Hà Nội chung sức đồng lòng, chiến thắng đại dịch
Sáng 6/8: Hơn 8 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm chủng tại Việt Nam Hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian đóng cửa phòng dịch |
Những trái tim sẻ chia
6h sáng 5/8, anh Hoàng Văn Tiến (bảo vệ dân phố phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đã cùng những thành viên trong "Tổ Covid cộng đồng", tất bật chuẩn bị 139 suất quà nhu yếu phẩm gồm: Gạo, dầu ăn, bột canh... để chuẩn bị mang đi trao tới tận tay người có hoàn cảnh khó khăn trong ngõ 30 Phùng Khoang.
Anh Tiến cho biết, ngõ 30 Phùng Khoang (gồm tổ dân phố số 3, số 6) là ngõ được chính quyền phường Trung Văn tạm thời phong tỏa do có ca nghi nhiễm Covid-19. Qua rà soát, chúng tôi biết được trong ngõ có nhiều người lao động, sinh viên ngoại tỉnh thực sự khó khăn do ảnh hưởng của đại địch.
Nhận suất quà nhu yếu phẩm từ tay lãnh đạo phường Trung Văn, bà Liễu (tổ dân phố số 3) chia sẻ, trước đây mỗi ngày tôi mang rau ra chợ Phùng Khoang bán lấy tiền trang trải, nhưng từ ngày cách ly phong tỏa ngõ 30, cuộc sống dần trở nên khó khăn. Tuy nhiên, sự động viên, kịp thời hỗ trợ của phường sẽ giúp chúng tôi yên tâm hơn.
Những suất quà nhu yếu phẩm trao tặng bà con trong vung cách ly, phong tỏa. |
Trước đó, ngày 31/7, trên địa bàn phường Trung Văn ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Covid-19 tại chợ Phùng Khoang - Trung Văn 2. Một số ngõ trên địa bàn phường được cách ly tạm thời. "Để đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân trên địa bàn phường, Ủy ban nhân dân (UBND) phường Trung Văn đề nghị các tổ dân phố thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trên địa bàn, cùng chung tay huy động các nguồn lực sẵn có của địa phương mua nhu yếu phẩm trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo cuộc sống", ông Nguyễn Đắc Long, Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết.
Theo ông Long, hiện nay 21 tổ dân phố trên địa bàn phường đã thiết lập "vùng xanh" để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Tương tự, tại thôn Miêng Thượng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, để chia sẻ khó khăn với nhân dân trong khu cách ly, lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã thăm, động viên, tặng quà cho các hộ gia đình trong khu cách ly các nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền mặt, tổng giá trị 30 triệu đồng.
Lãnh đạo huyện Ứng Hòa thường xuyên động viên các cán bộ, chiến sỹ, lực lượng y tế trực làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch. |
Không quên những đóng góp thầm lặng của những cán bộ trực chốt phong tỏa tại Đội 2, xã Miên Thượng, lãnh đạo huyện thường xuyên động viên các cán bộ, chiến sỹ, lực lượng y tế trực làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và đề nghị lực lượng tham gia tại chốt cần phối hợp, tổ chức trực 24/24 giờ, phát huy tinh thần xung kích, cố gắng khắc phục khó khăn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, không chủ quan, lơi là. Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, kiểm soát chặt chẽ số lượng người và phương tiện ra, vào khu vực nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp liên quan và nghi nhiễm Covid-19.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ ngày 2/8 đến 5/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Trì đã tặng 2,7 tấn gạo cho 270 hội viên phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Triều đã xung phong nhận nhiệm vụ mỗi ngày nấu 60-65 suất cơm tặng lực lượng tham gia trực chốt tại các điểm cách ly, kinh phí 1,5 triệu đồng/ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Ninh tặng 2 ruộng rau, hằng ngày hỗ trợ 64 gia đình bị phong tỏa trong thôn Thọ Am.
Tinh thần tương thân tương ái lan tỏa rộng khắp các địa phương. |
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, những ngày qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) là địa phương ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất huyện với 6 trường hợp. UBND thị trấn đã phong tỏa các khu vực có ca F0 là 206 hộ dân với 587 nhân khẩu. Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn đảm nhận việc cung cấp lương thực, thực phẩm hằng ngày cho các hộ dân khu vực phong tỏa, cách ly.
Trong khó khăn mới thấy sức mạnh của tinh thần và rất nhiều địa chỉ san sẻ yêu thương, xuất phát từ lòng nhân ái. Hà Nội có một nơi như thế, nơi những hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ kịp thời, nơi những "Mạnh thường quân" góp gạo, ủng hộ nhu yếu phẩm, trao đến tận tay người cần nhận, các y, bác sỹ sẵn lòng tư vấn, thăm khám bệnh online miễn phí... mỗi người mỗi cách đều thực tâm muốn góp sức chung tay cùng cộng đồng sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Mang 1.000 chai nước mắm,1.000 gói gia vị, 300 suất rau, 1.000 gói gia vị... chuyển vào khu vực phong tỏa cách ly phường Chương Dương, phường Phúc Tân, thành viên N.B.N chia sẻ rằng, trong thời điểm giãn cách như hiện nay, bà con xóm trọ thật sự rất khó khăn, biết là chẳng thấm gì so với nhu cầu thực tế, nhưng "một miếng khi đói bằng một gói khi no", cũng là cách nhóm thiện nguyện giúp bà con phần nào vơi bớt gánh nặng hàng ngày...
Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người không đủ chi phí thuê nhà, thiếu chỗ ở, "em có kinh doanh nhà trọ dạng homestay ở giường tầng, hiện dịch em không kinh doanh, đang thừa khoảng 12 người ở. Nếu nhóm thấy ai khó khăn lang thang không chỗ ở thì em có thể hỗ trợ chỗ ở", thành viên H.Q chia sẻ.
Nhóm thiện nguyện cung cấp nhu yếu phẩm trong khu cách ly, phong tỏa. (Ảnh NVCC) |
Còn tại quận Ba Đình, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, thực hiện chuỗi các hoạt động trong chương trình Hà Nội nghĩa tình do Thành phố phát động, Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội đồng Đội quận Ba Đình tiếp tục kêu gọi, quyên góp, xã hội hoá các nguồn lực trong đoàn viên, hội viên thanh niên, thanh thiếu nhi và các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn quận.
Qua 1 tuần kêu gọi, quyên góp, đơn vị đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các cá nhân, đơn vị; và trong 2 ngày 5-6/8, Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội đồng Đội quận Ba Đình đã trao tặng 70 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Mỗi suất quà tặng gồm gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, trứng, bánh, sữa… với tổng trị giá 20 triệu đồng.
Tình quân dân và "Mệnh lệnh từ trái tim"
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện...
Vì vậy, nhiều xã, phường đã khẩn trương lập chốt, tùy vào nhân lực và tình hình thực tế của địa phương để linh động cho phù hợp. Các chốt này hoạt động 24/24 bất kể mưa rào hay nắng gắt, mỗi thành viên tại chốt đều tập trung thực hiện nghiêm túc, không lơi là, chủ quan... góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Lực lượng chức năng xuyên đêm bám chốt kiểm soát phòng, chống dịch. |
Thấu hiểu sự vất vả của lực lượng trực chốt kiểm dịch, các thành viên thuộc Hội Phụ nữ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình đã cùng nhau vào bếp nấu khoảng 40 suất cơm trưa dành cho các cán bộ làm việc ở các chốt trực trên địa bàn.
Anh Dũng (phường Vĩnh Phúc) chia sẻ ai nấy cũng tất bật chuẩn bị những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng và sạch sẽ cho các lực lượng chốt trực trên địa bàn và các y bác sỹ Trạm Y tế phường. Mọi người thấy vui vì được góp sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch.
Thông qua các tình nguyện viên, hàng ngày khi mang đồ ăn ra cho lực lượng trực chốt, họ đều hỏi thăm về sở thích, khẩu vị của từng người ở chốt, từ đó xây dựng thực đơn thay đổi hàng ngày. Với những suất cơm nóng và đầy đủ dinh dưỡng sẽ tiếp thêm năng lượng và động lực cho những cán bộ đang làm nhiệm vụ tại các chốt.
Chốt 17 đầu cầu Trung Hà - Quốc Lộ 32, huyện Ba Vì (Hà Nội). |
Cách nhà anh Dũng khoảng 60km, tại chốt 17 đầu cầu Trung Hà - Quốc Lộ 32, huyện Ba Vì (Hà Nội), gần 1 tháng nay từ khi thành lập chốt, chị Chính tình nguyện nhường mặt tiền ngôi nhà cấp 4 có vị trí thuận tiện bán hàng, hàng ngày nuôi sống gia đình để tổ công tác dựng lều bạt lập chốt.
"Ngoài việc hỗ trợ chỗ nghỉ, hàng ngày tôi thường chuẩn bị nước uống cho anh em, buổi khuya thì nấu mỳ để mọi người chống đói. Lúc đầu khi mới bắt đầu lập chốt, tôi cũng hơi hoang mang vì sợ dịch lắm, nhưng sau cũng vui vẻ hỗ trợ, bởi mong mỏi lúc này của tôi và các đồng chí Công an chính là sớm ngày đẩy lùi dịch bệnh", chị Chính chia sẻ.
Chị Chính tình nguyện nhường mặt tiền ngôi nhà cấp 4 có vị trí thuận tiện bán hàng, hàng ngày nuôi sống gia đình để tổ công tác dựng lều bạt lập chốt. |
Cũng tại chốt 17, một công ty có trụ sở gần cầu Trung Hà còn nấu những suất cơm trưa và tối mang ra tận nơi các điểm trực. Những phần cơm này được chuẩn bị trong 1 cặp lồng inox và chia theo từng khẩu phần. Được biết, mỗi ngày trung bình có 28 đến 30 suất cơm được mang ra chốt tùy vào số lượng nhân sự trực tại đây.
Đại úy Doãn Hữu Văn, Đội Cảnh sát Giao thông số 6, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội) chia sẻ, nhờ có sự chia sẻ và hỗ trợ của chị Chính trong việc đồng ý cho mượn địa điểm cũng như quạt và điện chiếu sáng mà anh em đã đỡ vất vả, ngoài ra thi thoảng các tài xế hoặc những người dân đi ngang qua còn ủng hộ trứng gà, nước hoặc sữa chua và động viên anh em cố gắng.
"Những hàng động ý nghĩa của nhân dân chính là "Mệnh lệnh từ trái tim", yêu cầu chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao", Đại úy Doãn Hữu Văn khẳng định.
Đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thiết lập chốt “vùng xanh” an toàn, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Khởi đầu hiệu quả từ phường Mai Động và phường Đại Kim, đến nay, sau 4 ngày triển khai với sự hưởng ứng tích cực của người dân đã giúp Hoàng Mai thiết lập gần 500 chốt “vùng xanh” an toàn.
Ông Trần Văn Vịnh, Chủ tịch UBND phường Mai Động, quận Hoàng Mai cho biết, việc thành lập chốt vùng xanh sẽ giảm áp lực cho tuyến đầu. Nhân dân rất ủng hộ và mọi người cũng có ý thức để bảo vệ an toàn.
Chốt "vùng xanh" phường Mai Động, quận Hoàng Mai. |
Theo ông Vịnh, sau khi thành lập, "vùng xanh" sẽ giao cho "tổ Covid cộng đồng" làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24 giờ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các di biến động trên địa bàn, nhất là người tạm trú, khách vãng lai... Đây là giải pháp phòng thủ rất quan trọng
"Việc thành lập chốt vùng xanh (vùng an toàn, không có dịch) luôn nhận được sự tham gia tích cực của người dân trong khu dân cư, tổ dân phố, tòa chung cư. Cùng với "tổ Covid cộng đồng", lực lượng phòng, chống dịch địa phương, mọi người tham gia chốt “vùng xanh” đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, nhằm bảo vệ thành quả chống dịch mà khu dân cư đã làm được", ông Vịnh cho biết thêm.
Hàng trăm y, bác sỹ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đã xung phong lên đường không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn vì mệnh lệnh từ trái tim mỗi người. (Ảnh: Quang Vinh) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, nhằm tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực phía Nam. Với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, trong tuần qua, các bệnh viện tại Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K... đã huy động các cán bộ y tế khẩn trương lên đường để tiếp sức và hỗ trợ miền Nam chống dịch.
Ngày 5/8, nghe lời hiệu triệu, hàng trăm y, bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã xung phong lên đường không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn vì mệnh lệnh từ trái tim mỗi người. Hơn 300 y, bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh Covid-19.
Có mặt tại lễ xuất quân để ghi lại những hình ảnh xúc động ngày hôm đó, phóng viên ảnh Quang Vinh (báo điện tử Đại Đoàn Kết) không khỏi bồi hồi, anh chia sẻ, ấn tượng nhất với anh là vợ chồng bác sỹ Phạm Đình Phương, tạm xa con gái mới 17 tháng tuổi, vợ chồng bác sỹ đã vượt lên trên những nỗi lo về hiểm nguy, gian khổ trước mắt cùng nhau xung phong tham ra lên đường chống dịch.
Có một Hà Nội kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình như thế. (Ảnh: Nam Nguyễn) |
"Đọc những tin về miền Nam trong những ngày qua, mình xúc động và lo lắng và vì thế càng thôi thúc càng phải đi công tác để giúp đỡ mọi người. Theo thông báo của bệnh viện là sẽ đi một tháng nhưng ngay từ lúc đăng ký vợ chồng mình cũng xác định chưa bết ngày trở về và cứ lên đường thôi. Hành trang lên đường rất đơn giản, làm sao hết sức tối giản. Hai vợ chồng cùng nhau lên đường vào Nam tham gia chống dịch thì cũng chỉ mong gia đình ở nhà khỏe mạnh”, khi chụp những hình ảnh về vợ chồng bác sỹ Phương và nghe những lời chia sẻ của họ, tôi đã không cầm được nước mắt, chỉ biết "chúc các anh chị sức khỏe, bình an sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về bên gia đình", phóng viên Quang Vinh xúc động.
Hơn 10 tấn hàng gồm máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu của Bệnh viện Bạch Mai đã được tập kết, sẵn sàng lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Trước đó, ngày 31/7, hơn 10 tấn hàng gồm máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu của Bệnh viện Bạch Mai đã được tập kết, sẵn sàng lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ghi nhận của phóng viên, tại ga Trần Quý Cáp, hàng trăm thiết bị y tế được Bệnh viện Bạch Mai vận chuyển đến ga Hà Nội để bốc xếp lên toa tàu vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để lắp đặt cho Bệnh viện dã chiến số 16 đang được khẩn trương xây dựng.
Được biết, chuyến hàng gồm có 30 máy thở, 1 máy lọc thận, 45 moniter, hệ thống theo dõi bệnh nhân, hệ thống theo dõi sinh hóa, huyết học, 80 bơm tiêm điện, 80 máy truyền dịch và nhiều nhu yếu phẩm khác...
Ông Trần Quang Độ, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, toa hàng đặc biệt này bao gồm 30 máy thở cùng nhiều trang thiết bị y tế khác như khẩu trang, quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch... Đây là số hàng đã được Tập đoàn Sun Group tài trợ cho Trung tâm Hồi sức cấp cứu tỉnh Bắc Giang trong thời điểm địa phương này ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19.
Thời điểm hiện tại khi tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo quản, vận chuyển những thiết bị này vào thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội: Chuyến tàu đặc biệt mang theo 10 tấn trang thiết bị chi viện thành phố Hồ Chí Minh. |
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động lập báo cáo trình Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải về việc Tổng Công ty sẵn sàng tổ chức các chuyến tàu vận chuyển cán bộ nhân viên y tế, trang thiết bị y tế, các loại hàng thiết yếu từ miền Bắc vào miền Nam để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Nam, việc vận chuyển cho dự án này sẽ được duy trì cho tới khi nào dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành phía Nam được khống chế, kiểm soát. Nếu như các bệnh viện khác có yêu cầu chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức vận chuyển.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại! (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Có thể thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, y, bác sỹ, điều dưỡng; lực lượng dân quân, tự vệ; đoàn viên, hội viên Hội cựu chiến binh, các tình nguyện viên; các cấp ủy viên chi bộ, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm tham gia các "tổ Covid cộng đồng"... đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ...
Vượt lên tất cả, họ vẫn thể hiện sự lạc quan và niềm tin tưởng rằng, đây chỉ là một giai đoạn khó khăn. Chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với mong muốn Hà Nội sẽ sớm ổn định trở lại.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, mặc dù đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng với nỗ lực kiên cường của các lực lượng tuyến đầu và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, lãnh đạo Thành phố luôn tự hào và tin tưởng vào ý chí, sức mạnh của quân và dân Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01