Sắc màu văn hóa Chăm qua nghệ thuật dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề truyền thống Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống |
Tinh hoa nghề “mẹ truyền con nối”
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một trong hai làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang chừng 10 km về phía nam. Nằm trong con đường nhỏ yên bình, nên chỉ cần đến đầu làng ta dễ dàng lắng nghe tiếng trò chuyện rôm rả của những người phụ nữ Chăm, xen lẫn âm thanh lạch cạch của khung gỗ dệt.
Nghệ nhân Đạt Thị Nam (65 tuổi) đang dệt sản phẩm có hoa văn đòi hỏi kĩ thuật cao mà máy móc không thực hiện được. |
Điều đặc biệt, truyền thống của người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên nghề dệt này cũng được giữ gìn theo cách riêng, đó là “mẹ truyền con nối”. Ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã theo mẹ học nghề. Những người phụ nữ đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất của nghề có được đặc quyền dệt những tấm vải dùng vào các nghi lễ thiêng liêng, trang trọng nhất của cộng đồng và trao truyền tri thức cho con cái.
Từ xa xưa, nguyên liệu chính làm nên thương hiệu dệt Mỹ Nghiệp chính là cây bông vải được trồng tại chính địa phương. Một nét nổi bật nữa là người Chăm sử dụng những kỹ thuật nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Màu sắc trên vải đều làm từ khoáng vật, thực vật có sẵn ở địa phương như: Màu đen từ trái thị rừng, màu đỏ từ cây phun pan, màu vàng từ củ nghệ… Đây là công đoạn rất khó đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa.
Để dệt được một tấm vải thổ cẩm cần phải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như: Tách hạt lấy bông, nhuộm, quay sợ, đánh ống, bắt chỉ, tạo hoa văn, dệt vải…
Theo các bậc bô lão trong làng, trước kia làng có tên Chăm là Ca Klaing, tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp. Thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông, lấy tơ dệt vải. Bà đã truyền lại nghề cho vợ chồng ông Xa và bà Chaleng sinh sống ở làng. Từ đó, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được hình thành và phát triển đến tận ngày nay.
Cô Lưu Thị Kim Tuyến (59 tuổi), một thợ lành nghề tại làng dệt Mỹ Nghiệp chia sẻ: “Công đoạn dệt yêu cầu sự tập trung và khéo léo rất cao để có thể biến những sợi chỉ nhỏ li ti dần thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo. Các nghệ nhân sử dụng hai loại khung chính để dệt vải là khung dài dệt hàng dây, hàng mét và khung ngắn dệt hàng tấm”.
Điều làm nên giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Thợ dệt đếm sợi và tỉ mỉ luồn từng sợi chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn khác nhau, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp. Những hoa văn được trình bày trên vải còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Chăm gồm: Các nhóm thực vật, động vật, đồ vật gần gũi với cuộc sống, được người xưa cách điệu thành hoa văn thổ cẩm. Đó là đậu ván, hạt nếp nổ, dây leo, bông mai, mắt gà, chân chó, mai rùa, con rồng, con trâu, răng cưa, hạt cườm... Trong đó có các loại hoa văn tiêu biểu như bingu tamun (hình quả trám), được dệt làm nền cho nhiều loại sản phẩm như khăn đội đầu, vải may áo, dây thắt lưng. Bingu manuis (hình người), hoa văn mô phỏng hình người dệt trên dây thắt lưng đàn ông. Bingu Bimong (hình tháp), được dệt trang trí viền áo. Bingu ganuer matrindik caguer (thần Siva cưỡi chim trĩ), được dệt làm tranh treo tường, túi đeo vai…
Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm thể hiện sự khéo léo, kỳ công chứa đựng sự vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Chăm. Để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm là cả một quá trình công phu, xen lẫn sự sáng tạo bay bổng của những người phụ nữ làng Mỹ Nghiệp. Chính vì thế, rất khó tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách dù các tấm vải do cùng một nghệ nhân làm ra. Mỗi tấm vải thổ cẩm đều là độc nhất vô nhị, mang tính độc bản, rồi cứ thế "hữu xạ tự nhiên hương", danh tiếng của làng dệt cứ thế vươn xa, khẳng định được chỗ đứng trong xã hội.
Gìn giữ và lan tỏa nét văn hóa Chăm
Trải qua những năm tháng khó khăn, nhưng người thợ làng Mỹ Nghiệp với lòng yêu nghề vẫn đang âm thầm nuôi dưỡng nghề truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Đạt Thị Nam (65 tuổi), chủ một cơ sở dệt thổ cẩm trong làng Mỹ Nghiệp cho biết: “Hiện nay, một số cơ sở đã đầu tư máy móc để tăng năng suất, tuy nhiên, tôi vẫn duy trì hình thức dệt thủ công bằng khung gỗ, vì có những mẫu hoa văn tinh xảo, mang giá trị cổ chỉ có thể thực hiện bằng tay. Tôi muốn gìn giữ những mẫu hoa văn quý giá này”.
Cũng theo lời bà Nam, thời gian qua, địa phương đã phối hợp cùng các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền dạy nghề. Thế hệ trẻ ngày nay rất nhanh nhạy và có sự hiểu biết, nên thông qua vài buổi học đã có thể thực hành tạo nên sản phẩm.
“Tôi đã viết riêng một cuốn sổ về lý thuyết và những kinh nghiệm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, để bất cứ khi nào thế hệ sau cần đều có thể truyền đạt lại. Mong muốn và nỗ lực lớn nhất của tôi là làm sao truyền dạy những hoa văn khó, hoa văn xưa và nay để không bị thất thoát bởi thời gian”, bà Nam nói.
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại làng Mỹ Nghiệp, từ năm 2010, Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã được thành lập và duy trì đến nay. Hợp tác xã có một gian nhà rộng rãi thoáng mát để bà con tập trung sản xuất, trưng bày và giới thiệu cho du khách. Nhiều sản phẩm của làng nghề được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước, được khách nước ngoài ưa chuộng.
Không dừng lại ở sản phẩm mang tính truyền thống, các cơ sở dệt trong làng còn làm ra những mặt hàng lưu niệm với những mẫu mã và chủng loại phong phú như: Cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô…để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Nhờ sự yêu thích của người tiêu dùng, những cơ sở ở làng dệt Mỹ Nghiệp ngày càng nổi tiếng và có doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
Ngoài ra khi đến tham quan làng nghề, du khách còn có thể hóa thân thành những cô gái, chàng trai dân tộc Chăm để học hỏi cách dệt thổ cẩm qua sự chỉ dẫn của những nghệ nhân nơi đây, qua đó hiểu hơn về sắc màu văn hóa của đồng bào Chăm.
Ở làng Mỹ Nghiệp hiện nay có 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu, thì đã có tới 500 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Trong đó, hầu hết là phụ nữ, với nhiều kinh nghiệm gắn bó với khung dệt. Chính quyền địa phương tại huyện Ninh Phước đã đưa làng dệt Mỹ Nghiệp vào chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm gắn với khai thác du lịch văn hóa.Hiệu quả kinh tế cũng như những giá trị văn hóa truyền thống đang hàng ngày được lưu giữ chính là lợi ích kép mà làng dệt Mỹ nghiệp đã, đang và tiếp tục đạt được. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, đồng thời, mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm. |
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Cộng đồng 24/12/2024 08:51
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30