Vang vọng giai điệu tự hào
"Giai điệu tự hào tháng 7" mang chủ đề "Như những huyền thoại" | |
"Giai điệu tự hào" vẫn có tên trong bảng đề cử giải Cống hiến 2015 dù xin rút |
Cảm thức chung mỗi dịp Thu sang là niềm vui rạo rực, hân hoan khi nhớ về những ngày cả dân tộc hòa mình vào khí thế cách mạng sục sôi - một miền ký ức không thể lãng quên được đánh đổi bằng tuổi trẻ và máu xương của thế hệ cha anh đi trước. Đúng là không rạo rực, không hồi hộp sao được khi ngày 2 tháng 9 đã trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã ra đời.
Từ mùa Thu tháng Tám 1945 ấy, những người dân lam lũ, đói nghèo với vũ khí thô sơ, chủ yếu là gậy gộc, giáo mác đã nhất tề vùng dậy theo tiếng gọi của Tổ quốc lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, nhấn chìm bè lũ cướp nước, bán nước, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ bị sự thống trị hà khắc của chính quyền thực dân - phong kiến, xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước tự do và độc lập. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, đã trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình... Trong không khí chung ấy, ca khúc viết về mùa Thu cách mạng “Mười chín tháng Tám” mang đến cả niềm tự hào và nỗi khắc khoải cho cả những người từng bước qua cuộc chiến và lớp hậu sinh.
Chân dung cố nhạc sĩ Xuân Oanh. |
Từ sáng sớm ngày 19/8/1945, hòa cùng với dòng người đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhạc sĩ Xuân Oanh, khi đó mới 22 tuổi và đang tham gia trong một tổ chức tuyên truyền cách mạng của Việt Minh, cảm thấy vô cùng rạo rực trước khí thế cách mạng như sóng trào, đã bật thốt lên lời ca đầy cảm xúc “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai…”. Nhạc sĩ cứ hồn nhiên hát vang lên lời ca tự nhiên bật ra ấy và lập tức được mọi người hưởng ứng, hát theo.
Thấy mọi người hòa đồng hát vang theo mình, nhạc sĩ hát lại cho mọi người hát theo thật rõ từng lời, rồi ứng tác các câu tiếp theo: “Mười chín Tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét, tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung…”. Khí thế sục sôi của dòng người đã tác động trực tiếp đến nhạc sĩ, thôi thúc ông ghi lại khoảnh khắc lịch sử này. Vậy là, “Mười chín tháng Tám” bật ra. Ông vừa đi vừa ghi lại lời bài hát trên những mảnh giấy xé vội hoặc trên góc tờ báo cũ rồi cùng cả đoàn người ca vang. Hát xong một câu, ông lại viết tiếp câu sau cho đến hết bài. Chỗ nào không ổn, có vẻ “ngang” là mọi người can thiệp, góp ý tác giả sửa lại, cả nhạc lẫn lời ca, đến khi nào xuôi tai, nghe hay mới thôi.
Cứ thế, mỗi lần ứng tác thêm một câu, nhạc sĩ quay lại hát từ câu đầu, vì vậy nhạc sĩ và cả mọi người đều nhanh chóng thuộc lòng các câu hát. Với nhịp điệu hành khúc hào hùng, khỏe mạnh, ca từ mộc mạc nhưng sống động, đầy thực tiễn trên đường phố lúc đó. Từng lời ca bật ra từ trái tim đang rung cảm tột độ của nhạc sĩ đã cuốn hút mọi người cùng hòa ca: “Mười chín tháng Tám, ánh sáng tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng”! Bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn nhưng rất chỉn chu về khúc thức với hình thức hai đoạn đơn: Đoạn 1 có 4 câu, đoạn 2 là điệp khúc có 6 câu. Bài hát hình thành trên cung sol trưởng đậm chất hào hùng. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, bài hát lan rộng như một hiệu ứng dây chuyền, vang lên khắp các con phố Hà Nội. Không ai biết đó là bài hát gì, ai sáng tác, nhưng cứ người này nghe người kia hát và hát theo. Âm hưởng hào hùng của bài hát cứ thấm rất tự nhiên vào lòng người. Với giai điệu giản dị, dễ hát, lời ca dễ nhớ, thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sục sôi, truyền đi nhiệt huyết và niềm tin vào cách mạng, ca khúc “Mười chín tháng Tám” nhanh chóng vượt khỏi năm cửa ô để phổ biến rộng rãi trong cả nước.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám thành công (1945-2005), cũng là lúc nhạc sĩ Xuân Oanh đã 82 tuổi, khi kể lại hoàn cảnh ra đời của bài hát, ông nhắc đến một chi tiết rất thú vị: Khi bài hát vừa hình thành, có người hỏi tên bài hát là gì, ông ngớ người ra là chưa kịp đặt tên cho bài hát. Nhưng rồi với mấy lời ca trong bài cứ nhắc đi nhắc lại câu “Mười chín tháng Tám”, và thêm không khí rạo rực của ngày hôm đó (19/8/1945), ông liền nói: Tên bài hát là “Mười chín tháng Tám”, mọi người thấy sao? Mọi người cười hồ hởi: Hay lắm, “Mười chín tháng Tám”! Đến chiều hôm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh mới viết ra giấy bài hát “Mười chín tháng Tám”, gửi cho một người bạn làm nghề xuất bản nhờ in ra và ngay sau đó, bài hát được phát hành rộng rãi, vào tận miền Nam. Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.
Giai điệu 19/8 luôn được ngân lên trong những ngày Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám . ảnh: TL |
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) không phải là người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp (ông công tác ở ngành ngoại giao), nhưng ông đã được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2007. Ông viết không nhiều, chỉ chừng 10 ca khúc, nhưng những ca khúc của ông đều được nhiều người yêu thích. Có thể kể đến như các tác phẩm: “Hồ Chí Minh, Người là muôn ánh sao”, “Quê hương anh bộ đội”, “Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, “Cây súng bạn đường”, “Đời vẫn tươi”, “Ngôi sao thế kỷ”, “Gọi thu”, “Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt”, hợp xướng “Quê hương hai tiếng ấy”…
Nổi bật nhất vẫn là tác phẩm bất hủ “Mười chín tháng Tám” được sáng tác ra một cách độc đáo ngay trên từng bước đi trong cuộc diễu hành lịch sử giành chính quyền cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội trong ngày 19/8/1945 lịch sử - Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, và kịp vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vào Quốc khánh đầu tiên của đất nước, ngày 2/9/1945! Vượt qua thử thách của thời gian, đến nay, sau 74 năm, ca khúc “Mười chín tháng Tám” hàng năm vẫn vang lên hùng tráng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh 2/9. Dù khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nghe lại ca khúc viết về thời điểm lịch sử của dân tộc, thế hệ trẻ vẫn thấy rạo rực trong lòng và nguyện sẽ hát mãi khúc quân hành của cha ông và viết tiếp bản trường ca anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Âm nhạc 22/12/2024 10:15
NSND Trần Hiếu xúc động nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam"
Âm nhạc 20/12/2024 16:55
Á quân Giọng hát hay Hà Nội Đinh Xuân Đạt ra mắt MV đầu tay "Hoàn Kiếm"
Âm nhạc 19/12/2024 17:50
Hoàng Hải, Vũ Thảo My song ca cực "ngọt" tại IRCtire Motorbike Care Festival
Âm nhạc 17/12/2024 17:12
Miss Eco Teen Bella Vũ tổ chức minishow âm nhạc đầu tiên ở tuổi 16
Âm nhạc 08/12/2024 11:25
Quận Tây Hồ tổ chức Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc năm 2024
Giải trí 30/11/2024 10:10
Bùi Huyền Trang, Nguyễn Thị Thùy Linh đoạt giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội 2024
Âm nhạc 29/11/2024 06:37
Hoàng Rob: “Khiêu vũ với tất cả nỗi sợ trong mình”
Âm nhạc 28/11/2024 14:11
Ghi dấu ấn với những khoảnh khắc “Sống lại tiếng yêu đầu” với đêm nhạc Michael Learns To Rock
Âm nhạc 20/11/2024 16:20
Ông hoàng K-Pop G-Dragon trở lại sau 9 năm vắng bóng tại MAMA 2024
Âm nhạc 14/11/2024 16:54