Thị trường lao động TP.HCM: Đến hẹn… lại thiếu!
Cơ hội cho sinh viên tiếp cận sớm thị trường lao động Cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận thị trường lao động Hà Nội: Thị trường lao động tiếp tục phục hồi |
Doanh nghiệp đang dần khỏe…
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2024 giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 6,5% so với cùng kỳ.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/10/2024, Thành phố cấp phép 42.167 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 321.523 tỷ đồng, giảm 1,2% về giấy phép và giảm 16,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó phân theo khu vực kinh tế, có đến 82,7% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17% doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và 0,3% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Lao động tìm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM |
Trong khi đó, từ lâu công nghiệp luôn là nhóm ngành thế mạnh, là “đặc trưng” của TP.HCM. Đây cũng là lĩnh vực thu hút đông đảo lực lượng lao động. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2024 chỉ chiếm ở mức khiêm tốn 17%. Cùng với đó, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2024 giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số lao động giảm mạnh như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (giảm 28,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 18,4%), sản xuất kim loại (giảm 15%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 12,3%).
Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm (hóa dược, chế biến lương thực - thực phẩm, điện tử, cơ khí) trong 10 tháng đầu năm 2024 mặc dù tăng 4,7% nhưng riêng ngành cơ khí vốn là thế mạnh của TP.HCM lại giảm tới 4,2%.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM: Thu hút đầu tư 10 tháng đầu năm 2024 trong các khu chế xuất và công nghiệp chỉ đạt gần 374 triệu USD, giảm khoảng 61% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đầu tư trong nước chỉ đạt hơn 140 triệu USD, giảm tới 81,69%.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến ngày 30/9/2024, TP.HCM đã tiếp nhận gần 115.00 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 114.500 người lao động đủ điều kiện.
…Nhưng thị trường lao động đã hụt hơi
“Đến hẹn lại lên”, vào dịp cuối năm, nhu cầu lao động thời vụ tại TP. HCM sẽ diễn ra sôi động. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn nên việc làm thời vụ vào những ngày cuối năm 2024 tại Thành phố lại diễn ra “đìu hiu”.
Trong những ngày của tháng 11/2024, rảo quanh nhiều tuyến đường lớn quận Gò Vấp như Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phan Văn Trị… nơi tập trung nhiều cửa hàng buôn bán hàng tiêu dùng, nhiều shop thời trang, thấy vắng vẻ khách mua. Nhân viên làm việc tại những cơ sở này cũng chỉ duy trì ở mức 2- 3 nhân viên.
Tình cảnh cũng diễn ra tương tự khi ở nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (quận 1), Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ (quận 3)… có không ít cửa hiệu đóng cửa, trả mặt bằng, nhất là cửa hàng ăn uống, bán đồ thời trang.
Khảo sát mới đây của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đối với hơn 19.400 lượt doanh nghiệp cho thấy, mức lương đối với lao động gián tiếp là 9,99 triệu đồng/tháng và lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là 10,31 triệu đồng/tháng. Ở các đô thị lớn như TP.HCM, mức thu nhập này đã không còn hấp dẫn, khả tăng tích lũy thấp khi giá cả sinh hoạt, giá cả thuê phòng trọ tăng cao.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố tăng tới 3,16%, trong đó có 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 8,06%), thuốc, dịch vụ y tế (tăng 7,85%). Nguyên nhân là học phí năm học mới 2024 – 2025 điều chỉnh, giá nhà ở thuê và thực phẩm tăng.
Về giải quyết việc làm, theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng số việc làm mới trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 126.700 chỗ làm, đạt 90,1% kế hoạch năm 2024; tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 9.600 người, tập trung ở ngành nghề chính như chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay doanh nghiệp có nhu cầu tăng lượng lớn lao động tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
Phân theo trình độ, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm tới 85,58%; nhu cầu tuyển dụng lao động có mức lương 5 - 10 triệu đồng chiếm chủ yếu tới 60%.
Trong khi đó, nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm ở lĩnh vực kinh doanh thương mại (chiếm 18,79%), hành chính - văn phòng - biên phiên dịch (chiếm 10,06%), nhân sự (chiếm 9,18%), kế toán - kiểm toán (chiếm 8,71%). Mức lương mong muốn của người lao động từ mức trên 20 triệu đồng, chiếm chủ yếu tới 40,76%, mức 10 - 15 triệu đồng chiếm 26,71%, từ 5 – 10 triệu đồng, chiếm 11,14%, từ 15 – 20 triệu đồng, chiếm 20,14%. Rõ ràng đang có sự “lệch pha” cung cầu lao động giữa phía nhà tuyển dụng và người lao động ở nhóm ngành nghề, trình độ và mức thu nhập.
Để thị trường lao động phát triển bền vững, đảm bảo sự phát triển tốt cho doanh nghiệp, ổn định cuộc sống cho người lao động, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng Thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm. Doanh nghiệp cũng cần có chính sách nhân sự tốt, chế độ lương thưởng rõ ràng, tạo cơ hội học tập và đào tạo nghề cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên và người lao động cần duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục để thích ứng với thị trường lao động hiện nay.
Xuân Tình
Nên xem
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Tin khác
Các công việc số hóa sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 22/12/2024 06:10
Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Việc làm 17/12/2024 08:01
Năm 2024: Vượt mục tiêu về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 17/12/2024 06:27
Một số ngành nghề sẽ “khát” nhân lực trong năm 2025
Việc làm 15/12/2024 18:52
Người trẻ chia sẻ cách "vượt chông gai" nóng trong người khi liên tục tiệc tùng cuối năm
Việc làm 15/12/2024 08:05
Một số doanh nghiệp trả lương cho người quản lý từ 130 đến 150 triệu đồng/tháng
Việc làm 14/12/2024 20:31
Cuối năm, ngành kinh doanh bất động sản tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 12/12/2024 20:46
Vùng Đông Nam Bộ: Tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Việc làm 12/12/2024 14:00
Thành phố Hồ Chí Minh đưa gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 11/12/2024 11:03
Hỗ trợ việc làm cho thanh niên: Cần chính sách thiết thực
Việc làm 10/12/2024 16:25