Phụ nữ làng nghề khởi nghiệp: Khơi nguồn vươn ra biển lớn
Cầu nối cho startup thế giới đến với Việt Nam | |
Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019: Kết nối cộng đồng khởi nghiệp |
Gìn giữ mạch sống của các làng nghề
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Lê Thị Thiên Hương, Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị thường trong và ngoài nước. Lực lượng lao động tại các làng nghề cũng có tới 65% là lao động nữ, trong đó tập trung chủ yếu ở các làng nghề mây tre đan, nghề nón, may mặc, dệt và thêu ren, lụa, chế biến nông sản thực phẩm…Trong số đó không ít những người phụ nữ đã tìm ra những hướng đi, cách làm mới để gìn giữ, đưa làng nghề của làng phát triển với tầm cao mới.
Điển hình trong số đó là sự đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ ở làng nghề sản xuất nón lá xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Để gìn giữ nghề truyền thống, những năm gần đây, phụ nữ trong làng vẫn ngày ngày cặm cụi, chăm chỉ làm ra những chiếc nón lá chất lượng, các cơ sở sản xuất nón lá ở xã đã tìm ra hướng đi mới, phát triển nghề của làng. Bên cạnh việc sản xuất nón lá phục vụ thị trường trong nước, họ còn tập trung vào sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu kết hợp với khai thác du lịch trải nghiệm thu hút khách quốc tế đến tham quan. Người dân đã nhanh chóng chuyển đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu và bộ phận gom hàng giải quyết đầu ra.
Cơ sở sản xuất nón lá của gia đình bà Tạ Thu Hương không ngừng đổi mới, đa dạng sản phẩm, mẫu mã |
Nối nghiệp nghề thu gom nón Mậu Dịch cho Hợp tác xã từ mẹ, đến nay bà Tạ Thu Hương đã là chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh nón lá có tiếng khắp vùng. Khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống của gia đình, bà tâm niệm phải không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, trong gần chục năm qua, bà Hương đã liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng và chỉ dẫn khách trải nghiệm quy trình làm nón.
“Để gìn giữ nghề truyền thống mà mẹ tôi để lại cho gia đình, lớn lên tôi tìm hiểu cách tiếp cận với thị trường để quảng bá cho nhiều du khách và các công ty xuất nhập khẩu biết đến nón lá của làng, sau đó chúng tôi thay đổi trong cách sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú hơn. Gia đình tôi thường xuyên tham gia các hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm cho nghề và liên kết với các tour du lịch lữ hành đón các khách trong và ngoài nước về tại xưởng của gia đình để thăm quan, trải nghiệm nghề. Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, quảng bá được nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm nghề đơn thuần”, bà Hương cho hay.
Cùng ý tưởng nâng tầm cho nghề truyền thống của làng, nghệ nhân Phan Thị Thuận xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn đau đáu trong lòng về việc tìm hướng đi mới cho nghề dệt truyền thống của gia đình, quê hương. Với trăn trở đó bà Thuận đã tìm ra phương pháp điều khiển tằm tự dệt chăn tơ khiến nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến và vô cùng ngưỡng mộ. Những chiếc khăn, áo lụa tơ tằm của bà đã được khách hàng nước ngoài chọn mua, sản phẩm tiêu thụ đến đâu hết đến đó, chủ yếu thông qua các đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn đau đáu giữ nghề dệt truyền thống |
Bằng niềm đam mê với nghề dệt, bà Thuận không đành lòng dừng lại khi chỉ đơn thuần là tìm kiếm một “lực lượng lao động”, với ước mong nâng hàng Việt Nam lên một đỉnh cao mới bà vẫn trăn trở, suy nghĩ tìm thêm hướng đi riêng bằng cách dệt lụa từ tơ sen. Năm đầu thử nghiệm, cơ sở của bà sản xuất được 10 chiếc khăn lụa tơ sen với giá khoảng bốn đến năm triệu đồng/chiếc.
Qua quá trình thử nghiệm, bà mong muốn sẽ truyền lại những kỹ thuật dệt tơ sen cho mọi người để sản xuất rộng rãi chứ không chỉ dừng ở khâu thử nghiệm. Ngoài ra, bà kỳ vọng việc sản xuất sợi sen sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho những lao động nhàn rỗi trong làng. Đặc biệt, lụa từ tơ sen của bà Thuận là một trong 10 sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội biểu dương năm 2018.
Đa dạng các hình thức hỗ trợ
Để có được những kết quả tích cực đó, bản thân bà Hương, bà Thuận hay những người phụ nữ ở các làng nghề, họ đã phải trải qua nhiều khó khăn. Bởi theo đánh giá của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Các làng nghề vẫn thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của làng nghề thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định.
Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông cũng không đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, ít quan tâm tới tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh nên chưa gây được ấn tượng và thu hút du khách quay trở lại. Đây chính là rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung và công tác phát triển, bảo tồn làng nghề, di tích văn hoá gắn với du lịch nói riêng.
Trước những khó khăn đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp của Thủ đô đều tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển địa phương. Các hình thức truyền thông đến nhóm đối tượng phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp được đa dạng hóa. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không mang tính phong trào mà tập trung nâng cao hiệu quả giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương và Thủ đô.
Trên thực tế, nhiều mô hình tập hợp, hỗ trợ, động viên hội viên đã phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như tại huyện Phú Xuyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã khảo sát nhu cầu thực tế của chị em tại làng nghề truyền thống sản xuất giày dép da và thành lập “Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giày dép da”, nơi kết nối giúp các thành viên tiếp cận, trao đổi kiến thức, kỹ năng, áp dụng công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Còn tại huyện Mỹ Ðức, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hương Sơn đã hỗ trợ nhiều gia đình vay vốn để chế biến nông sản địa phương thành những mặt hàng có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín đã thành lập Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ trên địa bàn huyện hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ và người lao động, hình thành chuỗi kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế…
Chia sẻ về sự hỗ trợ của các cấp hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín Nguyễn Thị Kiều Chinh cho biết, Thường Tín có 48 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó, nghề mây tre đan, thêu, làm bông len, lược sừng là những nghề thu hút lực lượng lao động nữ rất lớn. Các cấp Hội cũng luôn quan tâm đến công tác hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho hội viên bằng nhiều hình thức như sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan mô hình, tuyên truyền bảo vệ môi trường làng nghề, tổ chức các lớp nâng cao tay nghề, tập huấn kiến thức... Đặc biệt, Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp của huyện hoạt động rất hiệu quả, là nơi các nữ chủ doanh nghiệp giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề.
Nguyễn Hoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Nhịp sống Thủ đô 02/11/2024 23:19
Hội khoẻ Hội Nhà báo thành phố Hà Nội mở rộng năm 2024 đã thành công tốt đẹp
Nhịp sống Thủ đô 02/11/2024 17:25
Thanh Trì triển khai công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ
Nhịp sống Thủ đô 02/11/2024 12:17
Hà Nội: Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhịp sống Thủ đô 02/11/2024 06:20
Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Tây Hồ đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác
Thủ đô 01/11/2024 21:41
Huyện Sóc Sơn hoàn thành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp
Nhịp sống Thủ đô 01/11/2024 18:13
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô 2024 trên báo chí, mạng xã hội
Nhịp sống Thủ đô 01/11/2024 17:41
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 31/10/2024 19:33
Nhiều hoạt động sáng tạo sôi nổi tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024
Thủ đô 31/10/2024 17:15
Công an huyện Phú Xuyên đảm bảo an ninh chính trị địa phương
Nhịp sống Thủ đô 31/10/2024 13:51