Tiếng chuông thức tỉnh lòng người
Lời hứa đẹp | |
Tết nhạt hơn bởi toan tính của lòng người |
Chuông chùa thức tỉnh kẻ sa ngã
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thọ vào một ngày nắng nóng của trung tuần tháng 9 khi anh đang chăm sóc hai con nhỏ. Anh gây ấn tượng người đối diện với vẻ mặt phong trần nhưng hiền khô, có vẻ thâm trầm ít nói. Nhìn anh trẻ hơn nhiều so với tuổi vốn có. Công việc hàng ngày của anh là ở nhà chăm hai con, đồng thời chăn nuôi, nấu rượu và làm vỏ bọc ghế để vợ đi xuất khẩu lao động bên Nhật.
Trước kia, anh Thọ từng bị nhiều người gọi là kẻ “bán giời không văn tự” khi bán đi ngôi nhà hương hỏa để trả nợ nần, vậy mà duyên nghiệp đã đưa đẩy anh xuất gia nương nhờ cửa Phật. Trong những năm phát tâm quy y, anh Thọ nhiều lần làm đơn xin hiến mô, tạng cứu người. Và tới năm 2007, anh đã quyết định hiến một bên thận của mình cứu một đứa trẻ bị viêm cầu thận hoàn toàn xa lạ.
Anh Phạm Văn Thọ chia sẻ câu chuyện với phóng viên. |
Chia sẻ với phóng viên, anh Thọ cho biết: Anh là con trai duy nhất trong một gia đình có tới 5 chị em gái. Bố là thương binh, mẹ ốm đau triền miên nên gia đình hoàn cảnh rất khó khăn. Khi anh lên 6 tuổi mẹ mất, bố cũng mất 2 năm sau. Sau đó, anh Thọ được gia đình gửi đi học tại trường nội trú Hoàng Đằng Miện - trường dành cho con em thương binh, liệt sĩ ở Bắc Ninh. “Tuy nhiên, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, thiếu định hướng của người thân… nên tôi dễ nhiễm những thói hư tật xấu”, anh Thọ bộc bạch.
Học được 3 năm, theo đám bạn xấu anh Thọ bỏ học giữa chừng chơi bời lêu lổng. “Thời gian đó, tôi bắt đầu đi học lái xe tại Phú Thọ. Đây chính là thời gian tôi bắt đầu sa ngã và hư hỏng. Sống trong môi trường quanh mình toàn người nghiện ngập, nhưng may mắn tôi không dính nghiện. Tuy nhiên, tôi cũng chơi bời, cờ bạc… không có điểm dừng, đến nỗi phải giấu các chị bán mảnh đất hương hỏa lấy tiền trả nợ và trắng tay”.
“Tay nải gió đưa”, tha hương anh Thọ dạt vào Sài Gòn mưu sinh. Một mình lang thang nơi đất khách quê người công ăn việc làm không ổn định, được mọi người nói cho anh biết ở Tu viện An Lạc đang cần thuê người chăm bón vườn cà phê. Anh Thọ đã tìm đến và xin được làm thuê tại đây.
Thật lạ, những ngày sống trong Tu viện, nghe tiếng các nhà sư tụng kinh, được sống những ngày an lành, anh Thọ mới ngấm và thấm thía những tháng ngày tuổi trẻ đã sống hoài, sống phí như thế nào. Ý nghĩ đi tu nhen nhóm trong anh từ đó. Anh quyết định xin xuất gia với pháp danh Thích Đạo Tín, hy vọng sẽ rèn giũa bản thân và thức tỉnh lại chính mình. Những tháng ngày sống ở chùa, giáo lý của nhà Phật làm thay đổi hoàn toàn con người anh.
Thời gian sống ở Tu viện, anh Thọ luôn ao ước làm được một việc gì đó có ích cho đời. Thế nên năm 2004, khi tình cờ xem chương trình truyền hình về hiến tạng, ngay lập tức trong đầu anh xuất hiện ý nghĩ phát nguyện hiến một phần nội tạng của mình để cứu người khác. “Tôi luôn nghĩ sự sống của con người là quý giá nhất, nếu chỉ bớt một phần thân thể của mình mà cứu sống được một con người thì đó chính là việc làm ý nghĩa nhất của người tu hành. Và những điều ý nghĩa và tốt đẹp thì hãy làm ngay đừng chờ tới ngày mai. Vì không biết mình còn sống được tới bao giờ”, anh Thọ nói.
Nghĩ là làm, anh Thọ viết đơn xin hiến nội tạng gửi đến các bệnh viện lớn, nhưng chờ mãi không thấy một nơi nào hồi âm. Mấy năm sau, anh Thọ trở về Bắc sống ở một ngôi chùa tại Phú Thọ. Đến lúc đó anh mới có cơ hội thực hiện ước nguyện bấy lâu vẫn hằng ấp ủ. “Vào một buổi trưa tôi đang ở chùa thì một người đàn ông gầy gò, khuôn mặt khắc khổ đến tìm gặp.
Ông ấy xưng tên là Nguyễn Văn Hùng, có con mắc chứng viêm cầu thận đã nhiều năm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu không được hiến thận thì đứa con của ông ấy sẽ chết. Ông ấy nghe các bác sĩ trong viện nói tôi có ý định hiến tạng nên liều đến đây ngỏ ý xin tôi một quả thận để cứu con. Tôi đồng ý”, anh Thọ kể. Rất may, trong lần xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Trung ương các chỉ số giữa anh Thọ và cháu bé hoàn toàn tương thích và ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.
Người thọ thí là ân nhân của kẻ bố thí
Chia sẻ lý do hoàn tục của mình, anh Thọ bảo, có lẽ do anh chưa đủ duyên và còn nặng nợ với đời nên tu chưa thành. Nhưng có lẽ lý do chính, vẫn là sự mong mỏi, ước ao của những người chị ngày đêm mong anh hoàn tục để có người nối dõi tông đường, hương hỏa cho cha mẹ. Năm 2009, anh Thọ lấy vợ và sinh được hai người con một trai, một gái. Trong suốt quá trình nói chuyện, anh Thọ luôn nhận mình là người có phúc. Vì theo quan niệm của anh: “Có phúc không phải là lắm tiền nhiều của mà là con cái khỏe mạnh, ngoan hiền, cuộc sống vợ chồng hài hòa ấm êm”. |
Được biết, việc hiến tạng ngay khi còn sống cho người xa lạ là một quyết định không phải ai cũng làm được và không phải ai cũng đồng tình ủng hộ. Theo lời anh Thọ, ngày anh lên bàn phẫu thuật hiến tạng cứu cháu bé bị viêm cầu thận cũng là ngày giỗ mẹ. Anh không dám chia sẻ quyết định này với bất cứ ai trong gia đình, bởi vì tình thương mọi người nhất định sẽ ngăn cản. Ngay trong giới tu hành còn có người mong anh suy nghĩ lại vì lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này, thì trách gì người đời không xót thương.
“Khi quyết định hiến thận tôi tự ý thức, hai quả thận cũng giống như hai người lao động, giờ chỉ còn một người thì sức lao động sẽ giảm đi một nửa, vậy nên việc ảnh hưởng tới sức khỏe là đương nhiên. Tuy nhiên, khi tôi đã quyết thì ý chí vững vàng, khó lòng xoay chuyển”, anh Thọ nhớ lại.
Tuy nhiên, sau khi hiến thận cứu người, bên cạnh những lời chia sẻ, động viên anh Thọ cũng gặp phải không ít lời dị nghị, đàm tiếu cho rằng anh hiến thận vì mục đích kinh tế. “Nhưng tôi không mảy may quan tâm, bởi lẽ bản thân không nghĩ và tâm không làm vì mục đích như vậy, thì có lý do gì phải bận lòng và biện minh”- anh Thọ nói.
Nhắc tới người được hiến tặng thận, anh Thọ không hề mong được trả ơn, mà chỉ mong cháu bé sớm khỏe mạnh để cả gia đình bớt khổ. “Tôi được biết gia đình cháu gần như tán gia bại sản từ ngày phát hiện và chạy chữa bệnh cho con. Cho đến bây giờ, bố cháu hàng ngày ở viện chăm con, còn mẹ cháu đi chợ bán rau, dưa, mắm muối ngoài chợ… vậy nên rất vất vả”, anh Thọ nói.
Hơn nữa, theo lý giải của anh Thọ, với người từng tu hành việc hiến thận cho người khác là bố thí, người được nhận thận hiến tặng được gọi là thọ thí, chính vì vậy người bố thí phải mang ơn của người thọ thí. “Nếu người tu hành muốn được phúc báo ở đời này và đời sau thì phải làm các công việc bố thí, tiền của, bố thí trí tuệ, bố trí thân thể... Bởi vậy bố thí là để được hưởng phúc báo, làm lợi ích cho chúng sinh. Nếu ai cũng hiểu được như vậy thì việc bố thí sẽ có kết quả tốt đẹp hơn. Vậy thì sau khi bố thí tạng tôi còn mong cầu gì được trả ơn và báo đáp”, anh Thọ lý giải.
Hơn mười năm sau khi hiến tạng cứu người, anh Thọ đã hoàn tục lấy vợ và sinh được hai đứa con khỏe mạnh. Giờ đây, anh vẫn nói không mong mọi người sẽ học làm theo mình hiến mô, tạng khi còn sống. Tuy nhiên, anh chỉ mong mọi người có cái nhìn đúng đắn và tích cực hơn về việc hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Bởi lẽ, chính hành động hiến tạng nhân đạo sẽ hồi sinh cuộc đời, nối dài sự sống cho những người bệnh đang sống lay lắt chờ tạng hiến mỗi ngày.
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05