cộng đồng
Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, mô hình biểu dương gia đình sinh con một bề là gái, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về chính sách dân số. Từ câu chuyện của những gia đình sinh con một bề cho thấy, không quan trọng sinh con trai hay con gái, mà quan trọng nhất là việc xây dựng gia đình hạnh phúc và giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội.
Trong căn nhà ngập tràn tiếng đàn của bố và con - anh Lê Quang Vinh (phường Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, mặc dù lấy vợ muộn và có hai cô con gái nhưng vợ chồng anh luôn đủ đầy, mãn nguyện với cuộc sống của gia đình. Hai vợ chồng chú trọng dạy con cách cư xử đúng mực trong gia đình, chưa bao giờ có cãi vã, to tiếng, nặng lời. Đặc biệt, cả gia đình anh Vinh luôn có những cách chia sẻ rất riêng để kết nối tình cảm. Vợ chồng anh không chỉ cùng học hỏi thêm những kiến thức về sức khỏe, cách chăm sóc nuôi dạy con mà còn dạy con văn hóa ứng xử, tăng cường trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
Gia đình anh Lê Quang Vinh (phường Kim Liên, quận Đống Đa) ngập tràn tiếng đàn của bố và con. |
Không dừng lại ở phát huy những giá trị tốt đẹp trong gia đình, việc chú trọng nuôi dạy con cho tốt bất kể trai hay gái còn góp phần tích cực trong công tác xã hội, thực hiện tốt chính sách dân số, xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương. Những năm gần đây, chẳng ai trong khu phố còn xa lạ với hình ảnh cả gia đình vợ chồng anh Trần Xuân Hùng và chị Nguyễn Thị Bảo Thúy (phường Chương Dương, quận Long Biên) cùng nhau đi cứu hộ chó, mèo vì 2 cô con gái của anh chị yêu thích động vật. Những ngày nghỉ, thay vì mỗi người một việc, cả gia đình anh chị cùng chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện cộng đồng và trong khu dân cư. Bố mẹ dần dần trở thành bạn bè của con trong cuộc sống, có thể tâm tình, sẻ chia bất kì điều gì.
“Tuy bận rộn nhưng gia đình tôi luôn dành thời gian chăm sóc con, chia sẻ công việc gia đình với nhau, có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc. Mặc dù chồng tôi là con trai trưởng trong nhà nhưng luôn động viên vợ có hai con gái cũng rất tốt. Việc dừng lại ở hai cháu chúng tôi có nhiều thời gian quan tâm đến các con hơn, dạy các con biết thương yêu nhau hơn, nết ăn nết ở được uốn nắn. Thành quả đến nay tôi rất hạnh phúc vì các con biết yêu thương mọi người. Con gái lớn nhà tôi là thành viên của trung tâm cứu hộ động vật, bố mẹ luôn luôn động viên con hãy tự tin làm gì con thấy là tốt cho bản thân và xã hội, gia đình sẽ hỗ trợ hết mình”, chị Thúy vui vẻ cho biết.
Cần mẫn với công việc nuôi dạy con cái, các gia đình hạt nhân tiêu biểu là nền tảng vững chắc cho một xã hội lành mạnh, góp phần vun đắp cho tình làng, nghĩa xóm thêm thân thiết, hóa giải mâu thuẫn, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, từ đó chung tay góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, vững chắc ngay từ cơ sở. Tin rằng ngày nay, những định kiến, hủ tục đang dần được xóa bỏ, vai trò và vị thế của người phụ nữ và trẻ em gái này càng được củng cố. Những giá trị tốt đẹp ấy được cấu trúc lại và nâng cao qua các phong trào “Nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “Người tốt việc tốt”… tất cả góp phần làm chuyển biến nhận thức, vai trò của mỗi người, mỗi gia đình trong xây dựng nếp sống thanh lịch người Tràng An, giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức truyền thống cũng như lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc./.
Phương Ngân
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59