Việt Nam hiện nay trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp thì thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là một tất yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học.
Với việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập đã mở ra, tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học công lập nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Sở dĩ như vậy vì khi thực hiện chế độ giao, khoán mức chi như điện thoại, văn phòng, công tác phí… sẽ giảm đáng kể chứng từ, hóa đơn, các đơn vị sử dụng tiết kiệm các nguồn kinh phí để từ đó góp phần vào việc tăng thu nhập cho giảng viên và cán bộ công nhân viên. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế này còn góp phần sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
Việc thực hiện tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập còn tăng nguồn thu để đầu tư cho giáo dục. Thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học ở các nước trên thế giới nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Kinh phí nhà nước phân bổ cho hoạt động, đặc biệt là giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Kinh phí phân bổ cho nghiên cứu hoặc hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu từ các nguồn khác nhau (từ các bộ);
Học phí và các loại phí khác thu được từ sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài; Nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp đồng đào tạo, dịch vụ tư vấn, bản quyền...
Đại học Hà Nội là một trong những trường đại học công được tự chủ tài chính. Ảnh NLĐ |
Khi nguồn thu tăng lên, các trường đại học sẽ có những nguồn lực tài chính để tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục giáo dục đại học.Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ trong khuôn viên nhà trường phục vụ giảng viên, sinh viên và cộng đồng; Nguồn thu từ hiến tặng, tài trợ, quà biếu, đầu tư. Với việc trao quyền tự chủ về thu tài chính sẽ góp phần nâng cao tính năng động, sáng tạo của các trường đại học trong việc tìm kiếm các nguồn thu, giảm bớt sự bao cấp của nhà nước.
Để giữ chân được các giảng viên giỏi thì các trường phải có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Với việc trao quyền tự chủ tài chính, các trường đại học sẽ có điều kiện để tăng thu, tiết kiệm chi, có nguồn lực nâng cao đời sống, thu nhập của giảng viên, tạo động lực để họ tích cực lao động nâng cao chất lượng đào tạo.
Vướng mắc và bất cập gì?
Nguồn tăng thu của các trường đại học hiện nay vẫn là tăng quy mô đào tạo chứ chưa huy động được các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước.
Điều này phản ánh chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học công lập hiện nay chưa cao. Trong khi ở nhiều trường đại học khác trên thế giới, nguồn thu từ chuyển giao nghiên cứu khoa học khá lớn.
Tỷ lệ chi cho con người (chi cho các hoạt động và tiền giờ giảng) chiếm phần lớn các nguồn chi, trong khi tỷ lệ chi cho cơ sở vật chất chưa tương xứng. Điều này cũng sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Các trường đại học được tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ.
Trong thời gian dài, do bị khống chế về trần học phí, mức trần học phí thường thấp, thu không đủ chi cho nên một số cơ sở giáo dục đại học công lập xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.
Để có nguồn bổ sung thu nhập các trường phải khai thác từ các hoạt động đào tạo không chính quy, dẫn đến thời gian đứng lớp của giảng viên đại học phần lớn bị quá tải. Việc duy trì mức học phí thấp, dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn để cải thiện thu nhập cho giảng viên từ nguồn học phí chính quy, không thu hút và giữ được những giảng viên có trình độ tham gia giảng dạy.
Hầu hết các giảng viên đại học đều vượt định mức giờ giảng theo quy định, có những trường hợp vượt tới 150% đến 200% định mức giờ giảng. Điều này dẫn đến, việc giảng viên đại học không có thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm... Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hướng đến chất lượng đào tạo.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cần đổi mới việc thực hiện cơ chế này trên một số mặt sau đây:
Thứ nhất, trao nhiều quyền tự chủ về mức thu hơn nữa cho các trường đại học công lập, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí.
Cùng với đó, nhà nước sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học (nghĩa là nhà nước chuyển việc hỗ trợ gián tiếp cho các đối tượng chính sách thông qua các cơ sở đào tạo sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ được lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp nhất).
Thứ hai, các trường được tự chủ hơn nữa về quản lý và sử dụng tài sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, ví dụ được phép cho thuê tài sản trong trường hợp tài sản chưa sử dụng hoặc sử dụng nhưng chưa hết công suất.
Thứ ba, bên cạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho các trường đại học cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường Đại học nhằm đảm bảo các trường Đại học hoạt động theo đúng luật pháp.
Thứ tư, đối mới phương pháp phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học theo kết quả đầu ra; giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và sản phẩm cuối cùng. Nhà nước giao ngân sách gắn với các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở hoạt động có chất lượng hiệu quả với cơ sở kém chất lượng, không hiệu quả.
Tiến tới, nhà nước sẽ thực hiện cơ chế đặt hàng đối với đào tạo đại học. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều được tham gia vào quy trình tuyển chọn kinh phí đặt hàng đào tạo từ ngân sách nhà nước.
Thứ năm, bên cạnh tự chủ về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập cần thực hiện đồng bộ với tự chủ trên các lĩnh vực khác, ví dụ như tự chủ trong tuyển sinh và tuyển dụng.
Việc giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với việc hạn chế nguồn thu của các trường này. Do đó, đi kèm với tự chủ tài chính thì các trường phải được quyết định số lượng tuyển sinh. Bộ giáo dục và đào tạo giám sát chất lượng, đưa ra thước đo chuẩn chất lượng từ đó có căn cứ để kiểm tra số lượng truyển sinh.
Trong tuyển sinh, các trường tính tính cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ để định ra chỉ tiêu tuyển sinh báo cáo Bộ Giáo dục và đào tạo duyệt. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cũng cần được cho phép tự chủ hơn nữa trong việc trả thu nhập cho người lao động, cho phép các trường áp dụng cơ chế lương đặc thù để thu hút giảng viên và chuyên gia giỏi.
Tuy nhiên, cần phải có cơ chế giám sát hữu hiệu để hạn chế việc tuyển người không vì nhiệm vụ mà do quan hệ của Thủ trưởng.