TRỰC TUYẾN Chuyên đề “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Ấm áp những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón Tết Mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến “Những điểm mới về chính sách tiền lương và Bảo hiểm xã hội” |
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô. Đồng thời sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân năm 2024; 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Đồng thời, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan.
Các đại biểu dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024. |
Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest; Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.
Đoàn viên, CNVCLĐ quận Hoàn Kiếm tham dự buổi Đối thoại - giao lưu. |
Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông); Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Hà Đông - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố; Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Văn Bình, Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô; Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm; Hoàng Hữu Tiến - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm; đại diện các ban LĐLĐ Thành phố; phòng, ban, ngành của quận Hoàn Kiếm.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến có gần 300 cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quận Hoàn Kiếm.
8h30: Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Giao lưu - đối thoại trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết đây là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm hướng tời chào mừng các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước và tổ chức Công đoàn trong năm 2024, như: kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5)…
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu. |
Theo đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ, thời gian qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ xuất bản, Báo Lao động Thủ đô cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách với nhiều hình thức, trong đó có việc đẩy mạnh tổ chức hoạt động đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách pháp luật trên báo điện tử laodongthudo.vn.
Những năm gần đây, mỗi năm, Báo Lao động Thủ đô đều phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức hàng chục buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông về chính sách pháp luật và các kiến thức, nội dung liên quan thiết thân tới người lao động. Mỗi buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến thu hút sự tham gia đặt câu hỏi trực tiếp của hàng trăm CNVCLĐ và sự quan gửi câu hỏi trực tuyến của bạn đọc ở khắp nơi.
Hầu hết câu hỏi của người lao động đều được các vị khách mời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật Lao động, Công đoàn, chuyên gia y tế và các lĩnh vực đời sống xã hội giải đáp thỏa đáng, qua đó dần hình thành một kênh phổ biến kiến thức pháp luật rất hiệu quả, hữu ích cho CNVCLĐ.
“Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2024 này, Báo Lao động Thủ đô có kế hoạch sẽ phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 18 buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách cho CNVCLĐ và cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách hôm nay là hoạt động mở đầu”- đồng chí Lê Thị Bích Ngọc cho biết.
Đoàn viên, CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại - giao lưu |
Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cũng chia sẻ, đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội, các quyền lợi về khác về thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động… Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động cũng là điều cần thiết.
Trên thực tế, các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, các chế độ, chính sách dành cho người lao động lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi song vì nhiều lý do mà người lao động chưa kịp thời cập nhật và người sử dụng chưa kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động.
Từ những lý do đó, Ban tổ chức đã lựa chọn chủ đề “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội” cho buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách lần này và mời tới đây các chuyên gia là luật sư, cán bộ của Sở Nội vụ Hà Nội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội - những người rất am hiểu về pháp luật lao động và các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà người lao động quan tâm, thông qua qua đó giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động cập nhật những kiến thức mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội nói riêng, các chính sách liên quan đến người lao động nói chung, góp phần để các kiến thức pháp luật mới nhanh chóng được vận dụng và thực thi hiệu quả trong thực tiễn.
8h40: Đồng chí Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh: “Đây là một hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Hoàn Kiếm thực hiện phương châm hướng về cơ sở, về người lao động, chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô”.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ luôn là một nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức Công đoàn và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương… của người lao động ngày càng cao. Tổ chức Công đoàn cũng đã và đang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung này để giúp đoàn viên, người lao động biết được những chế độ, quyền lợi của mình để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.
“Tôi cho rằng chủ đề “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội” mà Ban Tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, hướng sâu về cơ sở, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội. Thay mặt LĐLĐ Thành phố, tôi đánh giá rất cao hoạt động ý nghĩa này của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm.
Vì vậy, tôi đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình. Sau cuộc đối thoại này, các Công đoàn cơ sở tiếp tục tuyên truyền, triển khai đến người lao động”, đồng chí Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh.
8h50: Các chuyên gia trả lời câu hỏi, vướng mắc về chính sách của đoàn viên, CNVCLĐ
Chị Nguyễn Thị Thủy - Công đoàn Công ty Artron Việt Nam hỏi: Công ty tôi có người di chuyển nội bộ từ công ty mẹ sang (là người nước ngoài, giữ vị trí Tổng Giám đốc) thì có cần ký Hợp đồng lao động tại Việt Nam không? Người ký hợp đồng lao động là ai và người này có cần đóng bảo hiểm xã hội không?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh |
- Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Nội dung chị hỏi xác định có 2 mối quan hệ. Quan hệ thứ nhất là công ty mẹ cử người sang làm việc tại Việt Nam, và thứ hai là họ giữ vị trí Tổng Giám đốc một công ty con ở Việt Nam.
Về bản chất, khi đã được công ty mẹ cử sang làm việc ở vị trí Tổng Giám đốc công ty con thì họ đã phải có Hợp đồng lao động với công ty mẹ.
Như vậy, người lao động di chuyển nội bộ từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc sẽ không bắt buộc phải ký Hợp đồng lao động và tham gia BHXH ở Việt Nam. Họ đã được hưởng các chế độ như tiền lương, phụ cấp, BHXH từ công ty mẹ.
Tuy nhiên, các quy định có phải ký Hợp đồng lao động hay không sẽ phụ thuộc vào các quy định khác của công ty mẹ. Nếu như Hội đồng quản trị và Hội đồng thành viên có những quy định khác liên quan đến việc này thì căn cứ vào đó để quyết định có phải ký hợp đồng hay không.
Chúng ta phải nhìn vào Điều lệ của Công ty, các quy chế tài chính của công ty mẹ bởi vị trí Tổng Giám đốc công ty con là do Hội đồng thành viên và Hội đồng quản trị quyết định. Nếu quy định không yêu cầu ký Hợp đồng lao động thì không cần phải ký.
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Đối với nhân sự di chuyển nội bộ sẽ không phải tham gia đóng BHXH nữa.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chị Nguyễn Thị Phương Hoa, Công đoàn Công ty ToRay industries HongKong Vietnam hỏi: Tôi xin hỏi các chuyên gia hiện nay người lao động nước ngoài không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, vậy khi họ nghỉ việc thì người sử dụng lao động sẽ phải trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động có đúng không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đúng như vậy. Hiện nay Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không yêu cầu sự đóng góp của người lao động nước ngoài, người lao động nước ngoài không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, do đó khi người lao động nước ngoài nghỉ việc thì chủ sử dụng lao động phải trả toàn bộ trợ cấp thất nghiệp cho họ.
Anh Lưu Trung Dũng - Công ty Đoàn kết quốc tế hỏi: Tôi thấy trên mạng xã hội có thông tin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông tin này có đúng hay không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu theo đúng quy định của pháp luật thì vẫn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp như bình thường. Người lao động sẽ không được hưởng, nếu không thực hiện đúng quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tự ý bỏ việc.
Các chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến |
Chị Lê Phương Liên, Công đoàn Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng hỏi: Bảng lương mới xét từ tháng 7/2024 như thế nào? Chúng tôi là giáo viên mầm non mức lương mới được hưởng như thế nào? Hiện chúng tôi được hưởng phụ cấp 35%, vậy khi thực hiện chế độ tiền lương mới, chúng tôi có được hưởng nữa không? Phụ cấp thâm niên được tính như thế nào? Đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó thì có được hưởng phụ cấp lãnh đạo nữa không?
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo Nghị quyết 27, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Việc người lao động đang hưởng bằng hệ số tiền lương nhân với mức lương cơ bản thì sắp tới sẽ không quy đổi theo hệ số mà quy định bằng một mức tiền nhất định. Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, đối với giáo viên có khung lương được ưu đãi hơn, có mức phụ cấp nhất định, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì phải chờ văn bản chính thức quy định.
Đối với vị trí viên chức lãnh đạo như Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường, sẽ có bảng lương của vị trí viên chức lãnh đạo quản lý riêng và có tính theo thâm niên công tác, tức lần đầu bổ nhiệm 5 năm, lần 2 mức tiền lương sẽ cao hơn lần đầu. Đối với giáo viên sẽ hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, vẫn để ở hạng 1, 2, 3, như vậy khi đủ điều kiện các cô giáo vẫn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2, hạng 2 lên hạng 1.
Chị Nguyễn Thị Phương Hoa, Công đoàn Công ty Toray Industries HongKong Vietnam hỏi: Hiện nay, người nước ngoài không đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi họ nghỉ việc công ty có phải thanh toán trợ cấp thất nghiệp cho họ không? |
Chị Nguyễn Thị Thủy - Công đoàn Công ty Artron Việt Nam hỏi: Tôi được biết theo quy định, lao động nữ sẽ có thời gian được nghỉ trong những ngày “đèn đỏ”, thường là 30 phút/lần, có thể 3-4 ngày/tháng. Công ty tôi đang tạo điều kiện cho người lao động làm việc 7-7h30/ngày thì có nên đưa thêm thời gian nghỉ “đèn đỏ” vào quy định không?
- Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Quan điểm của tôi đầu tiên là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tức là những quy định chung có lợi cho người lao động theo luật thì phải được áp dụng. Liên quan đến phúc lợi của mỗi công ty thì cũng cần áp dụng thêm cho người lao động.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền |
Chị Phạm Thanh Thủy, Trường Mầm non Bình Minh hỏi: Theo chính sách tiền lương mới thì giáo viên mầm non có thâm niên lâu năm và ít năm sẽ được tính lương như thế nào, có gì khác nhau?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo nguyên tắc xếp lương, nếu cô giáo mầm non vừa mới được tuyển dụng, được xếp lương bậc 1 nhân với hệ số lương cơ bản và cộng với phụ cấp. Lúc đó bảng lương sẽ ở mức thấp nhất ở mức tiền lương mới. Tương tự với các bậc tiếp theo sẽ bằng bậc lương nhân với hệ số lương cơ bản cộng phụ cấp kèm theo. Như vậy cô giáo có thâm niên lâu năm hơn, có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn.
Còn hiện nay, theo nội dung Dự thảo về tiền lương thay đổi từ 1/7/2024, vẫn dựa trên nguyên tắc đó. Như vậy những cô giáo mới tuyển dụng sẽ được nhận tiền lương thấp hơn các cô giáo có mức thâm niên trong nghề.
Anh Nguyễn Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn Cung Thiếu nhi Hà Nội hỏi: Xin hỏi chuyên gia, khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc tăng lương sẽ được thực hiện như thế nào? Có tính tăng lương thường xuyên và tăng lương trước thời hạn khi có thành tích chiến sĩ thi đua cấp cơ sở như hiện nay không? |
Một người lao động gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Công ty tôi làm về may mặc nên có đông lao động nữ, nơi công nhân làm việc là tại Thanh Hóa. Công ty tôi cũng thường xuyên tổ chức các khóa học cho người lao động tại Hà Nội và trong số lao động nữ khi ra học thì mang bầu và tính đến thời điểm kết thúc khóa học thì người đó sẽ mang thai quá 7 tháng.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, Công ty đề nghị người lao động dừng lại việc học, nhưng người lao động lại vẫn có nhu cầu mong muốn được học đến khi kết thúc khóa học. Trường hợp này thì Công ty phải làm như thế nào để vừa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, vừa không vi phạm pháp luật?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: Mang thai từ tháng thứ 7 (hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, (trừ trường hợp được người lao động đồng ý).
Như vậy, nếu người lao động mang thai có nguyện vọng tiếp tục đi học thì hai bên có thể thỏa thuận và Công ty vẫn có thể để người lao động tiếp tục học theo nguyện vọng mà không vi phạm quy định của pháp luật.
Chị Phạm Thanh Thủy - Trường Mầm non Bình Minh hỏi: Theo chính sách tiền lương mới thì giáo viên mầm non có thâm niên lâu năm và ít năm tính như thế nào, có gì khác nhau?
Chị Phạm Thanh Thủy - Trường Mầm non Bình Minh đặt câu hỏi |
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Trước kia chúng ta có tối thiểu 3 lần thực hiện cải cách tiền lương. Theo nguyên tắc xếp lương, nếu cô giáo mầm non vừa mới được tuyển dụng được xếp lương bậc 1 nhân với hệ số lương cơ bản và cộng với phụ cấp. Lúc đó bảng lương sẽ ở mức thấp nhất ở mức tiền lương mới. Tương tự với các bậc tiếp theo sẽ bằng bậc lương nhân với hệ số lương cơ bản cộng phụ cấp kèm theo. Như vậy cô giáo có thâm niên lâu năm hơn có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn.
Còn hiện nay, theo nội dung Dự thảo về tiền lương thay đổi từ 1/7/2024, vẫn dựa trên nguyên tắc đó. Như vậy những cô giáo mới tuyển dụng sẽ được nhận tiền lương thấp hơn các cô giáo có mức thâm niên trong nghề.
Một người lao động hỏi: Khi đạt thời gian công tác 35 năm thì tôi có cần đóng BHXH nữa không, nếu đóng thì tôi được hưởng những quyền lợi gì?
Người lao động dự buổi Đối thoại - giao lực trực tuyến. |
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được xây dựng đã đưa ra có nội dung tiền trợ cấp trên 30 năm và 35 năm đóng BHXH được hưởng mức cao hơn. Tức là khi đủ 35 năm rồi nếu vẫn đang tiếp tục có hợp đồng lao động thì vẫn thuộc đối tượng bắt buộc đóng BHXH, nhưng tiền trợ cấp trên 30 và 35 năm có thể được trả cho người lao động giống như tiền BHXH một lần, tức tính mỗi năm được hưởng 2 tháng lương.
Lý do đưa ra trợ cấp trên 30, 35 năm được hưởng như BHXH một lần vì không muốn người không muốn người lao động rời khỏi lưới an sinh, tính toán dừng đóng khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu thời gian đóng BHXH dư sẽ được Luật quy định trả lại với quyền lợi tốt nhất.
Chị Lê Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Chương Dương hỏi: Trường tôi có một số giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyển từ bằng Cao đẳng sang Đại học, đã có quyết định chuyển từ hạng 3 cũ sang hạng 3 mới. Thời gian tới, việc tăng lương của các giáo viên đó có gì khác không?Chị Lê Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Chương Dương đặt câu hỏi. |
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đây là câu hỏi được nhiều cô giáo quan tâm, đặc biệt là giáo viên mới được chuyển lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo quy định hiện hành, thời gian xét tăng lương lần sau vẫn được quy định như cũ. Đối với dự thảo về chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024, nội dung này cũng không có gì khác hơn quy định cũ.
Một bạn đọc hỏi: Người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật vắng mặt không? Trình tự xử lý kỷ luật lao động được thực hiện như thế nào?
- Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Một nguyên tắc liên quan đến xử lý kỷ luật là việc xử lý kỷ luật rất nghiêm trọng. Người sử dụng lao động sẽ phải buộc lỗi của người lao động. Người lao động cũng sẽ có quyền để họ bảo vệ mình, nguyên tắc suy đoán không có lỗi nên người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động.
Do đó, trong quy định, người lao động phải có mặt, nếu không có mặt mà xử lý sẽ xâm phạm đến quyền bảo vệ của người lao động.
Chị Nguyễn Phương Anh, giáo viên Trường Mần non hỏi: Xin hỏi các chuyên gia, giáo viên mầm non có phải trực Tết không? Nếu phải trực Tết thì giáo viên mầm non có được tiền trực Tết không và khoản tiền này lấy từ nguồn nào?
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Giáo viên mầm non là người lao động và khi người lao động làm việc vào những ngày nghỉ, ngày lễ, tết là những ngày được nghỉ hưởng nguyên lương thì sẽ được hưởng toàn bộ các khoản tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật, tức là các cô giáo trực Tết sẽ được trả tiền trực Tết theo quy định của pháp lật. Khoản chi này được lấy từ quỹ lương của đơn vị.
Chị Phạm Minh Châu, công chức UBND phường Phan Chu Trinh hỏi: Ở cơ quan em có công chức công tác ở vị trí văn phòng 8,5 năm, được tăng lương 2 lần. Người này mới thi đỗ vào một cơ quan cấp bộ, vậy khi làm ở đơn vị mới hệ số lương của họ như thế nào có được giữ nguyên như khi ở phường không? Đến tháng 7 người này có được tăng lương không?
Chị Phạm Minh Châu, công chức UBND phường Phan Chu Trinh đặt câu hỏi. |
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định tại Nghị định 85 về việc quản lý tuyển dụng và sử dụng đối với viên chức; Nghị định 138 về quản lý, sử dụng đối với công chức thì khi xếp lương đối với trường hợp tuyển dụng thì những trường hợp có thời gian công tác phù hợp với văn bằng đào tạo hoặc có thời gian công tác phù hợp với vị trí người đó được tuyển dụng sẽ được tính làm thời gian xem xét để xếp bậc lương.
Ví dụ, một công chức văn phòng của phường, có bằng hành chính, công tác được 8,5 năm được tăng lương 2 lần thì khi thi tuyển vào vị trí mà cũng yêu cầu là bằng hành chính, công việc hành chính bạn đó đang làm phù hợp với bản mô tả vị trí công việc của vị trí thi tuyển vào thì được cộng 8,5 năm công tác, nhưng nếu bản mô tả công việc không giống với công việc đang làm thì không được tính.
Để xem xét thời gian cộng dồn để xếp lương thì người lao động cần phải kiểm tra các nội dung: Mô tả công việc người đó cần làm ở vị trí thi tuyển; bằng cấp; thời gian công tác. Các nội dung này các cấp có thẩm quyền và bộ phận tổ chức sẽ giúp người lao động thực hiện các nội dung này.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho người lao động rả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Bạn đọc gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Trong Hợp đồng lao động có ghi mức lương cơ bản là 10 triệu đồng, tuy nhiên ghi mức lương đóng BHXH là 6 triệu đồng, mặc dù trong Hợp đồng lao động không ghi các khoản chi phí tiền ăn trưa, tiền điện thoại, vậy nếu đóng ở mức 6 triệu đồng thì công ty có đóng đúng luật hay không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu muốn kiểm tra xem đúng hay không, cần kiểm tra thêm Quy chế chi tiêu nội bộ của công ty, nếu kiểm tra Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mà những khoản chi không rơi vào đúng số tiền 3,5 triệu đồng (trong tổng số 10 triệu đồng) thì đơn vị đang thực hiện sai, còn nếu số tiền chi trong Quy chế chi tiêu nội bộ rơi đúng khoảng 3,5 triệu đồng thì đơn vị đang thực hiện đúng.
Tới đây cơ chế tiền lương được thay đổi, khi ký Hợp đồng lao động sẽ phải phân tách phần nào là tiền lương chính, phần nào là các khoản phụ cấp không phải đóng BHXH.
Chị Nguyễn Lan Anh, giáo viên mầm non hỏi: Theo quy định dịp lễ 30/4 và 1/5, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ Bảy ngày 27/4 đến hết thứ Tư ngày 1/5. Tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu giáo viên đi làm vào ngày 29/4. Nếu đi làm vào ngày này thì được hưởng chế độ gì?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định, người lao động sẽ được hưởng 300% mức lương khi đi làm vào ngày nghỉ lễ, tết.
Chị Lê Mỹ Hương, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hàng Đào hỏi: Tới đây chế độ chính sách tiền lương sẽ trả theo chức vụ. Ví dụ hiện nay tôi làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường thì mức lương hiện nay bao gồm cả phụ cấp là hơn 10 triệu đồng. Vậy theo mức lương mới tới đây thì tôi được hưởng mức lương như thế nào? Có thấp hơn mức hiện hưởng không?
Chị Lê Mỹ Hương, phường Hàng Đào đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đối với trưởng các đoàn thể tại phường, cụ thể là 175 phường của Hà Nội đang thực hiện chế độ lương theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị, chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ được quy định là “cán bộ cấp xã”. Mức lương với chức danh cán bộ cấp xã (trừ Bí thư, Phó bí thư), theo dự thảo lương mới, chị sẽ được hưởng mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương hiện hưởng. 5 năm sau khi bầu hoặc bổ nhiệm lại sẽ tiếp tục được nâng lên mức mới.
Chị Lê Thanh Huyền, Trường Tiểu học Chương Dương hỏi: Xin hỏi các chuyên gia, theo quy định hiện hành thì người lao động đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua sẽ được nâng lương trước thời hạn, nhưng từ 1/7 tới đây khi thực hiện chính sách lương mới thì người lao động đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua có được nâng lương trước thời hạn nữa không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Từ 1/7 tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc người lao động được tăng lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất công tác không còn được đề cập. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thành tích nổi bật trong công tác sẽ chuyển bằng hình thức khen thưởng bằng cách chi vào lương.
Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân tặng quà người lao động trả lời đúng câu hỏi phần giao lưu. |
Một người lao động hỏi: Giáo viên mầm non trong quá trình làm việc không có ngày nghỉ phép vậy khi nghỉ hè có được hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ hè hay không, khi lãnh đạo yêu cầu đi làm thì được hưởng những quyền lợi gì?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định ngành giáo dục có 8 tuần nghỉ, thời gian nghỉ hè tính tương đương như thời gian cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ hàng năm.
Nếu trong thời gian nghỉ hè các cô giáo phải đi làm, đảm nhiệm việc chăm, dạy các cháu như trong năm học, thì các cô cũng sẽ được hưởng phần kinh phí khi tham gia công việc này. Việc này không bắt buộc các cô phải tham gia, mà do sự sắp xếp của nhà trường và nguyện vọng của các cô.
Như vậy, thời gian nghỉ hè các cô có tham gia giảng dạy hay không tham gia sẽ vẫn được hưởng các khoản lương như bình thường, đối với các cô tham gia chăm, dạy trẻ trong dịp hè ngoài được hưởng tiền lương cố định hàng tháng thì sẽ được hưởng phần kinh phí tham gia chăm sóc, dạy trẻ trong dịp nghỉ hè.
Một người lao động hỏi: Xin hỏi các chuyên gia, người lao động được nghỉ hưu từ 1/7/2024 thì mức lương hưu được hưởng theo mức lương cũ hay lương mới?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quan điểm của tôi, người lao động nghỉ hưu từ 1/7 thì tính lương từ tháng 6 trở về trước vì thế nên mức hưởng lương hưu nên sẽ không có gì thay đổi so với quy định hiện hành.
Người lao động đặt câu hỏi |
Anh Nguyễn Trần Quang - Công đoàn Cung Thiếu nhi Hà Nội hỏi: Xin hỏi chuyên gia khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc tăng lương sẽ được thực hiện như thế nào? Có tính tăng lương thưởng thường xuyên và tăng trước thời hạn khi có thành tích chiến sĩ thi đua cơ sở như hiện nay không?
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đối với lãnh đạo thì sẽ tăng lương theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Đối với viên chức không ở vị trí lãnh đạo thì việc tăng lương sẽ khác nhau giữa các vị trí làm việc. Khi chúng ta thực hiện chế độ tiền lương mới, chúng ta sẽ có lương phải trả và các phụ cấp kèm theo, cộng với khoản tiền thưởng. Thực tế thì việc “nâng lương trước thời hạn” bản chất chính là khoản tiền thưởng này.
- Chuyên gia Phạm Ngọc Minh bổ sung: Những người cùng thâm niên sẽ có mức lương như nhau. Trong việc cải cách tiền lương sẽ có nguyên tắc cơ bản: Thâm niên, vị trí, thành tích. Tuy nhiên hiện nay có những doanh nghiệp khi xây dựng chính sách tiền lương đã dựa trên nguyên tắc này để đưa ra cơ chế phù hợp với doanh nghiệp.
Phó Tổng biên tập Báo lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh tặng quà người lao động |
Chị Trần Thị Ánh Tuyến, Trường Mầm non Họa Mi hỏi: Người lao động nữ 53 tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội được 30 năm muốn nghỉ hưu do sức khỏe không tốt (cụ thể là mắc bệnh K tuyến giáp). Xin hỏi, trường hợp này có được nghỉ hưu non không, nếu được thì hưởng những khoản tiền gì, có bị trừ 2% không?
Chị Phạm Thanh Thủy, Trường Mầm non Bình Minh đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với những trường hợp này, nếu có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì nên chấm dứt hợp đồng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đóng bảo hiểm 30 năm sẽ được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, trong thời gian này vẫn được hưởng bảo hiểm y tế. Sau đó, người lao động sẽ giải quyết chế độ hưu.
Trước đó thì người lao động phải tự đi giám định y khoa, có chứng nhận tỷ lệ suy giảm lao động là 61% trở lên thì mới đủ điều kiện nghỉ hưu sớm. Mỗi năm về trước tuổi thì vẫn bị giảm 2%.
Trường hợp khác là nếu người lao động ở các đơn vị có tinh giản biên chế thì người lao động có thể đề xuất nghỉ tinh giản biên chế để nghỉ hưu thì sẽ không bị trừ phần trăm bảo hiểm khi về trước tuổi.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền bổ sung: Nếu người lao động này là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đủ các điều kiện về tham gia bảo hiểm, đang bị bệnh có thời gian nghỉ 60 ngày/năm để chữa bệnh theo yêu cầu của bác sĩ thì có thể xem xét nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 29.
Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Bạn đọc hỏi: Người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động mà đi định cư ở nước ngoài thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thực hiện khai báo hàng tháng, nếu đi nước ngoài mà thực hiện khai báo định kỳ hàng tháng thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp bình thường.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định một số trường hợp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm: Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên; đang tham gia khóa học nghề theo quy định của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng; đi cai nghiệm có xác nhận của cơ sở cai nghiệm, xác nhận của UBND xã phường, thị trấn; chuyển nơi hưởng trợ cấp theo Điều 10 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH.
Báo Lao động Thủ đô truyền trực tuyến buổi giao lưu. |
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, bà Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm cho biết: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ là một nhiệm vụ quan trọng và luôn được LĐLĐ quận Hoàn Kiếm quan tâm tổ chức dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức là phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức các buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến giải đáp về các chế độ chính sách pháp luật. Đây là năm thứ 7, LĐLĐ quận phối hợp với Báo tổ chức các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến và đều rất hiệu quả. “Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và Bảo hiểm xã hội” đã rất thành công, sau gần 2 giờ diễn ra chương trình, đã có hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, CNVCLĐ gửi tới các chuyên gia, tập trung về những vấn đề liên quan thiết thực đến người lao động. Những câu hỏi, thắc mắc đó đã được các chuyên gia tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững”, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân chia sẻ. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu về hơn 173.500 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2024
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Tỷ giá USD hôm nay (22/11): Đồng USD tăng mạnh trên thị trường tự do
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/11: Gió Đông Bắc cấp 2 -3, đêm và sáng trời rét
Giá vàng hôm nay (22/11): Vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục "leo thang"
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện 25/07/2024 07:31
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội"
Giao lưu, trực tuyến 20/06/2024 14:22
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội
Giao lưu, trực tuyến 20/06/2024 14:21