Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại trụ sở Chính phủ. (ảnh Đ.Hải) |
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các ban Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ và cơ quan: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Về phía lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; các đồng chí Phó Chủ tịch và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu, có 27 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang và An Giang.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. (ảnh Mai Quý) |
Tại điểm cầu Hà Nội, dự Hội nghị có các đồng chí: Chử Xuân Dũng - Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Phi Thường, Thành uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố; Bạch Liên Hương, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Thành phố; Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố: Ngô Văn Tuyến, Lê Đình Hùng, Nguyễn Chính Hữu; cùng lãnh đạo các Ban và Uỷ viên Ban thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố; đại diện các sở, ngành của Thành phố.
8h10: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là lần thứ năm trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để giải quyết những vấn đề theo Luật Công đoàn và Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chào nồng nhiệt đến người lao động, đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, đang làm việc trong các lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta thực sự biết ơn đội ngũ công nhân lao động đang ngày đêm miệt mài lao động, sản xuất góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (ảnh Đ.Hải) |
Khẳng định vấn đề việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động là vấn đề quan trọng, Thủ tướng cho biết: Tại Hội nghị hôm nay, chúng ta không chỉ đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được, mà còn tập trung thảo luận, hoạch định những chính sách sẽ triển khai trong giai đoạn tới, nhằm nâng cao mức sống cho người lao động.
Hội nghị hôm nay không chỉ nhìn lại Quy chế phối hợp làm việc 5 năm giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà còn rút ra những bài học, nhận diện những khó khăn, thách thức, đồng thời thảo luận và đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe ý kiến, thẳng thắn đưa ra cái nhìn toàn diện, khách quan để cùng nhau bàn những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
8h20: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn giai đoạn 2016-2020.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm chỉ đạo và chủ trì hội nghị; trân trọng cảm ơn lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã dành thời gian dự hội buổi làm việc trực tuyến với Tổng Liên đoàn. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành địa phương đối với tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước.
Nhiều đề xuất của Công đoàn và công nhân lao động được Thủ tướng quan tâm, giải quyết
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn giai đoạn 2016-2020, tập trung vào một số vấn đề về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: 5 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn giai đoạn 2016-2020. (ảnh Đ.Hải) |
Trong dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh Lao động hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
“Nhiều đề xuất của Công đoàn và công nhân lao động liên quan được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ghi nhận, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, phối hợp với Công đoàn và người sử dụng lao động giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chăm lo cho người lao động đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2016 - 2020, trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn đã tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp chăm lo, hỗ trợ cho gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động, tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất”, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã xây dựng và ban hành chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Trong năm 2020, Công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ trong vận động công nhân, viên chức, lao động, nhất là công nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần vào những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “Mục tiêu kép” của Chính phủ.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (ảnh Mai Quý) |
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã sớm quyết định cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; có văn bản về miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên công đoàn có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở; hỗ trợ người lao động từ nguồn tài chính công đoàn cơ sở và ủng hộ của người sử dụng lao động với tổng số tiền hơn 416 tỷ đồng, chiếm 63,39% tổng số chi của cả hệ thống tổ chức Công đoàn.
“Công tác phối hợp đã tạo sức mạnh giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề mà tổ chức Công đoàn, Chính phủ và người lao động quan tâm, trong đó vấn đề việc làm, mức sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động được tập trung và ưu tiên”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định.
Cụ thể, trong 5 năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, nhằm bảo đảm việc làm tốt hơn, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại nền kinh tế để thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, số công nhân lao động có việc làm tăng 26% so với năm 2016, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm…
Kiến nghị tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động từ 1/7 hàng năm
Về một số nội dung phối hợp trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất: Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các lần làm việc và gặp gỡ công nhân lao động hằng năm. Phối hợp trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn khởi xướng, trong đó ưu tiên thực hiện đợt thi đua cao điểm “Vượt thách thức, đón thời cơ - thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác” và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. |
Bên cạnh đó, để triển khai các nội dung phối hợp, đặc biệt là thực hiện chủ đề của Hội nghị, Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng phối hợp, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Việc làm, tiền lương, nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Cụ thể, về việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ Đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Về tiền lương, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, làm cơ sở để các bên thương lượng, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng hằng năm khách quan, công bằng. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý II/2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Đồng thời xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1/7 hàng năm.
Về nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, bộ ngành liên quan phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xây dựng nhà ở và các thiết chế cho công nhân lao động...
8h30: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo về Quy chế phối hợp
Về thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại các Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã có 4 Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp với Tổng Liên đoàn và Thủ tướng đã kết luận tại 4 Thông báo, giao 39 nhiệm vụ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng 9 Bộ, ngành.
Cụ thể: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 12 nhiệm vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 nhiệm vụ, Bộ Y tế 4 nhiệm vụ; Bộ Tài chính 4 nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 nhiệm vụ; Bộ Khoa học và Công nghệ 1 nhiệm vụ; Bộ Nội vụ 1 nhiệm vụ, Bộ Xây dựng 1 nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước 1 nhiệm vụ và Tổng Liên đoàn 11 nhiệm vụ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (ảnh Đ.Hải) |
Đến nay, các Bộ, cơ quan đã hoàn thành 32/39 nhiệm vụ; đang thực hiện 7 nhiệm vụ, gồm Tổng Liên đoàn 4 nhiệm vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 1 nhiệm vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 1 nhiệm vụ, Bộ Tài chính 1 nhiệm vụ.
Về một số nội dung được người lao động quan tâm. Cụ thể: Về xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu: Theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành và Bộ Luật Lao động năm 2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), mức lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh dựa vào nhiều yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội , mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, để hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia năm 2020 đã báo cáo và được Chính phủ thống nhất tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng hiện hành. Chủ trương chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy lại đà phục hồi, đồng thời giúp người lao động giữ được việc làm hoặc có cơ hội thuận lợi tái tham gia thị trường lao động trong năm 2021. Ngay cả đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giữ ở nguyên mức lương cơ sở năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhằm tạo đà phục hồi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2021.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh. |
Về triển khai Đề án đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất: Trong năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chủ trì họp với các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn để tháo gỡ các vướng mắc của Đề án và đã ký ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 phê duyệt Đề án nêu trên với nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế và tổ chức công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị, các công trình thương mại và dịch vụ, văn hóa thể thao phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, đoàn viên công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phấn đấu xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay đã có 40 địa phương bố trí quỹ đất cho các thiết chế công đoàn, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3-5ha.
8h50: Đại diện lãnh đạo, cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động các tỉnh, thành phố nêu ý kiến
Phía điểm cầu Hà Nội, tham luận tại Hội nghị, đại diện cho đông đảo công nhân lao động, bà Phạm Thị Bích Hải, Công ty TNHH TOTO Việt Nam đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương những nguyện vọng, kiến nghị đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống cho công nhân.
Theo bà Hải, sức khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng của người lao động và cũng là tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại nhiều doanh nghiệp có giá trị dinh dưỡng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến thực phẩm chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Đối với bữa ăn tại nhà thì chúng tôi phải mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ tạm, chợ cóc, hàng quán ven đường… tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, kính đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca cho người lao động.
Bà Phạm Thị Bích Hải, Công ty TNHH TOTO Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (ảnh Mai Quý) |
Về nhà ở, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đa phần là người nhập cư. Phần lớn công nhân đang phải thuê trọ tại các căn nhà cấp 4 do dân tự xây dựng với diện tích chật chội, ẩm thấp, nóng bức, phải chi trả các dịch vụ thiết yếu cao hơn so với các hộ thông thường; bên cạnh đó còn phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự... Hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, căn hộ giá thấp cho người lao động, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, số nhà ở tập trung cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là rất ít; không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. Kính đề nghị chính quyền thành phố và các địa phương quan tâm, có giải pháp để công nhân lao động có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc.
Liên quan đến nơi học hành của con em công nhân, bà Hải cho biết, hiện nay, rất nhiều công nhân lao động băn khoăn, đau đầu vì không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Số lượng các nhà trẻ, trường mầm non công lập cạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất rất ít, dẫn đến tình trạng quá tải. Gửi ở trường tư thục đạt chuẩn thì đồng lương của công nhân lao động không kham nổi. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng là công nhân đã phải chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà, người thân chăm sóc, nhưng cũng không hoàn toàn yên tâm; còn phần lớn công nhân đành chấp nhận rủi ro khi gửi con vào các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục… với chế độ chăm sóc, giáo dục trẻ em không đạt yêu cầu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn đối với trẻ em.
Việc xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân lao động là nhu cầu thật sự bức thiết để chúng tôi yên tâm làm việc, các cháu cũng là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Vậy, kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như bố trí đội ngũ giáo viên có tâm, có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non tại các khu công nghiệp để công nhân lao động có nơi gửi trẻ an toàn, an tâm công tác.
Theo bà Hải, công nhân lao động có chất lượng là công nhân có đủ trí lực, thể lực và tinh thần khỏe. Vì vậy, người lao động rất mong mỏi các hoạt động, phong trào như các cuộc thi tay nghề ở các lĩnh vực, ngành nghề mà thời gian qua Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức đều đặn, giúp công nhân lao động có cơ hội học hỏi và nâng cao kiến thức tay nghề. Mong muốn tăng cường các sân chơi, các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa đa dạng, có nơi sinh hoạt, giao lưu, tăng cường đoàn kết trong công nhân lao động.
Bà Hải cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp; quản lý tốt sự ra đời và hoạt động tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, gắn với mục tiêu xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định.
Tình trạng doanh nghiệp tìm cách “sa thải” người lao động tùy tiện vẫn đang diễn ra và ngày càng tinh vi. Việc người lao động bỗng dưng mất việc sau tuổi 30, 35 thực sự đẩy họ vào không ít khó khăn cả về đời sống vật chất, tinh thần và tương lai lâu dài của họ. Nhà nước cần có các chế tài để xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp lách luật, tìm cách thải loại người lao động ra ngoài xã hội sau một thời gian làm việc dài, cống hiến cho doanh nghiệp.
Phản ánh về tình hình an toàn giao thông tại các tuyến đường dẫn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất không đảm bảo; đường đông, nhiều điểm nhỏ hẹp, nhiều ngã tư, các phương tiện lưu thông lớn... khiến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Bà Hải bày tỏ mong muốn Chính phủ và chính quyền các địa phương xem xét, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đồng thời bố trí lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, đặc biệt trong giờ cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người.
9h50: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày tham luận
Tham luận tại hội nghị về chủ đề “Giải pháp nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân lao động thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0”, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau thu hút xấp xỉ 4,1 triệu lao động. Đội ngũ công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trẻ, khỏe, cần cù thông minh, tiếp cận và làm chủ nhanh với khoa học công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường năng động, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, có ý thức học tập, rèn luyện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày tham luận tại Hội nghị (ảnh Mai Quý) |
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ công nhân lao động còn ở mức khiêm tốn, còn thiếu công nhân lao động kỹ thuật cao. Theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức độ đáp ứng hiện có của người lao động đều thấp hơn so với năng lực yêu cầu của doanh nghiệp tại tất cả các hạng mục đã thực hiện khảo sát như: Chuyên môn nghiệp vụ; trình độ ngoại ngữ, tin học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng bảo đảm an toàn lao động; marketing; khả năng tư duy sáng tạo; tính chủ động... Theo nhận định của các doanh nghiệp trong nước đội ngũ công nhân lao động còn thiếu ý thức nghiêm túc trong công việc, thiếu kỹ năng, chưa linh động về chuyên môn và phần lớn doanh nghiệp phải “đào tạo lại” mới có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với công nhân lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bên cạnh các hạn chế nêu trên thì trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp và việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất làm việc cũng là điểm hạn chế của phần lớn công nhân lao động Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự ra đời của các hệ thống tự động hóa và robot thông minh, sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế gây áp lực lớn đối với thị trường lao động. Số lượng lao động cần thiết sẽ chỉ còn một nửa thậm chí một số nghề chỉ cần 1/10 so với hiện nay. Như vậy số nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Để công nhân lao động thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề xuất các giải pháp: Đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên tập trung cho các ngành khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao,...; đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội; Đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động trong tương lai gần và xa hơn; Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu được giao. Nhất là đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo nghề cho công nhân lao động; tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; đổi mới cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức. Chú trọng đào tạo kiến thức kỹ năng mềm, các kỹ năng cần thiết theo nhu cầu của thị trường lao động. trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học, về tinh thần, ý thức, thái độ đối với công việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp.
Từng bước thay đổi tư duy của chủ sử dụng lao động trong chiến lược phát triển doanh nghiệp gắn với sử dụng nguồn lực là người lao động. Có kế hoạch sử dụng lao động qua đào tạo; dự trù nguồn lực tài chính để đảm bảo tự đào tạo người lao động cũng như phối kết hợp với các co sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tố chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bố sung kỹ năng mêm, nâng cao chuyên môn tay nghề cho người lao động; Đầu tư xây dựng trường chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế và đầu tư nghề trọng điểm đối với các nghề đang là thế mạnh của xu thế thị trường lao động trong nước và các nước trong khu vực theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho một số Trường cao đẳng và trung cấp thuộc Thành phố đây là phương tiện để đào tạo ra lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề cao thích ứng trong nên cách mạng công nghiệp 4.0.
10h49: Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn tới công nhân lao động đã nỗ lực vượt khó, lao động quên mình, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo địa phương, Tập đoàn đại diện cho công nhân viên chức lao động, trong bối cảnh đất nước ta 5 năm qua, đặc biệt năm 2020 thiên tai, dịch bệnh trên toàn cầu. Nhưng những nỗ lực vượt khó của lãnh đạo Đảng, trực tiếp giai cấp công nhân Việt Nam, chúng ta đã giải quyết khá tốt bài toán kinh tế, an sinh xã hội, giữ được sự đoàn kết, thống nhất.
Điều đầu tiên đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp - đảm bảo ổn định đời sống người lao động, đặc biệt an sinh xã hội được quan tâm, nhất là vùng khó khăn, bị thiên tai, người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa được quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. (ảnh Đ. Hải) |
Thủ tướng ghi nhận, các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Nhiều địa phương có việc làm sáng tạo, hỗ trợ người lao động như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, các tập đoàn như Than Khoáng sản, Dệt May…
Qua đó, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố. Thủ tướng khẳng định, năm 2020 là năm thành công của nước ta, thành công đó cho chúng ta kinh nghiệm hay, bài học quý, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, giai cấp công nhân Việt Nam. Trong khó khăn, chúng ta càng đoàn kết, cùng nhau chia sẻ, phát triển.
Thủ tướng ghi nhận, sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính phủ trong 5 năm qua đã tạo động lực, nền tảng quan trọng, qua đó thực hiện tốt chế độ, quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách, kịp thời phản ánh những vấn đề lớn, quan trọng mà người lao động quan tâm; đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động - thể hiện trách nhiệm với người lao động.
5 năm qua, Thủ tướng đánh giá cao các cấp chính quyền, đặc biệt Công đoàn, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có nhiều hoạt động chăm lo tốt hơn cho người lao động; tham gia với Công đoàn giải quyết tốt việc làm, đời sống cho người lao động, góp phần đó ổn định tình hình quan hệ lao động, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới công nhân lao động đã nỗ lực vượt khó, lao động quên mình, đóng góp vào hơn 70% ngân sách Nhà nước, góp phần vào sự tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng khẳng định, trong suốt 90 năm, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của giai cấp công nhân, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, đi đầu sự nghiệp trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao giai cấp công nhân Việt Nam đã quan tâm nâng cao tay nghề, trình độ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, nên công nhân lao động Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường lao động quốc tế.
Nêu trăn trở của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về đời sống, việc làm, nhà ở của một bộ phận người lao động, nhất là công nhân khu công nghiệp còn nhiều khó khăn về nhà ở, từ đó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước, trong đó có tổ chức Công đoàn cần tập trung chăm lo, nâng cao đời sống cho người lao động.
Trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị: Cần phát huy hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước"; phát triển thị trường lao động đồng bộ về cơ chế chính sách, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực cao; không ngừng nâng cao mức sống cho công nhân lao động. “Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên trong 5 năm tới, cần dành nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ cho công nhân lao động”, Thủ tướng đề nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới cách làm, lắng nghe ý kiến của công nhân lao động, phục vụ thiết thực cho người lao động.
Thủ tướng kêu gọi giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, ra sức học tập, nỗ lực đóng góp đưa đất nước ta phát triển trong thời gian tới. Đồng thời kỳ vọng công nhân lao động Việt Nam thời kỳ mới sẽ có trí thức, kỹ năng hiện đại, có tác phong công nghiệp, ý thức tự tôn dân tộc, trung thành với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng… tích cực đóng góp vào sự phát triển của đất nước. “Chúng ta cùng bắt tay nhau chăm lo cho đời sống giai cấp công nhân ngày một tốt hơn”, Thủ tướng nhắn gửi.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kinh doanh hiệu quả
Tin mới 21/11/2024 16:43
Hưng Yên đẩy mạnh thu hút vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao
Tin mới 21/11/2024 16:32
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica
Tin mới 21/11/2024 10:28
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia
Tin mới 20/11/2024 20:22
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn tổ chức bộ máy phải thực hiện với quyết tâm cao nhất
Tin mới 19/11/2024 19:35
Điều kiện để được trao danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô
Tin mới 19/11/2024 14:31