Thị trường lao động năm 2015: Chú trọng chất lượng nhân lực
Cầu cao, cung giảm
Theo thống kê từ sàn giao dịch việc làm Hà Nội trong năm 2014, qua 54 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 49 phiên cố định; 4 phiên lưu động tại các quận, huyện có thị trường lao động phát triển như quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Sóc Sơn và 1 phiên online phối hợp với 5 tỉnh thành) cho thấy, tỷ lệ kết nối cung-cầu lao động tại các phiên giao dịch chỉ đạt bình quân gần 25%. Còn phân theo trình độ, tỷ lệ kết nối thành công đối với lao động có trình độ đại học chiếm 28,54%, trình độ cao đẳng chiếm 31,4%, trình độ trung cấp, chứng nhận kỹ thuật chiếm 26,9% lao động phổ thông chiếm 13,16%... Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội (Sở LĐTBXH Hà Nội), sở dĩ tỷ lệ này thấp là do nguồn cung lao động chủ yếu gồm các đối tượng như là học sinh, sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, lao động có chất lượng đào tạo thấp hoặc chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường lao động Hà Nội còn tình trạng lao động trình độ ĐH, CĐ vẫn chấp nhận làm các công việc chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật hoặc thậm chí làm lao động phổ thông.
Còn theo báo cáo khảo sát nhân lực trực tuyến định kỳ quý của Vietnamwork, Hà Nội là địa phương đăng tuyển dụng lao động nhiều nhất thời gian qua, vượt qua cả TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, số lượng ứng viên nộp đơn tại Hà Nội không nhiều bằng TP Hồ Chí Minh, dẫn đến việc Thủ đô không nằm trong top 5 địa phương có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất về phía ứng viên. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng và Bắc Giang là 5 địa phương tuyển dụng “nóng” nhất về mặt cạnh tranh giữa các ứng viên. Đơn cử ở TP Hồ Chí Minh, để giành được một vị trí công việc, mỗi ứng viên trung bình phải vượt qua 58 ứng viên khác (Tỷ lệ cạnh tranh này tính bình quân trên toàn quốc trong năm 2014 là 1/48, giảm hơn so với năm 2013 là 1/65).
Việc nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh và nguồn cung nhân tài giảm cũng dẫn đến tỉ lệ cạnh tranh đối với người tìm việc giảm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thị trường lao động dễ dàng hơn với người tìm việc, đặc biệt là sinh viên ĐH – CĐ mới ra trường, bởi các công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Do đó, xảy ra tình trạng có nhiều lựa chọn công việc cho những người đã đi làm nhiều năm, thu thập được một “số vốn” kinh nghiệm. Trong khi đó, người mới ra trường không tìm được nhà tuyển dụng phù hợp, cho dù số lượng công việc được đăng tuyển đã tăng lên nhiều so với năm trước nhưng số công việc dành cho sinh viên mới ra trường chỉ chiếm 3%, còn lại là các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng quản lý.
Khó giải quyết chênh lệch cung - cầu
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia lao động về thị trường lao động Hà Nội trong năm 2015. Theo đó, sự chênh lệch cung - cầu trên thị trường lao động Hà Nội vẫn còn khó giải quyết mặc dầu Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút nhân lực cấp cao.
Hiện Hà Nội vẫn đang thiếu những cơ sở phân tích dữ liệu về cung - cầu lao động. Để giải quyết, ngành LĐTBXH Hà Nội đang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu về thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh kết nối với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các địa phương trong thời gian tới. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra những dự báo tốt giúp cho việc đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường phát triển, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, người lao động có cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo hơn.
Giải pháp trước mắt với Hà Nội thời gian tới là tập trung nâng cao tỷ lệ kết nối cung - cầu ở các phiên giao dịch việc làm bằng cách tuyên truyền, thông tin rộng rãi các số liệu liên quan đến thị trường lao động, nhất là nhu cầu tuyển dụng, xu hướng phát triển của các ngành, nghề. Đơn cử như nhu cầu nhân lực ngành tư vấn và kiến trúc, thiết kế nội thất năm 2015 sẽ tăng cao hơn khi hàng loạt các dự án nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội mới bàn giao đưa vào sử dụng. Đặc biệt, đến cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức khởi động sẽ tạo ra những cơ hội, thách thức lớn đối với thị trường lao động Hà Nội. Khi đó sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Người lao động nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ có thêm cơ hội tìm việc làm tại các nước trong khối nếu bên cạnh việc trau dồi trình độ chuyên môn tốt là sự thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của lao động Hà Nội về cả chất lượng và năng suất lao động. Cùng với sự gia tăng các nhà đầu tư nước ngoài vào VN (với một trong những điểm đến là Hà Nội) như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử tại thị trường VN trong năm mới cũng hứa hẹn thu hút nhiều lao động có kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm.
Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành VietnamWorks nhận xét: “Cùng với xu thế phục hồi của nền kinh tế, tình hình tuyển dụng nhân lực đang ngày càng khởi sắc. Rất nhiều nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nhân tài tại Việt Nam, tuy nhiên, số lượng nhân tài có kinh nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Do đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn có rất nhiều tiềm năng phát triển”.
Tuấn Kiệt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách
Việc làm 01/11/2024 14:30
Đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động trên địa bàn huyện Ba Vì
Việc làm 27/10/2024 19:15
Thêm cơ hội mới cho lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 27/10/2024 14:22
Sắp diễn ra Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024
Việc làm 25/10/2024 05:43
Cơ hội việc làm rộng mở tại Phiên giao dịch trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố
Việc làm 24/10/2024 19:41
Hải Phòng hỗ trợ chi phí đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2030
Việc làm 21/10/2024 22:44
Hà Nội: 9 tháng, gần 59.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Việc làm 18/10/2024 06:06
TP.HCM: Chi hơn 76.600 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề
Việc làm 16/10/2024 16:16
Thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nam - châu Âu
Việc làm 11/10/2024 22:37
“Kém nhiệt” lao động thời vụ cuối năm tại TP. HCM
Việc làm 05/10/2024 17:07