“Khó tiếp cận” là nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp, người dân đưa ra.
Bạn đọc Duy Ngọc chia sẻ với TTO: “Tôi là người đi mua nhà chung cư ở Happy City. Nghe có gói 30.000 tỷ, tôi mừng lắm vì định mua cho thằng con trai sắp lấy vợ. Lương của tôi dưới 8 triệu đồng một tháng, tôi đã đặt cọc 30 triệu đồng cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, NH không cho tôi vay, vì cho rằng với mức lương 8 triệu đồng một tháng tôi không đủ trả nợ và sinh sống”.
Bạn đọc Duy Ngọc bức xúc: “Lương trên 9 triệu đồng một tháng thì không được vay, dưới 9 triệu thì cũng không luôn, vậy chắc đúng 9 triệu mới được!?”.
Chị Tuyết Hồng, nhân viên kế toán (quận 7, TP HCM) cho biết: “Các NH thường ngại cho người làm tư nhân vay. Vì người vay khó cam kết ủy quyền cho cơ quan tự trích tiền lương để trả nợ. Nhiều người bảo muốn vay phải khai khống mức lương thực tế, nhưng điều đó rất khó”.
Người dân, doanh nghiệp kêu khó
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết, ngày 15/4/2015, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý ách tắc của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng gửi đến Bộ Xây dựng và NH Nhà nước.
Khách hàng tìm mua căn hộ tại một dự án nhà ở xã hội vừa khởi công tại TP HCM |
Theo đó, các khó khăn người dân thường gặp phải là đối với cán bộ nhà nước, lực lượng vũ trang phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi làm việc và thực trạng nhà ở, đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận. Điều này gây tâm lý ngại chịu trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị khi xác nhận thực trạng nhà ở của nhân viên thuộc quyền.
Bộ Xây dựng xác định người thu nhập thấp là người có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (tức là thấp hơn hoặc bằng 9 triệu đồng một tháng).
Trong khi đó, NH cho rằng, người có mức thu nhập này không đủ điều kiện để trả nợ, nên không đủ điều kiện vay mua nhà.
Với lao động nhập cư, nhiều người không có bảo hiểm xã hội, trong khi mục 5 thông tư 17/2014/TTBXD quy định: “Trường hợp tạm trú phải đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục), và có xác nhận của cơ quan bảo hiểm”.
Riêng với các doanh nghiệp, những doanh nghiệp bị vướng nợ xấu không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hay chuyển đổi từ căn hộ lớn sang căn hộ vừa và nhỏ, nhưng chưa được chấp thuận cũng không thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo ông Châu, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn là cơ chế chính sách chậm được hoàn thiện. Thủ tục giải quyết cho người thu nhập thấp đô thị còn rắc rối, nhất là thủ tục chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay.
Khách hàng xem một dự án nhà ở xã hội tại TP HCM. Với dự án này khách hàng có thể vay gói 30.000 tỷ đồng. |
Ngân hàng “còn ngại”
Giám đốc chi nhánh của một NH cổ phần cho biết, rất ngại khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng, vì lợi nhuận từ gói này quá ít, hồ sơ lại khó khăn, số tiền cho vay không được nhiều, cao nhất chỉ khoảng 300 triệu đồng. Chưa kể sau này, nếu NH Nhà nước kiểm tra không đạt yêu cầu sẽ bắt thu hồi phần lãi suất chênh lệch.
Trong khi đó, các NH quốc doanh đã triển khai được gói cho vay này cho biết, thời gian qua họ cũng xoay xở bằng nhiều cách.
BIDV triển khai theo hướng những người vay có thu nhập trên mức 9 triệu đồng, nhưng nếu sau khi giảm trừ gia cảnh cho người thân mà thu nhập còn lại từ mức 9 triệu đồng trở xuống thì vẫn được xét cho vay. Với các đối tượng sau khi giảm trừ gia cảnh chỉ còn 4-5 triệu đồng thì NH yêu cầu người thân là bố mẹ ruột, anh em cùng cam kết trả nợ.
Liên quan đến những trường hợp đã được NH xét cho vay nhưng tiến độ giải ngân sau ngày 1/6/2016, NH cho biết, đã gửi thông báo đến chủ đầu tư, đối tác về vấn đề này, hội sở chính BIDV cũng đang nghiên cứu cách giải quyết.
Có thể sẽ theo phương án: Sau ngày 1/6/2016, NH vẫn sẽ giải ngân, nhưng lãi suất của phần dư nợ này sẽ cao hơn mức lãi suất cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng. “Phần dư nợ còn lại sau 1/6/2016 không nhiều, nhưng việc áp dụng mức lãi suất cao hơn sẽ là vấn đề, do đối tượng vay là người thu nhập thấp”, trưởng phòng khách hàng cá nhân một chi nhánh BIDV nói.
“Nhiều vướng mắc đang được xử lý dần”
Đó là khẳng định của ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Kiêm nói: “Mục tiêu của gói 30.000 tỷ đồng là hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, người không có điều kiện mua nhà trên thị trường. Hỗ trợ họ về lãi suất, thời hạn và nhiều vấn đề khác để họ có khả năng mua được nhà ở”.
Ông Kiêm cho biết, trước đây hồ sơ thủ tục cho người vay tiền để mua nhà còn nhiều nhiêu khê, phiền hà, như thời hạn còn ngắn, tỉ lệ giảm lãi suất quá ít, ít NH tham gia, đòi hỏi nhiều giấy tờ, xác minh phức tạp, vì vậy dẫn đến có rất ít người đáp ứng đủ các yêu cầu.
Cũng theo ông Kiêm, nhiều vướng mắc khác đang được tháo gỡ dần đáp ứng được nhu cầu của người vay: Thời hạn được kéo dài ra 10 năm, lãi suất giảm đi, những trường hợp xây nhà để bán sẽ có chính sách tín dụng mới, thủ tục công chứng về địa phương cũng sẽ được cân nhắc thay đổi. Vì thực tế có địa phương nắm được tình hình, có địa phương không, nên việc công chứng làm khó người dân.
Ông Kiêm cho biết, con số 20% được giải ngân là của năm nay, còn tính trong tổng thể từ trước đến nay thì gói 30.000 tỷ đã giải ngân được 1/3.
Nhiều NH được NH Nhà nước chỉ định tham gia gói hỗ trợ tạo cơ chế mở rộng đem đến lợi ích cho người mua nhà.
Ông Kiêm nói: “Nhiều NH tham gia đồng nghĩa sẽ có nhiều nguồn vốn. Do cạnh tranh khách hàng giữa các NH, nên thủ tục để giải ngân sẽ đơn giản hơn, có lợi cho người vay về thời hạn lẫn lãi suất. NH nào cải thiện thuận lợi hơn sẽ chiếm lĩnh thị trường, chiếm lĩnh khách hàng”.