Nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động
Gắn kết người lao động bằng chăm lo đời sống tinh thần Hiệu quả trong công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động Nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động |
Hiệu quả mô hình “Điểm sinh hoạt Công đoàn”
Điển hình là tại LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, sau nhiều tháng quyết liệt triển khai tới các Công đoàn cơ sở (CĐCS), hiện đã có 6 “Điểm sinh hoạt Công đoàn” được ra mắt và đi vào hoạt động. Sự ra đời và đi vào hoạt động của “Điểm sinh hoạt Công đoàn” do LĐLĐ quận Nam Từ Liêm triển khai có ý nghĩa rất quan trọng, đây sẽ là nơi để người lao động cùng nhau sinh hoạt, giao lưu, giải trí, nâng cao nhận thức, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan hàng năm.
Tủ sách Công đoàn tại LĐLĐ huyện Ứng Hòa. |
Là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Xây Dựng ZYF Việt Nam là đơn vị tư nhân đầu tiên thành lập “Điểm sinh hoạt Công đoàn”. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng dân dụng và công nghiệp toàn quá trình, hiện có 55 đoàn viên. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xây Dựng ZYF Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thảo, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, Ban Lãnh đạo Công ty đã hết sức ủng hộ việc xây dựng Điểm sinh hoạt Công đoàn và nhận định đây là cầu nối để gắn kết người lao động góp phần xây dựng nội bộ doanh nghiệp vững mạnh. Các đoàn viên người lao động đã chung tay, tự mình lên ý tưởng về việc bố trí, trang trí, hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm sinh hoạt như: Hệ thống tủ, kệ trưng bày, ấn phẩm báo chí, sách tham khảo, khu vực pantry với máy pha cafe, lò vi sóng, máy ép hoa quả… với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng. Nhiều đoàn viên công đoàn bất ngờ trước khu vực sinh hoạt chung hiện đại, tiện ích, thư giãn này.
Song song với việc triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị củng cố và duy trì hoạt động các Cụm văn hóa thể thao, Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động. |
Còn tại Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, nhiều cán bộ, giáo viên, đoàn viên Công đoàn nhà trường không khỏi ngạc nhiên khi sử dụng “Điểm sinh hoạt Công đoàn” được thiết kế với không gian thoáng mát, có bàn ghế sofa, quầy bar, ghế ngồi, cây xanh, ti vi đầy đủ. Ngoài ra, nơi đây còn được trang bị thêm tủ sách với một số đầu sách, truyện, khu vực treo những văn bản mới liên quan đến pháp luật và công đoàn… Vào giờ nghỉ giải lao, đoàn viên công đoàn có thể vừa cùng nhau thưởng thức tách trà, cafe, vừa tranh thủ đọc sách, truyện thư giãn; hoặc cùng nhau trò chuyện, trao đổi chuyên môn.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện công trình “Điểm sinh hoạt Công đoàn”, cô giáo Trần Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm cho biết: “Điểm sinh hoạt Công đoàn được ra đời dựa trên tinh thần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, mong muốn có một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn trong thời gian giải lao, đợi tiết dạy, tạo sự gắn kết giữa các đoàn viên công đoàn. Ban Chấp hành Công đoàn chúng tôi cảm thấy rất may mắn là ý tưởng đó đã được Ban Giám hiệu nhà trường ủng hộ hết mình. Ngoài ra, các đồng chí đoàn viên trong nhà trường đã chung tay, lên ý tưởng trang trí, hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm sinh hoạt, tự tay sắp xếp các đầu sách, trang trí để tạo không giản thoải mái, tiện ích nhất đến mọi người”.
Trực tiếp chỉ đạo và có mặt từ những ngày đầu thực hiện “Điểm sinh hoạt Công đoàn”, bà Lê Thị Kim Điệp, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm khẳng định, việc sáng tạo xây dựng và duy trì hoạt động các điểm này là một trong những hoạt động, giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
“Điểm sinh hoạt Công đoàn” tại các CĐCS được ra mắt tổ chức hoạt động vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, nhằm chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Nam Từ Liêm (1/4/2014 - 1/4/2024); kỷ niệm 95 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Sau 2 tháng tập trung triển khai, “Điểm sinh hoạt Công đoàn” đã hoàn thành. Chúng tôi tin tưởng rằng việc tổ chức thực hiện “Điểm sinh hoạt Công đoàn” sẽ góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, đoàn viên, người lao động, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS. Qua đó, tạo thêm những giá trị văn hóa, rèn luyện nâng cao thể chất, sức khỏe, đem đến những giá trị tinh thần, niềm vui, niềm tin và sự gắn bó của người lao động với nhà trường để học tập, lao động với năng suất, chất lượng tốt hơn, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa cán bộ, người lao động và lãnh đạo đơn vị”, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp đánh giá.
Ấm áp “Góc thư giãn Công đoàn”
Còn tại LĐLĐ quận Cầu Giấy, để đoàn viên, người lao động có không gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, các CĐCS trực thuộc LĐLĐ quận đã xây dựng “Góc thư giãn Công đoàn” mang lại hiệu quả, sự hứng khởi cho đoàn viên sau những giờ lao động mệt mỏi.
Đến với Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), ấn tượng đầu tiên đó là “Góc thư giãn Công đoàn”, nơi cán bộ, giáo viên nhà trường được hưởng thụ không gian yên tĩnh, thoáng mát để nghỉ ngơi, thư giãn. Khu vực này là không gian mở, được thiết kế đẹp mắt, trang bị đầy đủ tiện nghi như bàn ghế, kệ sách, cây, hoa, cùng với bánh kẹo, trà, cà phê,… là nơi lý tưởng để cán bộ, giáo viên nhà trường nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Đây cũng là nơi để cán bộ và giáo viên có thể giao lưu, chia sẻ về cuộc sống và công việc, tạo sự gắn kết trong trường học. Đây là mô hình được nhà trường xây dựng nhằm cải thiện môi trường làm việc, tạo sự thoải mái và tinh thần hứng khởi cho đoàn viên công đoàn.
Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nghĩa Đô cho hay, hiểu được đặc thù công việc của cán bộ, giáo viên làm việc trong môi trường giáo dục, công việc lúc nào cũng liên tục, áp lực giữa phụ huynh và học sinh nên ít có thời gian để giải trí, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Vì vậy, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đã đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng “Góc thư giãn Công đoàn” để đoàn viên nghỉ trưa, thư giãn, giao lưu, nâng cao chuyên môn cũng như chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.Mô hình này được Ban Giám hiệu ủng hộ và nhiều cán bộ, giáo viên trong nhà trường hào hứng đón nhận bởi thay vì chỉ ngồi nghỉ tại phòng Hội đồng, cán bộ, giáo viên đã có thể ngồi nghỉ ở những không gian riêng biệt nơi có nhiều tiện ích như cây xanh, bàn ghế, sách báo... Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo thêm động lực để cán bộ, giáo viên hăng say với công việc.
Được biết, “Góc thư giãn Công đoàn” là mô hình được LĐLĐ quận Cầu Giấy triển khai vào thời điểm hết sức ý nghĩa nhân dịp Tháng Công nhân và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trên tinh thần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, mong muốn có một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn trong thời gian nghỉ trưa hay những lúc chờ họp, tạo sự gắn kết giữa các đoàn viên công đoàn trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngày 22/4/2024, LĐLĐ quận Cầu Giấy đã có công văn số 46/LĐLĐ về việc triển khai xây dựng mô hình “Góc thư giãn Công đoàn”, tạo không gian nghỉ ngơi của người lao động sau giờ làm việc căng thẳng.
Chương trình ca nhạc tại Tết Sum vầy mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho đoàn viên, người lao động. |
Ngay sau khi LĐLĐ quận triển khai, 100% CĐCS xây dựng mô hình “Góc thư giãn Công đoàn”. Trong đó, nhiều CĐCS xây dựng mô hình “Góc thư giãn Công đoàn” rất thiết thực, hiệu quả, mang lại hứng khởi cho đoàn viên công đoàn sau những giờ lao động mệt mỏi.Việc xây dựng “Góc thư giãn Công đoàn” của CĐCS hết sức thiết thực và cần thiết, phù hợp với định hướng tổ chức phong trào thi đua của Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đó là Công đoàn “Đồng hành cùng doanh nghiệp; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”. Góp phần xây đắp giá trị cốt lõi trong văn hóa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trong đó, coi trọng môi trường quản lý đơn vị hiện đại, người lao động là tài sản quý giá nhất của đơn vị. “Môi trường làm việc tốt với sự ghi nhận kịp thời và trân trọng những đóng góp của người lao động là nguồn động viên to lớn để họ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Lan tỏa văn hóa đọc từ “Tủ sách Công đoàn”
Ngoài triển khai xây dựng “Điểm sinh hoạt Công đoàn”, “Góc thư giãn Công đoàn”…, trong năm 2024, LĐLĐ thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng mới 10 “Tủ sách Công đoàn” và trang bị 20 bộ sách cho các “Tủ sách Công đoàn” hiện có tại các khu nhà trọ công nhân, “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” và trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc xây dựng mới các “Tủ sách Công đoàn” nhằm tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong học tập, đời sống; nâng cao nhận thức của đoàn viên, công nhân lao động về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách; phấn đấu để đoàn viên, công nhân lao động có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí. Các “Tủ sách Công đoàn” năm 2024 không chỉ giới hạn ở các khu nhà trọ công nhân, “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” mà còn mở rộng hơn, thành lập cả trong các doanh nghiệp. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.
Đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai hiệu quả. Nổi bật là Hội khỏe trong công nhân, viên chức, lao động các cấp, đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia ở các nội dung thi đấu như: Bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, cờ vua… Các hoạt động văn hóa, Hội diễn văn nghệ, chương trình nghệ thuật tri ân người lao động, chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, Hội thi Dân vũ, cuộc thi giọng hát hay… do các cấp Công đoàn tổ chức. |
Tiêu biểu như LĐLĐ huyện Ứng Hòa vừa ra mắt “Tủ sách Công đoàn” và bàn giao cho Công đoàn Công ty TNHH Maxcore (Ứng Hòa, Hà Nội). Là người trực tiếp tham gia trải nghiệm, tìm hiểu những đầu sách trong ngày ra mắt “Tủ sách Công đoàn”, chị Nguyễn Thị Giang công nhân Công ty TNHH Maxcore phấn khởi cho biết: “Việc thành lập tủ sách thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động, đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc cho công nhân, giúp chúng tôi cập nhật được những thông tin mới liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chúng tôi mong muốn thời gian tới Công đoàn các cấp sẽ xây dựng được nhiều Tủ sách Công đoàn hơn nữa và trang bị thêm cho Tủ sách Công đoàn tại Công ty tôi thêm nhiều đầu sách lý thú…”.
Điều này không chỉ nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công nhân lao động mà còn nhận được sự ủng hộ của chính những người quản lý. Bà Vũ Thị Yên - Quản lý nhà máy, Công ty TNHH Maxcore, cho hay: “Bản thân tôi rất thích đọc sách, báo, nhất là các sách văn học, giải trí, tuy nhiên, đặc thù của người lao động là đi làm thường xuyên, ít có thời gian để đọc sách báo. Bây giờ ngay tại Công ty đã được trang bị “Tủ sách Công đoàn”, tôi cảm thấy rất vui vì vừa được đọc sách miễn phí lại không phải đi xa. Tôi sẽ dành một khoảng thời gian của những ngày nghỉ để đọc sách, cải thiện đời sống tinh thần. Ngoài ra, Công ty sẽ nỗ lực quản lý tủ sách một cách khoa học, tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến đọc nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, người lao động tại đơn vị nhằm phát triển văn hóa đọc nói chung và xây dựng “Tủ sách Công đoàn” nói riêng”.
Về quá trình thành lập Tủ sách Công đoàn, bà Đỗ Thị Phương Nga - Chủ tịch LĐLĐ huyện Ứng Hòa, cho biết, căn cứ vào Kế hoạch của LĐLĐ thành phố Hà Nội, LĐLĐ huyện Ứng Hòa đã tổ chức khảo sát các doanh nghiệp, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên địa bàn huyện nơi có đông công nhân lao động với nội dung nắm bắt tình hình đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu đọc sách, báo của công nhân lao động.
Qua khảo sát tại các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Maxcore với gần 500 công nhân lao động là đoàn viên công đoàn, được biết, sau những giờ lao động trong phân xưởng, công nhân giải lao giữa ca và sau giờ làm việc, ngoài ngủ nghỉ trưa thì công nhân chủ yếu làm bạn với chiếc điện thoại. Hầu hết công nhân lao động trẻ chưa lập gia đình và cả những công nhân có gia đình riêng muốn dành thời gian cho các hoạt động văn hóa, đọc sách, báo; giao lưu, kết bạn nhằm tăng tính tương tác xã hội, bớt đi những giờ phút lao động mệt mỏi. Tại Công ty TNHH Maxcore hiện không có Tủ sách, chưa có sách, báo dành cho công nhân, không gian sinh hoạt chung cho công nhân còn hạn chế. Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, LĐLĐ huyện nhận thấy, phần lớn ý kiến của công nhân tại Công ty TNHH Maxcore đều muốn thành lập “Tủ sách Công đoàn” để người công nhân có thể mượn sách, báo đọc là rất cần thiết và hữu ích.
Có thể nói, việc nâng cao văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động công đoàn nói chung và công tác tuyên giáo công đoàn Thủ đô nói riêng. Nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai hiệu quả. Thông qua đó, đã xây dựng được mối quan hệ trách nhiệm giữa doanh nghiệp, CĐCS, Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động; thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa tinh thần của người lao động trên địa bàn Thành phố.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công đoàn 19/12/2024 18:25
Phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:38
LĐLĐ quận Hai Bà Trưng: Khám sức khoẻ miễn phí cho 200 đoàn viên, người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:30
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 17/12/2024 06:36
Thanh Trì: Nhiều hoạt động nữ công thiết thực, hiệu quả
Vì lợi ích đoàn viên 15/12/2024 16:30
Đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 12/12/2024 13:59
Truyền thông, khám tầm soát ung thư cho hơn 1.000 công nhân lao động
Vì lợi ích đoàn viên 09/12/2024 06:16
Infographic: Hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ 2025 của tổ chức Công đoàn Thủ đô
Vì lợi ích đoàn viên 07/12/2024 15:44