Lại bàn về người Hà Nội "chất" Hà Nội
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Bắt đầu từ nêu gương! Khẳng định phẩm giá, khí phách người Hà Nội |
Phóng viên: Nói đến người Hà Nội là nhớ đến câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thưa ông, phải chăng hai chữ “thanh lịch” nói về một tính cách, phẩm chất, giá trị của người Thăng Long - Hà Nội xưa và nay?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
PGS.TS Bùi Xuân Đính |
Đúng vậy. Để hiểu được gốc gác và các biểu hiện cụ thể của chất thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội, phải hiểu được khái niệm đó, hay thế nào là thanh lịch. Theo nguyên nghĩa chữ Hán, “thanh” là xanh, là trong trắng, còn “lịch” là lịch sự; thanh lịch là thanh nhã, tao nhã và lịch lãm, từng trải. Hiểu rộng ra, người thanh lịch là người luôn hướng tới, đạt tới, vì thế luôn trân trọng, đề cao những điều thanh cao, cao thượng, tinh tế trong suy nghĩ, tình cảm, trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử… Nhưng thanh lịch không phải là cái gì đó cao siêu, xa vời, mà lại là những điều rất bình dị và thực tế.
Nói ngắn biểu hiện cụ thể chất thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội là gì? Có thể nói, đó là tổng thể của các yếu tố: ăn, mặc, giao tiếp, nói năng, cư xử trong gia đình, ngoài xã hội... Tất cả đều tinh tế, nhẹ nhàng, toát lên một sự thanh cao mà bình dị. Điều này không chỉ được người Việt thời phong kiến phản ánh, mà còn được người nước ngoài đến Việt Nam buôn bán, truyền đạo ghi chép. Có thể nói, thanh lịch là một tính cách, phẩm chất, giá trị của người Thăng Long - Hà Nội từ xưa và đang được cố gắng gìn giữ đến ngày nay.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều bậc cao niên cho rằng, người Hà Nội xưa rất kín đáo, không khoe khoang, phô trương mà rất thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, đối xử với nhau rất tình cảm, một điều thưa gửi rất lễ phép, nhất là câu “Vâng ạ!” được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Còn bây giờ thì…
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Nhận xét này rất đúng. Ở trên tôi đã nói, điểm nổi bật trong chất thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội (sau đây gọi chung là người Hà Nội) là sự tinh tế, trên mọi phương diện. Ở đây, tôi chỉ bàn về mặt nói năng, giao tiếp. Người Hà Nội nếu là anh em, họ hàng với nhau đều xưng hô thân mật, thể hiện rất rõ sự thân tình thắm thiết, nhưng rất rõ vai vế của những người cùng máu mủ; vợ chồng lúc về già vẫn xưng “anh - em” với nhau rất tình cảm. Còn với người ngoài, nhất là người lần đầu tiên tiếp xúc, sự lịch thiệp thể hiện ở việc luôn giữ thái độ trân trọng qua xưng hô, không vội vàng hoặc hạn chế việc dùng các từ chỉ quan hệ trong nhà (chú - cháu - bác cháu, anh em, chị em…), mà phải luôn tôn họ là “anh/chị”, nếu là người đã đứng tuổi thì gọi là “ông/bà”.
Đặc biệt, dù người đối diện với mình là ai, người Hà Nội mỗi khi trao đổi đều có các từ đệm “Thưa….” (trừ những người ở tuổi còn nhỏ) và “Ạ, Dạ”, hoặc “Không dám”, “Cảm ơn” ở cuối, âm giọng vừa phải, làm cho quan hệ giữa hai người vừa trang trọng mà lại có thêm chút thân tình, giảm bớt độ xa cách hay căng thẳng (nếu có) của câu chuyện đang hoặc sắp diễn ra, nhưng vẫn giữ được khoảng cách cần thiết. Khi đang trò chuyện, nếu có phải cắt ngang người đối diện đang nói thì cũng phải “Xin lỗi”, “Xin phép”… Chính vì thế, người các địa phương khác về, tiếp xúc với người Hà Nội đều cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.
Rất tiếc, bây giờ, cái tinh tế đó không còn giữ được là bao. Người ta “vơ” các từ chỉ quan hệ gia đình vào trong xưng hô với cả những người mới tiếp xúc mà chưa biết họ ở tuổi nào, nên nhiều trường hợp xưng hô sai vị thế với người nhiều tuổi với mình. Những từ “Thưa”, “Ạ”, “Dạ” đang vắng dần trong ngôn ngữ giao tiếp, mà thay vào đó là những từ cộc lốc, thái độ tự nhiên, suồng sã. Đặc biệt là khi giao tiếp trên điện thoại, giao tiếp của những người làm bảo vệ, thường trực cơ quan, cả một bộ phận đông là cán bộ, nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt… thấy người đến liên hệ công việc, có ai hỏi mình điều gì thì hỏi lại một câu trống không, hoặc trả lời cộc lốc, với giọng của “bề trên”, người có quyền…
Phóng viên: “Đất lành chim đậu”, Hà Nội cũng như các thủ đô khác trên thế giới, xu thế phát triển để tiến tới văn minh, hiện đại là không thể đảo ngược. Vấn đề đặt ra từ sự “tiếp nhận” cư dân các địa phương tụ về Thủ đô học tập, làm việc, sinh sống làm sao “hòa nhập” văn hóa vùng miền để càng tô điểm thêm nét văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, thưa ông?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Trước đây, Hà Nội (khu vực gốc) rất nhỏ, chỉ gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và một phần kề cận thuộc các quận Hai Ba Trưng, Đống Đa; song đã hình thành một tiểu vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất rõ nét, được coi như là trung tâm hội tụ của “Thăng Long tứ trấn”. Các luồng cư dân từ các trấn, tỉnh ngoài vào lập nghiệp, dù có cố giữ các yếu tố văn hóa của quê hương mình, nhưng muốn thành đạt, thành danh, đều phải “tráng một lớp men Thăng Long - Hà Nội”, tức phải gọt giũa mình, phải học, phải tiếp thu những nét tinh tế của kinh đô/thủ đô. Nói một cách ngắn gọn, phải biết kết hợp những cái đẹp, cái hay của nơi đô thị và nơi quê mùa, nâng lên một tầm mới. Đó chính là con đường sàng lọc để hội tụ và lan tỏa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
“Đất lành, chim đậu”, việc người dân các địa phương đến Thủ đô học tập, sinh sống, làm việc là quy luật tất yếu. Xét góc độ xã hội ở tầm ngắn hạn, điều này chỉ có ảnh hưởng, tác động, chứ không quyết định đến sự mai một văn hóa và tính cách của người Hà Nội. Bởi thế, nếu nói về sự mai một văn hóa, yếu tố giáo dục mới đáng quan tâm. Đặc biệt, yếu tố giáo dục nét thuần phong, mỹ tục trong gia đình. Do vậy, gia đình của người Hà Nội với nhiều nét đẹp, nét thanh lịch của văn hóa truyền thống không còn được trao truyền.
Chỉ xin nêu một ví dụ: Gia đình truyền thống rất chú trọng đến dạy kỹ năng giao tiếp, nhất là về lời ăn tiếng nói, nhưng vài chục năm nay, cái đó bị suy giảm ghê gớm. Xin nhớ rằng, Hà Nội là nơi bác tạp về thành phần dân cư, nghề nghiệp, lối sống, nên một con người sinh ra và lớn lên ở đây hoặc từ các địa phương đến đây lập nghiệp, dễ học được cái hay cái đẹp, nhưng cũng dễ nhiễm phải cái xấu, cái dở. Hà Nội văn minh đấy, tinh hoa đấy, nhưng cũng không tránh khỏi những pha tạp hỗn lai. Vì vậy, giữ nét thanh lịch của người Tràng An, của văn hóa Thăng Long - Hà Nội phải bắt đầu từ môi trường giáo dục. Từ gia đình, nhà trường và xã hội…
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Việc xây dựng văn hoá người Hà Nội ngày càng cấp thiết hơn khi Thủ đô mở rộng, bởi vậy Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ: “Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Thưa ông, vậy chính quyền, nhà trường, gia đình… có những vai trò quyết định nào để thực hiện được mục tiêu trên?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Vấn đề này, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, vì một trong những chức năng quan trọng của gia đình là giáo dục và trao truyền văn hóa. Nhân cách của một con người được hình thành trước hết từ gia đình, bởi vậy gia đình phải có trách nhiệm giáo dục con cái, trao truyền cho chúng những giá trị tốt đẹp của gia đình, của quê hương (trong trường hợp đang bàn là nét thanh lịch của người Hà Nội), của dân tộc, không thể phó mặc cho nhà trường và cho xã hội.
Trách nhiệm thứ hai là của nhà trường, môi trường có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và văn hóa của mỗi người trong một thời gian dài, từ 6 tuổi đến 18, thậm chí đến 22, 23 tuổi, nếu người đó học hết đại học. Nhà trường không chỉ là nơi truyền bá kiến thức, mà còn là nơi giáo dục nhân cách.
Ảnh: Phạm Yên |
Phóng viên: Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào được đề ra, như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Theo ông, cần có những chế tài quyết liệt hơn để người dân thực hiện?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Theo tôi, phát động phong trào là cần thiết, nhưng nó không quyết định được hiệu quả, không đạt được mục đích cao nhất, vì phong trào có lúc lên cao, rồi lại thoái. Bởi vậy, ở mỗi giai đoạn phải tìm hướng khác nhau, cũng phải có các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa, như xả rác bừa bãi, văng tục nơi công cộng, vi phạm luật giao thông… Đây là nhiệm vụ của chính quyền với sự trợ giúp của các lực lượng chức năng, sự tư vấn của các cơ quan chuyên môn. Nói mãi, tuyên truyền mãi mà không lay chuyển thì chỉ có “đánh vào túi tiền” thì mới có hiệu quả.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, cũng phải nhìn theo một hướng năng động hơn, chất thanh lịch theo người xưa, nếp cũ cần hòa hợp với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, “chất Hà Nội” cũng phải mang những hơi thở mới, ông có đồng nhất với quan điểm này không?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Tôi không chia sẻ quan điểm này. Nên nhớ, chất thanh lịch của người Hà Nội đã hình thành từ rất lâu, những tinh hoa, thanh lịch của văn hóa Thăng Long - Hà Nội kết hợp với những mặt tích cực qua các thời kỳ đã được nâng lên một tầm mới. Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân, cái tinh túy nhất của sản phẩm kết hợp trên cứ mai một dần. Tóm lại, nét thanh lịch của Thăng Long - Hà Nội rất phù hợp với nếp sống đô thị và nó làm nền rất tốt để tiếp thu văn hóa, văn minh đô thị; cần phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa, thực tế hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, mới có thể gìn giữ, phát huy và hội nhập được.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03