Doanh nghiệp lên phương án nguồn cung phục vụ Tết
Cắt giảm các thủ tục rườm rà để thúc đẩy tăng trưởng Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng |
Chuẩn bị sẵn nguồn hàng
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động tăng công suất, các nhà bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng chuẩn bị nhập các nguồn hàng, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng…
Điển hình như tại Công ty sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên (Quốc Oai, Hà Nội), không khí sản xuất đã nhộn nhịp ở tất cả các khâu. Anh Dương Đình Khôi, đại diện doanh nghiệp cho biết, sản phẩm của công ty hiện nay có miến khô và miến quà tặng. Cơ sở sản xuất quanh năm nhưng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là nhiều nhất, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,5 tấn miến thành phẩm. Ngoài bán ở thị trường trong nước, công ty đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)...
Nhiều mặt hàng với bao bì Tết đã được doanh nghiệp tung ra thị trường nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. |
“Hiện công ty đã bắt đầu nâng công suất lên gấp đôi để phục vụ cho các đơn hàng đặt dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn miến khô. Năm nay giá nguyên liệu đều tăng cao khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, công ty vừa làm, vừa thăm dò thị trường để có mức giá phù hợp nhất trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay”, anh Khôi cho hay.
Cao điểm sản xuất hàng Tết của Công ty Richy (Đan Phượng, Hà Nội) cũng đã bắt đầu triển được khai. Nhà máy tăng công suất, công nhân tăng ca và thậm chí còn tuyển thêm lao động thời vụ để kịp đơn hàng.
Năm ngoái, doanh nghiệp đã không có đủ hàng để bán trong dịp Tết nên năm nay đã phải dự trữ nguyên liệu và tăng lượng hàng dự trữ lên 30 - 40%. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đầu tư máy móc mới, doanh nghiệp tự tin sẽ cung ứng đủ hàng hoá và giữ giá từ nay tới cuối năm.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng các sản phẩm tại doanh nghiệp hầu như chưa tăng giá, dịp Tết này cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, Công ty Thực phẩm Hương Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu đầu vào và hứa hẹn tiếp tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm hấp dẫn, chất lượng.
Ở phía các nhà bán lẻ cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp từ giữa năm để lên phương án chuẩn bị nguồn hàng. Giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu, mặt hàng dành riêng cho mùa Tết là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%...
Những tín hiệu sản xuất tích cực cũng được ghi nhận ở khối ngành thực phẩm, da giày,… Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho biết, trước những biến động của thị trường, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công… có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp chọn phương án “vừa làm, vừa ngóng” để có kế hoạch sản xuất cụ thể, cân đối sản lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khơi thông nguồn vốn
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, doanh nghiệp bị bủa vây bởi khó khăn, Chính phủ đã phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo tháo gỡ rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang đánh giá, cao sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua. Thời điểm này các doanh nghiệp đang cần nguồn lực lớn để đầu tư nâng công suất. Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, trong thời điểm này các doanh nghiệp vẫn đang rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, sát sườn hơn để có thể vực dậy đón “sóng” tiêu dùng cuối năm.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội lãi suất 0% để trả lương người lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động, giãn hoãn các khoản vay, đồng thời có giải pháp hạ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phân phối hàng hóa, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp, nhà sản xuất, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng miền, đa dạng hóa kênh bán hàng, cùng nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ nay đến cuối năm, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình lạm phát mặc dù đã chững lại song vẫn ở mức cao tại các thị trường, trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao. Do đó, các doanh nghiệp nên thận trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Tại Hà Nội, chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết đã bắt đầu kích hoạt với lượng hàng tăng từ 5 - 7% so với năm trước. Đặc biệt năm nay, thành phố Hà Nội tăng lượng hàng đặc sản vùng miền để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết và hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng hoá.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư để số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. Từ giờ đến cuối năm, doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của thành phố Hà Nội phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt.
Đại diện Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết Sở sẽ tập trung kiểm soát giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường,... Sở cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, Sở sẽ tập trung tổ chức các chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng, cụ thể là đang phối hợp với các tỉnh, thành, tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao mang những sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng.
TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng cho mùa sắm Tết tiết kiệm
Còn với tình hình kinh tế dự báo còn khó khăn, người tiêu dùng mua sắm “tiết kiệm” hơn trong dịp Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích nghi bằng cách giảm kích thước sản phẩm, giảm giá bán… để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Sức mua trong mùa cao điểm dịp Tết 2024 dự đoán sẽ giảm mạnh. |
Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam, trong khoảng hai năm gần đây có nhiều sự thay đổi về kinh tế vĩ mô, dẫn đến điều kiện tài chính của các hộ gia đình bị ảnh hưởng, khiến người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có tâm trạng lo lắng nhiều hơn. Sự khó khăn này bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2022 cho tới thời điểm hiện nay, khi tình hình kinh tế có nhiều sự biến động
Chia sẻ về việc dự báo tình hình mua sắm, sức mua trong mùa cao điểm dịp Tết 2024 này, bà Nga nhận định: “Người ta sẽ không chi tiền ào ạt giống như những mùa Tết trước đây. Chẳng hạn mọi năm khoảng 3 - 4 tuần trước Tết, người tiêu dùng đi siêu thị mua sắm đầy trên những chiếc xe đẩy. Dự đoán như vậy, bởi theo quan sát của Kantar Việt Nam, trong mùa Trung thu vừa qua, người tiêu dùng chi tiêu một cách cầm chừng, mua từ từ, thiếu thì mua thêm chứ không mua nhiều, họ cân nhắc, mua sản phẩm nào cũng vừa phải”.
Thực tế, khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí, điều này tạo ra biến động trong xu hướng tiêu dùng, nhất là giai đoạn cuối năm.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), dự đoán lượng quà Tết năm nay sẽ không có sự gia tăng đột biến, nhiều công ty cũng cắt giảm lượng quà tặng. Ông Luận cho biết, năm nay doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên các giỏ quà truyền thống và không dự trữ lượng hàng lớn như những năm trước đây.
"Ngay từ tháng 6/2023, có thể thấy sức mua giảm nên dự đoán Tết cũng không có sự tăng trưởng. Do đó, năm nay, chúng tôi sẽ giữ lại những combo giỏ quà với giá thích hợp có thể chấp nhận được trên thị trường", ông Luận nói và cho biết doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng online trên kênh Tik Tok, sàn thương mại điện tử để giữ được thị trường bán lẻ.
Còn ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods cũng nhận định, thị trường Tết 2024, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp này cho biết đã chuẩn bị các giỏ quà Tết với chất lượng tốt nhưng giá thành rẻ hơn.
"Cụ thể, gia vị bên trong phong phú hơn, được đóng trong bao bì làm bằng loại carton rẻ hơn nhưng thiết kế đẹp hơn, tập trung vào các hộp gia vị phân khúc giá rẻ và trung bình. Các đối tác thương mại của chúng tôi cũng yêu cầu phát triển các giỏ quà Tết hấp dẫn, chất lượng nhưng phân khúc giá dưới 100.000 và 200.000 đồng", ông Dũng cho biết.
Chuyên cung cấp ra thị trường các mặt hàng bánh mứt, trái cây sấy,... ông Nguyễn Văn Bi, CEO Nonglamfood cũng dự báo thị trường quà Tết năm 2024 cho thấy xu hướng giảm chi tiêu trong mùa này, với dự kiến giảm gần 80% so với năm ngoái.
Ông Bi cho rằng, việc lựa chọn hàng hóa Tết của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh giá cả và chất lượng sản phẩm, một yếu tố quan trọng khác là thông điệp và bao bì của sản phẩm. Khách hàng, không chỉ xem xét sản phẩm quà tết như một món quà đơn giản, mà còn như một câu chuyện về ngày Tết đầy ý nghĩa và gói ghém đầy ắp những lời yêu thương.
"Chúng tôi đã tập trung vào việc cung cấp giải pháp quà tặng B2B cho thị trường, với việc tuyển lựa đặc sản từ vùng miền khắp mọi nơi. Điều này giúp chúng tôi cung cấp các sản phẩm có giá trị cao và độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa Tết. Đồng thời, chúng tôi đã mở rộng thêm kênh online để tối ưu hóa chi phí cho người tiêu dùng", ông Bi cho biết.
Theo bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap), với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đã chọn ra những sản phẩm đặc trưng bán chạy mùa Tết để tập trung sản xuất, tối ưu giá thành, thay đổi bao bì nhỏ gọn, giảm trọng lượng để khách hàng dễ dàng chi trả, chuyển đổi từ túi nhựa sang bao bì giấy thân thiện môi trường.
Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, để cùng với đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì kết hợp với nhau làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm…
“Năm nay, các sản phẩm giỏ quà Tết của chúng tôi giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng sẽ không đổi. Ví dụ như giỏ quà 4 mùa, trước đây Phúc Sinh bán khoảng hơn 500.000 đồng nhưng năm nay chỉ bán hơn 300.000 đồng”, ông Thông nói.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods, một đơn vị bán những sản phẩm đặc sản Việt Nam, từ cà pháo, mắm cà pháo, đến các sản phẩm về kiệu, bánh nậm, bánh lọc cho biết, trong năm vừa qua, Sông Hương Foods đang đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể mạnh nhất là Tiktok, bản thân ông Tuấn có tháng bán trên kênh Tiktok của mình doanh số 1 tỉ đồng.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, mùa Tết thì kiều bào xa quê rất mong muốn, tìm đến những sản phẩm quê hương, Sông Hương Foods biết được điều đó và đáp ứng được những sản phẩm này. “Chúng tôi đã cấp đông nhiều sản phẩm để đem qua Mỹ cho người Việt dùng bất cứ khi nào, nhất là dịp Tết. Do đó, đây cũng là một kênh phân phối quan trọng của Sông Hương Foods, bên cạnh hệ thống siêu thị hiện đại”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, hiện sức mua tại Mỹ cũng chững lại, tuy nhiên, với sản phẩm đặc thù bánh truyền thống như bánh nậm, bánh giò, bánh gai,… doanh nghiệp này kỳ vọng có sự tăng trưởng. Tại thị trường nội địa, Sông Hương Foods sẽ giảm giá từ 5-20% ở nhiều mặt hàng Tết 2024.
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Thị trường 23/12/2024 08:58
Giá xăng dầu hôm nay (23/12): Giá dầu thế giới đầu tuần bật tăng
Thị trường 23/12/2024 07:08
Hôm nay (21/12): Giá vàng thế giới bật tăng trở lại
Thị trường 21/12/2024 10:20
Tỷ giá USD hôm nay (21/12): Đồng USD giảm nhẹ
Thị trường 21/12/2024 10:20
Giá xăng dầu hôm nay (21/12): Giá dầu thế giới quay đầu bật tăng
Thị trường 21/12/2024 09:53
Ngày đông, ngô khoai nướng đắt hàng
Thị trường 20/12/2024 12:22
Ngày hôm nay (20/12): Giá xăng dầu thế giới giảm, trong nước tăng mạnh
Thị trường 20/12/2024 08:18
Tỷ giá USD hôm nay (20/12): Đồng USD tăng "nóng"
Thị trường 20/12/2024 06:56
Giá vàng hôm nay (20/12): Giá vàng thế giới và vàng trong nước cùng lao dốc
Thị trường 20/12/2024 06:46
Giá vàng lấy lại đà tăng sau động thái của Fed
Thị trường 19/12/2024 16:28