TPHCM bị "bịt chặt" bởi các trạm thu phí
2 cửa ngõ, 10 trạm thu phí
Nếu tính về mật độ lưu thông thì TPHCM chỉ có 2 cửa ngõ chính là Đông Bắc (thông thương với các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ) và Tây Nam (thông thương với các tỉnh miền Tây) với các trục đường chính là quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt)…
Tuy nhiên, trên các tuyến đường chính nối thông cửa ngõ với trung tâm thành phố này bị hàng loạt trạm thu phí “trấn thủ” để thu phí giao thông đường bộ.
Hầu như cửa ngõ nào của thành phố cũng có trạm thu phí "trấn thủ"
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố có tất cả 8 trạm thu phí giao thông đường bộ, bao gồm: trạm Kinh Dương Vương trên đường Kinh Dương Vương, trạm Tân Kỳ Tân Quý đường Tân Kỳ Tân Quý, trạm Nguyễn Thị Tú đường Nguyễn Thị Tú, trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1A, trạm Nguyễn Văn Linh trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm thu phí cầu Phú Mỹ nằm trên đường Vành đai 2, trạm Xa lộ Hà Nội trên xa lộ Hà Nội, trạm Bình Triệu 2 trên quốc lộ 13.
Đó là chưa kể trạm thu phí An Sương - An Lạc ngoài 1 trạm thu phí chính tại Km 1906+700 còn có 3 điểm thu phí phụ tại ngã ba Bà Quẹo, giao lộ đường số 7, giao lộ đường M1. Như vậy hiện TP có tất cả là 8 trạm với 11 điểm thu phí.
Ngoài ra, hiện thành phố còn có 2 trạm thu phí sắp sửa đưa vào hoạt động là trạm Bình Triệu 1 dưới chân cầu Bình Triệu 1 và trạm Thủ Thiêm thu phí cho đường hầm sông Sài Gòn. Cả 2 trạm thu phí này đều đã tiến hành thu phí thử nghiệm, đang chờ cái “gật đầu” của UBND TP là bắt đầu thu phí.
Nếu nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ càng giật mình hơn với mật độ dày đặc của các trạm thu phí. Bởi tất cả 10 trạm đã, đang và sắp thu phí trên địa bàn TPHCM đều nằm trong bán kính 10km tính từ tâm là khu vực quận 1.
Sẽ lập quy hoạch trạm thu phí
Trả lời báo giới về mật độ dày đặc của các trạm thu phí tại TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên các trục đường như xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ… là phù hợp với yêu cầu hoàn vốn của các dự án thực hiện theo hình thức BOT, chuyển nhượng quyền thu phí theo hợp đồng đã ký và đã được thông qua HĐND TP.
Còn về việc hệ thống trạm thu phí An Sương - An Lạc lập nhiều trạm con để tận thu, Sở cho biết, chủ đầu tư làm đúng quy định. Theo Sở, quyết định số 3510/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2005 của Bộ Giao thông vận tải cho phép chủ đầu tư dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc được lập 1 trạm thu phí chính và 5 trạm thu phí phụ để thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án.
Như vậy, việc chủ đầu tư mới chỉ lập 1 trạm chính và 3 trạm phụ là... còn ít, chưa hết “quota”. Tuy nhiên, Sở khẳng định dù lập nhiều trạm phụ nhưng tất cả xe lưu thông qua đoạn đường này đảm bảo chỉ phải trả phí 1 lần/chiều đi.
Theo Sở GTVT, trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố còn hạn hẹp, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Và khi nhà đầu tư đã xây dựng hạ tầng thì việc thu phí cầu đường đối với phương tiện sử dụng là việc tất yếu. Do đó, Sở đề nghị báo chí “cần có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này”.
Tuy vậy, trong thông báo trả lời báo chí, Sở GTVT cũng thừa nhận: “Mặc dù các trạm thu phí đều thu đúng vị trí, đúng đối tượng nhưng do nhiều lý do như có nhiều chủ đầu tư khác nhau, công nghệ thu phí khác nhau, thời gian thu phí hoàn vốn các dự án khác nhau… đã dẫn đến tình trạng các trạm thu phí phải bố trí như hiện nay”.
Việc bố trí các trạm thu phí hiện nay dày đặc và rối đến mức thành phố muốn kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án BOT mới cũng không kiếm đâu ra chỗ để... đặt trạm thu phí. Điển hình như dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn cũ, dù đã xác định chủ đầu tư từ lâu nhưng chưa thể khởi công vì chủ đầu tư và thành phố chưa thống nhất được địa điểm đặt trạm thu phí hoàn vốn cho dự án.
Lý do đơn giản là bởi trong khu vực này đã có trạm xa lộ Hà Nội, trạm Phú Mỹ đang hoạt động và trạm Thủ Thiêm sắp đưa vào hoạt động. Sau đó, thành phố phải chuyển dự án này từ hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) sang hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì chủ đầu tư mới chịu khởi công.
Theo Sở GTVT, để khắc phục tình trạng trên, UBND TP đã giao cho Sở nhiệm vụ lập quy hoạch các trạm thu phí giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM. “Sau khi có quy hoạch, việc bố trí các trạm thu phí trên địa bàn của thành phố sẽ được phân bố hợp lý hơn” - bản thông báo của Sở này khẳng định.
Theo Dân trí
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội - La Habana lên tầm cao mới
Tin mới 02/11/2024 15:23
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39
Huy động 256.250 tỷ đồng để đầu tư phát triển văn hóa
Sự kiện 01/11/2024 17:28
Đại biểu đề nghị quy định về phòng cháy tại nhà chung cư cao tầng
Sự kiện 01/11/2024 13:57
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm làm Tổng Giám đốc VTV
Tin mới 01/11/2024 13:53
Hôm nay 1/11, Quốc hội thảo luận Luật Phòng cháy, chữa cháy; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Tin mới 01/11/2024 08:44
Cầu nối tăng cường giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam
Tin mới 31/10/2024 20:49
Đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế
Sự kiện 31/10/2024 20:34
Đề nghị nâng mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
Sự kiện 31/10/2024 18:55