Công đoàn đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động
Lao động là F0, F1 tăng khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng
Báo cáo về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Theo báo cáo nhanh của 29/38 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương được yêu cầu gửi báo cáo nhanh về Tổng Liên đoàn, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành nhằm nắm bắt tình hình lao động và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành. |
Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao, như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Thừa Thiên - Huế (98,4%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%), Hải Phòng (96%); Long An (95%), Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (95%)…
Một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).
Báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, ở nhiều địa phương số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Về nhu cầu sử dụng lao động, theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000 lao động), Hải Phòng (trên 50.000 lao động), Tây Ninh (khoảng 46.000 lao động), Kiên Giang (khoảng 44.000 lao động), Cà Mau (khoảng 35.000 lao động), Bắc Ninh (từ 25.000 - 30.000 lao động), Hà Nội (khoảng 26.000 lao động), Quảng Ninh (khoảng 24.500 lao động), Bình Phước (khoảng 18.000 lao động), Thừa Thiên - Huế (khoảng 12.000 lao động)…
Về nguyên nhân thiếu hụt lao động tại các địa phương, ông Vũ Hồng Quang cho biết: Qua tổng hợp từ cơ sở, lý do chính là sau Tết Nguyên đán, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gắn bó gần hơn với gia đình nên không trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, một phần không nhỏ trong số chưa quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi); một bộ phận người lao động do chưa tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 nên còn ngại quay trở lại làm việc.
Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.
Tại Hội nghị, đại diện công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp một số địa phương cũng nêu hạn chế, bất cập trong chính sách hiện nay, đó là một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được người lao động, không thu hút được người lao động vào làm việc.
Cần có chính sách lâu dài, căn cơ để thu hút lao động
Là địa phương có số lượng lao động thiếu hụt lớn nhất cả nước hiện nay, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương lên tới 90.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động trở về quê ăn Tết chưa trở lại Bình Dương làm việc do ở địa phương cũng có khu công nghiệp, điều kiện, giá cả sinh hoạt ở quê thấp hơn ở Bình Dương rất nhiều. Bà Loan đưa ra bài toán, thu nhập của công nhân lao động ở Bình Dương khoảng 7 triệu đồng (phải thuê nhà, lo cho con cái học hành, giá sinh hoạt cao), trong khi đó ở quê, công nhân lao động chỉ cần thu nhập từ 4-5 triệu đồng là có thể đảm bảo cuộc sống, lại không phải xa người thân.
Từ thực tế trên, bà Loan đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có đề xuất với Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp căn cứ vào đó tăng lương cho người lao động, giúp người lao động an tâm ở lại Bình Dương làm việc.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng cho biết, sắp tới, thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân lao động thuê, mua… qua đó tạo sự yên tâm, gắn bó cho công nhân lao động địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương.
Bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị. |
Đồng tình với ý kiến của Bình Dương, bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng, giá cả sinh hoạt tăng cao, lương tối vùng không đảm bảo sinh hoạt và cuộc sống của lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến làm việc nên hiện các địa phương rất khó tuyển dụng lao động. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Long An đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành để tiến hành xây dựng Thiết chế Công đoàn - đây được coi là giải pháp về lâu dài để thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương.
Thông tin thêm về tình hình lao động tại địa phương, bà Cúc cho biết: Năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An có nhu cầu tuyển dụng khoảng 51.000 lao động. Những ngày đầu tháng 3/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với đoàn thể các huyện để tuyển dụng lao động tại địa phương, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ.
Theo đó, bà Cúc đề xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể chỉ đạo LĐLĐ các địa phương có nguồn lao động tổ chức ngày hội việc làm để kết nối cung - cầu lao động. LĐLĐ tỉnh Long An sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức xe đón công nhân lao động về các tỉnh về Long An làm việc.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các cấp Công đoàn và doanh nghiệp tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo, đề xuất, kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các bộ, ngành liên quan.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào phục hồi thị trường lao động là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong đó, với tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt hơn sứ mệnh chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn, từ đó thu hút người lao động về với tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh đó, hoạt động cũng nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của Công đoàn là chăm lo việc làm, đời sống người lao động. Đây cũng là sự chia sẻ của Công đoàn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu hụt lao động. Với Chính phủ, đây là hoạt động khẳng định sự đồng hành của Công đoàn với Chính phủ để thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế và đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.
Nhấn mạnh việc thiếu hụt lao động đang diễn ra ở nhiều địa phương, ngành với nhiều cấp độ, loại hình và trình độ lao động khác nhau, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp; và việc thiếu hụt này còn có thể kéo dài, cần nhiều giải pháp trong thời gian dài… Theo đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người lao động sớm trở lại doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khuyến khích LĐLĐ các tỉnh, thành phố phối hợp với nhau để tuyển dụng, điều phối lao động, qua đó góp phần ổn định đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động.
Tại Hội nghị, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc… Đồng thời kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của người lao động như: Quan tâm điều chỉnh lương tối lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19… để người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn. Đi liền với đó, khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài… |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Bật mí công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây Mãng Cầu vạn người mê
Tin khác
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
LĐLĐ quận Long Biên trao 100 triệu đồng hỗ trợ xây nhà ở cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Hoạt động 20/11/2024 16:41
Thăm hỏi, tặng quà 18 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Hoạt động 20/11/2024 16:23
Ba Đình: Chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Công đoàn 19/11/2024 22:13
Kiểm tra, giám sát chuyên đề công tác nữ công tại Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội
Hoạt động 19/11/2024 21:01