Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Viện Phó Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ các biện pháp giúp người dân kiểm soát tình trạng rối loạn giấc ngủ. |
Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân N.T.Q vào viện ngày 30/4 do mất ngủ, lo lắng sau nhiễm SARS-CoV-2. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi khỏi bệnh Covid-19 khoảng một tháng rưỡi, chị Q. bỗng nhiên có biểu hiện mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, dù lên giường ngủ lúc 22h như bình thường nhưng rất lâu sau đó mới ngủ được và sáng ngủ dậy rất sớm. Trung bình một đêm chị Q chỉ ngủ được 3 tiếng nên tinh thần rất mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.
Các biểu hiện mất ngủ của bệnh nhân ngày một tăng dần, đêm ngủ chập chờn, phải thức dậy giữa đêm 3-4 lần, sau đó mỗi lần 20-30 phút mới ngủ lại được, có những đêm thức trắng. Kèm theo đó là hàng loạt các biểu hiện lo lắng, stress, có cơn hồi hộp đánh trống ngực, run tay chân, vã mồ hồi, người mệt mỏi, cảm giác choáng váng, ù tai, buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng…
"Các biểu hiện kéo dài 2 tuần, nên bệnh nhân đi khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên sau đó, triệu chứng không thuyên giảm nên bệnh nhân đã đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần và được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm SARS-CoV-2", bác sĩ Bảo Ngọc cho hay.
Theo bác sĩ Bảo Ngọc, trường hợp này, ngoài được điều trị bằng hóa dược, bệnh nhân được mở rộng kiến thức về cách vệ sinh giấc ngủ, nâng cao thể trạng, đề phòng biến chứng biểu hiện rối loạn giấc ngủ và đã hồi phục giấc ngủ lại như xưa sau 3 ngày điều trị. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tỉnh táo, tiếp xúc được, đỡ lo lắng căng thẳng, ăn uống ngon miệng. Ban đêm bệnh nhân đã ngủ được 8-9 tiếng, ngủ liền từ 21-6h sáng, thức giấc tỉnh táo.
Theo các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần: Mất ngủ là 1 triệu chứng hay gặp ở thời kì sau nhiễm Covid-19. Các nghiên cứu chỉ ra cơ chế gây tình trạng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm Covid-19 nói chung là do tình trạng viêm thần kinh và sự gián đoạn của hàng rào máu não. Tình trạng viêm thần kinh được xác định bởi phản ứng tăng các chất trung gian gây viêm như: Các cytokine; chemokine (TNFα; interleukin 1β, IL-6, IL-17A) và protein phản ứng C. Đồng thời làm tăng chất trung gian viêm nguồn gốc miễn dịch như cyclooxigenase 2 (COX 2), NOS, ET-1, VEGF, IGF-1 và các tế bào miễn dịch. Trong đó các cytokine đóng vai trò chủ đạo trong việc phá vỡ hàng rào máu não gây tổn thương viêm hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh.
Nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ người dân tới khám hậu Covid-19. |
Mối liên quan giữa giấc ngủ và nhiễm SARS-CoV-2 là hai chiều. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh miễn dịch tế bào cũng như dịch thể và thiếu ngủ có thể làm giảm phản ứng miễn dịch, càng làm trầm trọng hơn triệu chứng Covid-19.
Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Viện Phó Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo: Khi có rối loạn giấc ngủ, người dân nên có sự tư vấn của chuyên khoa để bảo đảm được điều trị tốt nhất. Nếu chưa đến được cơ sở chuyên khoa thì cần tự chăm sóc bản thân như bảo đảm đủ lượng vitamin, calo hàng ngày, luyện tập thể dục hàng ngày, bù đủ nước, điện giải và cần phải quan tâm đến vệ sinh giấc ngủ. Bên cạnh đó, người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ, tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc nam.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho hay: Một trong những triệu chứng của người bệnh sau khi mắc Covid-19 là mất ngủ kéo dài, khiến các bệnh nhân F0 sau khỏi bệnh rất lo lắng và tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Theo thống kê của các nước và Việt Nam, tỷ lệ mất ngủ sau khi bị Covid-19 chiếm khoảng 40% người nhiễm. Trong khi, có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: Do tâm lý, vi rút gây bệnh và quá trình điều trị dùng thuốc có tác dụng phụ. “Thông thường, khi vi rút SARS- CoV-2 xâm nhập vào người, không chỉ gây tổn thương phổi mà còn xâm nhập vào hệ thần kinh, làm các tế bào não bị tổn thương, gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí khi xét nghiệm âm tính rồi, nhưng vẫn còn vi rút trong hệ thần kinh. Vi rút đó còn gây rối loạn hệ miễn dịch và tấn công vào thành mạch máu, gây rối loạn đông máu khiến các tế bào não bị viêm, tổn thương hệ thần kinh, gây khó ngủ” bác sĩ Hoàng phân tích.
Bên cạnh đó, khi điều trị Covid-19, người bệnh đã dùng một số thuốc kháng vi rút và ức chế miễn dịch... có tác dụng phụ dẫn đến mất ngủ. Hoặc về mặt tâm lý, nhiều người rất căng thẳng, lo lắng khi bị bệnh.. cũng gây mất ngủ… “Đối với những trường hợp mất ngủ liên quan đến tâm lý, người bệnh cần phải kiểm soát tâm lý trước. Đơn giản như không nên đọc các tin tức không chính thống trên mạng; nên vận động nhẹ nhàng như yoga, đạp xe, đi bộ... mỗi ngày 3-4 lần, để giúp việc lưu thông máu tốt hơn, giúp ăn ngon, ngủ ngon hơn. Đồng thời, không dùng các chất kích thích như trà, cà phê; sắp xếp không gian phòng ngủ thoáng, không nhiều ánh sáng quá... Ngoài ra, cần chọn thức ăn dễ tiêu, tránh đồ chiên rán để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, sau khi mắc Covid-19, nhiều người rất hoang mang với những triệu chứng còn lại của bệnh, có thể kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lo lắng quá, nhiều khi chính sự lo lắng thái quá làm cho sức khỏe kém hơn. Để sức khỏe được đảm bảo, những đối tượng nên đi tầm soát sau Covid-19 là: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ cao; những người chưa tiêm đủ vắc xin; người có bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận, ung thư, bệnh về máu, bệnh sử dụng thuốc miễn dịch lâu dài); người bị Covid-19 có diễn biến nặng; người sau khi khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng vẫn nặng lên, kéo dài ảnh hưởng đến công việc.
“Khi đi tầm soát hậu Covid-19, các bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm một hoặc vài nhóm chuyên khoa như sau: Chụp X quang tim phổi; đo chức năng hô hấp; đánh giá chức năng tim mạch, chức năng thận, chức năng gan; khám nội thần kinh. Ngoài ra, có thể khám một số chỉ số chuyên sâu như xét nghiệm đông máu, xét nghiệm viêm mãn tính…”- bác sĩ Hoàng cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề vệ sinh giấc ngủ, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, những người gặp rối loạn giấc ngủ cần quan tâm đến môi trường ngủ sạch sẽ thông thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi thoải mái bảo đảm lưu thông khí huyết cho cơ thể. Căn phòng càng giản tiện các thiết bị, đồ dùng càng tốt. Bệnh nhân nên tạo nhịp sinh học đi ngủ vào một giờ cố định, bảo đảm không gian yên tĩnh hoặc có thể nghe nhạc nhẹ khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ngâm chân bằng nước ấm, dược liệu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ. Trước khi đi ngủ nên tránh tiếng ồn mạnh, sử dụng chất kích thích hay tập thể dục quá nặng, ăn nhiều đồ dầu mỡ. Nên tránh việc suy nghĩ quá nhiều về công việc trong ngày, tập trung nhiều hơn vào thực tại để duy trì giấc ngủ tốt hơn. |