Tháng công nhân 2019 và tâm tư người lao động
LĐLĐ huyện Hoài Đức phát động Tháng Công nhân năm 2019 | |
Toàn cảnh Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2019 | |
Tôn vinh, khen thưởng 171 lao động tiêu biểu nhân Tháng Công nhân |
Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng (quận Thanh Xuân):
Lấy người lao động làm trung tâm
Hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có gần 700 cán bộ, công nhân viên chức lao động đang làm việc. Thời gian qua, Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với Ban lãnh đạo Công ty tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động như: Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức cho người lao động đi thăm quan, nghỉ mát hằng năm; thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn và có chế độ hỗ trợ tạm ứng từ 50 – 100 triệu đồng khi người lao động có nhu cầu mua nhà hoặc giải quyết những công việc gia đình. Công ty cũng luôn đảm bảo đầy đủ chế độ lương, thưởng, BHXH, BHYT và các chế độ khác cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Cạnh đó, Công đoàn công ty đã thường xuyên phối hợp với LĐLĐ quận Thanh Xuân tổ chức tuyên truyền cho người lao động các kiến thức về pháp luật, y tế, an toàn vệ sinh lao động… Đặc biệt, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Công đoàn công ty đã đề xuất và được Ban lãnh đạo công ty chấp thuận nâng chất lượng bữa ăn ca từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/bữa. “Có thể nói, thời gian qua, Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với Ban lãnh đạo công ty trong việc chăm lo cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty. Tôi mong rằng, thời gian tới, Ban lãnh đạo Công ty tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả vai trò, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.
Anh Dương Phú Hưởng, công nhân Công ty Cổ phần Ao Vua (huyện Ba Vì):
Mong lương phải song hành với giá
Hiện tôi đang làm việc tại Công ty Cổ phần Ao Vua và luôn được Ban lãnh đạo công ty và các cấp Công đoàn quan tâm, chăm lo. Cụ thể như, nhân các ngày lễ, Tết, công ty đều tổ chức các hoạt động để chăm lo cho người lao động, tặng quà cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn cũng phối hợp với Ban lãnh đạo công ty tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động. Đặc biệt, mọi chế độ lương, thưởng và bảo hiểm cho người lao động đều được công ty đảm bảo.
Tuy nhiên, với mức lương trung bình của tôi là 4,5 triệu đồng/tháng, vợ tôi làm công nhân may, lương trung bình là 4 triệu đồng/tháng. Tổng lương của hai vợ chồng dao động từ 8 - 9 triệu đồng/tháng trong khi phải chi trả nhiều khoản như tiền cho 2 con ăn học, tiền sinh hoạt... May mắn là chúng tôi không phải chi trả tiền thuê nhà như nhiều lao động ngoại tỉnh nên với đồng lương còm cõi đó, chi tiêu khéo thì cũng đủ sống nhưng không có dư dả.
Vậy nên, nhân dịp Tháng công nhân và Quốc tế lao động 1/5, tôi mong muốn mức lương tối thiểu sẽ tăng lên trong thời gian tới để tỷ lệ thuận với mức sống tối thiểu của người lao động. Đặc biệt, tôi không được đào tạo qua kinh tế, song tôi thấy giữa lương, thu nhập và giá cả hiện nay đang quá chênh lệch nhau. Vì vậy, tôi mong Chính phủ làm sao có chính sách để lương ngày càng sát với giá như thế người lao động mới thực sự sống được bằng lương.
Chị Đào Thị Đông, Trưởng ban Nữ công, Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long (KCN Thăng Long):
Mong lao động nữ được chăm lo tốt hơn
Thời gian qua, Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long đã có nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Ví như, hằng năm, công ty đều tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, tổ chức 3 buổi truyền thông trong một năm về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng cho bà bầu… Đối với lao động nữ có thai được hưởng thêm các quyền lợi như: Được nghỉ thêm 10 phút/ngày nhưng vẫn được tính thêm vào giờ làm việc; được làm việc trong tư thế ngồi có ghế tựa lưng; có thai 13 tuần được bồi dưỡng thêm 01 hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml/ngày; ngày làm thêm 3 giờ trở lên được thêm 01 hộp sữa; có thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được đi làm giờ hành chính…
Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 và Tháng công nhân, mong rằng các cấp Công đoàn sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan tổ chức các buổi thăm khám miễn phí cho lao động nữ về ung thư vú, ung thư cổ tử cung để họ phòng tránh được các bệnh phụ nữ. Cạnh đó, người lao động của công ty chủ yếu là lao động ở các tỉnh về Hà Nội để sinh sống và làm việc nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Hàng tháng họ phải chi trả rất nhiều khoản như tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền cho con ăn học… trong khi đó mức lương trung bình chỉ khoảng 7 triệu/tháng, phải chắt bóp chi tiêu thì người lao động mới đủ sống. Vì vậy, tôi mong rằng, công ty sẽ có chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà và phí gửi trẻ để giảm bớt gánh nặng cho người lao động, đồng thời, giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty.
Anh Nguyễn Văn Định, công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật chính xác Ngọc Đức (quận Hà Đông):
Chú trọng hơn việc nâng cao tay nghề
Tôi được biết, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, dần dần máy móc sẽ thay thế con người. Đặc biệt, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm nhưng cũng đan xen không ít thách thức đòi hỏi người lao động cần liên tục nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Khi đó, muốn đảm bảo được công việc, người lao động phải không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, làm chủ máy móc.
Nhưng trên thực tế, không phải người lao động nào cũng có điều kiện và cơ hội để học tập, nâng cao tay nghề bởi đa phần thời gian họ đều dành cho công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 và Tháng công nhân, tôi mong muốn tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động phối hợp để có giải pháp hỗ trợ, đào tạo để nâng cao tay nghề cho người lao động. Đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào lao động sản xuất và làm chủ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Bá Tú, Công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Cường (huyện Chương Mỹ):
Công đoàn cần tạo nhiều sân chơi cho người lao động
Làm việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Cường đến nay đã hơn 2 năm, tôi luôn được công ty quan tâm, đảm bảo mọi quyền lợi theo đúng Luật Lao động, các chế độ phúc lợi của công ty dành cho người lao động cũng rất tốt. Công ty có hỗ trợ nhà ở cho người lao động và thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện cũng như hoạt động thể thao, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Mới đây, công ty cũng đã thành lập tổ chức Công đoàn. Đây là tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ huyện Chương Mỹ.
Qua tìm hiểu, tôi được biết tham gia tổ chức Công đoàn, người lao động sẽ được chăm lo và đảm bảo quyền lợi tốt hơn. Vì vậy, tôi mong rằng, các cấp Công đoàn sẽ tổ chức nhiều sân chơi cho người lao động, đặc biệt là các sân chơi thể thao để chúng tôi được tham gia. Qua đó, có điều kiện rèn luyện sức khỏe, có cơ hội giao lưu, học hỏi và cải thiện đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, tôi cũng mong Công đoàn luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời kiến nghị, đề xuất ban lãnh đạo công ty giải quyết. Đồng thời, tham gia thương lượng với ban lãnh đạo công ty để ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động.
Anh Đoàn Văn Khang, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (KCN Thăng Long):
Tiếp tục có chính sách đột phá về nhà ở
Với hơn 2.600 người lao động đang làm việc, Ban Chấp hành Công đoàn đã thường xuyên phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động. Ví như hàng năm, công ty đều tổ chức các hoạt động văn nghệ nhân các ngày lễ, giải bóng đá nam, nữ của công ty và tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động thể thao do KCN Thăng Long và Công đoàn cấp trên tổ chức; triển khai chương trình bán các mặt hàng của công ty như tivi, tủ lạnh cho người lao động với giá ưu đãi từ 10 – 30%; tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền để nâng cao kiến thức cho người lao động về pháp luật, y tế, an toàn vệ sinh lao động và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…
Đặc biệt, công ty còn có chế độ hỗ trợ cho người lao động ở trong khu nhà ở công nhân (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), tuy nhiên, chế độ này mới chỉ dành cho lao động nữ còn độc thân. Đến khi người lao động lập gia đình thì sẽ không được hỗ trợ nữa. Vậy nên, tôi mong rằng công ty và thành phố Hà Nội có chủ trương, chế độ hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người lao động để họ được thụ hưởng những tiện ích thiết thực và hơn hết là được ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn công ty có chế độ cho lao động có thâm niên để họ gắn bó lâu dài với công ty và cũng giúp công ty giảm được thời gian, chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động mới.
Chị Phạm Thị Chuyền, công nhân Công ty Sume Hanel (KCN Sài Đồng):
Các cấp cần quan tâm đến phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người sẽ đều có chung một mong ước đó là sức khỏe luôn dồi dào, bởi sức khỏe là vốn quý nhất của người lao động, đặc biệt là đối với những công nhân đi làm ở công ty, thường xuyên làm ca, kíp như chúng tôi. Tuy nhiên, để có sức khỏe mỗi người phải biết cách chăm sóc cho bản thân về cả chế độ luyện tập, ăn uống, tinh thần…
Tôi rất vui khi thời gian qua đã được tham gia nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về các kiến thức chăm sóc sức khỏe do các cấp Công đoàn tổ chức. Đặc biệt, chúng tôi còn được tham gia buổi thăm khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí vào dịp Tháng công nhân. Nhờ vậy, tôi thường xuyên nắm được tình hình sức khỏe của mình, biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, qua đó, đảm bảo sức khỏe để lao động sản xuất.
Nhân ngày Quốc tế lao động và Tháng công nhân, tôi mong muốn, doanh nghiệp và các cấp Công đoàn tiếp tục có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để chăm lo sức khỏe cho người lao động. Nhất là tổ chức nhiều buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình… cho người lao động để không chỉ riêng tôi mà đông đảo nữ công nhân lao động khác được tiếp cận với những kiến thức thiết thực về chăm sóc sức khỏe.
Mai Quý (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Cụm thi đua số 1 thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Hoạt động 20/11/2024 18:50